Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

PHỤ QUỐC THÁI PHÓ, THƯỢNG QUỐC TRỤ LÝ THƯỜNG KIỆT

“Ông là người giàu mưu lược, có biệt tài làm tướng súy, làm quan trải thờ ba đời vua, phá Tống, bình Chiêm, công lao đức vọng ngày một lớn, được vua sủng ái, là người đứng đầu các bậc công hầu vậy". Phan Huy Chú (Lịch triều hiến chương loại chí - Nhân vật chí)

LÝ THƯỜNG KIỆT (1019 – 1105)
1. QUÊ HƯƠNG VÀ CUỘC ĐỜI
Đúng như Phan Huy Chú nói, Lý Thường Kiệt là "người đứng đầu các bậc công hầu" của triều Lý. Nhưng, ông lại không phải là người họ Lý chính tông. Hầu hết các tài liệu cổ đều nói rằng Lý Thường Kiệt vốn người họ Ngô, tên húy là Tuấn. Ngô Tuấn người làng An Xá, huyện Quảng Đức. Đất huyện Quảng Đức nay thuộc Hà Nội, làng An Xá nằm ở phía Nam của Hồ Tây. Về sau, do việc mở rộng đê Cơ Xá (tức đê sông Hồng), làng An Xá đời đến bãi Cơ Xá. Bãi này, sau vì dân đến lập nghiệp đông, lập ra một xã mới, đó là xã Phúc Xá. Gia đình Ngô Tuấn ở trong thôn Bắc Biên của xã này. Thôn Bắc Biên xưa, nay là xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, đó chỉ là nơi sinh và là đất sống thuở hàn vi của Ngô Tuấn mà thôi. Sau này, khi đã có danh vọng lớn trong triều, ông dời nhà về phường Thái Hòa (nay thuộc nội thành Hà Nội). Ngô Tuấn tự là Thường Kiệt, sau vì có công, được vua sủng ái nên được ban quốc tính (tức được lấy theo họ của nhà vua), do đó, người đời vẫn quen gọi Ngô Tuấn theo cách ghép giữa quốc tính với tên tự là Lý Thường Kiệt. Sử cũ cũng chép theo cách này, vì vậy, hậu thế phần lớn chỉ biết đến tên gọi phổ biến là Lý Thường Kiệt, ít ai biết đến họ và tên thật của ông là Ngô Tuấn.
Lý Thường Kiệt sinh năm Kỉ Mùi (1019), tức là năm Thuận Thiên thứ 10, đời vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028). Sử cũ chép rằng, lúc còn trai trẻ, ông là người có vẻ mặt “tươi đẹp lạ thường", cho nên, năm 23 tuổi, được tuyển làm Hoàng Môn Chi Hậu, tức là một chức hoạn quan nhỏ ở trong triều. Nhưng cũng từ đây, Lý Thường Kiệt bắt đầu một quá trình lâu dài và liên tục, cho thiên hạ thấy rằng, ông không phải chỉ có vẻ thật "tươi đẹp lạ thường" mà còn có cốt cách và tài năng phi thường.
Lý Thường Kiệt làm quan trải thờ ba đời vua là Lý Thái Tông (1028 - 1054), Lý Thánh Tông (1054-l072) và Lý Nhân Tông (1072-1127). ừ một chức hoạn quan nhỏ, Lý Thường Kiệt được thăng đần đến chức Phụ Quốc Thái Phó, Dao Thụ Chư Trấn Tiết Độ, Đồng Trung Thư Môn Hạ, Thượng Trụ Quốc, hàm Thái úy tước Khai Quốc Công và được nhận làm Thiên Tử Nghĩa Đệ (em kết nghĩa của Thiên Tử).
 Sinh thời, Lý Thường Kiệt có ba cống hiến lớn. Một là không ngừng nêu cao tấm gương sáng ngời về tinh thần đoàn kết vì nghĩa cả, không ngừng nêu cao phẩm giá trung quân ái quốc tốt đẹp của bậc đại thần khi vận nước lâm nguy cũng như khi non sông được thái bình. Hai là, góp phần đắc lực cùng vua và triều đình trong sự nghiệp xây dựng đất nước, đặc biệt là góp phần củng cố sức mạnh của guồng máy nhà nước đương thời. Ba là, vạch kế hoạch chiến lược và trực tiếp chỉ huy những trận đánh lừng danh nhất của thế kỉ XI, đập tan hoàn toàn mưu đồ xâm lăng nguy hiểm và xảo quyệt của quân Tống, bảo vệ vững chắc nền độc lập của nước nhà. Trong khoảng thời gian chừng hơn một chục năm sau khi Lý Thánh Tông qua đời (1069), Lý Thường Kiệt thực sự là linh hồn của đất nước, là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong sự nghiệp điều khiển vận mệnh quốc gia. Ở một chừng mực nào đó, cũng có thể nói rằng, Lý Thường Kiệt gần như là vua của nước nhà trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước ở thế kỉ XI. Về mặt văn hóa, Lý Thường Kiệt cũng đã có những đóng góp to lớn. Ông đã để lại cho đời một số áng văn thơ, trong đó, nổi bật nhất là bài tứ tuyệt không đề, được hậu thế chọn bốn chữ đầu trong câu đầu làm để dễ truyền tụng, đó là bốn chữ Nam quốc sơn hà. Nam quốc sơn hà là một trong những áng thiên cổ hùng văn, có giá trị như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước nhà.
Lý Thường Kiệt qua đời vào tháng sáu năm Ất Dậu (1105) thọ 86 tuổi. Điều đáng nói là trước khi qua đời một năm (năm 1104, tức là năm đã 85 tuổi), Lý Thường Kiệt vẫn còn là tướng tổng chỉ huy quân đội, đã đánh và đánh một trận rất lớn ở phía Nam đất nước.
Năm 1126 (tức là 21 năm sau khi Lý Thường Kiệt qua đời) nhà sư Thích Pháp Bảo có bài Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh (bài minh, khắc trên bia, đặt ở chùa Linh Xứng, núi Ngưỡng Sơn), trong đó có đoạn :
Việt hữu Lý công,
Cổ nhân chuẩn thức.
Mục quận ký ninh,
Chưởng sự tất khắc.
Danh dương hàm hạ,
Thanh chấn hà vực.
 (Đoạn này đại để có nghĩa là :
Nước Việt có người họ Lý,
Theo đúng phép của người xưa.
Đã cầm quân là tất thắng lợi,
Đã trị nước thì dân được yên.
Danh lẫy lừng thiên hạ,
Tiếng vang khắp xa gần.)
Đền thờ Lý Thường Kiệt được lập nên rất nhiều nơi trong khắp đất nước ta. Và ngày nay, không ít những ngôi đền này vẫn còn được lưu giữ.
2. VẬN NƯỚC LÂM NGUY
Vào khoảng giữa thế kỉ thứ XI, bởi những cuồng vọng của nhà Tống, một lần nữa, vận nước lại lâm nguy. Triều Lý và Đại Việt chỉ có thể tồn tại và phát triển khi giành được toàn thắng trong cuộc chiến dấu chống quân Tống xâm lăng. Bấy giờ ở trên đất Trung Quốc, triều Tống điêu đứng bởi một loạt những mâu thuẫn và xung đột khá gay gắt. Trước hết là về mặt đối ngoại, uy danh của nhà Tống càng ngày càng bị suy giảm mạnh mẽ, đặc biệt là đối với hai nước Đại Liêu và Tây Hạ ở phía Bắc của nhà Tống. (Liêu hay Đại Liêu là quốc gia của người Khiết Đan, thành lập trong thời Ngũ Đại Thập Quốc của Trung Quốc. Lúc đầu, nhà Tống đánh giá rất thấp tiềm lực của Đại Liêu, nhưng đến khi đánh giá đúng thì đã quá muộn. Nhà Tống từng hai phen đem quân đánh vào Đại Liêu (năm 979 và năm 986) nhưng cả hai phen đều bị đại bại. Năm 1004, đến lượt Đại Liêu chủ động đem quân tấn công nhà Tống. Quân Đại Liêu đã sát kinh đô của nhà Tổng và buộc nhà Tống phải kí hàng ước, nạp cho Đại Liêu mỗi năm 200.000 tấm lụa và 100.000 lạng bạc. Năm 1042, Đại Liêu bắt nhà Tống phải nạp thêm lụa và bạc nhiều hơn trước nữa. Đỉnh cao nhất là sự kiện năm 1075. Năm đó Đại Liêu bắt nhà Tống phải cắt dâng 700 dặm đất. Tây Hạ là quốc gia của người Đảng Hạng, nằm ở phía Tây Bắc Trung Quốc. Quốc gia này thành lập năm 1032. Khi mới thành lập, Tây Hạ tuy bề ngoài thì tỏ ra thần phục nhà Tống nhưng bên trong thì tích cực lo chuẩn bị lực lượng để tranh hùng với nhà Tống. Đến giữa thế kỉ XI, nhà Tống phải công nhận Tây Hạ là một nước hoàn toàn độc lập chứ không phải là phiên bang của nhà Tống nữa. Và, sau nhiều lần Tống cũng buộc phải kí hàng ước với Tây Hạ, nhục nhã không kém gì với Đại Liêu. Theo đó, mỗi năm nhà Tống phải nạp cho Tây Hạ 72.000 lạng bạc, 153.000 tấm lụa và 3.000 cân trà. Những năm 1068 và 1085, nhà Tống đã đem quân đi đánh Tây Hạ cốt để rửa nhục, nhưng rốt cục lại bị thua và bị Tây Hạ tiêu diệt mất đến sáu chục vạn quân.)
Những cuộc xung đột triền miên với Đại Liêu và Tây Hạ đã khiến cho tiềm lực của nhà Tống ngày một yếu hẳn đi. Trong khi đó, triều đình nhà Tống còn phải đối phó với không ít những khó khăn khác. Trước hết, một bộ phận khá lớn triều đình nhà Tống vẫn ôm mối hận thất bại ở nước ta năm 981. Năm đó, dù quyết ồ ạt tấn công một cách bất ngờ, quân Tống xâm lăng  vẫn bị Lê Hoàn đánh cho tan tành. Khi thất bại trong việc rửa nhục ở mặt Bắc, không ít quan lại của triều Tống chủ trương phải rửa nhục ở nước ta. Ngoài ra, triều Tống còn phải đối phó với một loạt những vấn đề phức tạp khác, như : sự chia bè kết cánh trong đội ngũ giai cấp thống trị, những cuộc nổi dậy đấu tranh của nhân dân Trung Quốc đương thời... v.v.
Thực tế cho thấy rằng, cần có một nhà cải cách đủ uy tín và đủ năng lực để đưa nhà Tống thoát khỏi những bế tắc trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Và, nhà cải cách đó cũng đã xuất hiện: Vương An Thạch. Vương An Thạch là một trong những bậc đại danh Nho của Trung Quốc đời Tống. Ông cũng là một trong số không nhiều những nhà cải cách táo bạo và có tầm vóc lớn của Trung Quốc lúc bấy giờ. Từ thời trị vì của Tống Nhân Tông (1023-  1064). Vương An Thạch đã liên tiếp dâng thư xin cải cách. Đến thời Tống Anh Tông (1064-1067), Vương An Thạch được trao chức Tể Tướng. Từ đây, những ý tưởng cải cách mạnh mẽ của ông được nhanh chóng thực hiện bởi cơ sở quyền lực mà ông được nắm giữ. Vương An Thạch đã cho thi hành một loạt những cải cách, mang những tên gọi như : Thanh miêu, Miễn dịch, Thị dịch, Quân du, Bảo giáp, Bảo mã ... Sử gọi chung tất cả nhũng cải cách ấy là Tân pháp Vương An Thạch.
Tư tưởng chủ đạo trong quan hệ bang giao của tân pháp Vương An Thạch là trở lại thực hiện chiến lược Tiền Nam hậu Bắc (phương Nam trước, phương Bắc sau) vốn có từ thời nhà Tần và dồn mâu thuẫn từ bên trong ra bên ngoài, gây hấn ở bên ngoài để tập trung sự chú ý của dư luận ở bên trong. Tư tưởng hủ đạo đó đã đặt nền tảng cho kế hoạch chuẩn bị xâm lăng nguy hiểm và xảo quyệt của nhà Tống đối với nước ta.
Về mặt quân sự, nhà Tống chủ trương huy động một lực lượng mạnh đủ để áp đảo Đại Việt, và lực lượng đó phải được làm quen trước với chiến trường Đại Việt. Chưa từng có mặt ở nước ta, hẳn nhiên là chúng không thể trực tiếp làm quen với địa hình cũng như đối thủ chủ yếu là quân đội nhà Lý. Để khắc phục tình trạng này, nhà Tống cho lập ba căn cứ quân sự lớn ở Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm.
Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm đều nằm ở phía Nam Trung Quốc, sát với biên giới phía Bắc của nước ta. Nơi đây, địa hình và thời tiết nói chung là không khác biệt quá nhiều so với miền Bắc nước ta. Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm sẽ là ba căn cứ xuất phát, cũng là ba địa điểm tập kết lợi hại của quân Tống. Lương thực và khí giới được tích trữ đầy đủ ở đây. Từ ba căn cứ này, quân Tống thường xuyên tổ chức những trận đánh thăm dò vào nước ta. Tình hình biên giới mặt Bắc trở nên rất căng thẳng.
Về mặt chính trị, nhà Tống chủ trương tìm đủ mọi cách để phá vỡ khối đoàn kết của nhân dân ta. Chúng dồn sức vào việc thực hiện hai mục tiêu chủ yếu. Một là mua chuộc để lôi kéo các vị tù trưởng ở biên giới, hòng thông qua đó để mua chuộc và lôi kéo đồng bào các dân tộc ít người. Đây là âm mưu phá từ ngoài phá vào. Hai là lợi dụng những vết rạn nứt trong khối đoàn kết của quí tộc và tướng lĩnh cao cấp. Đây là âm mưu phá từ trong phá ra.
Bấy giờ, khối đoàn kết của quý tộc và tướng lĩnh cao cấp trong triều Lý cũng có nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Mối hiềm khích giữa một bên là phe của bà Thái Hậu Thượng Dương và một bên là phe của bà Thái Phi Ỷ Lan ngày một trở nên trầm trọng. Năm 1073, bà Thái Hậu Thượng Dương cùng 76 thị nữ của bà bị bức tử, quan Thái Sư là Lý Đạo Thành bị buộc phải rời kinh thành Thăng Long ra trấn trị ở tận Nghệ An...v.v.
Về mặt ngoại giao, nhà Tống tìm đủ mọi cách để bao vây và cô lập nước ta. Sứ giả của chúng liên tiếp đến với các vương quốc ở chung quanh ta, ngày đêm tính kế chia rẽ và xúi giục họ phối hợp hành động với quân Tống. Và, nhà Tống đã thực sự thành công ở Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành lúc bấy giờ là Chế Củ không ngừng cho quân quấy phá. Đến đây, cả biên giới mặt Bắc lẫn biên giới mặt Nam đều trở nên căng thẳng. Đại Việt bị dồn ép bởi hai gọng kìm quân sự đến từ hai phía Bắc và Nam.
3. ĐẤT NƯỚC BỪNG BỪNG KHÍ THẾ CHUẨN BỊ CHỐNG XÂM LĂNG
Điều may mắn cho đất nước là lúc bấy giờ, triều Lý đã sớm nhận ra những cuồng vọng của nhà Tống đối với nước ta. Hai nhân vật có công lớn nhất trong việc phát hiện mưu đồ của kẻ thù và chủ động tiến hành các biện pháp chuẩn bị đối phó hữu hiệu là vua Lý Thánh Tông và Lý Thường Kiệt. Vua Lý Thánh Tông tên thật là Lý Nhật Tôn, con của vua Lý Thái Tông (1028 - 1054). Nhà vua sinh ngày 25 tháng 2 năm Quý Hợi (1023) tại kinh thành Thăng Long, được lập làm Thái Tử ngày 6 tháng 5 năm Mậu Thìn (1028), được nối ngôi ngày 01 tháng 10 năm Giáp Ngọ (1054) và ở ngôi cho đến năm Nhâm Tí (1072), thọ 49 tuổi.
Tuy nhiên, vì vua Lý Thánh Tông qua đời khi công cuộc chuẩn bị đối phó dang dở, vua nối nghiệp là Lý Nhân Tông (1072 - 1127) lúc này đang còn tuổi ấu thơ, cho nên, trọng trách lớn đều chủ yếu là do Lý Thường Kiệt đảm nhiệm. Ở một chừng mực nhất định nào đó, chúng ta cũng có thể nói rằng, Lý Thường Kiệt chính là linh hồn của sự nghiệp bảo vệ độc lập trong giai đoạn lịch sử cụ thể này. Lý Thường Kiệt đã để lại cho lịch sử một trong những điển hình vô giá về kinh nghiệm chuẩn bị ứng phó.
Về chính trị, Lý Thường Kiệt chủ trương nhanh chóng khôi phục và củng cố khối đoàn kết. Trước hết, ông đã nêu gương cảm động về việc hàn gắn những vết rạn nứt trong nội bộ quý tộc và tướng lĩnh cao cấp. Như trên đã nói, sau khi Lý Thánh Tông qua đời, cuộc xung đột giữa phe của bà Thái Hậu Thượng Dương và phe của bà Thái Phi Ỷ Lan đã gây nên những tác hại không nhỏ. Nhà Tống đã nhìn thấy và đang lăm le lợi dụng cuộc xung đột này. Trước tình thế nguy hiểm đó, Lý Thường Kiệt đã mời Lý Đạo Thành về kinh đô giữ chức vụ cũ, còn mình thì chỉ trông coi việc chỉ huy quân đội mà thôi. Bà Thái Hậu Thượng Dương thì đã mất, bà Thái Phi Ỷ Lan sau đó chẳng bao lâu thì đi tu theo Phật Giáo (bà tu tại gia, nhà Phật gọi phụ nữ tu tại gia là Ưu-bà-di), hiềm khích trong nội bộ quý tộc và tướng lĩnh cao cấp được xóa bỏ. Điều kiện tốt đẹp để củng cố khối đoàn kết rộng lớn của toàn dân đã được mở ra.
Đối với đồng bào các dân tộc ít người, triều Lý đã tiến hành nhiều biện pháp lôi kéo khác nhau. Nói theo cách nói hiện đại, khu vực trọng tâm để triều Lý tiến bành các biện pháp này là vùng tương ứng với Tây Bắc và Việt Bắc của nước ta hiện nay. Từ năm 1042, Hình thư, bộ luật thành văn đầu tiên đã được biên soạn. Thời kì cai trị bằng luật pháp đã bắt đầu mở ra. Tuy nhiên, triều Lý vẫn cho phép đồng bào các dân tộc ít người được xét xử tội nhân theo phong tục và tập quán riêng của họ chứ không nhất thiết phải hoàn toàn theo đúng luật định của triều đình.
Các vị tù trưởng đượcc triều đình ban cho nhiều đặc quyền đặc lợi được phong hàm tước cao. Triều đình và hoàng tộc cũng không ngần ngại gả công chúa cho các vị tù trưởng. Mối liên hệ cộng đồng quốc gia vì thế mà nhanh chóng được tăng cường và củng cố. Âm mưu phá hoại của quân Tống dần dần bị đẩy lùi.
Về quân sự, triều Lý đã có ba chủ trương lớn, vừa tích cực và táo bạo, vừa mang lại hiệu quả thiết thực rất cao. Và, người góp công chủ yếu trong việc vạch ra cũng như trong chỉ huy thực hiện thắng lợi những chủ trương này cũng chính là Lý Thường Kiệt.
Chủ trương thứ nhất là tấn công vào Chiêm Thành, phá vỡ một mảng trong kế hoạch lợi dụng Chiêm Thành của nhà Tống, vì chỉ khi nào biên giới phía Nam thực sự được yên ổn và nguy cơ bị tấn công từ mặt Nam không còn nữa, thì Đại Việt mới có thể vững vàng đối phó với quân Tống hùng mạnh ở mặt Bắc.
Năm 1069, quân đội Đại Việt do vua Lý Thánh Tông và đại tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy đã ồ ạt đánh vào Chiêm Thành. Quân Đại Việt đã tiến đến tận biên giới Chiêm Thành với Chân Lạp và chính Lý Thường Kiệt là người đã có công bắt sống được vua Chiêm Thành lúc bấy giờ là Chế Củ (Rudravarman). Vua Chiêm buộc phải cắt dâng cho Đại Việt ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (vùng tương ứng với toàn bộ tỉnh Quảng Bình và phía bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay). Sau trận đại thắng này, biên giới mặt Nam được yên ổn trong một thời gian khá dài.
Chủ trương thứ hai của triều Lý là táo bạo tấn công vào Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm, tiêu diệt một bộ phận quan trọng trong tiềm năng xâm lăng của nhà Tống. Bấy giờ, vua Lý Thánh Tông đã qua đời, người hoạch định kế sách lại cũng kiêm cả việc trực tiếp chỉ huy chính là Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt đã để lại câu nói bất hủ trước khi thực hiện cuộc tấn công bất ngờ và táo bạo này : "Ngồi yên đợi giặc không bằng trước hãy đem quân ra phá thế mạnh của giặc".
Cuối năm 1075, quân đội Đại Việt do Lý Thường Kiệt làm tổng chỉ huy đã tiến thẳng vào đất Trung Quốc. Hai vấn đề lớn đặt ra cho cuộc tấn công này là làm sao để tạo ra được danh nghĩa hành quân thuận lợi nhất, tránh được sự phản ứng từ phía nhân dân Trung Quốc, và làm sao đề có thể bảo đảm đánh nhanh, thắng nhanh, nhằm tránh được những diễn biến bất lợi của tình hình.
Với Phạt Tống lộ bố văn (bài văn nói rõ lí do đánh Tống), Lý Thường Kiệt đã nhanh chóng giành được sự đồng tình của nhân dân Trung Quốc. Đây là điều hoàn toàn bất ngờ đối với nhà Tống. Sau 42 ngày đêm liên tục chiến đấu một ách thông minh và ngoan cường, quân đội Đại Việt đã san bằng ba căn cứ quân sự lớn của nhà Tống ở Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm. Tướng chỉ huy quân Tống ở Châu Ung là Tô Giám đã phải xô 36 người nhà của mình vào lửa rồi sau đó đến lượt Tô Giám cũng nhảy vào lửa để tự tử.
Chủ trương thứ ba của triều Lý là nhanh chóng dựng chiến tuyến sông Cầu, cần sàng đón đánh quân Tống xâm lăng trong bất cứ tình huống nào. Một lần nữa, Lý Thường Kiệt vừa là người vạch kế hoạch, lại cũng vừa là người trực tiếp chỉ huy thực hiện một cách xuất sắc.
Chiến tuyến được đắp ở phía nam sông Cầu và sông Cầu - con sông chặn ngang tất cả các ngả đường bộ từ Quảng Tây của Trung Quốc vào Thăng Long – được lợi dụng như một chiến hào tự nhiên rất khó có thể vượt qua. Chiến tuyến được đắp dọc theo khúc sông từ Đa Phúc đến Phả Lại dài ngót 100 cây số. Khúc này của sông Cầu còn có tên gọi khác là sông Như Nguyệt. Chiến tuyến này vì thề mà cũng gọi là chiến tuyến Như Nguyệt.
Đây là chiến tuyến lớn đầu tiên trong lịch sử chống xâm lăng của nước ta. Đây cũng là công trình quân sự lớn, thể hiện quyết tâm lớn, niềm tự tin lớn và bản lĩnh chiến đấu vững vàng của quân dân Đại Việt. Và, đây cũng đồng thời chứng tích hùng hồn về tài năng quân sự của Lý Thường Kiệt. Sau khi đắp xong chiến tuyến, Lý Thường Kiệt lập tức điều động quân sĩ đến đóng giữ ở những vị trí chiến lược. Từ đây, quân dân Đại Việt đã hoàn toàn ở trong tư thế sẵn sàng. Nói khác hơn, khả năng thắng lợi của cuộc chiến tranh vệ quốc đã thể hiện một cách rất rõ ràng ngay trong quá trình chuẩn bị vừa khẩn trương và nghiêm túc, vừa quyết tâm và sáng tạo.
4. LÝ THƯỜNG KIỆT VỚI TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC NHƯ NGUYỆT (mùa xuân năm 1077)
Tuy mưu đồ lợi dụng Chiêm Thành đã bị đập tan và tuy phần tiềm lực xâm lăng chuẩn bị công phu ở Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm cũng đã bị triệt hạ, nhưng nhà Tống vẫn quyết chí đánh nước ta. Nhà Tống sai Quách Quỳ là một võ quan cao cấp, người từng dày dạn trận mạc trong cuộc chiến tranh với Tây Hạ, làm tổng chỉ huy quân xâm lăng. Phó tướng của Quách Quỳ là Triệu Tiết, cũng là một trong những người từng trải trong các trận đánh với Tây Hạ. Vua Tống Thần Tông giao cho Quách Quỳ và Triệu Tiết 100.000 bộ binh tinh nhuệ, 10.000 ngựa chiến cùng 200.000 dân phu. Ngoài ra, nhà Tống còn cho thêm một đạo thủy binh nhỏ, tiến vào nước ta qua ngả vịnh Hạ Long, nhằm hiệp đồng ứng phó với bộ binh. Vua Tống cẩn thận dặn dò Quách Quỳ và Triệu Tiết rằng, đây là cuộc tấn công mà bốn phương sẽ nhìn vào, cho nên, nếu như không thu được toàn thắng thì sẽ rất bất lợi cho nhà Tống.
Cuối năm 1076, bộ binh và kị binh của nhà Tống từ Châu Ung, thủy binh của nhà Tống từ Châu Khâm, cùng xuất phát và ồ ạt tiến vào nước ta. Cuộc chiến đấu chống quân Tống trên lãnh thổ nước ta bắt đầu.
Trước đó, quân đội Đại Việt đã sẵn sàng đóng giữ ở những vị trí chiến lược quan trọng nhất. Lý Thường Kiệt sắp đặt cụ thể như sau :
Thủy binh Đại Việt được chia làm hai bộ phận. Bộ phận chính do hai vị Hoàng Tử là Hoằng Chân và Chiêu Văn chỉ huy, gồm trên 400 chiến thuyền và trên 20.000 quân, đóng ở Vạn Xuân là cực đông của chiến tuyến, nơi có thể dễ dàng phối hợp với bộ binh dọc theo chiến tuyến. Bộ phận thứ hai do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy, chốt giữ ở vùng cửa sông Bạch Đằng, sẵn sàng ứng chiến với đạo thủy binh của của quân Tống.
- Bộ binh Đại Việt cũng được chia làm hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất đóng rải rác dọc theo chiến tuyến, gồm nhiều binh trại khác nhau, mỗi binh trại trấn giữ một vị trí xung yếu của chiến tuyến. Bộ phận thứ hai là đại binh do đích thân Lý Thường Kiệt cầm đầu, đóng ở khu vực Yên Phụ - một địa điểm nằm  phía nam chiến tuyến và cách chiến tuyến khoảng 5 cây số. Từ địa điểm này, Lý Thường Kiệt có thể dễ dàng theo dõi và đối phó một cách linh hoạt với mọi tình hình diễn ra dọc chiến tuyến.
Nhiều nhà sử học có uy tín của nước ta đoán định rằng, toàn bộ thủy binh và bộ binh của triều Lý bố trí dọc theo chiến tuyến sông Cầu có thể đông tới khoảng 60.000 người. Ngoài quân chủ lực của triều đình, các đội dân binh cũng được huy động vào cuộc chiến đấu này.(Nhiều tác giả - Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc - Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1976, trang 47.)
Ngày 8 tháng 1 năm 1077, đại quân của nhà Tống do Quách Quỳ chỉ huy bắt đầu vượt cửa ải Lạng Sơn để tiến vào nước ta. Dọc đường hành quân của giặc từ Lạng Sơn đến bờ bắc sông Cầu, triều Lý chỉ bố trí những đội quân nhỏ, liên tiếp tổ chức những trận đánh chặn để cản bước tiến của chúng. Ngày 18 tháng 1 năm 1077, quân Tống tiến đến bờ bắc sông Cầu. Chúng lúng túng vì trước mặt là sông Cầu và bên kia bờ sông Cầu là cả một chiến tuyến rất kiên cố. Bấy giờ, thủy binh của giặc bị Lý Kế Nguyên chặn đánh liên tiếp 10 trận liền ở vùng duyên hải Đông Bắc, khiến cho không thể nào tiến sâu vào để hỗ trợ cho bộ binh và kị binh giặc vượt sông, cho nên, Quách Quỳ và Triệu Tiết đành phải hạ trại ở bờ bắc sông Cầu để tính kế.
Thuộc tướng của Quách Quỳ và Triệu Tiết là Miêu Lý xin bắc cầu phao để vượt sông. Quách Quỳ và Triệu Tiết chấp thuận, đồng thời, giao cho tướng Vương Tiến chỉ huy việc bắc cầu phao, còn Miêu Lý thì dẫn khoảng 2.000 quân, bất ngờ mở cuộc tấn công đột phá đầu tiên vào chiến tuyến sông Cầu.
Cuộc đột phá bất ngờ của Miêu Lý quả là rất nguy hiểm. Miêu Lý đã chọc thủng được một đoạn của chiến tuyến sông Cầu và tiến gấp xuống phía nam. Một số ít các trại binh của ta đóng dọc theo chiến tuyến bị nao núng. Vấn đề thiết yếu lúc này là phải nhanh chóng chặt đứt cầu phao của giặc, nhanh chóng hàn đoạn chiến tuyến đã bị giặc chọc thủng. Nhưng, hời hoàn tất, chừng nào mềm tin vào thắng lợi của quân sĩ được củng cố và nâng cao. Trong tình thế hiểm nghèo này, Lý Thường Kiệt đã xuất hiện như một thiên tài về nghệ thuật động viên binh sĩ. Ông đã viết bài Nam quốc sơn hà và bí mật sai người vào đền thờ Trương Hống và Trương Hát (Trương Hống - cũng có tài liệu chép là Trương Khiếu- và Trương Hát là hai anh em. Theo truyền thuyết, cả hai đều là tướng của Triệu Việt Vương - Triệu Quang Phục. Đền thờ của hai anh em này dược Nam Tấn Vương (con Ngô Quyền) dựng lên ở sông Như Nguyệt, xưa cho là rất linh thiêng, hương khói đời đời không dứt) đọc to lên trong đêm tối, khiến cho quân sĩ ngờ rằng, đó là lời của thần nhân sông núi, cho nên, đã liều mình chiến đấu, đập tan hoàn toàn đạo quân hung hãn của Miêu Lý. Chiến tuyến được củng cố, cầu phao của giặc bị chặt đứt, sĩ khí của quân đội Đại Việt bừng lên mạnh mẽ. Nam quốc sơn hà quả là một kiệt tác, cho dẫu là nhìn từ bất cứ góc độ nào :
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

(Sông núi nước Nam, Nam đế ở,

Rành rành ghi rõ ở sách trời.

Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm,

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).
Được tin thất bại này, Quách Quỳ tức giận trút mọi tội lỗi cho Miêu Lý và đành xử tử viên tướng mà hắn cho là kiêu ngạo này. Tuy nhiên, cũng nhờ thất bại của Miêu Lý mà Quách Quỳ và Triệu Tiết không thể coi thường khả năng đề kháng của quân ta.
Sau thất bại của Miêu Lý; chờ đợi mãi vẫn không thấy thủy quân đến để chở quân vượt sông, Quách Quỳ và Triệu Tiết bèn hạ lệnh đóng bè để cho quân tràn sang bờ nam sông Cầu. Bè không phải là một phương tiện vận chuyển tốt, cho nên, chính quyết định của Quách Quỳ và Triệu Tiết đã tạo điều kiện cho quân đội của Lý Thường Kiệt ứng phó một cách rất ung dung. Bấy giờ, mỗi chuyến bè chỉ chở được tối đa là 500 quân sĩ mà thôi, thời gian vận chuyển lại rất lâu, do vậy, chuyến sau chưa kịp sang thì binh sĩ qua chuyến trước đã bị tiêu diệt hết. Quách Quỳ và Triệu Tiết đành phải hạ lệnh đình chỉ kế hoạch dùng bè để vượt sông. Quân Tống buộc phải đóng lại ở bờ bắc sông Cầu. Chúng chia làm hai khối lớn. Khối thứ nhất do đích thân Quách Quỳ cầm đầu. Khối thứ hai do Triệu Tiết cầm đầu. Hai khối cùng án binh bất động, quyết chờ thủy binh tới. Quách Quỳ đã buộc phải ra lệnh : "Bây giờ, ai bàn tới tấn công sẽ bị chém đầu".
Mùa xuân dần dần trôi qua. Ở bờ bắc sông Cầu, quân Tống càng ngày càng lún sâu vào thế bi động và lúng túng, khủng hoảng. Chúng muốn vượt sông Cầu nhưng không sao vượt được.  Chúng chờ thủy binh nhưng thủy binh lại bị chặn đứng ở vùng duyên hải Đông Bắc. Chúng muốn đánh một trận quyết định với quân đội Đại Việt nhưng quân đội Đại Việt đã khôn khéo trấn giữ ở bờ nam, chưa vội xuất đầu lộ diện. Trong khi đó, khí hậu cuối xuân dần dần trở nên nóng nực, bệnh dịch bắt đầu hoành hành, đồng thời, lương thực của kẻ thù cũng đã bắt đầu cạn. Kẻ thù nham hiểm bàn tính với nhau rằng : "Nhử người tới đất mình lợi hơn mình tới đất người. Vậy, nên giả cách không phòng bị, chúng nó (chỉ quân ta - T.G.) ất tới đánh”. Tướng giặc quả là rất thông minh. Chỉ tiếc cho chúng là danh tướng Lý Thường Kiệt còn thông minh hơn mà thôi. Đúng vào lúc quân đội nhà Tống đang bị dồn vào tình thế khốn quẫn nhất, Lý Thường Kiệt hạ lệnh tấn công. Đó là một ngày cuối xuân năm 1077. Trước hết, hai Hoàng Tử là Hoằng Chân và Chiêu Văn dùng đoàn chiến thuyền 400 chiếc, bất ngờ đánh mạnh vào khu vực đóng quân của Quách Quỳ. Hoằng Chân và Chiêu Văn vừa đánh vừa phô trương thanh thế, cốt thu hút toàn bộ sự chú ý của quân xâm lăng. Quách Quỳ và Triệu Tiết rất hí hửng, vì chúng muốn vượt sông để tìm quân chủ lực của triều Lý nhưng không sao vượt được, chúng muốn có một trận giao tranh để khích lệ tinh thần tướng sĩ nhưng không sao có được, vậy mà giờ đây, trước mắt chúng, ngay trên bờ bắc sông Cầu là đất chúng đang đóng quân, bỗng dưng quân đội triều Lý lại xuất hiện. Một trận ác chiến đã diễn ra. Và, trong trận ác chiến này, hai vị Hoàng Tử là Hoằng Chân và Chiêu Văn đã anh dũng hi sinh. Nhưng, đúng lúc Quách Quỳ và Triệu Tiết dồn hết sự chú ý vào cánh quân của Hoằng Chân và Chiêu Văn, thì đại quân của triều Lý do đích thân Lý Thường Kiệt chỉ huy đã bất ngờ vượt bến đò Như Nguyệt, đánh ồ ạt vào khu vực đóng quân của Triệu Tiết. Đại bộ phận quân Tống ở đây đã bị tiêu diệt. Chỉ trong vòng một đêm, tình thế đã xoay chuyển hoàn toàn. Quách Quỳ và Triệu Tiết vội vã ra lệnh rút quân tháo chạy về Trung Quốc.
 Như Nguyệt là trận quyết định số phận của quân Tống xâm lăng. Như Nguyệt cũng là một trong những trận quyết chiến chiến lược tuyệt vời của lịch sử dân tộc. Chỉ huy thắng lợi trận đánh có tầm vóc rất lớn này, Lý Thường Kiệt thực sự là một thiên tài. Từ đây, tên tuổi và sự nghiệp của Lý Thường Kiệt mãi mãi tỏa sáng trong sử sách và trong niềm tự tôn dân tộc mãnh liệt của các thế hệ nhân dân ta. Ngay khi đang thắng lợi dồn dập, Lý Thường Kiệt vẫn tỏ rõ là người tỉnh táo và có bản lĩnh cao cường một cách kì lạ. Sử cũ của ta và của Trung Quốc đều chép rằng, đúng lúc Quách Quỳ và Triệu Tiết đang hoảng loạn tháo chạy, quân sĩ khủng khiếp giày xéo lên nhau, thì bỗng dưng Lý Thường Kiệt lại dâng thư... xin hàng ! Thực ra, đó chỉ là một đòn tấn công đặc biệt, nhằm thiết thực chuẩn bị cho việc tái lập mối quan hệ bang giao hữu hảo, tránh họa binh đao lâu dài cho cả hai tộc.
Về sau, hai triết gia nổi tiếng của Trung Quốc thời Tống là Trình Di và Trình Hạo đã có lời bình rất hài hước nhưng cũng rất chí lí rằng : “May được lời giặc nói nhũn, liền nhân đó mà xin giảng hòa !". Với cuộc phiêu lưu này, quân xâm lâng chẳng những không cứu vãn nỗi tình hình khó khăn trong nước, không vớt vát được cái gọi là "uy danh thiên triều” mà còn phải tiêu hao một khoản kinh phí khổng lồ. Tất cả, nếu quy ra vàng thì tổng chi phí lên tới 5.190.000 lạng !
Cũng với cuộc phiêu lưu này, non tám vạn trong tổng số mười vạn quân tinh nhuệ của nhà Tống đã bị thiệt mạng ở nước ta, non tám vạn trong tổng số hai mươi vạn dân phu của nhà Tống bị giết, nếu tính cả quân số của nhà Tống bị tiêu diệt ở Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm, tổng số quân Tống giết lên tới khoảng ba chục vạn. Với võ công đại phá quân Tống, Lý Thường Kiệt đã đóng góp cho kho tàng nghệ thuật chống xâm lăng của dân tộc ta những kinh nghiệm vô giá. Một là phải luôn luôn chủ động phòng ngự một cách tích cực. Trong một số trường hợp cụ thể, cách phòng ngự tốt nhất chính là phản công. Hai là phải tận dụng yếu tố địa lợi trong chiến tranh. Chiến tuyến sông Cầu thật sự là một sáng tạo rất độc đáo của Lý Thường Kiệt. Ở đây, thiên tạo (sông Cầu) và nhân tạo (chiến tuyến ở bờ nam) được kết hợp hài hòa với nhau, tạo ra chỗ dựa vững chắc khi phòng ngự và bàn đạp thuận tiện khi phản công. Ba là phải triệt để phát huy vai trò của nhân tố tinh thần trong chiến tranh. Nếu biết sử dụng đúng lúc, nhân tố này sức mạnh vật chất to lớn đến độ khó có thể tính trước được. Bốn là phải biết tạo ra sự hợp đồng tác chiến nhịp nhàng và sắc bén giữa các lực lượng, các binh chủng khác nhau. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lời nhận định rất sâu sắc rằng : "Như vậy là lúc đó đã xuất hiện sự phối hợp chiến đấu của đại quân với các lực lượng ở địa phương, tạo nên thế chiến lược đánh địch cả trước mặt và sau lưng. Hình thái phối hợp chiến đấu này thật là một nét độc đáo về nghệ thuật quân sự của dân tộc nhỏ để chống lại chiến tranh lâm lược của quân thù mạnh”. Năm là phải biết tỉnh táo và chuẩn bị một cách thông minh cho việc thiết lập mối quan hệ bang giao ngay khi quân dân ta đã và đang thắng lớn.
Danh tướng Việt Nam

Lý Thường Kiệt - Vị thái giám quyền lực nhất trong lịch sử Việt Nam

Nguyên do nào mà Lý Thường Kiệt trở thành thái giám? Câu hỏi này vẫn là đề tài tranh luận và nghiên cứu của các sử gia hiện nay.
Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, sinh năm 1019 vào thời vua Lý Thái Tổ và mất năm 1105 dưới thời vua Lý Nhân Tông. Ông được lịch sử ghi nhận là một nhà quân sự - chính trị - ngoại giao lỗi lạc.
Sử cũ chép: “Vua Lý Thánh Tông thấy Lý Thường Kiệt dung mạo đẹp đẽ, tài năng khác thường, mới khuyên ông tự thiến mình đi để tiện việc gần gũi nhà vua trong cung cấm. Lý Thường Kiệt thuận theo. Hằng ngày, ông hầu cận bên vua, hiến việc tốt, can việc xấu, giúp vua hết mọi cách”.
Vì công lao đó, ông được cử giữ chức Kiểm hiệu Thái bảo - một chức rất cao trong triều". Ngoài ra, cũng có giả thuyết rằng, Lý Thường Kiệt tự hoạn vì tiền. Cụ thể, Lý Thái Tông thấy Lý Thường Kiệt “mặt mũi đẹp đẽ” nên cho 3 vạn quan tiền bảo tự hoạn để vào cung hầu hạ...
Tuy nhiên, cũng theo sử sách, người tịnh thân khi xưa thường là hoạn quan, không được trọng dụng trong những việc quốc gia đại sự. Vậy tại sao một người có tài và có trí như Lý Thường Kiệt lại can tâm làm việc này? Và khi đã tịnh thân sao ông vẫn được giao trọng trách cầm quân đánh giặc và lập nhiều chiến công hiển hách khiến quân Tống phía Bắc, quân Chiêm phía Nam phải khiếp sợ.
Thêm vào đó, ông là con một công thần của nhà Lý nên gia sản của người cha để lại đủ để sống dư dả. Ông cũng không thể nào tự nguyện tịnh thân để vào cung làm quan bởi với cương vị là con của một công thần, việc đó chẳng khó khăn gì…
Dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử Thái Bá Tân chỉ ra rằng, giả thuyết ông trở thành hoạn quan do bị hại là có vẻ hợp lý hơn cả. Sử sách cho biết, thời trẻ, Lý Thường Kiệt có một mối tình với Dương Hồng Hạc, tức hoàng hậu Thượng Dương sau này. Dương Hồng Hạc là con của Dương Đức Uy và là cháu gọi Hoàng hậu Thiên Cảm, vợ Vua Lý Thái Tông, bằng cô.
Khi Hoàng hậu Thiên Cảm được Vua Lý Thái Tông sủng ái, cha của bà là Dương Đức Thành được phong làm Tể tướng. Từ đó, thế lực họ Dương được hình thành như: Dương Đạo Gia, Dương Đức Uy, Dương Đức Thao, Dương Đức Huy… ba thế hệ lần lượt nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều.
Để tạo thêm thế lực cho họ Dương, Hoàng hậu Thiên Cảm đã đem đứa cháu gọi bằng cô ruột là Dương Hồng Hạc gả cho con chồng là Thái tử Lý Nhật Tôn để khi Nhật Tôn lên làm vua thì Hồng Hạc trở thành hoàng hậu.
Song, trước khi lấy Hồng Hạc, Thái tử Nhật Tôn đã được cảnh giác về việc họ Dương lộng quyền, có thể dẫn đến cướp ngôi vua, vì vậy Nhật Tôn không muốn gần gũi với Hồng Hạc vì lo sợ nếu có con sẽ trúng kế họ Dương.
Mặc dù làm vợ Thái tử nhưng Dương Hồng Hạc không hề được chồng đoái hoài tới nên bà muốn nhờ người tình cũ là Lý Thường Kiệt giúp thái tử Nhật Tôn ở Đông cung, để được “ban hồng ân”. Và có lẽ vì lo cho hậu vận nhà Lý, Thường Kiệt đã không nhận lời giúp đỡ Hồng Hạc.
Do vậy, một số nhà nghiên cứu lịch sử đương thời cho rằng, đó là lý do khiến ông bị Hồng Hạc và Hoàng hậu Thiên Cảm ra tay bức hại trong một đợt tịnh thân tuyển hoạn quan vào cung?
Nguyên do nào mà Lý Thường Kiệt trở thành thái giám? Câu hỏi này vẫn là đề tài tranh luận và nghiên cứu của các sử gia hiện nay. Thế nhưng, một minh chứng hùng hồn là thắng lợi huy hoàng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống (1075-1077) gắn liền với tên tuổi của ông.
Năm 1072, Lý Thánh Tông từ trần. Lý Nhân Tông lên nối ngôi khi mới có 7 tuổi. Lý Thường Kiệt được giữ chức Đôn quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, tước hiệu Thượng phụ công.
Vào thời gian đó, chính quyền phương Bắc vẫn luôn nhòm ngó. Chúng xem đây là một cơ hội tốt để tiến hành ráo riết việc chuẩn bị xâm lược nước ta. Tại ba châu Ung, Khâm, Liêm, chúng xây dựng những căn cứ quân sự và hậu cứ to lớn để làm nơi xuất phát trực tiếp cho các đạo quân xâm lược.
Nhớ lại Chiến dịch Ung Châu, trước âm mưu và hành động rõ ràng công khai của địch, Lý Thường Kiệt cho rằng: "Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước, chặn thế mạnh của giặc". Được triều đình tán thành, ông huy động 10 vạn quân tiến hành một cuộc tập kích đánh thẳng vào các căn cứ chuẩn bị xâm lược của kẻ thù ngay trên đất Tống.
Quân Việt bắt đầu tiến công vào đất Tống từ ngày 27 tháng 10 năm 1075. Thoạt tiên, quân Việt phá hủy một loạt các đồn trại biên giới, rồi lần lượt đổ bộ lên cảng và đánh chiếm các thành Khâm, Liêm.
Sau đó, đại quân tiếp tục tiến sâu vào đất địch. Ngày 18 tháng 1 năm 1076 áp sát thành Ung. Đây là căn cứ quan trọng nhất trong những căn cứ địch dùng cho cuộc viễn chinh xâm lược vào Đại Việt. Sau 42 ngày vây hãm và tấn công quyết liệt, ta hạ được thành, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch.
Theo chủ trương đã định, quân ta được lệnh san bằng các thành lũy lớn nhỏ, tiêu huy các kho tàng lương thực, vũ khí, giáng đòn sấm sét làm tổn thất nghiêm trọng các cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh của địch, làm nhụt nhuệ của bọn cầm quyền phương Bắc trong việc chuẩn bị chiến tranh xâm lược.
Sau khi đã đạt mục tiêu của cuộc đánh sang đất Tống, Lý Thường Kiệt quyết định rút nhanh quân về nước. Cuộc rút quân rất đúng lúc, vừa bảo toàn được lực lượng, vừa phá được kế hiểm của giặc: chúng định điều quân lẻn sang đánh úp Đại Việt nhân lúc đại quân còn đang ở bên nước chúng.
Ghi nhận chiến công kỳ diệu, có một không hai trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt, trong Việt sử tiêu án, nhà viết sử Ngô Thì Sĩ đã ca ngợi Lý Thương Kiệt: "Bày trận đường đường, kéo cờ chính chính, mười vạn thẳng sâu vào đất khách, phá quân ba châu như chẻ trúc, lúc tới còn không ai dám địch, lúc rút quân còn không ai dám đuổi, dụng binh như thế, chẳng phải nước ta chưa từng có bao giờ".
Bị thua đau, nhưng nhà Tống vẫn rất ngoan cố. Lý Thường Kiệt biết chắc thế nào chúng cũng sẽ kéo quân sang phục thù và tiếp tục thực hiện mục tiêu xâm lược mà chúng chưa bao giờ chịu từ bỏ.
Do vậy, ông phái người vào đất Tống để theo dõi cụ thể mọi động thái; đồng thời tập trung xây dựng phòng tuyến chính của quân ta dựa vào bờ nam sông Như Nguyệt (sông Cầu), có rào giậu nhiều tầng, chạy dài trên 200 dặm từ chân núi Tam Đảo đến sông Lục Đầu.
Dưới sông có thủy quân, trên thành có quân đóng và tuần tiễu. Với phòng tuyến này, quân ta nắm chắc khả năng chặn địch, bảo vệ an toàn kinh thành Thăng Long và cả một vùng trung châu rộng lớn và trù phú của đất nước.
Cuối năm 1076, đại quân Tống chia làm nhiều cách vượt biên giới tiên ào ạt vào Đại Việt. Sau một tháng phải luôn luôn đối phó với những cuộc chống trả quyết liệt của nhân dân Đại Việt trên vùng biên giới và thượng du.
Cuối cùng, ngày 18 tháng 1 năm 1077, đại quân Tống cũng tiến được tới bờ bắc sông Cầu. Nhưng đến đây, chúng đã bị chặn đứng lại. Thế nhưng, lần tiếp, chúng tập trung binh lực, đột phá trận tuyến quân Việt ở bến đò Như Nguyệt, chọc thủng được một đoạn phòng tuyến, tiến về Thăng Long...
Song, dưới sự chỉ huy linh hoạt sắc sảo của Lý Thưởng Kiệt, hết lần này đến lần khác, địch đều bị tiêu diệt, tháo chạy hoặc đầu hàng.
Tuy nhiên, phải nói rằng, trong trận chiến Như Nguyệt, chiến lược phản công hiệu quả nhất của Lý Thương Kiệt là sức mạnh kỳ lạ của bài thơ Nam quốc sơn hà - làm tăng nhuệ khí và thêm sức chiến đấu cho quân ta, đồng thời làm nao núng tinh thần quân địch; giúp đại quân ta vượt sông bất ngờ đánh úp vào doanh trại chính của địch. Theo Việt sử lược, quân Tống đại bại, bị tiêu diệt đến năm, sáu phần mười...
Như vậy, có thể nói rằng, trong quá khứ hay hiện nay, Lý Thường Kiệt mãi được ghi nhận là một vị anh hùng dân tộc có nhiều đóng góp trong công cuộc phá Tống, bình Chiêm. Đặc biệt, bài thơ thần Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) của ông được coi như bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét