Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN

Bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu có câu : "Binh khí vất đầy như đụn cát, xương khô chất đống như non cao ; có trận thắng lớn này là nhờ Đại Vương biết tiên liệu trước". Nghiền ngẫm thật kĩ mới hay lời văn thực đã diễn tả được nỗi đau bại trận của nhà Hán và nhà Nguyên rồi vậy. Ngô Thì Sĩ (Việt sử tiêu án)

 Ngô Tiên Chúa cả phá quân Lưu Hoằng Tháo, Trần Hưng Bạch Đằng và đều là những võ công lừng lẫy nhất của nước ta. Danh tiếng các hào kiệt ấy đời đời còn mãi với ngàn thu sông núi. Dấu vết hôi tanh của giặc Hán và giặc Nguyên cũng còn mãi với nước non ta, làm sao mà rửa hết được. Giang sơn của nước Nam này đã được định rõ trong sách trời. Giặc Bắc dẫu có cậy trí lực mạnh để chiếm cứ, thì rốt cuộc, lấy được cũng không thể nào giữ được. Vậy thì tham việc binh đao phỏng có ích gì ? Bài Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu có câu : "Binh khí vất đầy như đụn cát, xương khô chất đống như non cao ; có trận thắng lớn này là nhờ Đại Vương biết tiên liệu trước". Nghiền ngẫm thật kĩ mới hay lời văn thực đã diễn tả được nỗi đau bại trận của nhà Hán và nhà Nguyên rồi vậy. Ngô Thì Sĩ (Việt sử tiêu án)
1. TÓM LƯỢC VỀ TIỂU SỬ
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 1-a) cho hay, tiên tổ của họ Trần là Trần Kinh, người làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường. Làng này nay là xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Đinh. Trần Kinh sinh ra Trần Hấp. Trần Hấp sinh ra Trần  Lý. Trần Lý sinh ra Trần Thừa. Kể từ Trần Thừa trở về trước, người họ Trần ở làng Tức Mặc đời đời đều làm nghề chài lưới. Trần Thừa có sáu người con (bốn trai, hai gái). Con trai thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh, về sau là vua đầu của triều Trần (Trần Thái Tông : 1226 - 1258), cho nên, Trần Thừa được tôn làm Thượng Hoàng và khi mất, miếu hiệu là Trần Thái Tổ, dẫu trong thực tế, Trần Thừa chẳng hề làm vua ngày nào. Con trai trưởng của Trần Thừa là Trần Liễu. Khi em là Trần Cảnh làm vua, Trần Liễu được phong là An Sinh Vương. Hiện vẫn chưa rõ An Sinh Vương Trần Liễu có mấy người con, chỉ thấy sử cũ nhắc đến ba người. Con trai trưởng là Trần Doãn. Trần Doãn được phong là Vũ Thành Vương nhưng rất tiếc là vì những hiềm khích nội bộ, năm 1257, Vũ Thành Vương Trần Doãn đã đem cả gia quyến chạy sang Trung Quốc và bị viên Thổ Quan của Trung Quốc ở phủ Tư Minh bắt nạp lại cho triều Trần. Người con thứ năm của Trần Liễu là Trần Thị Thiều. Tháng 8 năm 1258, Trần Thị Thiều được gả cho vua Trần Thánh Tông (1258 - 1278), lúc đầu được phong là Thiên Cảm Phu Nhân và ít lâu sau thì phong là Thiên Cảm Hoàng Hậu. Bà chính là thân mẫu của vua Trần Nhân Tông (1278 - 1293).
Trong số những người con của An Sinh Vương Trần Liễu nổi bật hơn cả vẫn là Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn về sau được phong là Hưng Đạo Vương, vì thế, người đời vẫn quen gọi ông là Trần Hưng Đạo. Trần Hưng Đạo mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tí (1300) nhưng hiện tại, vẫn chưa xác định được năm sinh của ông, đại để chỉ biết ông thọ khoảng 70 tuổi, tức là sinh vào khoảng dăm năm sau khi triều Trần được dựng lên.
(Sách Trần triều thế phả hành trạng nói Trần Hưng Đạo Điều này không thể tin, vì các bộ chính sử đều chép rằng Trần Hưng Đạo cưới vợ vào tháng 1 năm 1251, tức là trước đó những ngót một năm.
Ông Lam Sơn trong sách Hưng Đạo Đại Vương (xuất bản  1946) nói rằng Trần Hưng Đạo sinh ngày 10 tháng chạp năm 1228, nhưng không cho biết là ông đã dựa vào cơ sở nào để viết như thế.
Ông Hoàng Thúc Trâm trong sách Trần Hưng Đạo (xuất bản năm 1950) viết : "Trần Quốc Tuấn sinh vào khoảng niên hiệu Kiến Trung hồi đầu Trần, lối năm Kiến Trung thứ tư (1228) đến thứ bảy (1231), và ngài thọ trên dưới bảy mươi tuổi, độ từ 69 đến 72". Các dịch giả sách Binh thư yếu lược (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1970) cũng viết tương tự rằng : "Ông sinh vào khoảng những năm 1226, 1227, 1228 hoặc 1229 gì đó".
Chính sử không ghi chép, nhưng dựa vào nhiều tài liệu khác nhau, các nhà nghiên cứu về lịch sử Phật Giáo Việt Nam đánh giá rất cao vị trí của Trần Tung (tức Tuệ Trung Thượng Sĩ). Trần Tung là anh của Trần Hưng Đạo (hiện vẫn chưa rõ phải là anh em cùng cha cùng mẹ hay không), mà Trần Tung sinh năm 1230, thì theo lẽ thường, Trần Hưng Đạo phải sinh sau năm 1230).
Theo Trần triều thế phả hành trạng, thân mẫu của Trần Hưng Đạo là Trần Thị Nguyệt. Tuy nhiên, sách này cũng không hề cho biết thêm gì về bà. Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 17-b) nói rằng, Trần Hưng Đạo là con nuôi Thụy Bà Công Chúa, mà Thụy Bà Công Chúa là em gái của An Sinh Vương Trần Liễu, chị gái của vua Trần Thái Tông. Chúng tôi xét rằng:
Thân sinh của Trần Hưng Đạo là An Sinh Vương Trần Liễu sinh năm 1211, mà Trần Hưng Đạo là con thứ, do người vợ thứ của An Sinh Vương Trần Liễu sinh hạ, thì Trần Hưng Đạo rất khó có thể được chào đời vào khoảng trước năm 1230.
Thụy Bà Công Chúa nhận Trần Hưng Đạo làm con nuôi. Sử cũ không ghi rõ, nhưng An Sinh Vương Trần Liễu sinh năm  1211 và vua Trần Thái Tông sinh năm 1218, thì Thụy Bà Công Chúa ắt phải sinh vào khoảng các năm 1214, 1215 hay 1216 gì đó. Là con nuôi của Thụy Bà Còng Chúa, một người ở độ tuổi như vừa kể, Trần Hưng Đạo lại càng khó có thể được sinh ra trước năm 1230. Tóm lại, Trần Hưng Đạo chỉ có thể chào đời vào khoảng sớm nhất cũng không trước năm 1230 và muộn nhất cũng không sau năm 1232.
Vợ của Trần Hưng Đạo là Công Chúa Thiên Thành (con gái út của Trần Thừa, tức cũng là cô ruột của Trần Hưng Đạo. Triều Trần có lệ bắt người trong họ lấy nhau nên mới có cuộc hôn nhân lạ lùng này). Công Chúa Thiên Thành sinh hạ tất cả năm người con (gồm một gái và bốn trai), đó là :
- Trinh Công Chúa : Hoàng Hậu của vua Trần Nhân Tông sau được con là vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) tôn là Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Hậu. - Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiển : Võ tướng có tài. Sau là Phò mã của vua Trần Thánh Tông (chồng của Thiên Thụy Công Chúa).
- Hưng Trí Vương Trần Quốc Nghiễn : Võ tướng có tài, lại cũng là người có công tổ chức khẩn hoang. Chính ông là người đã biến nhiều vùng đất hoang vu của khu vực Hải Dương thành ruộng đồng tươi tốt, thành xóm làng trù mật.
- Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng : Võ tướng có tài. Ông có con gái là Hoàng Hậu của vua Trần Anh Tông (bà Thuận Thánh Hoàng Hậu).
Hưng Hiến Vương Trần Quốc Uy : Võ tướng có tài. Ngoài ra, Trần Hưng Đạo còn có một người con gái nuôi, đó là Nguyên Công Chúa. Nguyên Công Chúa là vợ của vị danh tướng Phạm Ngũ Lão, người có ông lớn trong các cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai và lần thứ ba.
Sử cũ ghi rất rõ tên, tước hiệu và những cống hiến nổi bật của các cơn Trần Hưng Đạo, nhưng, ngoài việc khẳng định Trinh Công Chúa là con gái đầu lòng, những người con trai kế tiếp hiện vẫn chưa biết chắc thứ bậc anh em trước sau sao. Trên đây chỉ là sự sắp xếp tạm thời, dựa tren cơ sở chủ yếu là suy đoán trật tự thông thường của cách đặt tước hiệu mà thôi.
Trước khi qua đời, Trần Hưng Đạo có dặn các con của ông rằng : "Ta chết thì phải hỏa táng, lấy hũ tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc rồi san đất và trồng cây như cũ để người đời không biết chỗ nào". (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 6, tờ 10-b). Có lẽ cũng vì thế mà ngày nay, đền thờ Trần Hưng Đạo được dựng lên ở rất nhiều nơi trên đất nước ta, nhưng ngôi mộ thực sự của Trần Hưng Đạo thì chưa rõ ở vị trí cụ thể nào. Cuộc đời của Trần Hưng Đạo là cuộc đời của một nhà đạo đức, của một người luôn luôn nêu cao và quyết tâm giữ vững tình đoàn kết keo sơn vì nghĩa cả. Ông là biểu tượng sáng ngời của tinh thần trung quân ái quốc. Sách Đại Việt sử kí toàn thư đã trân trọng chép những lời thật cảm động về đức độ của ông :
"Quốc Tuấn là con của An Sinh Vương. Khi mới chào đời, thầy tướng xem xong liền nói:
 - Con người này về sau có thể giúp nước cứu đời.
Lớn lên, (Quốc Tuấn) khôi ngô và thông minh hơn người, đọc nhiều sách vở, trí gồm đủ cả văn lẫn võ. Trước đó, An Sinh Vương vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng (chỉ vua Trần Thái Tông - NKT), để bụng căm ghét, cho nên, tìm người tài giỏi khắp bốn phương để dạy cho Quốc Tuấn. Khi sắp qua đời, An Sinh Vương cầm tay Quốc Tuấn và trối trăng lại rằng :
- Nếu con không vì cha mà lấy được thiên hạ thì ở nơi suối vàng, cha không sao nhắm mắt được. Quốc Tuấn ghi nhớ lời của cha, nhưng không cho đó là lời nói phải. Khi vận nước lung lay, chức lớn trong nước và quyền nắm quân đã ở trong tay, ông liền xem lời cha dặn nói với hai gia nô là Yết Kiêu và Dã Tượng. Hai gia nô can rằng : - Kế ấy nếu thành thì được phú quý một đời nhưng lại để tiếng xấu đến ngàn năm. Nay Đại Vương phú quý như thế chưa đủ hay sao ? Chúng tôi thà chết già với kiếp gia nô chứ không mong làm quan mà bỏ cả trung hiếu, trọn đời, xin được tôn người bán thịt dê tên là Duyệt làm thầy mà thôi.
(Tích lấy từ Bắc sử. Xưa, vua nước Sở là Sở Chiêu Vương chạy loạn ra nước ngoài. Bấy giờ chỉ đó một người làm nghề bán thịt dê tên là Duyệt đi theo phò tá. Hết loạn trở về, Sở ChiêuVương ban thưởng cho Duyệt. Duyệt từ chối mà nói rằng : - Nhà vua mất nước khiến tôi không được đi bán thịt dê, nay vua lấy lại đuợc nước, tôi lại được làm nghề bán thịt dê như cũ, tước lộc thế là đủ, còn mong thưởng thêm gì nữa ?)
Quốc Tuấn nghe lời ấy, cảm phục đến phát khóc khen ngợi hai người mãi không thôi. Một hôm, Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương (tức Trần Quốc Hiển - NKT) :
- Xưa nay ai cũng muốn có thiên hạ để truyền cho con cháu. Con nghĩ sao về việc này ?
Hưng Vũ Vương trả lời :
- Việc đó dẫu là đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là đối với người trong cùng một họ. Quốc Tuấn cho là phải. Lại một hôm, Quốc Tuấn đem chuyện này nói với người con thứ là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng liền tiến lên thưa :
- Như Tống Thái Tổ kia, vốn chỉ là một lão nông, vậy mà còn có thể thừa cơ dấy lên, lấy được cả thiên hạ, huống là...
Quốc Tuấn rút gươm kể tội :
- Loạn thần đều do tặc tử mà ra ! Nói rồi định giết Quốc Tảng. Hưng Vũ Vương hay tin, vội tới khóc van xin chịu tội thay, bấy giờ, Quốc Tuấn mới tha. Ông dặn Hưng Vũ Vương rằng : - Sau này, khi nào ta chết, phải đợi đến lúc đậy nắp quan tài lại rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng" (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 6, tờ 9-b và 10-a). Đối với vua, Trần Hưng Đạo một lòng cung kính trung thành, đối với quý tộc và đồng liêu, Trần Hưng Đạo mực thước giữ đức hòa thuận, đối với quân sĩ và trăm họ, Trần Hưng Đạo nặng lòng thương yêu. Trần Hưng Đạo đã để lại cho muôn đời lời nói chứa chan tâm huyết của một bậc nặng lòng ưu thời mẫn thế: "Nới sức dân làm kế rễ sâu là thượng sách giũ nước" ((Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 6, tờ 9 a-b). Trần Hưng Đạo là một nhà văn hóa lớn của nước nhà. Cống hiến của ông trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, to lớn và sâu sắc. Chỉ cần một Hịch tướng sĩ văn không thôi, tên tuổi của ông cũng đã đủ để bất diệt với lịch sử, huống chi, sự nghiệp của ông nào phải chỉ có bấy nhiêu. Trần Hưng Đạo là người đã có công khai sinh ra nền khoa học quân sự nước ta. Trước Trần Hưng Đạo, bao thế hệ anh hùng hào kiệt đã chiến đấu và chiến thắng, góp phần đắc lực vào việc làm phong phú kho tàng kinh nghiệm chống xâm lăng. Nhiều bậc anh hùng hào kiệt đã thực sự tiến tới đỉnh cao của nghệ thuật cầm quân, thậm chí là đỉnh cao điêu luyện của loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Nhưng, một nền khoa bọc thực sự với đầy đủ ý nghĩa của từ này, thì phải đợi đến Trần Hưng Đạo mới chính thức được khai sinh. Trước tác có giá trị đánh dấu sự kiện này chính là Binh thư yếu lược. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 14-b) viết :
"Quốc Tuấn lại sưu tầm binh pháp của các nhà, soạn thành phép Bát quái cửu cung đồ đặt cho tên gọi là Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Nhân Huệ Vương (Trần) Khánh Dư viết bài đề tựa cho sách ấy...". Và Đại Việt sử kí toàn thư đã sao lục toàn văn lời tựa này. Đó là một lần khẳng định. Trong Hịch tướng sĩ văn, Trần Hưng Đạo cũng nói rõ : "Nay ta đã chọn trong binh pháp các nhà (những chỗ hay) rồi soạn thành bộ Binh thư yếu lược...". Đó là hai lần khẳng định. Trong Lịch triều hiến chương loại chí (Nhân vật chí), Phan Huy Chú viết : "Lớn lên, ông (chỉ Trần Hưng Đạo - NKT) có  dáng mạo hùng vĩ, thông minh hơn người, tài kiêm văn võ. Ông có soạn sách Binh gia diệu lý yếu lược, lại thu góp binh pháp của các nhà, soạn thành phép Bát quái cửu cung đồ, đặt cho tên gọi là Vạn Kiếp tông bí truyền thư để dạy cho chư tướng". Đó là ba lần khẳng định. Các tác giả bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 8, tờ 34) viết: "Khi quân Nguyên sang xâm lấn, Quốc Tuấn tự mình soạn ra sách Binh gia diệu lý  yếu lược  và làm bài hịch trao cho các tướng. Đó là bốn lần khẳng định...v.v.
Nói khác hơn, thư tịch cổ đều khẳng định rằng Trần Hưng Đạo là người đã sọan ra bộ binh pháp. Tuy nhiên, tên gọi của bộ binh pháp này mỗi nơi chép một cách, và đó cũng là điều thường thấy trong thư tịch xưa. Theo chúng tôi, có lẽ nên theo lời của chính Trần Hưng Đạo trong Hịch tướng sĩ văn để gọi bộ binh pháp đó là Binh thư  yếu lược. Và các sách kể trên có lẽ cũng đã gọi Binh thư yếu lược bằng hiều tên gọi khác nhau mà thôi.
Với việc biên soạn và phổ biến Binh thư yếu lược, Trần Hưng Đạo đã để lại cho đời sau bài học vô giá về kinh nghiệm hống xâm lăng, rằng, muốn đập tan những đội quân ăn cướp tàn bạo và thiện chiến, thì bên cạnh tinh thần chiến đấu, lí tưởng chiến đấu và trình độ võ nghệ cũng như thiết bị kĩ thuật, tướng sĩ còn phải được trang bị những tri thức về Với việc khai sinh Binh thư yếu lược, Trần Hưng Đạo thực sự trở thành nhà lí luận quân sự xuất sắc đầu tiên của nước ta. Tuy nhiên, Trần Hưng Đạo không phải chỉ là nhà lí luận xuất sắc mà còn là nhà chỉ huy thiên tài. Ông là linh hồn của những chiến công chống xâm lăng vang dội ở thế kỉ XIII. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1257 - 1258, Trần Hưng Đạo tuy chỉ mới là một vị tướng trẻ nhưng đã được triều đình tin cậy trao trọng trách : “Tháng 9 (năm 1257 - NKT), Vua xuống chiếu, hạ lệnh cho tướng sĩ thủy bộ ra ngăn giữ biên giới theo sự tết chế của (Trần) Quốc Tuấn” (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 5, tờ 22-a) . Từ sau hội nghị quân sự Bình Than (năm 1282), Trần Hưng Đạo được trao quyền chỉ huy cao nhất của quân đội nhà Trần. "Tấn phong Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế, thống lĩnh quân đội cả nước, cho được chọn các tướng có tài cầm quân đi chỉ huy các đơn vị” (Đại Việt sử kí toàn thư , bản kỉ, quyển 5, tờ 43-b) . Trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1285 và cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1287 - 1288. Trần Hưng Đạo là người đã tổ chức nên những thắng lợi oanh liệt nhất của quân dân Đại Việt. Tên tuổi của Trần Hưng Đạo gắn liền với những võ công hiển hách  nhất, mà nổi bật hơn cả là trận Bạch Đằng (9 - 4 - 1288).
Sinhh thời, uy danh lừng lẫy của Trần Hưng Đạo đã ra khỏi biên giới quốc gia, "tiếng vang đến cả giặc phương Bắc, khiến chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương chứ không dám gọi tên” (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 6, tờ 11-a) .
Bảy thế kỉ trôi qua, tên tuổi và sự nghiệp của Trần Hưng Đạo luôn tỏa sáng trong sử sách, luôn là nguồn cảm hứng vô tận của thơ văn và nhiều loại hình nghệ thuật khác ở nước ta. Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) viết :
Sơn hà kim cổ song khai nhãn,
Hồ Việt doanh thâu nhất ỷ lan.
(Núi sông xưa nay mở đôi mắt mà xem,
Chuyện được thua của Hồ - chỉ nhà Nguyên - và Việt tựa lan can mà ngẫm nghĩ.)
Đặng Minh Khiêm (? - 1585) viết :
Sinh phùng gia hấn thệ thâu trung,
Mậu kiến Trùng Hưng đệ nhất công.
Một hậu uy do tồi Bắc lỗ,
Ỷ thiên trường kiếm dạ minh phong.
(Sinh vào lúc gia đình có sự hiềm khích nhưng vẫn thề giữ đức trung thành, Giúp nên cơ nghiệp Trùng Hưng công lao hàng bậc nhất. Dẫu đã mất mà uy phong còn bẻ gãy giặc Bắc. Thanh kiếm dài tựa ngoài trời thuở xưa, đêm đêm thường rít lên như gió).
Cao Bá Quát (1808 - 1855) ca ngợi :
Phổ xuất tiên nguyên cái thế hào,
Phấn thân tuẫn quốc bất từ lao.
Xanh phù nhật cốc khâm hoài nhuệ,
Tấn tảo biên trần thủ đoạn cao.
Công mãn Nam thiên thùy trúc bạch,
Uy dư Đông Hải thiếp ba đào.
Phần Dương khánh diễn hồn dư sự,
Trường sử Hồ nhi thức tuấn mao.
(Là đấng anh hào bậc nhất trong đời, vốn dòng dõi nhà tiên,
Dấn mình vì nước chẳng nề khó nhọc.
Nâng đỡ xe mặt trời lòng những hăng hái,
Quét sạch bụi ngoài cõi, mưu lược thật cao siêu.
Công cao đầy cả trời Nam, lưu truyền sử sách,
Uy linh khắp biển Đông, sóng cả yên lặng.
Ân trạch ở Phần Dương có sánh cũng bằng thừa,
Mãi khiến giặc Hồ phải biết tay tài giỏi).
Các cây đại bút thời Trần như Bùi Tông Quán, Phạm Sư Mạnh, Lý Tế Xuyên, Trương Hán Siêu...v.v. đều có những tuyệt tác về Trần Hưng Đạo và sự nghiệp của ông. Các nhà khoa bảng Nho học sau đó cũng thường dành cho Trần Hưng Đạo những đặc biệt kính trọng. Ngày nay, hình như hiếm có vị anh hùng dân tộc nào họ tên và tước hiệu được trang trọng đặt cho nhiều đường phố, công sở và trường học như Trần Hưng Đạo.
Trong vòng ba mươi năm (từ năm 1257 đến năm 1288), đế quốc Mông Cổ khổng lồ đã ba lần ồ ạt cho quân tràn xuống xâm lược nước ta. Lần sau, lực lượng to lớn hơn, chuẩn bị công phu hơn và quyết tâm cũng cao độ hơn, khiến cho thử thách lịch sử đối với quân dân Đại Việt càng trở nên quyết liệt hơn.
2. CUỘC ĐỐI ĐẦU CÓ MỘT KHÔNG HAI TRONG LỊCH SỬ ĐẠI VIỆT
Cuối thế kỉ thứ XII, đầu thế kỉ thứ XIII, trên vùng đất thuộc Mông Cổ ngày nay, một cuộc chiến tranh đẫm máu giữa các bộ tộc du mục người Thát-đát (Tartare) đã diễn ra. Nguyên triều bí sử đã ghi lại khúc hát ngắn của người Thát-đát lúc bấy giờ như sau :
Trời có sao,
Đang quay cuồng,
Người người nổi dậy,
Không về chỗ ngủ của mình nữa,
Mà cướp đoạt của cải lẫn nhau.
Đất có cỏ
Đang lật nhào  
Người người đã nổi dậy,
Không nằm trong chăn của mình nữa,
Mà đánh lẫn nhau.
Trong khói lửa của cuộc chiến tranh ác liệt đó, một nhân vật đặc biệt đã xuất hiện, đó là Tê-mu-jin, tên phiên âm Hán-Việt là Thiết-mộc-chân, Thắc-mộc-chân hoặc là Đặc-mục-tân. Năm 1205, lần lượt các bộ tộc Thát-đát đều phải quỳ gối đầu hàng Tê-mu-jin và năm sau (năm 1206), Te-mu-jin đã được tôn làm Trin-ghit Khan (Cinggis-qan) nghĩa là vua mạnh nhất. Âm Hán-Việt của Trin-ghit Khan là Thành-cát-tư Hãn. Sự kiện trọng đại này có ý nghĩa sâu sắc và lâu dài đối với toàn bộ quá trình phát triển sau đó của lịch sử các bộ tộc Thát-đát. Từ đây, xã hội nguyên thủy của họ đã cáo chung. Từ đây, quốc gia thống nhất của những người du mục đã ra đời.
Nhưng, điều đáng tiếc là sau khi được tôn lên ngôi Hãn, Tê-mu-jin đã lợi dụng tài bắn cung và cưỡi ngựa của các bộ tộc du mục để tiến hành một cuộc chiến tranh tàn bạo đối với một loạt các quốc gia đương thời. Quân Mông Cổ đi tới đâu là ở đó bị tàn phá và giết chóc. “Nghệ thuật, những thư viện phong phú, nền công nghiệp ưu việt, cung điện và giáo đường tất cả sạch không”. Nhà thơ V.Frik viết :
Không còn một dòng suối, một con sông nào không tràn đầy nước mắt chúng ta ;
Không còn một ngọn núi, một cánh đồng nào không bị quân Tác-ta giày xéo.
Sau đây là những sự kiện lớn, đánh dấu lịch sử cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo chưa từng thấy này :
- Năm 1211, quân Mông Cổ tiến vào khu vực miền Bắc Trung Quốc ngày nay. Bấy giờ, đây là vùng chiếm cứ của người Nữ Chân, và từ năm 1115, họ đã lập ra được một quốc gia riêng cho mình, đó là nước Kim. Năm 1215, quân Mông Cổ đã chiếm được kinh đô của nước Kim, nhưng họ chỉ cướp đoạt của cải và bát thật nhiều tù binh rồi rút về. - Năm 1218, quân Mông Cổ chiếm được vùng phía  của Turkestan ngày nay. - Năm 1219, kị binh Mông Cổ hung hãn tiến về Trung Á. Tại đây, một loạt những thành phố nổi tiếng, lần lượt bị tấn công và bị triệt hạ.
- Năm 1221, các vương quốc như Azerbaijan, Grouzia nhiều thành phố lớn của Nga bị quân Mông Cổ bóp nát. - Năm 1223, sau thất bại thảm hại của liên quân Nga, đến lượt cả nước Nga cũng bị quân Mông Cổ chiếm đóng. Quân Mông Cổ đã ăn mừng chiến thắng bằng cách bắt trói các tướng chỉ huy liên quân Nga, kê ván lên đầu họ để ... mở tiệc ! - Năm 1225, Mông Cổ tấn công Tây Hạ. Tây Hạ thất thủ.
- Năm 1227, Thành-cát-tư Hãn qua đời nhưng cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của quân Mông Cổ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Đầu năm 1238, quân Mông Cổ đã chiếm được Mạc-tư-khoa và cuối năm 1240, thành Ki-ép cũng bị quân Mông Cổ tiêu diệt.
- Năm 1241, quân Mông Cổ đánh vào Hung-ga-ri, đuổi vua của Hung-ga-ri đến tận biên giới nước Ý. Bấy giờ, cả châu Âu bị chấn động dữ dội bởi vó ngựa hung hãn của quân Mông Cổ. Nỗi lo sợ bao trùm lên mọi quốc gia.
Cuộc thông thương giữa nước Anh với lục địa châu Âu bị gián đoạn. Hoạt động buôn bán của nhiều quốc gia cũng bị đình trệ. Sau thất bại của đội liên minh kị binh giữa người Ba Lan  người Đức (1241), dân Đức chỉ còn biết cầu nguyện : Xin Chúa hãy cứu vớt chúng con khỏi họa Tác-ta. 
Bà Thái Hậu của vua nước Pháp lúc bấy giờ là Saint Louis hỏi Saint Louis rằng : "Nếu quân Tác-ta đến đây thì con sẽ làm gì?". Saint Louis trả lời : "Nếu chúng kéo đến, một là ta đuổi chúng về địa ngục, nơi mà chúng đã ngoi lên, hai là chúng ta phải về thiên đường hưởng hạnh phúc mà Chúa đã dành cho chúng ta.” Ngay cả đến cả Giáo Hoàng La Mã lúc ấy là Grégoire thứ IX cũng phải thốt lên rằng : "Nhiều việc khiến cho ta lo lắng, như những việc đáng buồn ở đất Thánh, những mối lo âu của giáo hội hay tình hình đáng thương của đế quốc La Mã. Nhưng, ta nguyện quên hết những lo âu đó mà chú tâm đến tai họa Tác-ta, sợ rằng hiện nay uy danh của đạo Cơ Đốc sẽ bị bọn Tác-ta tiêu diệt mất. Nghĩ đến đó là ta xương nát tủy khô, thân gầy  kiệt, đau xót vô cùng, khiến ta không biết làm gì đây". - Trong khoảng mười năm, kể từ sau năm 1241, đế quốc Mông Cổ tuy có bị khủng hoảng bởi sự lục đục trong nội bộ giai cấp thống trị nhưng nhìn chung, phần đất đai đã chiếm vẫn được giữ vững. - Năm 1251, khi Mongk (phiên âm Hán-Việt là Mông-kha) lên ngôi Hãn, cuộc khủng hoảng nội bộ của Mông Cổ chấm dứt, những cuộc viễn chinh lại được ráo riết tiến hành. Từ đây, quân Mông Cổ đẩy mạnh bành trướng xuống phương Nam. - Năm 1252, ngay khi cuộc thôn tính Trung Quốc còn đang dở dang, Mông-kha đã ra lệnh cho em của hắn là Qubilai (phiên âm Hán-Việt là Hốt-tất-liệt) đánh xuống Vân Nam. Cùng đi với Hốt-tất-liệt còn có tướng U-ri-ang-kha-đai (có nhiều cách phiên âm Hán-Việt khác nhau, nhưng phổ biến nhất là Ngột-lương-hợp-thai). Bấy giờ, đất Vân Nam thuộc lãnh thổ của nước Đại Lý và vua của Đại Lý lúc ấy là Đoàn Hưng Trí. Chỉ trong một thời gian ngắn, nước Đại Lý bị tiêu diệt. Hốt-tất-liệt trở về Mông Cổ, giao quyền quản lí đất này cho Ngột-lương-hợp-thai.
- Năm 1257, quân Mông Cổ do Ngột-lương-hợp-thai chỉ huy đã men theo sông Hồng, tràn xuống xâm lược nước ta và đó cũng là lần đầu tiên, quân Mông Cổ nếm mùi thất bại ở Đại Việt.
- Năm 1260, Hốt-tất-liệt lên ngôi Hãn. Sau một thời gian ngắn tập trung ổn định ngôi vị, Hốt-tất-liệt đã cho quân dồn dập tấn công nhà Tống. Năm 1278, nhà Tống bị diệt, Hốt-tất-liệt hoàn tất cuộc thôn tính Trung Quốc đã mở đầu trước đó bốn mươi năm.
- Cũng sau khi hoàn tất việc thôn tính đất đai Trung Quốc, Hốt-tất-liệt bắt đầu huy động những đạo quân thiện chiến và khổng lồ để đánh xuống nước ta. Đây quả thật là cuộc đối đầu có một không hai trong lịch sử Đại Việt.
Bấy giờ, đế quốc Mông Cổ chẳng khác gì một con ác thú khổng lồ, mình phủ kín cả một vùng rộng lớn, kéo dài từ Hắc Hải đến Thái Bình Dương. Đất đai, dân số và tiềm lực kinh tế to lớn gấp hàng trăm lần so với Đại Việt.
Cũng bấy giờ, đất Đại Việt mới khoảng từ phía Bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay trở ra, dân Đại Việt ước tính khoảng hơn ba triệu người. Đã thế, Đại Việt lại thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng. Quá trình phục hồi uy danh Đại Việt của nhà Trần cũng chỉ mới tiến hành được mấy chục năm. Hốt-tất-liệt đã làm tất cả những gì mà quyền uy Hoàng Đế của đế quốc Mông Cổ có thể làm. Nhưng Đại Việt đã thắng bởi Đại Việ là Đại Việt và hẳn nhiên là cũng bởi một phần vì lúc bấy giờ, Đại Việt có Trần Hưng Đạo - một trong những vị danh tướng kiệt xuất nhất của lịch sử nhân loại.
3. BA MƯƠI NĂM, BA LẦN ĐẠI HỌA
Trong vòng ba mươi năm (từ năm 1257 đến năm 1288), đế quốc Mông Cổ khổng lồ đã ba lần ồ ạt cho quân tràn xuống xâm lược nước ta. Lần sau, lực lượng to lớn hơn, chuẩn bị công phu hơn và quyết tâm cũng cao độ hơn, khiến cho thử thách lịch sử đối với quân dân Đại Việt càng trở nên quyết liệt hơn.
Cuộc xâm lăng lần thứ nhất của quân Mông Cổ diễn ra vào cuối năm Đinh Tị (1257). Bấy giờ, quân Mông Cổ đã chiếm được nước Đại Lý và lập tức sử dụng Đại Lý như một bàn đạp lợi hại  để đánh xuống nước ta. Tướng giặc là Ngột-lương-hợp-thai trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công xâm lược này. Trước đó, chúng đã liên tiếp sai sứ giả sang hù dọa, nhưng triều đình nhà Trần không một chút mảy may lo sợ, ngược lại, còn ra lệnh bất giam tất cả sứ giả của chúng. Thấy không thể dùng sứ giả để ép triều Trần đầu hàng, Ngột-lương-hợp-thai đã cho ba vạn quân, gồm chủ yếu là kị binh, bắt vua nước Đại Lý là Đoàn Hưng Trí dẫn đường  đi đánh nước ta, nhưng, Đoàn Hưng Trí đã chết khi chưa kịp đến Đại Việt. Đối với một số nước khác, ba vạn quân chưa phải là lực lượng lớn, nhưng đối với Đại Việt đương thời, đó thực sự là đối thủ rất hùng mạnh. Cuộc xâm lăng lần thứ hai diễn ra vào năm 1285. Bấy giờ  Hốt-tất-liệt đã lên ngôi Hãn được 25 năm và đã đổi quốc hiệu là nhà Nguyên được 14 năm. Cũng bấy giờ, cuộc thôn tính Trung Quốc đã hoàn tất, đế quốc Nguyên đang ở vào thời sung mãn nhất. Con trai của Hốt-tất-liệt là Thoát-hoan được lệnh đem 500.000 quân tràn sang nước ta. Ngoài ra, đạo quân l00.000 tên do Toa-đô chỉ huy, trước đó đã có mặt ở Chiêm Thành, cũng được lệnh rời Chiêm Thành để đánh vào mặt Nam của Đại Việt. Sát cánh với Thoát-hoan và Toa-đô còn có nhiều tướng lĩnh dày dạn trận mạc khác. Tính ra, cứ khoảng sáu người dân Đại Việt (bất kể già trẻ gái trai), phải đương đầu với một tên giặc Nguyên hung hăng, tàn bạo và thiện chiến. Lịch sử kim cổ đông tây, quả thật là cực kì hiếm có một cuộc đối đầu nào hoàn toàn không cân xứng như vậy. Cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ ba diễn ra vào cuối năm 1287 đầu năm 1288. Để có thể tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược này, Hốt-tất-liệt đã buộc phải ban bố hai quyết định ất quan trọng. Một là đình chỉ cuộc chiến tranh xâm lược Nhật Bản đã được chuẩn bị công phu trước đó, nhằm dốc toàn lực cho cuộc tấn công vào nước ta. Hai là tìm cho bằng được những nguyên nhân thất bại thảm hại của chúng ở nước ta trong các cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ nhất và lần thứ hai. Hốt-tất-liệt đã huy động năm mươi vạn quân, giao cho Thoát-hoan làm tổng chỉ huy. Sát cánh với Thoát-hoan là một loạt những tướng lĩnh khét tiếng như Ô-mã-nhi, Áo-lỗ-xích, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ, Trương Văn Hổ... Điều đáng nói là lần này, bên cạnh lực lượng kị binh và bộ binh hùng hậu, Hốt-tất-liệt còn thành lập một đạo thủy binh, giao cho Ô-mã-nhi cầm đầu. Thủy binh vừa là một lực lượng tác chiến nguy hiểm, lại vừa là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho kị binh và bộ binh vượt sông. Ngoài ra, Hốt-tất-liệt còn lập thêm một đoàn thuyền lương, giao cho tướng Trương Văn Hổ chỉ huy. Đây là việc làm tỏ quyết tâm khắc phục nạn thiếu lương thực và các vật dụng rất thiết yếu khác của quân xâm lăng. Cùng tiến vào nước ta lần này, ngoài năm chục vạn quân Nguyên còn có cả một lực lượng quý tộc và quan lại phản quốc do Trần Ích Tắc cầm đầu. Một lần nữa, vận nước lâm nguy. Xét về quy mô, cuộc đối đầu lần thứ ba không lớn hơn cuộc đối đầu lần thứ hai, nhưng xét về tính chất, đây là cuộc xâm lăng được chuẩn bị công phu và chật chẽ nhất. Xét về quyết tâm, đây là lần tột độ nhất. Thành bại của cuộc đối đầu lần thứ ba này tác động trực tiếp và vô cùng mạnh mẽ đến sự tồn vong của Đại Việt và đến toàn bộ mưu đồ của nhà Nguyên trong cuộc bành trướng xuống phía Nam. Ba mươi năm, ba trận đại cuồng phong bởi vó ngựa hung tàn của tổng cộng trên một triệu quân Mông-Nguyên ! Đó thực sự là thử thách cam go nhất của lịch sử Đại Việt. Công lao đưa Đại Việt thoát khỏi những cơn binh lửa xâm lăng hiểm nghèo  mãi mãi thuộc về các thế hệ quân dân kiên cường của thế kỉ XIII, thuộc về các nhà lãnh đạo chiến tranh kiệt xuất thời Trần mà nổi bật hơn cả vẫn là Trần Hưng Đạo.
4. TÂM THÀNH SÁNG MÃI VỚI THIÊN THU
Trước và trong toàn bộ quá trình tiến hành ba cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, vấn đề bức thiết đặt ra hàng đầu đối với triều Trần vẫn là không ngừng củng cố và tăng cường sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Đây vừa là cơ sở quyết định thành bại của sự nghiệp giữ nước, lại cũng là nhân tố tác động thường xuyên và mãnh liệt đến sự tồn tại của chính bản thân triều Trần. Bấy giờ, trên Trần Hưng Đạo là cả một triều đình lớn với nhiều hệ thống cơ quan và tước vị khác nhau, trên triều đình còn có nhà vua và Thượng Hoàng nữa. Nhưng cũng bấy giờ, mọi hành vi và cử chỉ của Trần Hưng Đạo lại có ảnh hưởng to lớn nhất đối với khối đoàn kết chung. Sự thật đặc biệt này có  nguồn gốc sâu xa từ chính quá trình thành lập của triều Trần.
Tháng chạp năm Ất Dậu (1225), để dọn đường cho họ Trần tiến nhanh vào vũ đài chính trị, Trần Thủ Độ đã khôn khéo dàn xếp, tạo ra cuộc tảo hôn giữa nữ hoàng của triều Lý là Lý Chiêu Hoàng (mới 7 tuổi) với cháu của mình là Trần Cảnh (mới 8 tuổi). Ngay sau đó, cũng chính Trần Thủ Độ đã bố trí để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Triều Trần được lập nên kể từ đấy. Trần Cảnh về sau có miếu hiệu là  Trần Thái Tông.
Trước đó, chị ruột của Lý Chiêu Hoàng là Công chúa Thuận Thiên cũng đã được gả cho anh ruột của Trần Cảnh là Trần Liễu. Tháng giêng năm Đinh Dậu (1237), Trần Thủ Độ ép Trần  Liễu phải nhường Công chúa Thuận Thiên (lúc này đã có thai với Trần Liễu được ba tháng) cho Trần Cảnh. Bởi sự kiện này, hai anh em Trần Liễu và Trần Cảnh xung đột nhau. Đã có lúc, họ từng đem quân dàn trận đánh nhau quyết liệt.
Trước lúc lâm chung (vào năm 1251), mối hận thù vẫn còn đè nặng Trần Liễu. Là con của Trần Liễu, dẫu muốn hay không thì Trần Hưng Đạo cũng phải chịu nhiều mối nghi ngờ khác nhau từ phía chú ruột là vua Trần Thái Tông, từ các con của vua Trần mà nổi bật là Trần Quang Khải, từ các bậc quý tộc mà đặc biệt là Trần Khánh Dư, từ nhiều quan lại gồm đủ cả văn lẫn võ...v.v. Chỉ cần một chút sơ suất trong ứng xử, Trần Hưng Đạo cũng có thể gây ra những ngộ nhận mà hậu quả thật khó lường. Trong bối cảnh khắc nghiệt của lịch sử lúc ấy, vấn đề củng cố và tăng cường sức mạnh của khối đoàn kết không  chỉ là vấn đề riêng của đội ngũ quý tộc và tướng lĩnh cao cấp, không phải chỉ là vấn đề riêng của nội bộ triều đình. Đây là vấn lớn lao chung của toàn dân, của đất nước. Trong chỗ đẩy đưa không ngờ, phần chủ yếu của gánh nặng giang sơn gần như đã đặt hết đôi vai của Trần Hưng Đạo. Với tất cả tâm thành và tài năng kiệt xuất, Trần Hưng Đạo đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào sự nghiệp này. Ông đã để lại cho lịch sử một loạt những kinh nghiệm quí giá về nghệ thuật xây dựng khối đoàn kết vì nghĩa cả thiêng liêng là đánh giặc giữ nước, mà trên đại thể, chúng ta có thể ghi nhận qua năm trước tuần tự từ thấp lên cao như sau :
Bước thứ nhất : Khôn khéo hàn gắn những vết rạn nứt trong đội ngũ quý tộc và tướng lĩnh cao cấp. Như trên đã nói, cuộc xung đột giữa Trần Liễu với vua Trần, mối hiềm nghi của vua Trần đối với Trần Hưng Đạo, cùng sự bất hòa giữa Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư với Trần Hưng Đạo.v v.. vừa là biểu hiện lo ngại của sự rạn vỡ tình anh em ruột thịt và người thân tộc họ hàng, đồng thời, lại cũng vừa là biểu hiện của sự chia rẽ rất nguy hiểm giữa những người chịu trách nhiệm điều khiển vận mệnh quốc gia. Sử cũ đã trân trọng ghi chép nhiều mẩu chuyện cảm động về Trần Hưng Đạo. Ông luôn luôn bày tỏ lòng trung thành tuyệt đối của mình đối với nhà vua, xóa dần để rồi cuối cùng đã xóa sạch lòng ngờ vực của nhà vua và của bá quan văn võ. Chính Trần Hưng Đạo đã tự mình tắm rửa cho Trần Quang Khải, khiến cho quân sĩ ngạc nhiên và sung sướng reo Quốc Công tắm cho Thượng tướng, chúng ta không còn lo về nỗi chết chóc nữa ! Và, cũng chính Trần Hưng Đạo là người đã có ảnh hưởng rất to lớn đối với nhà vua và triều đình trong việc khôi phục lại chức tước cho danh tướng Trần Khánh Dư, khiến lòng người bấy giờ rất cảm kích...v.v. Đó chưa phải là tất cả, nhưng đó thật sự là những gì tốt đẹp được truyền tụng mãi không thôi. Ngờ vực và xích mích mất dần, mối quan hệ thân thiện cũng dần dần dược xác lập, quý tộc và tướng lĩnh cao cấp hoan hỉ với bầu không khí trong lành, đủ để có thể sát cánh cùng nhau bàn chuyện quốc gia đại sự.
Bước thứ hai : Tạo lập và ra sức bảo vệ cốt lõi bền vữngcủa  khối đoàn hết trong nội bộ quý tộc và tướng lĩnh cao cấp. Thắng lợi của bước thứ nhất tuy rất to lớn, nhưng, thắng lợi đó chỉ mới tạo ra được một khối người không xích mích với nhau, chưa đủ sức để tạo được một khối đoàn kết thực sự theo đúng nghĩa của từ này. Bằng tất cả đức độ và uy tín chính trị đặc biệt của mình, Trần Hưng Đạo đã tác động một cách rất tích cực và có hiệu quả đến quyết định vô cùng quan trọng của triều Trần : triệu tập hội nghị Bình Than (năm 1282). Đây là cuộc hội nghị của những người giữ trọng trách lãnh đạo sự nghiệp giữ nước. Sở dĩ gọi là hội nghị Bình Than vì cuộc hội nghị này được tổ chức tại bến Bình Than. Bến Bình Than là một trong những bến của sông Bình Than tức sông Lục Đầu. Từ Bình Than, binh thuyền có thể men theo những con sông lớn nhỏ để đến lên các địa phương vùng Đông Bắc, và cũng từ Bình Than, thủy quân có thể dễ dàng tiến ra sông Bạch Đằng. Nói khác hơn, đây là một trong những vị trí rất quan trọng, nằm sát ngay miền duyên hải Đông Bắc nước ta.(Bến Bình Than nay thuộc xã Trần Xá, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Hội nghị Bình Than chỉ bàn đến hai vấn đề thiết yếu nhất. Diễn đạt theo cách nói hiện đại, thì hai vấn đề đó là xác định phương hướng chiến lược chống xâm lăng và tổ chức bộ máy chỉ huy chống xâm lâng. Cũng diễn dạt theo cách nói hiện đại, phương hướng chiến lược chống xâm lăng mà cuộc hội nghị này đã xác định là : phát động và lãnh đạo một cuộc chiến tranh vệ quốc mang tính nhân dân sâu sắc. Về bộ máy chỉ huy chống xâm lăng, hiển nhiên là quyền quyết định tối hậu vẫn thuộc về vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, nhưng từ tháng 10 năm Quý Mùi (1283), tức là đúng một năm sau hội nghị Bình Than, Trần Hưng Đạo được trao quyền tồng chỉ huy quân đội :
"Tấn phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết chế, thống lĩnh quân sĩ cả nước, cho được quyền chọn bọn quân hiệu có tài chỉ huy, sai đi chỉ huy các đơn vị”. (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 5, tờ 43-b)
Như vậy là kể từ đây, nói đoàn kết tức là đoàn kết chung quanh phương hướng chiến lược chống xâm lăng, đoàn kết chung quanh bộ máy chỉ huy chống xâm lăng. Hội nghị Bình Than thực sự có ý nghĩa cực kì quan trọng trong việc tạo ra cốt lõi bền vững cho khối đoàn kết của quý tộc và tướng lĩnh cao cấp, cho toàn bộ quá trình không ngừng mở rộng và củng cố khối đoàn kết của toàn dân. Thắng lợi của hội nghi Bình Than vừa có giá trị thực tiễn to lớn đối với cuộc kháng chiến chống xâm lăng thời Trần, vừa để lại cho hậu thế những bài học kinh nghiệm vô giá trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bước thứ ba : Trên cơ sở khối đoàn kết của quý tộc và tướng lĩnh cao cấp, nhanh chóng mở rộng và củng cố khối  kết của toàn dân, biến quyết tâm của triều đình thành quyết tâm chung của cả nước.
Sau hội nghị Bình Than, khối đoàn kết của quý tộc và tướng lĩnh cao cấp đã được thiết lập một cách vững vàng. Nhưng, cho dẫu khối đoàn kết ấy vững vàng đến bao nhiêu đi chăng nữa thì đó cũng chỉ mới là một bộ phận. Đúng như tinh thần của hội nghị Bình Than, vấn đề đặt ra hàng đầu vẫn là làm sao để có thể nhanh chóng mở rộng và củng cố khối đoàn kết của toàn dân. Một lần nữa, với tất cả uy tín chính trị to lớn của mình, Trần Hưng Đạo đã khôn khéo tác động, góp phần quan trọng vào việc tạo ra một quyết định hết sức độc đáo của triều Trần là triệu tập hội nghị Diên Hồng.
Sở dĩ gọi là hội nghị Diên Hồng vì cuộc hội nghị này được tổ chức ngay trong điện Diên Hồng - một trong những cung điện ở kinh thành Thăng Long. Hội nghị Diên Hồng được triệu tập vào cuối năm 1284 (tính theo âm lịch), đầu năm 1285 (tính theo dương lịch). Đây là hội nghị các bậc phụ lão, đại diện cho nhân dân các làng xã cả nước.
Trong xã hội nông nghiệp thời trung đại, tiếng nói của các bậc cao niên bao giờ cũng có ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Triệu tập được các bậc cao niên cũng có nghĩa là triều Trần đã nắm được lực lượng đang giữ vị trí chi phối xã hội đương thời. Hội nghị Diên Hồng được tổ chức đúng vào lúc quân Nguyên đã áp sát biên giới phía Bắc, vận nước đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Hội nghị Diên Hồng được khai mạc đúng vào lúc Tết cổ truyền của dân tộc ta cũng sắp đến. Nói khác hơn, đây chính là thời điểm thuận tiện nhất để triều Trần có thể khơi dậy và cổ vũ ý chí độc lập của toàn dân.
Khác với hội nghị Bình Than, do đặc trưng riêng của thành phần tham dự, hội nghị Diên Hồng không bàn đến những vấn đề có ý nghĩa chiến lược và chiến thuật mà chỉ bàn xem nên đánh hay nên hòa với giặc. Ngoan cường chiến đấu thì mới mong giữ được tôn miếu cho xã tắc, giữ được cơ nghiệp cho mọi nhà. Hòa cũng có nghĩa là phải chấp nhận để mặc cho giặc ngoại xâm giày xéo, phải chịu cảnh nước mất nhà tan. Hòa cũng có nghĩa là đầu hàng. Sử cũ chép rằng : “Các cụ phụ lão đều hô quyết đánh, vạn người như một, tiếng vang như cùng bật ra từ một cửa miệng vậy. (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 5, tờ 44 -a).
 Hội nghị Diên Hồng
Hội nghị Diên Hồng là một sự kiện rất độc đáo của lịch sử nước ta, là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật tập hợp lực lượng. Từ hội nghị Diên Hồng, khối đoàn kết toàn dân đánh giặc đã được xác lập. Cũng từ hội nghị Diên Hồng, quyết tâm của triều đình nhà Trần đã nhanh chóng biến thành quyết tâm chung của cả nước. Nhận định về ý nghĩa của hội nghị Diên Hồng, sử gia lỗi lạc của nước nhà thế kỉ XV là Ngô Sĩ Liên viết rằng :
“Giặc Hồ (chỉ giặc Nguyên - NKT) tràn vào cướp, ấy là nạn lớn của quốc gia. Hai vua (chỉ Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và cả vua Trần Nhân Tông - NKT) cùng hợp mưu, bề tôi cùng họp bàn, há chẳng có kế sách gì hay sao mà để hỏi ý các bậc phụ lão ? Ấy chẳng qua cũng vì (Thượng Hoàng Trần) Thánh Tông muốn nhân đó để xét lòng thành ủng hộ của dân và cũng để dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích để rồi hăng hái hơn đó thôi. Làm như vậy là giữ được cái đức của người xưa, trọng người già để xin lời hay vậy.” (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 5, tờ 44a-b).
Bước thứ tư : Khôn khéo tìm mọi biện pháp để kích động mạnh mẽ lòng yêu nước thiết tha, lòng căm thù giặc sâu sắc của tướng  sĩ và của toàn dân, tạo ra khí thế quật cường bừng bừng khắp cả nước.
Để thực hiện bước thứ tư này, triều Trần đã thực hiện nhiều chủ trương sinh động khác nhau, tuy nhiên, hiệu quả phi thường hơn cả vẫn là việc Trần Hưng Đạo kịp thời biên soạn và phổ biến bài Hịch tướng sĩ văn. Mở đầu áng hùng văn này, Trần Hưng Đạo chân thành bày tỏ òng cảm phục gương tiết tháo của các bậc anh hùng hào kiệt, đồng thời, chân thành bày lòng yêu nước nồng nàn của chính mình.
Hịch tướng sĩ văn đã phân tích một cách sâu sắc về mối quan hệ mật thiết giữa quyền lợi của cá nhân, gia đình và dòng họ với quyền lợi của cộng đồng và quốc gia, để rồi kết luận một cách chắc chắn và đầy thuyết phục rằng : nước mất thì nhà tan, rằng muốn bảo vệ quyền lợi của cá nhân, của gia đình  dòng họ thì phải xả thân đánh giặc cứu nước.
Hịch tướng sĩ văn cũng chỉ rõ : muốn chiến thắng đội quân xâm lăng to lớn, khét tiếng tàn bạo và thiện chiến như quân Nguyên, thì ngoài tinh thần chiến đấu, lí tưởng chiến dấu trình độ võ nghệ, quân sĩ còn phải được trang bị về lí luận quân sự, được huấn luyện về binh pháp. Lúc bấy giờ, bộ binh pháp duy nhất phù hợp với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại mà nhân dân ta đang tiến hành cũng chính là Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo.
Kết thúc Hịch tướng sĩ văn, Trần Hưng Đạo chỉ rõ, khi vận nước lâm nguy, lẽ sống thiêng liêng nhất của mọi thần dân chính là quả cảm đánh giặc để cứu nước. Với Hịch tướng sĩ văn, Trần Hưng Đạo đã có công khơi dậy ngọn lửa quật cường trong lớp lớp binh sĩ và trong đông đảo nhân dân. Bấy giờ, cảm kích trước lời hịch đanh thép của Trần Hưng Đạo, binh sĩ đã tự khắc vào cánh tay mình hai chữ sát Thát (nghĩa là giết giặc Thát-đát tức giặc Nguyên). Hịch tướng sĩ văn không chỉ là một văn kiện quân sự mà còn thực sự là một trong những áng thiên cổ hùng văn, có giá trị bất diệt trong lịch sử văn học của nước nhà.
Bước thứ năm : Biến nhiệm vụ đánh giặc cứu nước thành một nội dung của pháp luật, ai có công lao sẽ được khen thưởng, ai có tội bị trừng phạt.
Với tư cách là lực lượng chịu trách nhiệm điều khiển vận mệnh quốc gia, triều Trần đã tiến hành một loạt những biện pháp tổ chức và động viên rất tích cực. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp đó chỉ có ý nghĩa đối với những ai giàu thiện chí và nghĩa khí mà thôi. Với những kẻ bạc nhược, triều Trần sẵn sàng nghiêm trị. Một sắc lệnh rất kiên quyết đã kịp thời được ban hành : "Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng”. Sắc lệnh này đã phát huy được tác dụng rất to lớn. Sau này, chỉ có hai làng là Bàng Hà và Ba Điểm (cả hai đều thuộc đất tỉnh Hải Dương ngày nay) vi phạm sắc lệnh này. Một số quý tộc và quan lại cũng bị trừng trị bởi tội danh này. Sử cũ chép rằng : "Người nào đã đầu hàng giặc, thì giờ đây, dẫu dang ở trên đất giặc cũng bị kết án vắng mặt, hoặc khép tội lưu, hoặc khép tội xử tử và tịch thu gia sản sung công.
Bọn Trần Kiện và Trần Văn Lộng bắt phải đổi thành họ Mai, riêng Trần Ích Tắc vì là thân vương, không nỡ bắt đổi họ, chỉ bắt gọi là ả Trần tức là có ý mỉa mai sự nhu nhược như đàn bà con gái. Vì sự này, sử cũ thỉnh thoảng vẫn chép là ả Trần hoặc Mai Kiện. Đặng Long từng là bề tôi được hầu cận, trước đó, Nhà vua đã có ý định phong hắn làm Hàn Lâm Học Sĩ nhưng Thượng Hoàng ngăn đi, vì thế, Đặng Long oán giận rồi đi đầu hàng giặc, sau bị bắt và bị xử tử. Quân dân (nếu lỡ hàng) đều được miễn tội chết. Duy có hai làng Bàng Hà và Ba Điểm, giặc vừa vào đã hàng ngay, cho nên, (triều đình) bắt hai làng ấy phải chịu tội đồ, bắt làm sai sử hoành (tức chỉ được làm tôi tớ - NKT), không được làm quan” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục – chính biên, quyển 8, tờ 14).
Năm bước tuần tự từ thấp lên cao, từ phạm vi điều đình đến quy mô cả nước, sắc thái tuy có khác nhau, song, tất cả  thể hiện một cách sinh động và sâu sắc nâng lực xây dựng khối đoàn kết, thể hiện tâm thành ngời sáng của tuyệt đại đa số quý tộc họ Trần mà nổi bật hơn cả là Trần Hưng Đạo. Nguyên nhân quyết định thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giữ nước ở thế  XIII đã xuất hiện rõ rệt trong từng bước của toàn bộ quá trình này.
Mối bận tâm suốt đời của Trần Hưng Đạo là làm sao để không ngừng mở rộng và củng cố sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, làm sao để có thể chọn và trọng dụng người hiền tài và làm sao để có thể nuôi dưỡng được sức dân. Khoan sức dân để làm kế rễ sâu gốc vững, đó mới là thượng sách giữ nước! Lời chí tình ấy của Trần Hưng Đạo cũng chính là lời chí tình của tất cả các bậc ưu thời mẫn thế và nặng lòng ái quốc trong khắp mọi thời. Lời ấy mãi mãi tỏa sáng trong sử sách của dân tộc ta.
TRẦN HƯNG ĐẠO - LINH HỒN CỦA NHỮNG CHIẾN CÔNG HIỂN HÁCH NHẤT THẾ KỈ THỨ XIII.
a) Tổng chỉ huy lực lượng bảo vệ biên giới phía Bắc
Từ giữa năm Bính Thìn (1256), tình hình đã trở nên rất căng thẳng. Bấy giờ, nhà Tống liên tiếp thất bại trước những cuộc tấn công tàn bạo của quân Mông Cổ. Sự sụp đổ quá nhanh chóng của quốc gia Đại Lý và những thất bại thảm hại của quân  đội “thiên triều” đã tác động không nhỏ đến nước ta. Những kẻ vừa yếu bóng vía, vừa nặng lòng tị hiềm đã bắt đầu tìm đường bỏ trốn khỏi đất nước. Một trong những người đầu tiên, tiếc thay, lại là con trai trưởng của Trần Liễu, anh của Trần Hưng Đạo.
“Mùa thu, tháng 7 (năm Bính Thìn, 1256 - NKT), Vũ Thành Vương là ( Trần) Doãn đem cả nhà trốn sang nước Tống. Thổ quan (của nhà Tống) ở phủ Tư Minh là Hoàng Bính, bắt và đem nạp lại cho ta. (Trần) Doãn là con của An Sinh Vương (tức Trần Liễu - NKT) do bà Hiển Từ sinh hạ. An Sinh Vương vốn có hiềm khích với Nhà vua, rồi bà Hiển Từ cũng qua đời, cho nên (Trần Doãn) bị thất thế, chạy trốn sang nước Tống. Vua thưởng tiền lụa cho (Hoàng) Bính, đồng thời, hạ lệnh phòng giữ biên giới rất nghiêm ngặt.  (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 5, tờ 21 b). 
Dẫu có thân sinh là người từng xung đột, đem quân đánh lại Nhà vua, dẫu có anh ruột là người đang tâm bỏ trốn khỏi đất nước và dẫu chính bản thân mình cũng đang bị không ít triều thần nghi hoặc, Trần Hưng Đạo vẫn được vua Trần lúc đó là Trần Thái Tông (1226-1258) tin cậy mà trao phó trọng trách trấn giữ vùng biên cương phía Bắc của nước nhà : "Tháng 8 (năm Đinh Tị, 1257 - NKT), chủ trại Quy Hóa là Hà Khuất sai người chạy trạm về báo rằng có sứ giả của nhà Nguyên sang. Tháng 9, (Nhà vua) xuống chiếu, ra lệnh cho các tướng tả hữu đem quân thủy và quân bộ ra ngăn giữ ở biên giới.  Tất cả đặt dưới sự chỉ huy của (Trần) Quốc Tuấn. Mùa đông, tháng 11, lệnh truyền cả nước sắm vũ khí.” (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 5, tờ 22a).
Khi nhận trọng trách này, Trần Hưng Đạo chưa đầy ba mươi tuổi, nhưng, vị tướng quân còn rất trẻ ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của triều đình và của các tướng sĩ đương thời. Toàn bộ dải biên cương trùng điệp núi rừng ở phía Bắc được kiểm soát chật chẽ, mọi động tĩnh lớn nhỏ ở biên giới đều được thông báo về triều đình một cách kịp thời. Những thông tin phong phú và chính xác do Trần Hưng Đạo chuyển đạt về có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc hoạch định kế sách chung của triều đình. Thắng lợi của cuộc kháng chiến lần thứ nhất gắn liền với công lao trấn giữ biên cương của Trần Hưng Đạo.
Tháng 12 năm 1257, từ lãnh thổ nước Đại Lý mới chiếm ược, tướng Mông Cổ là Ngột-lương-hơp-thai đem gần ba vạn quân men theo sông Hồng để ồ ạt tiến xuống phương Nam, mở  cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt.Vua Trần lúc bấy giờ à  Thái Tông đã tự mình làm tướng, tổng chỉ huy quân sĩ cả nước tiến lên vùng Bình Lệ Nguyên (vùng Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) để đón đánh giặc. Trần Hưng Đạo là một trong những vị dũng tưởng đã sát cánh chiến đấu bên cạnh Nhà vua và đã có công gây cho đội quân của Ngột-lương-hơp-thai những thiệt hại không nhỏ. Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng để sau này triều Trần trao quyền tổng chỉ huy quân đội cho Trần Hưng Đạo trong các cuộc chiến tranh lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288).
b) Người đứng đầu lực lượng vũ trang cả nước, người trực tiếp vạch kế hoạch chung, đồng thời cũng là tướng chỉ huy những trận quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến lấn thứ hai.
Nếu như trước và trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất (1257), Trần Hưng Đạo chỉ mới là một vị dũng tưởng, tổng chỉ huy lực lượng bảo vệ biên giới phía Bắc, thì trước và trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) cũng như lần thứ ba (1288), Trần Hưng Đạo là người được trao toàn quyền điều khiển mọi hoạt động của lực lượng vũ trang cả nước. Trọng trách này, Trần Hưng Đạo chính thức đảm nhận kể từ tháng 10 năm 1283. Kể từ đây, Trần Hưng Đạo ngày đêm chăm lo luyện tập tướng sĩ, không ngừng nâng cao khả năng chiến dấu của quân đội Đại Việt. Cũng kể từ đây, Trần Hưng Đạo dốc hết trí lực, cùng với Thượng Hoàng, Nhà vua và các tướng lĩnh cao cấp, quyết tìm cho bằng được kế sách đối phó hữu hiệu nhất với quân Mông-Nguyên xâm lăng. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, chính Trần Hưng Đạo là người đã khai sinh ba quyết định có ý nghĩa chiến lược rất đúng đắn. Một là đối với đạo quân 50 vạn tên do Thoát-hoan chỉ huy, tấn công từ mặt Bắc xuống, ta tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng, tránh ngọn đòn mạnh nhất của kẻ thù đang lúc hung hăng. Hai là, đối với đạo quân gần một chục vạn tên do từ Chiêm Thành tiến lên, ta quyết tâm đánh trả, không để cho chúng có cơ hội nhanh chóng nhập cục với đại binh Thoát-hoan (Nhiệm vụ quan trọng này được trao phó cho Trần Kiện. Rất tiếc là chẳng bao lâu sau đó thì Tràn Kiện đã đem gia quyến đi hàng giặc. Đi đến biên giới phía Bắc, Trần Kiện bị gia nô của Trần Hưng Đạo bắn chết). Ba là, kiên trì tổ chức hàng loạt những cuộc nghi binh nhằm đánh lạc hướng của kẻ thù và nhằm bảo toàn lực lượng của ta, vững chí chờ thời cơ thuận tiện nhất để mở một loạt chiến dịch lớn, quét sạch quân xâm lăng khỏi bờ cõi. Trong thử thách cam go, hiển nhiên là cũng có những người không đủ khả năng và bản lĩnh để vượt qua. Họ tỏ ra hoang mang, dao động và mất dần niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.
Tháng giêng năm Tân Tị (1281), chú họ của vua Trần là Trần Di Ái (cũng tức là Trần Ải) được sai sang chầu vua Nguyên. Cùng đi với Trần Di Ái còn có bọn Lê Mục và Lê Tuân. Nhưng phái bộ yếu bóng vía này đã đầu hàng và nhận chức tước của nhà Nguyên. Vua nhà Nguyên lập tức phong Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương, đồng thời, cho 1.000 quân sĩ hộ tống trở về. Tháng 6 năm Nhâm Ngọ (1282), Tràn Di Ái và đồng bọn bị triều đình trị tội. Ngay chính vua Trần cũng có lúc không tránh khỏi chút lưỡng lự, băn khoăn. Phải sau khi nghe được câu nói bừng bừng ý chí và niềm tin sắt đá của Trần Hưng Đạo : "Bệ hạ muốn hàng xin trước hãy chém đầu thần đi đã”, thì tinh thần của  vua mới thực sự được củng cố vững chắc.
Cũng trong thử thách cam go, sự phân hóa để rồi cuối cùng là phân cực, thể hiện một cách rất sâu sắc. Tuyệt đại đa số quân sĩ và tướng lĩnh cao cấp lúc bấy giờ đều xứng đáng những người đại diện tiêu biểu cho khí phách hiên ngang của dân tộc, tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là không hề có những kẻ cam lòng đi dầu hàng và thậm chí là làm tay sai cho giặc.
Như đã nói ở trên, đi hàng giặc sớm hơn cả có lẽ là Vũ Thành Vương Trần Doãn (đầu hàng năm 1256) và kế đến là Thượng Vị Chương Hiến Hầu Trần Kiện cùng bọn liêu thuộc là Lê Trắc  (đầu hàng năm 1285).
Tháng 3 năm 1285, đến Thượng Vị Văn Chiêu Hầu Trần Lộng, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc (chú ruột của vua Trần Nhân Tông) cùng các quan khác như Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Đặng Long... v.v. chạy sang nhà Nguyên. Chi li ra, danh sách những kẻ đầu hàng và phản bội không phải chỉ có bấy nhiêu, nhưng, thực tế lịch sử đã cho thấy rõ, tất cả họ bất quá chỉ là một nhóm nhỏ lạc loài. Muôn đời khinh ghét họ và cả chút lương tri nhỏ nhoi còn lại trong mỗi con người của họ cũng giày vò họ. Sử cũ cho hay : “Sau khi quân Nguyên thất bại, (Trần) Ích Tắc lòng những hổ thẹn, chết ở đất Bắc”. Bấy giờ, chết vì hổ thẹn, nào phải chỉ có một mình Trần Ích Tắc đâu.
Đầu tháng 5 năm 1285, khi mà quân xâm lăng đã mệt mỏi sau hàng loạt thất bại của những cuộc hành quân truy lùng, khi mà nguồn hậu cần của chúng ngày một kiệt quệ và đặc biệt là khi mà khí hậu nóng bức của mùa hè ở nước ta bắt đầu gây tác hại đối với người và ngựa phương Bắc, Trần Hưng Đạo hạ lệnh phản công. Quyết định này được vua Trần và các tướng lĩnh cao cấp đương thời ủng hộ mạnh mẽ. Sử cũ ghi : “Quân giặc nhiều năm đi xa, lương thực chuyên chở cách trở hàng vạn dặm, thế tất là phải mệt mỏi. Nay ta lấy quân nhàn rỗi để chống quân mệt mỏi, thì trước là ắt sẽ làm cho chúng nhụt chí, sau nhất định sẽ đánh bại được bọn chúng. (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 5, tờ 48 a).
Mục tiêu đầu tiên mà Trần Hưng Đạo đặt ra là ồ ạt tấn công vào các dinh trại của giặc đóng dọc theo khúc sông Hồng chảy qua vùng Hưng Yên ngày nay. Đây là cuộc tấn công có ý nghĩa đang ở Thanh Hoá) với đại binh của Thoát-hoan. Kế hoạch của Trần Hưng Đạo cụ thể như sau :
 - Trần Hưng Đạo vừa là tổng chỉ huy, vừa là người trực tiếp cầm đầu lực lượng đánh vào A Lỗ (tên một vị trí nằm gần khu vực ngã ba sông Hồng với sông Luộc).
- Chiêu Thành Vương (hiện chưa rõ tên), Hoài Vần Hầu Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái chỉ huy lực lượng đánh vào khu vực bến Tây Kết (Tên một xã nằm cạnh bãi Thiên Mạc hay còn gọi là Mạn Trù Châu, thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ngày nay).
- Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đánh vào Hàm Tử (tên một xã, nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).
- Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải đánh vào Chương Dương (tên bến, cũng là tên xã, nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) và Thăng Long. Nhiều đội dân binh, dưới sự chỉ huy của Trần Thông và hai anh em Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền, cũng được lệnh phối hợp với Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải trong trận đánh quan trọng này.
- Một bộ phận quân đội chủ lực do vua Trần trực tiếp cầm đầu, vẫn tiếp tục đóng ở Thanh Hóa, và từ Thanh Hóa, tổ chức các cuộc tấn công nhằm khống chế Toa-đô, không cho chúng có thể dễ dàng hội quân với Thoát-hoan ở vùng châu thổ sông Hồng.
Đối với nhà Trần, đây là cuộc phản công được chuẩn bị một cách tài tình và công phu từ nhiều tháng trước, nhưng đối với quân Nguyên xâm lược, đây là một bất ngờ lớn. Thoát-hoan và các tướng trong bộ chỉ huy của giặc đã tỏ ra lúng túng và hoàn toàn bất lực trước sự xoay chuyển mau chóng của tình hình. Giặc bị tấn công đồng thời và dồn dập ở nhiều nơi, bị chia cắt và bị tiêu diệt không cách gì có thể liên lạc và tiếp ứng cho nhau. Trong lúc đó các tướng lĩnh và quân sĩ của ta lại liên tiếp lập công. Tuy mức độ có khác nhau nhưng tất cả các mũi tấn công đều giành được thắng lợi, đúng như kế hoạch mà Trần Hưng Đạo đã dự kiến từ đầu. Tháng 5 năm 1285, ta thu phục Thăng Long, Thoát-hoan cùng các tướng sĩ của hắn phải đem quân chạy sang vùng Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội ngày nay) và Bắc Ninh. Đầu tháng 6 năm 1285, vua và Thượng nhà Trần cũng đem quân từ Thanh Hóa đánh ra.
 Tháng 6 năm 1285 là tháng đã diễn ra ba trận đối đầu trực tiếp và quyết liệt giữa một bên là tổng chỉ huy quân đội Đại Việt với một bên là tổng chỉ huy quân Nguyên xâm lăng. Trận thứ nhất là trận ở bờ bắc sông Hồng. Thoát-hoan bị thảm bại, phải rút về bờ bắc sông Như Nguyệt (tức sông Cầu). Trận thứ hai, Thoát-hoan buộc phải hốt hoảng bỏ vùng bờ bắc sông Như Nguyệt để chạy lên mạn sông Thương. Và trận thứ ba là rận quyết định. Thoát-hoan chẳng những phải bỏ chạy khỏi khu vực sông Thương mà còn phải mở đường máu, chạy thẳng về Trung Quốc. Trận thứ ba là trận khiếp đảm nhất đối với quân Thoát-hoan. Để có thể thoát thân, chúng vội vã bắc cầu phao vượt sông Thương, nhưng cũng vì vội vã mà chiếc cầu phao ấy không chịu đựng nổi cuộc tháo chạy hỗn loạn của giặc. Cầu phao bị đứt khiến cho không biết bao nhiêu quân sĩ của giặc bị chết đuối. Thoát-hoan chạy đến biên giới thì lập tức gặp phải trận mai hục của quân đội nhà Trần do con trai của Trần Hưng Đạo là tướng Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiển chỉ huy. Bộ tướng của Thoát-hoan là Lý Hằng bị trúng tên thuốc độc mà chết. Thoát-hoan phải chui vào ống đồng mới tránh được trận mưa tên thuốc độc nguy hiểm này.
 
Thoát-hoan bị đánh cho tả tơi nhưng Toa-đô ở Thanh Hóa vẫn không hề hay biết gì. Cuối tháng 6 năm 1285, Toa-đô cùng Ô-mã-nhi tiến quân ra Bắc. Vừa đến khu vực Khoái Châu (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), đạo binh này của giặc đã bị vua Trần đem quân đánh cho tan tác. Toa-đô buộc phải chạy về Tây kết nhưng chưa kịp ổn định quân ngũ thì đã bị vây đánh quyết liệt. Với quân đội nhà Trần, đây là trận tấn công vào Tây Kết lần thứ hai, và trong trận Tây Kết lần thứ hai này, viên tướng khét tiếng của giặc là Toa-đô đã bị chém đầu. Ô-mã-nhi và các bộ tướng khác của hắn may mắn thoát chết, theo đường thủy chạy ra vịnh Hạ Long rồi chạy thẳng về Trung Quốc. Như vậy là sau hai tháng dồn dập tấn công với hàng loạt những chiến dịch, trải rộng trên nhiều địa bàn khác nhau, quân dân ta đã giành toàn thắng. Hơn nửa triệu quân Nguyên xâm ược đã buộc phải tháo chạy khỏi Đại Việt. Thắng lợi to lớn này gắn liền với tài thao lược xuất sắc của các tướng lĩnh nước nhà thời Trần, nhưng, nổi bật hơn cả, tuyệt vời hơn tất cả vẫn là tên tuổi của Trần Hưng Đạo. Triều Trần đã tin cậy mà trao trọng trách cho ông, và chính ông cũng đã thật sự xứng đáng với niềm  cậy lớn lao đó.
Đầu tháng 7 năm 1285, nhân dân Thăng Long hân hoan chào đón triều đình trở về, hân hoan chào đón vị nguyên soái lỗi lạc của nước nhà : Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo.
c) Nhà chiến lược xuất sắc, tướng tổng chỉ huy thiên tài  của cuộc kháng chiến lấn thứ ba.
Ngay sau khi cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai bị thất bại, Hốt-tất-liệt đã định đánh báo thù ngay, nhưng cũng chính vì sự thất bại thảm hại của cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai này, Hốt-tất-liệt nói riêng và triều đình nhà Nguyên nói chung, không được phép chủ quan như trước nữa. Để thực hiện cuồng vọng bành trướng của mình xuống Đại Việt và xuống vùng Đông Nam Á, Hốt-tất-liệt đã ban hành hai quyết định quan trọng. Như trên đã nói, quyết định thứ nhất là : tạm thời đình chỉ cuộc tấn công xâm lược Nhật Bản đã được chuẩn bị công phu từ nhiều  năm trước đó nhằm dồn hết lực lượng cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Và, quyết định thứ hai là : tìm cho bằng được những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của quân Nguyên trong hai lần xâm lược nước ta. Những cận thần của Hốt-tất-liệt, cũng là những chiến lược gia lừng danh của nhà Nguyên cho rằng, sở dĩ quân Nguyên thất bại ở nước ta là bởi ba nguyên nhân sau đây : Thứ nhất : quân Nguyên thiếu lương thực một cách trầm trọng. Kế thanh dã (tức là kế làm vườn không nhà trống) của  ta đã gây cho kẻ thù những khó khăn rất lớn. Để khắc phục tình trạng này, Hốt-tất-liệt ra lệnh thành lập một đoàn thuyền lương, giao cho Trương Văn Hổ chỉ huy. Trương Văn Hổ có nhiệm vụ chuyên chở lương thực cho đại binh của nhà Nguyên khi chúng xâm lược nước ta.
Thứ hai : nước ta nhiều sông ngòi, ao hồ, kênh rạch và bờ biển lại rất dài. Địa hình phức tạp này khiến cho kị binh nhà Nguyên không phát huy được sở trường chiến đấu. Để khắc phục tình trạng ấy, Hốt-tấ-liệt đã ra lệnh thành lập ngay một đạo thủy binh, giao cho tướng Ô-mã-nhi cầm đầu. Đạo thủy binh này vừa chiến đấu như một đơn vị vũ trang độc lập, lại vừa phối hợp và giúp đỡ bộ binh cũng như kị binh khi chúng hành quân trên địa hình khó khăn và phức tạp của nước ta.
Thứ ba : Người và ngựa của nhà Nguyên rất khó thích ứng với khí hậu của nước ta. Để hạn chế bớt nạn tử vong vì ốm đau và bệnh dịch, Hốt-tất-liệt chủ trương huy động thật nhiều thầy thuốc và thuốc men phục vị quân viễn chinh.
Những việc làm kể trên tỏ rõ quyết tâm của Hốt-tất-liệt rất  lớn, công cuộc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ ba là rất công phu.
Cuối năm 1287, đầu năm 1288, quân Nguyên bắt đầu tràn sang lãnh thổ nước ta. Tổng số quân xâm lăng lần này là 50 vạn, tất ả được đặt dưới quyền tổng chỉ huy của Thoát-hoan. Bên cạnh Thoát-hoan là một loạt các tướng khét tiếng khác của nhà Nguyên, như Ô-mã-nhi, Áo-lỗ-xích, Phàn Tiếp... Giặc chia quân làm ba đạo, tiến vào nước ta qua ba hướng khác nhau :
- Đạo thứ nhất gồm kị binh và bộ binh, băng qua ải Chi Lăn rồi tiến vào nước ta qua hướng Lạng Sơn. Thoát-hoan trực tiếp cầm đầu đạo này.
- Đạo thứ hai cũng gồm bộ binh và kị binh, từ đất Vân Nam của Trung Quốc, men theo sông Hồng mà tiến xuống nước ta. Đạo này do tướng Áo-lỗ-xích chỉ huy.
- Đạo thứ ba là đạo thủy binh, từ Quảng Đông của Trung Quốc, băng qua vịnh Hạ Long rồi men theo sông Bạch Đằng mà tiến vào. Đạo này do Ô-mã-nhi và Phàn Tiếp chỉ huy.
Đoàn thuyền lương do tướng Trương Văn Hổ cầm đầu đi theo sau đạo thủy binh này. Ngoài lực lượng quân sự như đã kể ở trên, nhà Nguyên còn thành lập sẵn một triều đình bù nhìn, giao cho tên phản thần Trần Ích Tắc làm "An Nam quốc vương”. Theo Nguyên sử thì trước khi Thoát-hoan xuất quân, chính Hốt-tất-liệt đã ra lệnh rằng : “Không được cho Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh thường". Một lần nữa, vận nước lại lâm nguy, và cũng một lần nữa, Trần Hưng Đạo được tin cậy trao phó trọng trách vạch kế hoạch chiến lược, đồng thời, tổng chỉ huy toàn bộ lực lượng chống xâm lâng. Khi được vua Trần Nhân Tông hỏi thăm về việc chống giữ, Trần Hưng Đạo đã khảng khái trả lời một cách đầy tự tin rằng : "Nước ta thái bình đã lâu, dân không biết tới việc binh đao, cho nên, vừa năm trước đây, khi quân Nguyên vào cướp thì có kẻ đầu hàng hoặc trốn chạy. Nhờ uy linh của tổ tông và cũng nhờ thần võ của bệ hạ, ta đã quét sạch được bụi Hồ. Nay, nếu chúng lại sang cướp nữa thì quân ta đã quen việc chiến trận mà quân giặc thì phải đi xa, đã thế lại còn nơm nớp nỗi sợ thất bại của (Lý) Hằng và (Lý) Quán (những tên  tướng trong cuộc xâm lược năm 1285 - NKT), cho nên chẳng còn chí khí chiến đấu nữa. Theo như thần thì việc ta phá được chúng là điều chắc chắn. (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 5, tờ 51 a-b).
Trên đại thể, kế hoạch chung của Trần Hưng Đạo như sau: - Đối với hai đạo kị binh và bộ binh của nhà Nguyên tiến vào nước ta qua đường bộ, Trần Hưng Đạo chủ trương không đánh mà tạm thời rút lui, bảo toàn lực lượng để dồn sức cho trận đánh quyết định khi có cơ hội. Nhân dân các địa phương trên các tuyến hành quân của giặc nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, phải triệt để thực hiện kế thanh dã, quyết không để quân giặc có thể cướp được lương thực và thực phẩm. - Đối với đạo thủy binh và đoàn thuyền lương, phải quyết tâm đánh tan ngay khi chúng chưa kịp tiến vào nước ta, phá vỡ âm mưu phối hợp giữa kị binh, bộ binh với thủy binh của chúng, đồng thời, tiêu diệt nguồn hậu cần của đội quân xâm lăng khổng lồ này. Nhiệm vụ tiêu diệt thủy binh và đoàn thuyền lương của giặc được giao cho Phó Tướng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đảm trách. Hai đạo kị binh và bộ binh do Thoát-hoan và Áo-lỗ-xích chỉ huy, do không bị đánh trả một cách quyết liệt, cho nên, đã tiến xuống Vạn Kiếp một cách khá dễ dàng. Đạo thủy binh của Ô-mã-nhi, tuy bị đánh một số trận khá mạnh ở Ngọc Sơn (Móng Cái, Quảng Ninh) và ở An Bang (Quảng Yên, Quảng Ninh) và tuy bị thiệt hại khá nặng, nhưng chúng vẫn băng qua được để rồi sau đó, hợp binh với Thoát-hoan và Áo-lỗ-xích tại Vạn Kiếp. Giặc hợp binh được ở Vạn Kiếp là điều hoàn toàn nằm ngoài dự kiến ban đầu của Trần Hưng Đạo, bởi lẽ đó, Trần Hưng Đạo và Thượng Hoàng cũng như vua Trần rất tức giận. Sử cũ chép : “Thượng Hoàng được tin, sai Trung Sứ đến xiềng (Trần) Khánh Dư để giải về kinh đô trị tội. (Trần) Khánh Dư liền nói với Trung Sứ rằng :
- Lấy quân pháp mà xử, tôi thật đáng phải chịu tội chết, nhưng xin cho khất vài ba ngày để tôi xin bày mưu lập công rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn.
Trung Sứ nghe theo lời cầu xin đó. (Trần) Khánh Dư dự liệu rằng (thủy binh) giặc đã qua, lương thuyền ắt sẽ phải đi sau, cho nên, thu tập binh sĩ để đợi bọn chúng. Chẳng bao lâu sau, quả nhiên lương thuyền đến, (Trần Khánh Dư) đánh bại chúng, bắt được không biết bao nhiêu là quân lương và khí giới, tù binh cũng không đếm xuể. (Trần) Khánh Dư lập tức sai chạy ngựa về báo tin mừng. toàn thư, bản kỉ, quyển 5, tờ 52-b và 53-a).
Đoàn thuyền lương do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy bị đánh tan, cố gắng khắc phục khó khăn về lương thực của giặc không thực hiện được. Chiến thắng ở Vân Đồn của Trần Khánh Dư có ý nghĩa rất to lớn đối với diễn biến chung của cuộc kháng chiến lần thứ ba. Tuy nhiên, ở Vạn Kiếp, Thoát-hoan, Áo-lỗ-xích và cả Ô-mã-nhi đều không hay biết gì. Chính Ô-mã-nhi đã tuyên bố một cách rất huênh hoang trong cuộc truy tìm chủ lực nhà Trần, rằng :
 "Ngươi chạy lên trời, ta theo lên trời, ngươi chạy xuống đất, ta theo xuống đất, ngươi lặn xuống nước, ta theo xuống nước”.
Thượng Hoàng nhà Trần nhận định : “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là quân lương và khí giới, nay đã bị ta đánh bắt, nhưng sợ rằng (chủ tướng của) chúng vẫn chưa hay biết gì, nên vì thế mà tỏ ra hung hăng chăng ? (Nói rồi) bèn thả những tên bị bắt, cho về dinh của quân Nguyên để báo tin. Quân Nguyên quả nhiên vì thế mà phải rút lui.” (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 5, tờ 53-a). Thoát-hoan cố sức tìm diệt chủ lực của ta nhưng không sao tìm được. Quân Nguyên không dám đóng rải rác, cũng không dám chiếm giữ kinh thành Thăng Long, mà hầu hết đã co cụm lại ở Vạn Kiếp. Các mục tiêu lớn đặt ra trước lúc xuất quân đều không thực hiện được, trong lúc đó, lương thực thì đã cạn, thời tiết khắc nghiệt của mùa hè ở nước ta lại đang đến dần, con đường duy nhất của quân Nguyên lúc này là rút lui. Chúng thực sự hoang mang nên đã bàn với nhau rằng : “Ở Giao Chỉ không có thành trì để giữ, không có lương thực để ăn, mà thuyền lương của Trương Văn Hổ không đến. Vả lại khí trời nóng nực, lương hết, quân mệt, không lấy gì chống giữ lâu được, lấy làm hổ thẹn cho triều đình, chi bằng nên toàn quân mà về thì hơn".
 
 Trước tình hình như vậy, Trần Hưng Đạo chủ trương tổ chức uy hiếp liên tục, buộc địch phải tháo chạy nhanh và sẽ đánh trận quyết định với quân xâm lăng trên đường chúng tháo chạy. Đây là chủ trương rất táo bạo và sáng tạo. Cũng như nhiều vị tướng lĩnh đương thời, Trần Hưng Đạo từng đọc rất kĩ và hẳn  nhiên là từng chịu ảnh hưởng ở một mức độ nhất định nào đó của lí luận quân sự Trung Quốc cổ dại. Nhưng, nếu như Tôn Tử của Trung Quốc - nhà binh pháp có ảnh hưởng mạnh nhất đến các tướng lĩnh phương Đông - chủ trương rằng : “Hễ địch rút lui về nước thì không nên bao vây ngăn chặn. Khi tiến hành bao vây dịch thì nên để hở một phía chứ không nên vây kín. Nếu đối phương đã đến lúc khốn cùng thì cũng không nên bức bách họ quá”... thì ngược lại, Trần Hưng Đạo chủ trương thúc ép đối phương phải tháo chạy đề rồi đánh trận quyết định khi đối phương đang trên đường tháo chạy ấy. Và, đó là chủ trương hoàn toàn đúng đắn.
Đầu tháng 4 năm 1288, quân Nguyên bắt đầu buộc phải rút khỏi nước ta. Chủ tướng của giặc là lhoát-hoan quyết định  hoạch rút quân cụ thể như sau :
Kị binh và bộ binh do đích thân Thoát-hoan chỉ huy, từ Vạn Kiếp tiến lên Lạng Sơn, rồi từ đó kéo về Trung Quốc. - Thủy binh do Ô-mã-nhi chỉ huy, được tăng cường thêm quân số và thêm một đạo kị binh đi dọc theo sông để hộ tống từ Vạn Kiếp tiến ra sông Bạch Đằng rồi vượt vịnh Hạ Long  về Trung Quốc. Như vậy nếu khi tràn sang nước ta, giặc chia quân làm ba đạo thì khi về, giặc chỉ còn chia làm hai đạo nữa mà thôi. Trong hai đạo này, thủy binh tuy có tới hơn 600 chiến thuyền với quân số ước chừng 60.000 tên, chưa kể lực lượng kị binh đi hộ tống, nhưng, so với đạo kị binh và bộ binh thì quân số vẫn ít hơn, đó là chưa nói rằng, thủy chiến không phải là sở trường của chúng. Từ thực tế này, Trần Hưng Đạo hạ lệnh:
- Tổ chức nhiều trận đánh bất ngờ và nguy hiểm vào đạo quân do Thoát-hoan trực tiếp chỉ huy, buộc chúng phải tháo chạy thật nhanh, không còn cơ hội để tiếp ứng cho đạo thủy binh của Ô-mã-nhi.
- Tiêu diệt sạch đạo thủy binh của Ô-mã-nhi bằng một trận thủy chiến, lấy đó làm đòn quyết định, đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lược của nhà Nguyên đối với nước ta.
- Đích thân Trần Hưng Đạo đi thám sát địa hình và chuẩn bị cho trận quyết chiến với đạo binh của Ô-mã-nhi.
d) Người thắng trận chung kết tuyệt vời với quân Nguyên ở Bạch Đằng Giang. Để bảo đảm đánh nhanh, diệt gọn toàn bộ đạo thủy binh của Ô-mã-nhi, Trần Hưng Đạo hạ lệnh triệt phá cầu đường dọc theo hướng rút lui của đạo quân này, đồng thời, tổ chức nhiều trận tập kích quyết liệt, buộc lực lượng kị binh đi hộ tống phải quay lại, cùng về với Thoát-hoan. Ngoài ra, Trần Hưng Đạo cũng còn cho quân sĩ đánh nhiều trận lớn nhỏ khác, khiến Ô-mã-nhi phải đi theo hướng định sẵn của ta để rồi sa vào ổ mai phục do chính Trần Hưng Đạo sắp đặt.
Nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược là khu vực đầu nguồn của sông Bạch Đằng, vì thế, sử vẫn gọi đấy là trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng. Đây là nơi hợp lưu của sông Đá Bạc, sông Giá, sông Chanh, sông Rút, sông Kênh và sông Bạch Đằng, đó là chưa kể nhiều sông nhỏ và các kênh rạch khác, vì thế, lòng sông rất rộng, rất thuận tiện cho việc bố trí một trận thủy chiến. Đây là nơi mà năm 938, Ngô Quyền đã cả phá quân Nam Hán và năm 981, Lê Hoàn đã đánh tan quân Tống xâm lăng. Kế thừa kinh nghiệm của Ngô Quyền và Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo đã bố trí một trận địa mai phục hết sức công phu. Hàng loạt cọc gỗ vạt nhọn và bịt sắt được cắm xuống, tạo ra bãi chướng ngại vật hết sức lợi hại đối với chiến thuyền của giặc. Những cánh quân chủ lực tinh nhuệ nhất của triều đình, đông đảo các đơn vị quân đội của vương hầu quý tộc cùng rất nhiều đội dân binh đã được huy động tham gia trận đánh lịch sử này. Trong bộ chỉ huy trận đánh, ngoài Trần Hưng Đạo, còn có cả Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông, các danh tướng khác như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái... v.v. Thủy binh và bộ binh nhà Trần được Trần Hưng Đạo bố trí mai phục sẵn, chủ yếu ở khu vực tả và hữu ngạn sông Giá (nay thuộc huyện Thủy Nguyên), tả và hữu ngạn sông Chanh (nay thuộc huyện Yên Hưng) ở nơi hợp lưu của sông Bạch Đằng với sông Rút, sông Bạch Đằng với sông Kênh. Tuy có sự tham gia của đông đảo bộ binh, nhưng tính chất căn bản của trận Bạch Đằng vẫn là một trận thủy chiến, một trận thủy chiến kết hợp chặt chẽ giữa mai phục với bao vây tiêu giệt. Trần Hưng Đạo đã nghiên cứu rất kĩ chế độ thủy văn của sông Bạch Đằng, dự kiến rất chính xác mực nước lên xuống của ngày diễn ra trận đánh. Điều này đã khiến cho bãi cọc gỗ thực sự phát huy được tác dụng lợi hại nhất, khiến cho đạo quân của Ô-mã-nhi hốt hoảng vì hoàn toàn bất ngờ và không cách gì có thể thoát được. Ngày 30 tháng 3 năm 1288, từ Vạn Kiếp, Ô-mã-nhi bắt đầu rút quân. Đây cũng là lúc mà ở Bạch Đằng, trận địa mai phục của Trần Hưng Đạo đã bố trí xong.
Ngày 8 tháng 4 năm 1288, đội tiền vệ của Ô-mã-nhi do tướng Lưu Khuê cầm đầu bị đánh tới tấp ở Trúc Động (một địa điểm nằm trên sông Giá, nay thuộc xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên). Bị đại bại ở đây, Lưu Khuê buộc phải quay lại, theo sông Đá Bạc mà ra Bạch Đằng.
 Mờ sáng ngày 9 tháng 4 năm 1288, binh thuyền của Ô-mã-nhi từ sông Đá Bạc tiến vào sông Bạch Đằng. Trần Hưng Đạo lập tức cho một đội chiến thuyền nhẹ, ra khiêu chiến rồi giả vờ thua chạy. Tướng giặc là Phàn Tiếp đem quân đuổi theo, nhưng khi chúng vừa tiến đến khu vực núi Tràng Kênh thì bị phục binh của ta bắt đầu đổ ra đánh. Lúc ấy, Ô-mã-nhi cũng vừa lọt vào ổ phục kích lớn nhất của Trần Hưng Đạo tại sông Bạch Đằng. Nước sông Bạch Đằng rút với một tốc độ rất nhanh, chiến thuyền của giặc số thì vỡ nát do đâm phải bãi cọc gỗ, số thì bị tắc nghẹn lại, không sao tiến lên phía trước được. Và, đó cũng là lúc Trần Hưng Đạo hạ lệnh cho quân sĩ ồ ạt tấn công. Trận ác chiến diễn ra vào trưa ngày 9  tháng 4 năm 1288. Sử cũ cho hay, quân Nguyên như bị chìm  trong trận mưa tên thuốc độc từ nhiều hướng bắn ra. Chúng hốt  hoảng chưa tìm được cách đối phó thì hàng chục chiếc thuyền chứa lửa do Trần Hưng Đạo hạ lệnh thả từ thượng nguồn lại ồ ạt lao thẳng vào. Ô-mã-nhi cùng các tướng lĩnh cao cấp của giặc tìm đường chạy trốn nhưng lại bị quân ta bắt sống. Đạo thủy binh của Ô-mã-nhi hoàn toàn bị tiêu diệt. Đây là chiến công lừng lẫy nhất của quân dân ta trong sự nghiệp chống xâm lăng ở thế kỉ thứ XIII và đây cũng là một trong những trận quyết chiến chiến lược lừng lẫy nhất của lịch sử dấn tộc. Trận Bạch Đằng là trận góp phần quan trọng nhất ược của quân Nguyên đối với nước ta, trận để nhục muôn đời cho quân xâm lược :
Đến nay, nước sông vẫn chảy hoài
Mà nhục quân thù không rửa hết.
(Trương Hán Siêu - Bạch Đằng giang phú) Như trên đã nói, đồng thời với việc tổ chức trận mai phục ở Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo còn bố trí kế hoạch đánh mạnh vào đạo quân của Thoát-hoan. Ngày 11 tháng 4 năm 1288, Thoát-hoan lọt vào ổ mai phục của quân đội nhà Trần tại Nội Bàng khiến Thoát-hoan phải hạ lệnh mở đường máu mới thoát được. Ngày 19 tháng 4 năm 1288, sau nhiều phen bị đánh tới tấp, Thoát-hoan mới về đến Tư Minh (Trung Quốc) và giải tán đám tàn quân của hắn. Hắn bị vua cha là Hốt-tất-liệt đuổi đi, không thèm nhìn mặt nữa.
Sau trận Bạch Đằng, nếu Thoát-hoan và một loạt những tên bại tướng của nhà Nguyên phải nhục nhã ê chề, thì ngược lại, tên tuổi của Trần Hưng Đạo trở nên lừng lẫy hơn bao giờ hết.
Đôi câu đối (hiện chưa rõ là của ai) dưới đây, thật chẳng có gì là quá lời :
Địa chuyển ngã Việt chủng cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông ky tung hoành thiên vạn lí,
Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung Quốc sử tiền miễn Nguyên triều đô hộ nhất bách niên.
Dịch nghĩa : Nếu dân Việt mà sinh ở phương Bắc thì các nước châu Âu đâu đến nỗi bị vó ngựa Mông Cổ chà đạp ngàn dặm,
Ví thử trời sinh bậc thiên tài này ở nhà Tống thì lịch sử Trung Quốc trước đây làm gì có chuyện bị nhà Nguyên đô hộ trăm năm.
6. MẶN NỒNG TÌNH NGHĨA VỚI MUÔN ĐỜI
Khi đại thắng quân Nguyên ở trận Bạch Đằng lịch sử, Trần Hưng Đạo đã là một lão tướng, tuổi cũng đã xấp xỉ đến lục tuần. Sau nhiều năm lao tâm khổ tứ, sức khỏe của lão tướng Trần Hưng  Đạo cũng dần dần cạn kiệt. Sử cũ chép rằng, ngày 24 tháng 6 năm Canh Tí (1300), trời bỗng có sao sa. Cũng vào tháng ấy, Trần Hưng Đạo lâm bệnh. Vua Trần lúc bấy giờ là Trần Anh Tông (1293 - 1314) thân đến tận nhà Trần Hưng Đạo để thăm hỏi và sử cũ đã trân trọng chép lời đối đáp thật cảm động giữa vua Trần với Trần Hưng Đạo như sau :
"Hưng Đạo Đại Vương lâm bệnh, Vua ngự tới tận nhà để thăm rồi nhân đó hỏi rằng : - Nếu có điều chẳng may xảy ra (ngầm chỉ việc Trần Hưng Đạo chẳng may mà mất - NKT) mà bọn giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì nên có kế sách đối phó như thế nào?
Vương (chỉ Trần Hưng Đạo - NKT) trả lời :
- Thuở xưa, Triệu Vũ (Đế) dựng nước (chỉ việc Triệu Đà lập ra nước Nam Việt vào năm 206 trước công nguyên – NKT), vua nhà Hán cho quân đến đánh, (để đối phó, Triệu Vũ Đế) sai dân làm kế thanh dã, sai đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu rồi đánh vào Trường Sa và sai đoản binh đánh úp phía sau. Đó là một thời. Sau, nhà Đinh, nhà Lê đều đùng được người tài giỏi, cho nên, phương Nam mới mạnh còn phương Bắc thì suy yếu và mệt mỏi dần. Ta trên dưới một dạ, lòng dân chẳng chút chia lìa, xây thành Bình Lỗ (có lẽ nằm gần khu vực Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội ngày nay - NKT) mà phá được quân Tống. Đó là một (thịnh trị), nhà Tống xâm phạm địa giới, (triều đình) dùng Lý Thường Kiệt, đem quân đánh đến tận các châu Khâm và Liêm rồi đánh tới cả Mai Lĩnh (các châu Khâm, Liêm và Mai Lĩnh đều thuộc Trung Quốc - NKT), cũng là nhờ (có lòng người không chia lìa) như thế. Vừa rồi Toa-đô và Ô-mã-nhi đem quân bao vây ta bốn mặt, nhưng vì vua tôi ta đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước cùng góp sức nên lũ giặc phải bị bắt. Đó là do trời xui nên vậy. Đại để, giặc cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh, dùng đoản binh để chế ngự trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu thấy giặc tiến như gió hoặc như lửa thì việc chế ngự sẽ dễ. Nhưng, nếu giặc tiến chậm như thể tằm ăn dâu, chẳng cầu sự thắng nhanh, thì phải khéo chọn tướng giỏi, xem xét thật sát sự biến thất thường mà ứng xử, tương tự như đánh cờ, tùy thời mà tạo thế, phải có được đội quân trên dưới một dạ như cha con thì mới mong thắng được.
Vả chăng, khoan sức dân để làm kế rễ sâu gốc vững, đó mới là thượng sách giữ nước.” (Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, quyển 6, tờ 9 a-b).
Vua Trần Anh Tông thân đến tận nhà để thăm hỏi, đó là biểu hiện của lòng thành. Đáp lại, Trần Hưng Đạo cũng đã nói những lời chân thành nhất với nhà vua. Đây thực sự là cuộc gặp gỡ tương đắc giữa vua sáng với tôi hiền. Nỗi bận tâm suốt đời của Trần Hưng Đạo là làm sao để không ngừng mở rộng và củng cố sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, làm sao để có thể chọn và trọng dụng người hiền tài và làm sao để có thể nuôi dưỡng được sức dân. Khoan sức dân để làm kế rễ sâu gốc vững, đó mới là thượng sách giữ nước! Lời chí tình ấy của Trần Hưng Đạo cũng chính là lời chí tình của tất cả các bậc ưu thời mẫn thế và nặng lòng ái quốc trong khắp mọi thời. Lời ấy mãi mãi tỏa sáng trong sử sách của dân tộc ta.
Danh tướng Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét