Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Đi “phượt” Hòn Heo

Huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang có 2 nơi có địa danh Hòn Heo, là Hòn Heo “bờ” và Hòn Heo “đảo”. Hòn Heo “đảo” (gọi Hòn Heo) cách bờ (thị trấn Ba Hòn, huyện Kiên Lương) hơn 5 hải lý. 
Biết từ Ba Hòn ra Hòn Heo có chuyến tàu chạy lúc 10 giờ 30, từ trung tâm quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), chúng tôi khởi hành lúc 6 giờ. Ăn sáng, cà phê dọc đường, đi ngả Lộ tẻ Tri Tôn (An Giang) qua cầu Tám Ngàn (Kiên Lương, Kiên Giang), rút ngắn vài chục cây số, vậy mà 10 giờ 50 ba chiếc xe gắn máy của chúng tôi mới tới bến tàu Ba Hòn. Tưởng trễ, may quá, 11 giờ tàu mới chạy.

Xóm Đầu Trên nhìn từ Miếu Bà. 
Đó là chiếc tàu gỗ có sức chứa khoảng 50 hành khách cùng nhiều hàng hóa, chủ yếu rau cải, hàng tiêu dùng thiết yếu. Ra khỏi cửa Ba Hòn, mặt biển xanh một màu ngọc bích, gờn gợn sóng. Nhấp nhô xung quanh là những núi và hòn. Đuổi theo tàu là những cánh nhạn trắng chao lượn, phóng ào xuống mặt sóng sau tàu rồi vút lên có lẽ trong mỏ có một con cá đang giẫy chết. Chưa đầy nửa giờ sau khởi hành, đã thấy trước mặt Hòn Heo xanh đậm nổi giữa biển nước xanh lam.

Phụ nữ Hòn Heo đa số đều luồn lưới kiếm thêm thu nhập. 
Hòn Heo là ấp trung tâm của xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương, rộng khoảng 150ha, chu vi chừng 7km2, với khoảng 2.100 nhân khẩu, phần lớn sống tập trung tại xã - là thung lũng giữa hai ngọn núi của ấp. Ấp có 2 xóm: xóm Đầu Trên và xóm Đầu Dưới. Xóm Đầu Trên có bến tàu là nơi có nhiều đường ngang ngõ tắt nhỏ hẹp, nhà cửa sầm uất với nhiều hàng quán, có một nhà trọ duy nhất - là nơi chúng tôi chọn làm chỗ dừng chân trong thời gian đi “phượt” xã đảo này. Nhà trọ có 8 phòng, 100.000 đồng/phòng quạt với một tấm nệm. Khách đến đây ai cũng đặt cơm trưa và chiều với chủ nhà trọ. Đường từ nhà trọ đến nơi ăn băng qua khoảng sân rộng, qua một số nhà nằm ven bờ xóm Đầu Dưới, nơi có những phụ nữ ngồi dưới hiên nhà hoặc trong bóng cây xanh mát, say sưa đan kết những tấm lưới đang dần định hình. Cô Phạm Thị Kim Duyên cho biết “luồn lưới” ăn công. Luồn lưới là “nghề” khá phổ biến ở cái “thung lũng” này, với giá 8.000 đồng/kg. Cô Phạm Thị Mộng Cầm thổ lộ chồng đi đánh cá, ở nhà luồn và cắt lưới kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Họ chăm chỉ luồn lưới với bàn tay điêu luyện, như múa. Khung cảnh này gợi nét thanh bình, sung túc, in đậm tâm khảm bất cứ khách phương xa nào. Cuối mấy nhà luồn lưới là xóm Đầu Dưới. Xóm nhà không đông nhưng là nhà tường, khá khang trang. Từ đây nhìn ra biển thấy Ba Hòn Đầm, Hòn Ngang, Hòn Dơi... vẽ nên cảnh sơn thủy hữu tình của quần đảo Bà Lụa.

 Sơn Hải Tự tĩnh lặng trong bóng mát cây xanh.
Sát bờ biển, một nhóm thanh niên đang khề khà ly rượu đế trên cái chõng tre dưới bóng mát tàn cây tra. Mồi nhậu của họ là những con cá hanh vừa đánh bắt được. Họ cho biết mới đi đánh lưới bờ về. Lưới bờ là đánh lưới vùng ven bờ, khởi hành lúc 2-3 giờ khuya, 9-10 giờ thì về. Còn đánh lưới vời (xa bờ) thì nửa tháng hoặc 2–3 tháng/chuyến, đi xa tới biển Bạc Liêu, phía nam Phú Quốc (Kiên Giang), hòn Củ Tron (Phú Quốc) đánh các loại cá, ghẹ... Tiếng cười nói râm ran khiến khung cảnh im vắng của dãy nhà trở nên sinh động. Bữa cơm trưa của chúng tôi quá ngon miệng với cá hanh chiên xù và canh chua cá hanh. Cá hanh gỡ bỏ vảy nhám và cứng, gắp thịt trắng tươi chấm muối ớt chanh ăn đã đời miệng lưỡi. Càng ngon hơn khi chủ nhà “chiêu đãi” rau rừng ăn kèm, gồm đọt sộp, cóc và bứa. Vị chát, chua của đọt cây hoang dã quyến luyến khẩu cái. Chúng tôi no cứng bụng vì hương vị biển rừng lạ lẫm với người thị thành. Mỗi phần ăn 35.000 đồng.
Cơm no, chúng tôi thả bộ thăm ngôi chùa duy nhất trên đảo. Vì có ngôi chùa Sơn Hải Tự mà người ta còn gọi xóm này là xóm Chùa. Chùa cặp sườn núi, xây dựng từ năm 1985 bằng gạch ngói, trùng tu kiên cố vào năm 1993, hiện do Đại đức Thích Huệ Tánh trụ trì. Đường lên chùa là bậc cấp xi măng khá đẹp. Sân chùa không rộng nhưng thoáng đãng, mát mẻ trong bóng mát một số cây ăn trái và hoa kiểng. Biển xa xanh ngắt, gió lồng lộng thổi vào từng đợt, tiếng lá cây reo vang như bản nhạc không lời làm lòng lữ khách xuyến xao.
Xế chiều, từ nhà trọ, chúng tôi theo con đường xi măng đi xuyên qua hai dãy nhà đa số đều xây tường. Đập vào mắt chúng tôi là một bên đường có tấm bia chủ quyền đảo. Bia xi măng hình trụ vuông màu gan gà khắc tên các hòn và đảo thuộc quần đảo Bà Lụa, trong đó còn Hòn Heo, chữ mất chữ còn. Cuối con đường, cuối xóm nhà, theo con dốc bên trái là Miếu Bà. Bậc cấp xi măng dẫn lên miếu chừng năm chục thước. Đứng đây nhìn xóm Đầu Trên xinh đẹp nằm sát biển xanh ngút ngát với những chiếc tàu im lìm chờ chuyến khơi xa. Ông từ Cao Thanh Hồng cho biết miếu có trước năm 1954, tái thiết năm 1985. Trước miếu đúc hình chiếc tàu biển ghi dòng chữ Tàu Bà Nam Hải với tượng Bà và con rồng, cầu mong Bà cứu độ ngư dân ra khơi được an toàn, thu hoạch nhiều... Ngày vía Bà được tổ chức long trọng với heo quay, phục vụ văn nghệ, hát bội, có năm tổ chức múa bóng hết sức xôm tụ.
Sụp tối, sau bữa cơm, chúng tôi thư thả uống trà, nghe kể chuyện Hòn Heo. Xưa kia, Hòn Heo do ông Tư Hạc làm chủ đảo. Về sau, thời Pháp thuộc, bà Lụa là vợ ông Lăn (Blanc, một quan chức người Pháp) đến định cư. Bà Lụa xây dựng chuồng trại bằng gạch, đá xanh và ô dước nuôi heo, đưa vào đất liền bán. Chính vì vậy mà hòn đảo này có tên Hòn Heo. Và những đảo bao quanh Hòn Heo được người ta gọi là Bà Lụa.
Đêm, nằm trong phòng trọ. 23 giờ điện máy tắt. Đèn bình sáng. Quạt bình quay vù vù vẫn không ngăn được nóng bức. Chúng tôi ai cũng bảo mình hấp tấp mướn phòng để chịu cảnh ngộ “bi đát” như vầy. Vì, nếu có kinh nghiệm, lang thang dài xóm Đầu Trên sẽ được người dân thân tình mời ăn nghỉ tại nhà. Khi đó, nếu muốn thưởng thức hải sản rất tươi thì chủ nhà ai cũng sẵn sàng đáp ứng. Nào ghẹ, nào ốc nhảy, cá bóp, cá mú, cá hanh... Mặc sức thỏa thuê cái dạ dầy của bất cứ ai. Còn ở Miếu Bà cơm canh đạm bạc nhưng ấm tình của người đất đảo. Ngủ trong làn gió biển mát lành không khách sạn có sao nào sánh bằng Miếu Bà. Đánh một giấc sảng khoái, sáng hôm sau mướn ghe cá vượt khoảng 5 hải lý sang Ba Hòn Đầm “lội biển”, tham quan cảnh đẹp cũng là điều nhiều du khách trước đây đã từng. Sau đó quay lại Hòn Heo, lên tàu gỗ hoặc tàu cao tốc (có nhiều chuyến) về đất liền một cách thoải mái.
Bài, ảnh: PHÙ SA LỘC

Để có một chuyến “phượt” thành công
Để một chuyến du lịch “bụi” đạt yêu cầu, nên có những bước chuẩn bị chu đáo. Đầu tiên là chiếc xe gắn máy phải được thay dầu nhớt, bơm bánh, căng sên, xem xét lại các loại đèn xe để tránh tình trạng “nằm đường”, ảnh hưởng đến giờ giấc cuộc hành trình.
Đồ cá nhân đem theo phải được tính toán thật chi li sao cho gọn nhẹ. Cho tất cả vào ba lô thật khoa học, gọn gàng, dễ lấy. Để quần áo không bị nhăn khi cho vào ba lô, nên cuốn tròn lại, đặt phần cuối ba lô. Hai bên hông ba lô là nơi nhét các vật dụng nhỏ, gọn, không sợ nhăn nhúm. Ba lô để nơi sườn xe. Nếu để phần yên sau thì phải buộc thật chặt, đề phòng rơi rớt dọc đường.
Phải theo dõi báo đài về tình hình thời tiết, nhất là khi đi tàu ra các đảo. Nếu gặp bão thì hủy chuyến đi.
Mùa mưa, phải có túi ni lông lớn trùm kín ba lô, dù là ba lô chống thấm. Đi núi, phải có giày vải phù hợp để không ảnh hưởng đến bàn chân. Mùa mưa cũng nên có chiếc áo ấm cổ cao để ngừa cảm lạnh và nhất thiết phải có chiếc áo mưa. Áo mưa để bên ngoài hành lý để nhanh chóng mặc vào khi có mưa. Áo mưa phải vừa kín vừa ấm. Không nên đem áo mưa cánh dơi vì cản gió rất khó đi. Phải có ủng để tránh cảm lạnh khi dầm mưa. Một chiếc mũ bảo hiểm có kính chắn gió là điều kiện tối ưu khi gặp mưa lớn.
Giày ẩm sẽ gây khó chịu, dễ khiến bị cảm lạnh. Vì vậy khi đến nơi nghỉ, nên có giấy báo cũ vò nhẹ nhét đầy vào lòng giày để hút ẩm.  Mùa mưa cũng là lúc nên đem theo máy sấy nhỏ để tiện trong việc sấy đồ bị ẩm.
Đi trên sông rạch, biển cả, những đồ điện tử như máy chụp hình, điện thoại cầm tay, laptop phải bọc kín trong túi ni lông, đeo bên mình. Nhớ mang theo sạc pin điện thoại, máy ảnh; pin dự phòng máy ảnh, thẻ điện thoại. Mùa nắng phải có kính chống nắng. Đi sông suối phải có dép. Nên có chiếc phích nhỏ đựng nước nóng để uống ấm người khi trời lạnh. Kẹo gừng là món giúp ấm một cách hữu hiệu...
CÁT LỘC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét