Mỗi độ Hà Giang trở lạnh đến rét, vô số những loài hoa dại phủ khắp cao nguyên đá, tạo màu sắc và không gian lãng mạn, xua tan những u ám của màu đá tai mèo xám ngắt. Trong đó, có một loài hoa màu tim tím. Đó là hoa bạc hà. Đi dọc theo con đường Hạnh Phúc mùa này, từ khoảng tháng 9 đến tháng 12, hoa nhiều vô kể. Nơi đâu cũng có hoa, từ bờ rào đá của người Mông đến bờ ruộng hay bên vệ đường. Hoa nở rộ, con ong đi lấy mật nhiều hơn. Chúng hút mật từ hoa bạc hà và hoa dại nên mật ong Hà Giang khác hẳn, thay vì có màu vàng tinh tươm như truyền thống, thì mật ong bạc hà có màu vàng nhạt pha lẫn chút màu xanh. Thoạt trông, mật ong bạc hà không bắt mắt lắm vì người ta quen nhìn và dùng mật ong đường. Nếm thử mới thấy sức hấp dẫn của nó. Không chỉ có vị ngọt, mật ong miền đá còn có hương thơm thanh tao của bạc hà. Lượng đường không nhiều như mật ong dưới xuôi nhưng người ta dễ quên đi mật ong truyền thống bởi mùi thơm quyến rũ của mật ong bạc hà. Đó là món dinh dưỡng được dùng trong bồi bổ sức khỏe của người dân tộc bản địa. Tới mùa hoa dại, người Mông sống dọc đường Hạnh Phúc, nhất là khu vực Mèo Vạc - điểm cuối của con đường, bắt đầu mùa mật ong mới. Khi trước nhà, hoa bạc hà rộ màu tim tím cũng là lúc trên nương vàng sắc màu lúa chín, người ta lại bận rộn hơn để chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho những ngày rét. Và mật ong bạc hà là thứ không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà người Mông. Phần lớn họ tự cung tự cấp chứ ít khi bán ra thị trường.
Bài, ảnh: QUÝ ĐỨC
|
Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014
Mật ong bạc hà
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét