Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Dấu tích Thành cung Nam Ô

Thành cung là cách người dân Nam Ô gọi nhà trạm Nam Ổ xưa, một trong 7 nhà trạm đi qua địa phận Quảng Nam dưới Triều Nguyễn. Sách Đại Nam Nhất thống chí ghi: “Trạm Nam Ổ: ở xã Cu Đê, huyện Hòa Vang, phía nam đến trạm Nam Giản 31 dặm linh 46 trượng. Nguyên trước là trạm Cu Đê, năm Minh Mệnh thứ 3 đổi tên trạm Kim Hoa, năm Thiệu Trị thứ 1 đổi tên  hiện nay”. Nam Ổ về sau được gọi trại thành Nam Ô.
Nhà trạm xưa giờ chỉ còn dấu tích giếng Thành cung còn nguyên vẹn nằm giữa khu dân cư. Ảnh: V.T.L
Nhà trạm xưa giờ chỉ còn dấu tích giếng Thành cung còn nguyên vẹn nằm giữa khu dân cư. Ảnh: V.T.L
Nhà trạm Nam Ổ nằm trên địa phận tổ 32 (cũ) khu vực Nam Ô 2/2, phường Hòa Hiệp Nam hiện nay. Ngoại trừ giếng Nhà Trạm (dân gian gọi là giếng Thành cung, hình vuông) còn nguyên vẹn nằm giữa khu dân cư, các di tích trong quần thể này đã không còn nữa.
Theo ký ức của các bậc lão làng, những năm 60 của thế kỷ trước nhà trạm được xây dựng trên khu đất vuông lớn gần gấp đôi sân bóng đá với hai dãy nhà ngang nhà dọc, tường gạch lợp ngói âm dương. Có giếng nước bằng đá (giếng Thành cung), chuồng nhốt trên 10 con ngựa, xung quanh xây tường cao bằng đá đắp đất, ngoài cùng là thành có hào sâu, dân địa phương gọi là “hào cung”, có vọng lâu như đồn lũy. Cổng mở về hướng tây ra đường cái quan.
Trước năm 1945 nhà trạm bỏ hoang, sau năm 1945 người ta triệt hạ nhà cửa, phá thành dồn đá chở về Đà Nẵng xây thành Thái Phiên chuẩn bị kháng Pháp (?). Sau năm 1954, đất nhà trạm - thành cung trống hoang nhưng người trong làng không mấy người dám ở, vì sợ đây là đất “sang”, khó ở. Chỉ có người gan góc mới dám làm liều. Năm 1958 nhà nước mới cho xây trường học trên đất ấy, nay là Trường tiểu học Triệu Thị Trinh.
Nhà trạm có chức năng, nói như các nhà nghiên cứu ngày nay, là “đường thư xưa” hay “con đường quan báo”. Những thư từ, công văn, sắc chỉ từ kinh đô về các tỉnh hay ngược lại đều theo cách chuyển vận này. Những lính trạm, ngựa trạm thay phiên ứng trực ngày đêm. Những ống “sớ” (làm bằng ống tre) đựng công văn mở sẵn, những lông gà cờ sắc, những bùi nhùi con cúi đỏ lửa sẵn sàng bên pháo hiệu chờ lệnh Thừa Trạm (viên quan phụ trách nhà trạm – ĐNCT) là cấp tốc lên đường.
Tin hỏa tốc như thiên tai, dịch họa, cứu binh… thì lính trạm cờ đỏ giắt lưng, lông gà đỏ giắt mũ, ngựa phi nước đại; thư từ công văn công báo bình thường theo mức độ thì đổi màu xanh trời, xanh lá,…
Ông bà xưa kể: Hồi liên quân Pháp - Y Pha Nho đánh vào Đà Nẵng (1858 - 1859), nơi nhà trạm Nam Ổ pháo nổ, trống đánh, chiêng khua, ngựa hí, vó câu rậm rịch suốt đêm ngày. Đường quan báo Nam Giản, Nam Ổ, Nam Chơn ngựa đến ngựa đi xuôi ngược như thoi đưa. Trong cuộc chiến tranh này “những người đưa thư của ba trạm ấy là chịu vất vả, gian nan nhất, bởi Pháp khống chế con đường này thì tình hình kinh đô Huế nguy cấp. Vì vậy, vua Tự Đức chỉ đạo cho các tướng tại Đà Nẵng rằng “cửa biển ấy từ Hải Vân đến Cu Đê một dải là đường quan báo, phải phòng thủ nghiêm thêm, để tiện thông hành” (Đại Nam Thực Lục chính biên).
Nỗi lo ấy đã thành sự thật. Quân Pháp đánh vào đồn Chơn Sảng, khống chế “đường thư” qua trạm Nam Chơn, những người lính trạm hết sức vất vả cắt đường qua Ải Tân (nằm phía thượng nguồn Cu Đê) để kịp nối thông tin cấp bách từ quân thứ Đà Nẵng về kinh đô và ngược lại. Chính vì thế nên năm ấy vua Tự Đức đã ban thưởng cho các trạm rất hậu, theo sách đã dẫn: “Vua nghĩ đường Chơn Sảng tỉnh Quảng Nam bị nghẽn, 2 trạm Thừa Phú (thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay) và Nam Ổ phải chạy giấy xa, khó nhọc nên thưởng mỗi trạm 30 quan tiền”.
Sau đó quân Pháp cũng đánh vào tấn biển Cu Đê, đồn Hóa Ổ hòng khống chế trạm Nam Ổ nhưng gặp phải sự kháng cự quyết liệt của dân binh Nam Ổ nên Pháp phải rút lui. Trong trận này dân binh hy sinh khá nhiều, được dân làng thu nhặt thi hài chôn vào một nơi gọi là nghĩa trủng Hóa Ổ, hiện dân làng vẫn tảo mộ vào ngày Nguyên tiêu hằng năm.
Nhà trạm Nam Ổ còn là điểm quan dân dừng chân ở lại nghỉ ngơi. Hơn trăm năm trước, đây là nơi có sinh hoạt lưu trú rộn rịp nhất, có khi quá tải vào những năm sĩ tử về kinh ứng thí phải móc lều chõng bên đường cái quan để tiện việc “sôi kinh nấu sử”. Vì thế, vùng này gọi là Cồn Trò, nơi sĩ tử chờ đông người cùng vượt qua đèo Hải Vân hiểm trở và nhiều ác thú. Các cụ xưa kể như vậy!
Về tên gọi thành cung, theo nghĩa thông thường, thành cung là trong thành có cung điện. Thành thì có rồi còn cung điện chỉ là mấy tòa nhà ngang dọc ấy sao? Và, các nhà trạm khác sao không gọi thế mà chỉ có nhà trạm Nam Ổ lại được dân địa phương gọi là thành cung? Có người cho rằng nơi đây từng như một hành cung để các vị vua Triều Nguyễn ngự du ghé lại nghỉ ngơi. Hành cung đọc trại ra thành cung chăng? Đọc sử Triều Nguyễn chỉ biết vua Minh Mạng mấy lần đến Quảng Nam, ở lại nhà trạm Nam Chơn, lên thuyền qua Vũng Hàn đến Ngũ Hành Sơn vãn cảnh. Có lẽ đi theo “đường quan báo” phải vượt qua cửa sông Cu Đê nhiều sóng hiểm, nên phải chọn đường ấy?
Duy một lần, ông Nguyễn Nhạc (tục gọi ông Khách Nhạc, nếu còn sống đã hơn trăm tuổi) có kể rằng: “Vua Bảo Đại vào khoảng trước năm 1940, đã từng ghé trạm này nghỉ lại, chính tôi là người cõng vua từ bãi cát lên thuyền đậu trước bến Nam Ô ra biển câu cá”. Một lần như thế đủ để nhà trạm được gọi là hành cung?
Tính đến nay, nhà trạm có tuổi đã ngót nghét 200. Hơn 100 năm vận hành, bao năm điêu tàn, gần 70 năm mất dấu. Nhà trạm xưa thỉnh thoảng lộ ra những tầng đá chồng xếp lên nhau khi người ta đào đất, đào móng làm nhà. Chỉ giếng Thành cung nằm giữa khu dân cư đông đúc, vẫn cho nước ngọt dân dùng.
ĐẶNG DÙNG
,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét