Có một nghĩa trủng đã trên 150 năm tuổi, nằm ở giữa làng Nam Ô trên địa phận tổ 102 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, dân làng gọi là Nghĩa trủng Hóa Ổ (Hóa Ổ là tên gọi của làng Nam Ô thời ấy).
Một góc Nghĩa trủng Hóa Ổ. Ảnh: Đ.D |
Theo các cụ cao niên kể lại, năm Mậu Ngọ (1858), khi liên quân Pháp – Y-pha-nho đem binh thuyền tấn công vào cửa biển Đà Nẵng, ở phía chân đèo Hải Vân, súng thần công của quân ta nổ ầm ầm ngày đêm trên pháo đài Phòng hải ngoài Hòn Hành, nhà trạm Nam Chơn, đồn Chơn Sảng ngoài Sứng (thôn Hòa Vân bây giờ). Nhưng rồi cũng không ngăn được bước tiến của quân giặc, chúng đổ bộ chiếm nhà trạm, đồn trại, đốt phá làng mạc, bắt dân xuống tàu phục dịch, ngăn chặn đường quan báo giữa quân thứ Đà Nẵng với kinh đô Huế hòng làm chậm lại mọi tin tức chiến trận và cứu binh của triều đình.
Bấy giờ, nhà trạm Nam Ô nằm ở bờ tây vũng Trà Sơn, bên đường thiên lý. Phòng thủ mặt biển có đồn Hóa Ổ, tấn biển Cu Đê ở bờ nam cửa sông Cu Đê, được quân triều chú ý tăng cường phòng thủ để giữ cho con đường quan báo về kinh đô và ngược lại luôn thông suốt. Vì thế, quân địch không thể để yên các cứ điểm này, hết tấn công bằng đạn pháo, chúng lại dồn dập tấn công đổ bộ bằng xuồng nhỏ. Cuộc chiến đấu phòng ngự của quân dân ta đã diễn ra quyết liệt với sự quả cảm, gan dạ và đầy mưu mẹo. Lợi dụng địa hình quen thuộc, dựa vào cây cối của rừng gành Hóa Ổ phía đông, len lỏi luồn lách trong rừng bần giá ngập mặn phía tây, dân binh đã có cách đánh của riêng mình, hỗ trợ hiệu quả cho quân triều, lính trạm các đồn, đẩy lui nhiều cuộc tấn công của quân địch, thậm chí còn truy đuổi chúng tháo chạy ra biển khi súng không còn đủ đạn để bắn giết.
Trong cuộc chiến đấu này có một gương dũng cảm còn truyền. Đó là ông Cai Cải người họ Hồ trong làng, có sức khỏe hơn người và tài bơi lặn cự phách, làm dân binh đồn Hóa Ổ. Có một trận, sau khi tấn công không thành, quân địch xuống thuyền tháo chạy ra biển. Một tên lính Tây sục sâu vào làng không kịp lên thuyền cùng đồng bọn. Bị dân làng truy đuổi đến sát mép nước, hắn hoảng hốt bắn hú họa mấy phát rồi nhảy ùm xuống biển lội ra xa mong đồng bọn quay lại cứu. Ông Cai Cải ngồi trên chòi cao nhìn thấy, liền băng mình xuống biển đuổi theo. Với tài bơi lội vốn có, chẳng mấy chốc ông đã đuổi kịp tên lính Tây cách bờ đến 200 mét. Trên bờ dân làng chèo thuyền theo tiếp ứng, ra đến nơi thì ông Cải đã cắn trái khế (cổ họng) dìm chết tên lính Tây sau một hồi vật lộn giữa biển sâu. Sau chiến công này quan triều phong cho ông chức Cai, từ đó người ta gọi ông là Cai Cải.
Sau chiến trận, quân triều, lính trạm, dân binh, nạn dân chết nhiều. Ngoài một số thi thể được các tộc họ trong làng đem về tống táng, còn lại khoảng gần 500 tử sĩ người quê khác được vua sức cho dân làng tập trung an táng trên một cồn cát cao nằm cách phía bắc nhà trạm Nam Ô chừng 6 - 7 chục mét, dân làng gọi là nghĩa trủng Hóa Ổ.
Nghĩa trủng được dân làng rất mực tôn kính, hằng năm vào rằm tháng Giêng có tục dẫy mả chiến sĩ, âm linh. Anh linh của các chiến sĩ được dân làng cung thỉnh về thờ trong dinh Chiến sĩ, dân làng quen gọi là dinh Cô hồn, sát mé biển Nam Ô, có đài thờ trang trọng khắc 4 chữ Hán lớn khảm xà cừ Sa trường điếu cổ. Hằng năm, khí phách anh hùng được nhắc lại trong văn tế đầu xuân: “Thanh linh hách trược, lịch kim cổ dĩ trường tồn/ Công liệt bỉnh phi, đối sơn hà nhi bất cải” (Tiếng tăm hiển hách, lịch sử xưa nay cứ mãi ghi/ Công trạng oanh liệt, cùng núi sông chẳng đổi). Người đời sau cảm thấy hả dạ vì những lời tán tụng trong chúc văn: “Giai vi tứ hải anh hùng, hoặc trung quân hề ái quốc/ Tận thị cửu châu hào kiệt, hoặc ngự địch hề phòng biên” (Anh hùng bốn biển chỉ một việc, trung với vua chừ yêu nước/ Hào kiệt chín châu thấu hết, phải chống giặc chừ phòng biên). Đôi lúc trang trải như niềm mặc khải hư huyền đầy chất vỗ về an ủi: “Khả lân mạng đoản tài trường, như khốc như tố như oán như nộ/ Hà xứ thiên trương địa cửu, nhi ca nhi vũ, nhi tiếu nhi ngôn” (Trách chi tài cao mệnh ngắn, để khóc để than để oán để hờn/ Đâu cũng trời cao đất dày, mà hát mà múa mà cười mà nói).
Năm Canh Ngọ (1930) có ông chủ mành họ Trần (có người nói là cụ Chánh Kiên), trước khi vào đánh cá ở biển Phan Thiết đã đến dinh Cô hồn cầu được bình yên trên đường vượt ngàn trùng sóng gió. Sau nhiều tháng bội thu ở Phan Thiết, quay về thì gặp gió to sóng dữ, ông lạy cầu cô bác, chiến sĩ trận vong phù trì cho mình được tai qua nạn khỏi. Điều mong cầu được ứng nghiệm, về đến làng ông liền lập lễ bái tạ và xuất tiền xin phép làng cho xây miếu thờ nghĩa trủng để tạ ơn. Nghĩa trủng có miếu thờ từ ấy và tồn tại cho đến nay.
Ngày khánh thành miếu, ông nhờ ông Phó Phương, người hay chữ trong làng, soạn bài văn tế tỏ lòng thành kính của người hiến cúng, trong đó có đoạn: “Tấm đơn tâm như thấu cửu tuyền, Đuốc tuệ chúc xin soi lòng tục/ Đã biết anh hùng vô định cốt, khắp đôi nơi đất Việt trời Nam/ Cho hay đồng loại Việt thương tâm, Thảm cho kẻ mồ hoang trủng loạn/ Ngày nay đã an phần định táng, một trời riêng cát trắng bụi hồng/ Nấm kia đà trúc thổ thành phần, ngàn năm vững đài xuân cõi thọ”.
Năm 2007, bà con Nam Ô trong làng và sinh sống khắp nơi hiến cúng tiền của trùng tu lại miếu Nghĩa trủng, cải táng, sắp xếp lại tất cả các mộ phần chiến sĩ ngay hàng thẳng lối, mộ được đúc bê-tông vững chắc, sơn phết sạch sẽ khang trang. Được người đời nay để tâm, hẳn anh hồn những tử sĩ nằm dưới lòng đất cũng đỡ phần cô quạnh.
ĐẶNG DÙNG
;
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét