Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Tục "trả đầu" và lễ cúng Truông

Cách trung tâm huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam khoảng 10 cây số về phía tây, sát vách động Hà Sống - một địa danh đã đi vào lịch sử, gắn với vùng Chín, xã Sông Con từng là căn cứ của Nghĩa hội Quảng Nam thời Cần vương - có một dải đất liên cư liên địa nằm dọc theo triền sông Vu Gia thơ mộng. Nơi đây từng có tục “trả đầu” và lễ cúng Truông nổi tiếng khắp vùng.
Đó là các làng Hà Nha, Phụng Trì (tên cũ của làng Lam Phụng), Bàn Tân, Lộc Phước, An Định dưới chân dãy núi xanh nhấp nhô huyền bí. Xưa đây từng là miền trù phú, phồn hoa đô hội, là trung tâm buôn bán giao thương của khách thương hồ xuôi ngược. Trên đỉnh núi Lộc Phước - An Định hiện còn vết tích nhiều nền nhà, cột gỗ, mảnh vỡ của chum, ché,… được cho là nơi ở cũ của hai làng tộc người Cơtu từ hơn một thế kỷ trước. Ông Nguyễn Sáu, cư dân làng Lam Phụng cho biết, sinh thời cha ông đã từng kể cho ông nghe một câu chuyện khá thú vị, rằng:
Hai làng tộc người Cơtu này sống biệt lập trên núi cao, không tiếp xúc với người dưới đồng bằng. Từ chỗ không giao tiếp qua lại, nên việc hằng năm thường xảy ra những cuộc xung đột Kinh - Thượng là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân từ chuyện người Cơtu có tục “trả đầu”. Hằng năm, khi bắt đầu mùa rẫy, họ thường tập hợp dân làng thành từng nhóm hai, ba người, mang theo những cây dụ (một loại dao nhọn, có cán bằng gỗ), rồi bí mật len lỏi xuống vùng núi giáp ranh các làng An Định, Phước Lộc, mai phục ở những nơi hiểm trở, vắng vẻ. Bất cứ người Kinh nào đi ngang qua cũng đều bị họ đâm vào người. Hành sự xong, họ mang mũi dụ có máu của người chết, băng rừng vượt suối chạy về làng làm lễ cúng tế trời đất (cúng Giàng), và tin rằng năm đó nương rẫy của mình sẽ được mùa.
Tình thế nguy hiểm này bắt buộc cư dân các làng ven núi An Định, Hà Nha, Lam Phụng… phải thường xuyên rèn luyện võ nghệ phòng thân. Năm ấy, làng Hà Nha có người tên Võ Thạch, còn gọi là ông Thừa Tô, sức vóc hơn người lại giỏi võ. Một tay ông đã đánh lui nhiều nhóm “trả đầu” của hai làng người Cơtu. Cũng chính ông, với tài trí và sự can đảm của mình, đã cảm hóa được họ. Ông chủ động đứng ra tổ chức để tộc người Cơtu và dân các làng An Định, Phước Lộc gặp nhau, dàn xếp mối bất hòa. Từ đó, hằng năm vào lễ hội cúng Truông mồng 7 tháng Giêng, Kinh - Thượng lại gặp nhau như anh em một nhà, cùng uống chung ché rượu cần, cùng qua lại để trao đổi, mua bán hàng hóa. Cuộc sống êm ấm, thuận hòa kéo dài năm này tháng nọ, cho đến khi vì điều kiện địa lý, thổ nhưỡng và do theo tục du canh du cư, hai làng Cơtu dời đi nơi khác. Còn ông Võ Thạch thì sau này trở thành người bạn thân thiết, người đồng chí tín cẩn của chí sĩ Trần Cao Vân, những ngày Trần Cao Vân mặc áo nhà chùa, ẩn náu nơi Cổ Lâm tự, viết Trung Thiên Dịch, cùng đồng chí mưu sự cứu nước cứu nhà. Ông Võ Thạch đã gã em gái là bà Võ Thị Quyên cho người bạn chiến đấu của mình. Sau đó, với tài võ nghệ, ông trở thành trợ thủ đắc lực cho Trần Cao Vân trên con đường mưu cầu việc lớn.
Lễ cúng Truông diễn ra nhộn nhịp đông vui. Dưới sông thuyền bè tấp nập. Trên bờ, trong các ngôi đình của năm làng, trong miếu Ngũ Hành thờ Bà Chúa Ngọc bên cạnh Suối Mơ nghi ngút khói hương, chen chân những người dân tứ xứ đến đây lễ bái, cầu lộc, cầu tài. Nghi thức tế lễ cũng khá độc đáo: Ngoài việc giết trâu bò, mổ heo làm vật hiến tế, trước đó, người ta còn chuẩn bị một loại nghi phẩm bằng những con chồn hương, chồn vòi, hoặc gà rừng còn sống và không bị thương tật. Chúng được nhốt vào trong những chiếc cũi, chiếc lồng sơn phết thật đẹp để làm lễ vật cúng tế Thần rừng.
Cuộc tế lễ diễn ra trang trọng, thành kính. Các hương chức trong các làng, áo dài, khăn xếp trịnh trọng. Dân làng đàn ông, trai tráng đều ăn bận chỉnh tề, có mặt ngay từ sáng sớm để phục vụ lễ hội và bái vọng thần thánh. Chiêng trống vang trời, khói hương nghi ngút, dàn nhạc bát âm cùng tiếng tế lễ vang vọng một vùng núi non. Sau khi lễ tất, những linh vật tế thần được thả ra cho chúng trở về với thiên nhiên trong tiếng reo hò phấn chấn của dân làng. Sau phần lễ, mọi người lũ lượt kéo về làng mình tiếp tục tham gia hội hè, vui chơi. Suốt ba ngày, cả vùng Hà Nha, An Định, Lộc Phước, Lam Phụng tràn ngập trong không khí náo nhiệt, tưng bừng, khách thập phương vào ra tấp nập.
Tục “trả đầu” từ lâu đã không còn, nhưng lễ cúng Truông của các làng nơi chân núi An Định vẫn được tổ chức hằng năm. Người dân tứ xứ về dự lễ, mỗi lần nghe kể chuyện xưa lại mường tượng đến cảnh Kinh - Thượng chan hòa tình anh em trong ché rượu cần và trao đổi nhau những hàng hóa đặc sản của dân tộc mình.
NGUYỄN HẢI TRIỀU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét