Về xe nước ở Đại Lộc, có người cho rằng, nó có từ khoảng thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn, do các vị quan vâng lệnh triều đình đi sứ qua châu Âu, trên đường đi ghé qua nước Ai Cập và học được ở đó.
Xe nước tại Ba Khe Trên thuộc thôn Hà Dục Đông, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc. (Ảnh chụp tháng 7 năm 2012) |
Theo Đại Nam thực lục, tập 7, do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn (NXB Giáo dục, 2007), trong Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ (1820-1881) có ghi là sứ đoàn Việt Nam đã học tập kỹ thuật dẫn nước vào ruộng của châu Âu, nhưng đó là loại xe nước gồm nhiều lá guồng do trâu hoặc bò kéo chứ không tự quay theo lực đẩy của luồng nước.
Cho dù người sáng lập ra xe nước là ai, có nhiều người cho rằng bờ xe nước ở Đại Lộc là do những người nông dân bao đời miệt mài với đồng ruộng tạo ra. Vật liệu để làm xe nước chủ yếu là tre, mây và dây rừng, các loại này ở Đại Lộc rất nhiều. Thêm vào đó, người dân Đại Lộc rất thông minh, giàu ý chí sáng tạo.
Được biết, vùng đất Lục Châu (nay thuộc xã Đại Lãnh và xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) được tiền nhân của những dòng họ như: Quách, Vương, Hà, Võ… từ Thanh Hóa vào quy dân lập ấp từ triều vua Lê Thánh Tông. Cũng như các vùng miền quê khác của xứ Quảng, từ lâu người dân vùng Lục Châu sống bằng nghề nông nghiệp. Từ lúc lập làng cho đến gần cuối thế kỷ XX, xe nước luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Nam nói chung, Đại Lộc nói riêng. Đã xuất hiện nhiều loại xe nước và chúng liên tục tồn tại trên các con khe, sông nhỏ trong đó có con sông Vu Gia.
Theo những bậc cao niên kể lại, gần 200 năm trước, xe nước đã xuất hiện ở vùng Lộc Bình (nay là xã Đại Lãnh và xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc). Có hai loại xe nước: xe khe đặt ở khe, xe sông đặt ở sông. Cả hai loại này có cấu tạo và hình dáng giống nhau, vành bánh xe đánh bằng dây mây trâu to gần bằng cổ tay, hai vành bánh được nối vào trục bằng những nan gỗ. Trên vành bánh xe, người ta gắn những ống tre và mỗi ống tre này đều thiết kế có độ nghiêng thích hợp để chứa nước. Trục tiện tròn được làm bằng gỗ của cây bìn lin. Trên những cánh ấy, người ta buộc những tấm vỉ được đan bằng tre để làm vật cản. Vành của xe khe có đường kính từ 2-3m, còn vành xe sông thì rất lớn, đường kính khoảng 8-10m hoặc lớn hơn nữa.
Xe khe thường được đặt chỗ dòng nước nông, chảy xiết, còn xe sông thì phải dùng đến gỗ, tre già đóng cọc làm bờ cừ ở ngoài sông. Toàn bộ bánh xe và các vật dụng cần thiết của nó được đặt lên giá của giàn làm bằng bốn trụ gọi là cừ cái, cắm thẳng đứng, sâu xuống lòng khe hoặc sông khoảng 2 - 3m. Trục, giá đỡ, máng dẫn nước vào ruộng, cừ con - tức những cây nhỏ hơn được bắt vào để chống hỗ trợ lẫn nhau... tất cả được lắp ghép vào nhau một cách khoa học và được cột bằng những sợi dây rắn chắc, chịu nước, càng ngâm lâu càng trở nên dẻo và bền.
Ông Nguyễn Đức Mãnh, 65 tuổi, hiện ở tại thôn Tịnh Đông, xã Đại Lãnh người có hơn 30 năm và kinh nghiệm trong việc làm xe nước cho biết: Năm 1975, để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho đất nông nghiệp, xã Đại Lãnh đã huy động hơn 100 người với hàng nghìn ngày công để làm một xe nước có đường kính khoảng 12 mét, với hàng nghìn sợi dây mây trâu, mây cám và hàng vạn cây tre... Chiếc xe nước ấy được đặt ngay ngã ba của sông Côn và sông Cái cạnh bến đò Ba Bến. Tại đây, người dân làm hẳn một bờ cừ ngăn dòng sông Vu Gia... Hình ảnh kiêu hãnh của xe nước ấy là niềm tự hào một thời của không chỉ người dân vùng Lộc Bình - Đại Lãnh mà là của người dân Đại Lộc. Tiếc thay, nay nó không còn nữa...
Quảng Nam ngày nay hiếm khi thấy các loại xe nước. Kỳ thực, xe nước hãy còn hiển hiện chỉ cách đây vài chục năm mà nay đã lặng khuất. Xe nước đã chạy liên tục mấy thế kỷ trên sông Thu Bồn và Vu Gia với không phải hàng chục mà có đến hàng trăm chiếc. Mỗi chiếc với một bánh xe hoặc tới vài bánh xe quay đều liên tục trên sông. Thời phong kiến đến thời Pháp thuộc, xe nước gần như là một biểu tượng của vùng đất nông nghiệp Quảng Nam. Có một số xe nước lớn là một phương tiện thực sự duy nhất để tưới nước cho những cánh đồng khô hạn phát huy hiệu quả. Không có những xe nước ấy, trong suốt mùa khô (từ tháng 4 đến tháng âm lịch) các ruộng ấy sẽ đành bỏ hoang.
Vùng Đại Lộc nói riêng và với Quảng Nam nói chung, trước đây, việc chống hạn cho lúa chủ yếu là do sức người với các hình thức như tát nước bằng gàu giai, gàu sòng, xe nước thủ công... và nay tất cả đã được thay thế bằng trạm bơm thủy lợi. Nhưng dẫu sao, sự hiện diện của xe nước còn sót lại ở các con khe vùng Đại Lãnh là hình ảnh đẹp, thân thuộc, gợi lại bao ký ức về một công trình thủy lợi nhỏ. Nếu mai này, xe nước cuối cùng ấy vĩnh viễn mất đi, thì những chân ruộng bậc thang với cảnh người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương liệu có còn in dấu trên những cánh đồng lúa ấy không?
Nguyễn Văn Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét