Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Đình Không Chái

Đình Quảng Huế khi mới xây dựng có các gian chính và chái phụ, nhưng rồi các chái phụ ấy được tháo dỡ đi.
Đình không còn chái, tên gọi của đình cũng thay đổi: đình Không Chái. Những thăng trầm lịch sử của một vùng quê gắn liền với ngôi đình độc đáo này đã ăn sâu trong tâm tưởng của nhiều người dân nơi đây, cho dù bây giờ đình chỉ còn là phế tích.
Hai trụ biểu và bình phong còn sót lại của đình Không Chái. Ảnh: M.H.P
Hai trụ biểu và bình phong còn sót lại của đình Không Chái. Ảnh: M.H.P
Ngôi đình có tên là đình Quảng Huế, còn có tên gọi khác là đình Hóa Phú hay Quảng Phú. Ngày xưa vùng đất Quảng Huế thuộc phủ Triệu Phong, huyện Điện Bàn, xứ Thuận Hóa. Ngày nay, nơi tọa lạc ngôi đình thuộc về thôn Hóa Phú, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cách thị trấn Ái Nghĩa theo hướng tây nam khoảng chừng 3km.
Tương truyền rằng khi mới xây dựng, đình gồm 5 gian và 2 chái, nghệ thuật kiến trúc theo dạng hình chữ nhật, cột đình làng to hơn vòng tay ôm của một người lớn, gạch ngói sử dụng xây dựng đình làng đều là gạch ngói cổ. Trên mặt của các trụ đá xưa còn sót lại, người ta tìm thấy câu đối: “Tứ tộc kế tiền công đấng lương nhật lự/ Lục châu hoàn ngoại viện sơn thủy thiên thành”. (Tạm dịch: Bốn tộc kế tục cơ nghiệp tiền nhân ngày ngày lo sao xứng đáng với vai trò rường cột/ Sáu châu bao quanh mặt ngoài núi sông này trời tạo lập nên).
Bốn tộc trong câu đối là các tộc: Lê, Nguyễn, Trần, Võ. Đây là các tộc đầu tiên có mặt ở vùng đất hoang ngập nước Quảng Huế khai phá và lập nghiệp. Họ cũng là những người đóng góp chủ yếu để xây dựng đình làng. Câu đối ghi “Lục châu hoàn ngoại viện” để chỉ 6 châu nằm bao quanh châu xây dựng đình làng là châu Quảng Phú (còn gọi là Hóa Phú).
Khi các tộc họ và các vùng dân cư phát triển mạnh, nhu cầu xây dựng những ngôi đình riêng tại các châu nở rộ. Thời bấy giờ đình là nơi diễn ra các sinh hoạt tập thể một vùng quê. Không rõ từ năm nào, các châu lại “thỉnh” đi các chái, chia nhau về làm đình riêng của châu mình. Từ đó đình Quảng Huế lưu danh trong lịch sử với tên gọi mới đầy ấn tượng là đình Không Chái.
Sau hơn 500 năm, trải qua sự tàn phá của đạn bom, nắng mưa và bão lũ nhưng những gì còn sót lại như bức bình phong, đôi trụ biểu, các trụ đá và đoạn tường rào cũng đủ cho ta hình dung ra sự hoành tráng và kiến trúc nghệ thuật đỉnh cao của ngôi đình khi mới được xây dựng.
Theo tài liệu sưu tầm của một hậu nhân tộc Lê, hiện sống ở xã Đại An, huyện Đại Lộc là cụ ông Lê Duy Tuấn thì thuở thanh bình xa xưa, cứ mỗi độ xuân về đình làng là nơi các tộc họ cùng nhau đón xuân. Cây nêu được dựng lên trước sân đình vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Trước đó có một phiên họp các bô lão trong làng chọn một người chủ bái trong năm và vinh danh là ông “Nguyên Đán”. Ngày đầu năm, ông Nguyên Đán sẽ thay mặt dân làng cúng dâng lễ vật cho Thành hoàng và các vị Tiên liệt có công khai phá đất hoang thành làng. Trong các dịp tế lễ “Xuân thu nhị kỳ” ông Nguyên Đán đều đứng ra làm chủ lễ.
Thật là vinh dự cho những ai được tín nhiệm chọn làm ông Nguyên Đán trong năm. Tuy nhiên, trách nhiệm của ông Nguyên Đán cũng thật là nặng nề, vì ông phải chay tịnh nhiều ngày. Vào đêm trừ tịch (đêm 30 Tết) ông Nguyên Đán có nhiệm vụ ở lại đình đợi cho đến đúng giao thừa thì gióng 3 hồi trống báo dân làng tham dự lễ cúng hành khiển (hành khiến). Lúc này, dân làng từ các xóm đội lễ vật ra đình làng để cúng. Đèn đuốc được tháp lên sáng rực, khói hương nghi ngút và rất mực trang nghiêm. Sau lễ, mọi người tỏa về các ngã đường “xông đất” chúc mừng năm mới người thân và bè bạn.
Trong những ngày Tết, sân đình diễn ra Hội bài chòi thu hút đông đảo người dân tham dự vì tính hấp dẫn của nó. Tiếng trống thùng thình, tiếng hô chạy bài vui nhộn xen lẫn tiếng cười reo vang cả một vùng. Mọi lo toan vất vả trong năm cũ tạm thời quên đi, người nào cũng mở lòng ra với những ngày đầu xuân tươi đẹp để hòa mình cùng thiên nhiên, cùng tình thân tộc họ, xóm làng, như là sự tiếp sức để bước vào một năm mới nhiều may mắn.
Trải qua hai cuộc chiến tranh, dưới sự tàn phá của đạn bom, mưa nắng và bàn tay con người, đình Không Chái chỉ còn là phế tích. Ngôi đình chính hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại một bức bình phong, 2 trụ biểu, 4 trụ đá và một đoạn tường rào. Tất cả đều bị thời gian phủ bụi rêu phong và gặm nhấm loang lỗ.
Năm 1974, mặc dù còn chiến tranh nhưng những người tâm huyết với ngôi đình đã đứng ra vận động xây dựng lại một ngôi đình tạm quy mô nhỏ hơn làm nơi thờ phượng, cúng kiến Thành hoàng và các vị Tiên liệt để cầu cho quốc thái, dân an. Ngôi đình tạm này tồn tại cho đến ngày nay mặc dù đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ngày nay, lễ hội Kỳ yên (cầu an) tại đình Không Chái được tổ chức định kỳ 3 năm một lần vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch với quy mô lớn. Đây là dịp để tưởng nhớ các tiền nhân, khơi dậy niềm tự hào, tăng cường sự đoàn kết giữa các tộc họ. Những người con xa xứ như bầy chim thiên di đến những miền đất xa xôi cũng tìm về với nơi chôn nhau cắt rốn trong dịp này.
MAI HỮU PHƯỚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét