Vườn dâu Cái Tàu nằm trên địa bàn xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tập trung nhiều nhất là ở ấp 2 và ấp 3. Nhưng thực tế hiện nay diện tích vườn dâu Cái Tàu ngày càng thu hẹp bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tổng diện tích ban đầu của vườn dâu Cái Tàu trên 20 ha, có 60 hộ trồng tập trung. Nhưng đến nay diện tích còn lại khoảng 10 ha, với 30 hộ trồng.
Thu hẹp diện tích
Từ khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất đến nay, nhiều hộ dân đã phá bỏ vườn dâu để cải tạo đất làm lúa và vuông tôm bởi hiệu quả kinh tế của trồng dâu mang lại không cao. Trồng dâu không mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân, mỗi năm chỉ thu nhập được 1 mùa kéo dài khoảng 2 tháng (từ tháng 4-6). Hơn nữa dâu không có thị trường tiêu thụ, phần lớn là bán cho khách tham quan và các chợ xã, thị trấn với giá dao động từ 15.000-25.000 đồng/kg. Những năm trước có nhiều thương lái đến nhà thu mua nhưng gần đây thì không còn nữa, việc tiêu thụ tự mỗi hộ dân tìm đầu ra cho riêng mình bởi ở địa phương không thể nào tiêu thụ hết được.
Vườn dâu Cái Tàu sai trái là điểm hẹn của du khách gần xa. Ảnh: HUỲNH LÂM |
Diện tích dâu bị nhiễm mặn và chết ngày càng nhiều. Nhiều hộ gia đình có vườn dâu nằm kề diện tích nuôi tôm của những hộ dân khác, vào mùa khô tình trạng nước mặn rút qua vườn dâu, dẫn đến việc nhiều gốc dâu bị héo và chết.
Người dân cũng không còn mặn mà với dâu Cái Tàu, thay vào đó là trồng giống dâu xanh từ các tỉnh vùng trên. Giống dâu Cái Tàu là giống trái nhỏ, vỏ màu vàng, vị chua đậm, khi có trái những chùm dâu thường rất ngắn. Ngược lại, giống dâu xanh cho trái lớn hơn, chùm dâu dài và có vị ngọt đặc biệt, sản lượng cao hơn. Trung bình mỗi gốc dâu xanh cho trái nhiều hơn vài chục ký so với gốc dâu Cái Tàu. Hiện nay mỗi nhà vườn khoảng vài trăm gốc dâu thì chỉ còn lại từ 10-20 gốc dâu Cái Tàu.
Ông Châu Văn Thừa, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 3, xã Nguyễn Phích, cho biết, truyền thống trồng dâu ở đây có từ lâu đời. Dù biết lợi ích kinh tế mang lại là không bằng nuôi tôm và trồng lúa nhưng người dân cố giữ lấy vườn dâu. Hiện tại trên địa bàn ấp 3 còn 6 nhà vườn lớn, còn lại hầu như họ chỉ trồng rải rác và có nguy cơ phá bỏ.
Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Ðào Công Kiểng cho biết, theo Nghị quyết Ðảng bộ, xã có định hướng khôi phục lại vườn dâu Cái Tàu. Tại các cuộc họp dân, lãnh đạo xã cũng đã tuyên truyền, vận động người dân giữ vườn, trong công tác tái tạo gặp những khó khăn vướng mắc gì thì bà con kiến nghị để tìm ra hướng giải quyết. Trước mắt chỉ thực hiện công tác vận động bà con cố gắng giữ vườn, trồng mới lại diện tích dâu bị chết và tìm kiếm rộng hơn thị trường tiêu thụ… Thực tế số hộ dân kiên quyết giữ lại vườn là rất ít, số còn lại vì lợi ích kinh tế mà phải bỏ đi vườn dâu đã gắn bó lâu năm với gia đình.
Hướng đi mới từ du lịch vườn
Dù thực tế vườn dân Cái Tàu đang thu hẹp diện tích, nhưng vẫn còn nhiều người dân Nguyễn Phích đang cố giữ và tái tạo lại vườn dâu của mình vì một lý do khác đó là phục vụ khách du lịch. Ngày nay, đến với vùng đất U Minh, hầu như các du khách đều có chung một mong muốn là được tham quan những khu vườn để tận hưởng không khí trong lành, cảnh vật thơ mộng. Hiện tại trên địa bàn huyện có hơn 15 vườn dâu lớn nhỏ sẵn sàng mở cửa để phục vụ khách tham quan khi mùa dâu bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6. Qua mỗi mùa dâu, mỗi nhà vườn thu về khoảng từ 30-40 triệu đồng.
Chị Ngô Thị Út Mười ở ấp 2, xã Nguyễn Phích, là người đã mở cửa vườn dâu để đón khách du lịch hơn 11 năm qua, cho biết: “Trung bình 1 ngày vườn dâu của tôi đón tiếp hơn 40 lượt khách đến tham quan du lịch. Những ngày thứ Bảy, Chủ nhật con số này lên đến hàng trăm lượt. Từ đó mà gia đình tôi có thêm thu nhập trung bình từ 1-2 triệu đồng vào ngày thường và từ 5-6 triệu đồng vào những ngày nghỉ, ngày lễ”.
Không riêng vườn dâu của chị Mười, vườn dâu của nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện cũng nguồn thu khá cao nhờ biết kết hợp nhiều loại dịch vụ tại vườn. Ðiển hình như tại vườn dâu của chị Nguyễn Thị Diễm ở ấp 2, xã Nguyễn Phích. Ngoài nguồn thu từ vườn dâu, chị còn bán ăn uống, nước giải khát, thậm chí là phục vụ nhu cầu đờn ca tài tử mỗi khi khách có yêu cầu.
Chị Diễm phấn khởi cho biết: “Những năm trước đây, sau khi tham quan xong, khách luôn có nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi. Từ đó mà năm nay gia đình tôi quyết định mở thêm các dịch vụ ăn uống cũng như giăng nhiều võng xung quanh vườn để khách nghỉ ngơi khi có yêu cầu. Nhờ vậy mà lượng khách đến đây khá đông và luôn ra về với tâm lý thoải mái”.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Giang, một du khách đến từ huyện Thới Bình, bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với loại hình du lịch này. Ðến đây tôi không chỉ tận hưởng được khí hậu trong lành của xứ rừng U Minh mà còn được thoả sức câu cá giải trí. Sau chuyến đi, tôi sẽ giới thiệu địa điểm này với bạn của tôi và tôi sẽ quay lại nơi này trong thời gian tới”./.
Thiên Lượng - Lâm Chiêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét