Đến thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng) những ngày đầu tháng 3, cô bạn người dân tộc Mường rủ vào chơi Động Hổ. Thoạt nghe, nhiều người đã xanh mặt vì sợ nguy hiểm nhưng không ít người sốt sắng với lời đề nghị này. Chúng tôi lên đường ngược từ Bản Giốc về Bản Gun chừng khoảng 3 cây số để đến Động Hổ.
Xe dừng lại trước một quả núi cũng là nơi đặt trụ sở của khu du lịch này. Ngoài con đường vừa đi, có một lối dẫn lên núi. Còn lại là núi non, đồng ruộng và gần như không có nhà ở. Cô bạn người Mường bảo: "Bước qua hết những bậc thang này, đi thêm một quãng đồng nữa mới vào đến động. Các nhà khoa học nghiên cứu địa chất, lấy mẫu đá khảo nghiệm, đã xác định động được hình thành từ 300 triệu năm trước. Từ xa xưa, người dân Mường đã biết đến hang động này nhưng không ai dám bước vào trong vì lúc nào cũng nghe tiếng gầm gừ của hổ dữ". Nghe vậy, mỗi người đưa ra một ý kiến về tiếng hổ trong động. Người thì bảo, chắc là người xưa chôn cất kho báu trong động nên trấn yểm hổ dữ ở đây để bảo vệ tránh sự xâm nhập của kẻ gian. Người thì bảo, chắc là đây là nơi cư trú của loài hổ… Nhiều câu hỏi được đặt ra với cô gái dân tộc Mường: "Có thật là hổ còn sinh sống trong động không?", "Từ trước đến nay, có trường hợp nào hổ tấn công người không?". Trước hàng loạt câu hỏi, cô chỉ nhẹ nhàng: "Vào trong đi rồi sẽ biết. Nếu không động chạm gì vào "của cải" của hang động, chắc hổ không làm gì mình đâu!". Câu nói có vẻ để trấn an nhưng làm nhiều người…bất an. Vào đến cửa động, chúng tôi gặp các hướng dẫn viên bản địa. Một cô hướng dẫn lém lỉnh bảo: "Hổm rày, bỗng dưng hổ gầm gừ to lắm, không biết có chuyện gì không. Nhưng chưa thấy "ông" nào xuất hiện!". Chẳng biết hư thực thế nào nhưng chúng tôi càng thấy phấn khích và pha chút sờ sợ.
Ngườm Ngao là một hang động lớn ẩn chứa nhiều bí ẩn kỳ thú với vỏ bọc ngoài là núi đá vôi xanh um.
Cửa động khá hẹp nhưng vào bên trong thì rộng mênh mông. Càng đi sâu vào động, lối đi càng rộng, mái động càng cao. Hóa ra, đây là động hình thành từ núi đá vôi nên có nhiều thạch nhũ với những hình thù kỳ quái. Càng đi vào sâu trong hang, thạch nhũ càng đẹp, khi thì như một rặng núi trong tranh thủy mặc, khi thì như một khu rừng đầy cây cối, nhấp nhô… Thạch nhũ được bảo vệ kỹ lưỡng, không có dấu hiệu bị bẻ gãy, phá hoại như những nơi khác. Cảnh đẹp trong động làm chúng tôi quên đi mục đích chính đến đây là để tìm…hổ dữ! Đang ở lối đi rộng rãi, chúng tôi chuẩn bị lách mình bước qua một khe hẹp. Như thuộc hết những ngõ ngách trong động, cô bạn người Mường nhắc cảnh giác mọi người và hướng dẫn cách đi an toàn. Qua khỏi khe hẹp này, chúng tôi như bước vào một động lớn hơn. Mái động cao hàng chục mét được "chống đỡ" bởi các cột thạch nhũ.
Bỗng dưng, cô bạn nhắc chúng tôi nói khẽ, đi nhẹ vì sắp đến nơi "trú ngụ" của "chúa sơn lâm". Có chút kỳ bí, tò mò xen lẫn sợ sệt, chúng tôi im phăng phắc và gần như bước đi trong…nín thở. Tim đập thình thịch khi nghe có tiếng gầm gừ vang vọng từ vách động cách chỗ chúng tôi đứng chừng hơn 10m. Không phải một và dường như âm thanh ấy được phát ra từ một bầy. Ai nấy cũng đưa mắt nhìn vào vách động lờ mờ trước mắt. Phía sau đó là những ngóc ngách tối đen. Đưa đèn pin quét nhanh qua khu vực tối tăm ấy, chúng tôi thấy những ánh sáng lấp lánh. Một người bảo: "Có khi nào đó là mắt hổ đang nhìn về hướng mình không?" làm không ít người xanh mặt. Dường như ai nấy cũng lùi lại một bước. Cô bạn Mường cười phá lên, xóa tan bí mật tạo ra những nỗi sợ hãi và nói: "Đó là dòng suối ngầm. Do chảy xuyên qua những phiến đá hẹp nên âm thanh vọng ra va vào đá và tiếp tục luồn lách mới đến tai mình nên nghe ghê rợn vậy thôi chứ chẳng sao cả !".
Đá vôi hình thành những hình khối quái dị, khơi gợi trí tò mò của du khách khi đi xuyên gần 2.200 mét bên trong Động Hổ.
Xóa tan được cảm giác hồi hộp, ai nấy đều phấn khích vì đã tìm được câu trả lời cho bí ẩn Động Hổ mà lâu nay người Mường bản địa sợ không dám động đến. "Còn một bí mật nữa là có một chiếc thuyền cổ "đi lạc" vào đây và…hóa thạch. Có lẽ, ngày xưa khi hình thành quần thể núi này, chiếc tàu cổ đã bị chìm hoặc có thể đang di chuyển trong vùng địa chấn nên bị đẩy lên khỏi mặt nước, "lạc" vào quần thể núi đá vôi và hóa thạch đến ngày nay"- câu chuyện làm chúng tôi thêm tò mò và rảo bước nhanh theo chân cô bạn Mường. Ngay trung tâm hang động rộng rãi và cao lớn là khối đá vôi xù xì mang hình dáng một chiếc thuyền buồm với hai cột buồm cao vút lên không. Nhìn vào đây, ai cũng nghĩ giả thiết cô bạn Mường đưa ra là sự thật. Đến gần mới thấy thiên nhiên đúng là một kiến trúc sư, một nghệ sĩ vĩ đại. Đá vôi bị nước mưa thấm vào và chảy len lỏi đến trần của động này thì rơi thẳng xuống bên dưới, mang theo nhiều khoáng chất, dần dà hình thành nên một chiếc thuyền buồm để nhân gian chiêm ngưỡng.
Phần hang động được khai thác còn thêm một đoạn đi qua những khối đá dát vàng, dát bạc, qua giếng trời kéo dài khoảng 200 mét nữa thì kết thúc. Cửa ra là một cửa khác rộng lớn, cũng là cửa chính của động. Chúng tôi đã đi qua gần 2.200m trong hang động. Nhưng theo lời cô bạn của chúng tôi, hang động dài đến 5.000m đang tiếp tục được khai thác, chứa nhiều bí ẩn. Bước xuống hết các bậc thang của động, quay mặt lại hướng cửa chính của động, cả đoàn đều "À!" lên ngạc nhiên vì đây là Ngườm Ngao vốn rất nổi tiếng. Thì ra, trong tiếng Mường, Ngườm là Động, Ngao là Hổ !
Bài, ảnh: Đức Quý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét