Mỹ Xuyên (nay thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là làng được sắc phong sớm nhất dưới Triều Nguyễn. Đình làng hiện lưu giữ 32 sắc phong từ thời Minh Mạng đến thời Khải Định.
Lễ khánh thành công trình nâng cấp nền gốc đa làng Mỹ Xuyên. Ảnh: LÊ VẤN |
Làng Mỹ Xuyên xây dựng từ những năm 1390 và được ngài Tiền hiền Lê Quý Công đặt tên làng từ năm 1440. Ngài là chánh Đề đốc cầm quân đi bình Chiêm mở cõi về phương Nam, do có công lớn ngài được phong tước Hùng Long hầu dưới thời vua Lê Thánh Tông.
Làng Mỹ Xuyên ngày đó rộng 1.700 mẫu ta (tương đương 850ha) nằm ở bờ nam sông Thu Bồn, toàn bộ là đất công điền. Người dân đến tuổi được cấp đất làm ăn và không có nạn bao chiếm như làng khác. Ngoài thôn xóm liền kề đông đúc với những ruộng lúa rộng lớn còn có nhiều bãi dâu ven sông như bãi dâu Đông Khương (nằm sát bên Dinh trấn Thanh Chiêm, Điện Bàn), bãi dâu Đền Đài (gần Cầu Đen cũ, đường qua vùng Gò Nổi), bãi dâu Chơn Tâm (phía Cầu Chìm). Vì vậy nên làng Mỹ Xuyên sớm có nghề dâu tằm phát triển và hình thành cơ cấu nông - công nghiệp.
Năm 1836 Minh Mạng cho đào sông Vĩnh Điện để phân lũ từ sông Thu Bồn qua sông Cổ Cò (tên chữ là Lộ Cảnh giang) ra sông Hàn thì cùng thời gian đó ông cho đào một con sông chạy qua giữa làng Mỹ Xuyên ở đoạn Bến Giá – Gò Chiêm, chạy xuống chợ Chùa ra Bầu Vân và gặp lại sông Thu Bồn ở vùng đất ngày nay là xã Duy Phước. Ngoài việc phân lũ sông Thu Bồn, sông đào này còn có nhiệm vụ quốc phòng là khi tàu chiến của Pháp phong tỏa sông lớn thì qua các con sông đào này dân binh từ miền ngược có thể tiếp ứng kịp thời cho miền xuôi. Từ lúc có con sông đào chạy qua giữa làng thì phía dưới gọi là Mỹ Xuyên Đông, phía trên gọi là Mỹ Xuyên Tây cho đến ngày nay.
Từ khi có con sông đào sâu và rộng hơn 100m chạy qua giữa làng Mỹ Xuyên hình thành cảnh trên bến dưới thuyền đông vui tấp nập, ghe bầu chạy buồm lớn trong Nam ngoài Bắc đều ghé vào mua sản vật tơ lụa đường gạo, một cơ cấu kinh tế nông - công - thương nghiệp hình thành rất sớm trên đất Thăng Hoa mà Lê Quý Đôn đã viết trong Phủ Biên Tạp Lục: “Người phủ Thăng, phủ Điện dệt được các loại the, đoạn, lụa, là hoa hòe chẳng kém gì Quảng Đông”.
Về địa danh Bến Giá, tương truyền đó là nơi chúa Nguyễn Phúc Lan cho dừng thuyền rồng để sai lính đi tìm cô gái hái dâu họ Đoàn đã hát câu “Tai nghe chúa ngự thuyền rồng/ Thiếp thương phận thiếp má hồng hái dâu/ Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu/ Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình” và đưa về cung, sau này bà là Hiếu Chiêu Hoàng hậu.
Nằm ở vị trí gần như giữa làng là lăng mộ tiền hiền Lê Quý Công, cách đó hơn 100 mét về hướng Tây là đình làng được trùng tu từ năm 1994 trên nền đình cũ. Cả lăng mộ và đình làng đều đã được xếp hạng là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.
Cách đình làng khoảng 100m là cây đa. Nguyên cây đa cổ thụ ngày trước được trồng từ năm 1836 khi vua Minh Mạng cho đào sông, từ đó hình thành nên cảnh quan cây đa - bến nước - sân đình theo đúng mô-típ làng quê Việt Nam. Qua thời kháng Pháp cây đa này vẫn tồn tại và phát triển xanh tốt, tán lá che kín cả một vùng rộng lớn đến hơn mẫu đất. Sau năm 1954 hầu hết các trò chơi xuân như bài chòi, bài ghế, lô tô, xổ tam hường, bịt mắt đập nồi đất… đều diễn ra ở đây. Gốc đa chằng chịt rễ lớn bao quanh nên có nhiều chim sáo đến ở. Năm 1965, chiến sĩ du kích đã nấp trong các hang hờm trên thân cây, ném lựu đạn xuống tiêu diệt hai trung đội Bảo an. 3 năm sau, địch đã đem xăng bột tới chất quanh gốc đa và châm lửa đốt bảy ngày đêm, và chúng dùng DKZ từ đồn Đại Hàn (gọi là đồn Thám) bắn thẳng vào làm đa cháy tận gốc.
Năm 1974, tình hình chiến sự trở nên yên ắng. Lúc này ông Nguyễn Văn Hạt ở Đà Nẵng đã đem về một cây đa nhổ từ một ngôi miếu ở đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn, Đà Nẵng). Chính ông Nguyễn Quang Hành (Mười Ngữ) và ông Ninh Tặng đã lấy xà beng xoi đất chỗ gốc đa bị cháy để trồng cây đa mới. Cây đa mới ngày một phát triển. Sau ngày thống nhất đất nước, thanh niên trong làng mỗi khi tổ chức văn nghệ trên nền cây đa cũ thường lấy dây buộc các nhánh đa lại để có chỗ làm sân khấu. Chợ Đình gần đó cũng ngày một trù phú hơn.
Khi giá trị thực của các di tích trong làng đã được công nhận và trả về đúng vị trí của chúng, người dân Mỹ Xuyên sinh sống trên mọi miền đất nước đã góp sức xây dựng lại mộ Tiền hiền, Đình làng. Riêng thanh niên hai thôn Xuyên Đông 1 và Xuyên Đông 2 đã đứng ra vận động bà con xa gần được trên 100 triệu đồng để tu bổ lại nền gốc đa bằng cách tôn cao hơn mức lũ lụt hằng năm và lát đá granit rộng rãi, chung quanh có ghế đá cho người ngồi nghỉ mát.
Cây đa làng Mỹ Xuyên đã là di tích lịch sử trong lòng dân, trong tương lai gần rồi cũng sẽ được công nhận là “Cây di sản” với bề dày thời gian từ năm 1836 đến năm 1968 và từ năm 1974 đến nay. Người dân Mỹ Xuyên mong ước như thế, bởi bà con nơi đây vẫn còn nhắc: “Đi đâu cũng nhớ quê nhà/ Nhớ sông Bến Giá, nhớ đa chợ Đình”.
Nguyễn Quang Cân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét