Nấm đất dưới thung lũng Ngam Sử Hung là mộ thật của vua Hoàng Vần Thùng.
Theo anh Hoàng Chí Nhân, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hoàng Su Phì (Hà Giang), sau nhiều năm nghiên cứu về vua Hoàng Vần Thùng, anh đã phát hiện ra nhiều điều thú vị.
Điều thú vị nhất, không chỉ người La Chí coi Hoàng Vần Thùng là ông vua của mình, mà người Dao, cùng người Tày và người Nùng ở một số vùng quanh dãy Tây Côn Lĩnh cũng coi Hoàng Vần Thùng là vua của mình.
Trong một chuyến đi công tác vào bản Tả Chải (xã Túng Sán), nằm trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh, anh Nhân phát hiện người Cờ Lao, dân tộc chỉ có khoảng 2.500 người ở Việt Nam, cũng thờ ông vua Hoàng Vần Thùng.
Giám đốc Trung tâm văn hóa Hoàng Chí Nhân, người nắm khá rõ thông tin về ông vua Hoàng Vần Thùng.
|
Hiện, ở bản Tả Chải có một ngôi miếu nhỏ, nằm trên mỏm núi cao nhất của bản. Ngôi miếu này thờ vua Hoàng Vần Thùng. Lễ cúng diễn ra từ ngày 1 đến 15/7 âm lịch hàng năm được gọi là Lễ cúng Hoàng Vần Thùng.
Điều thú vị, là người Cờ Lao vẫn nắm rất rõ về vua Hoàng Vần Thùng và câu chuyện họ kể không huyễn hoặc một chút nào. Người Cờ Lao cũng khẳng định, vua Hoàng Vần Thùng là vua của người La Chí, sống ở xã Bản Díu.
Vua Hoàng Vần Thùng cai quản một vùng đất rộng lớn, cả phía bên kia Trung Quốc. Hoàng Vần Thùng chỉ đạo hàng vạn dân binh khai thác mỏ đồng, bán sang Trung Quốc và bán về xuôi cho triều đình.
Rất nhiều mộ Hoàng Vần Thùng trên Tây Côn Lĩnh.
|
Theo người Cờ Lao, mỏ đồng đó giờ thuộc đất Trung Quốc, tên là Đô Long. Anh Nhân bảo rằng, địa danh Đô Long vẫn còn, hiện nằm phía bên kia xã Bản Máy. Người Trung Quốc vẫn đang khai thác mỏ đồng này.
Không chỉ khai thác đồng, vua Hoàng Vần Thùng còn tổ chức khai thác gỗ ngọc am bán sang Trung Quốc và bán cho triều đình.
Ông Hoàng Ngọc Lâm, 86 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì, cho biết: “Những gò đất ở vùng người La Chí sinh sống có thể là mộ giả của Hoàng Vần Thùng, cũng có thể là gò đất do người La Chí đắp để đánh dấu lãnh thổ.
Tôi nhớ các cụ xưa hay kể, người Tày khi đến ở vùng nào, thường tết cỏ lại để đánh dấu, nên lãnh thổ người Tày rất nhanh chóng mở rộng. Còn người La Chí thì đắp đất thành gò để đánh dấu vùng đất của mình nên lâu hơn.
Nhưng khi tranh chấp, người ta đốt cỏ khô đi, thì chỉ còn là đất của người La Chí. Vậy nên mới có câu, “cỏ Tày, gò La Chí”. Cứ thấy những mô đất tròn cao là biết đó là vùng đất của người La Chí.
Vậy nên, tôi cho rằng, chưa có vị vua nào trên thế gian có nhiều mộ như ngài Hoàng Vần Thùng, hàng ngàn ngôi mộ. Nhưng số mộ này không phải đắp trong một đêm, mà phải khá lâu dài và ít nhiều mang dáng dấp của tập tục truyền thống giữ đất của người La Chí xưa kia”.
|
Xưa kia, người Trung Quốc thu mua ngọc am rất nhiều để làm đồ cung đình, đặc biệt là làm áo quan và lấy tinh dầu ướp xác. Ở Việt Nam, tầng lớp vua chúa, nhà giàu cũng ướp xác bằng ngọc am. Các ngôi mộ ướp xác ngọc am thi thoảng vẫn được tìm thấy, dù đã trải mấy trăm năm.
Tôi đã từng chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, đi dọc các con suối chảy trên đỉnh và phát hiện ra rất nhiều gốc, rễ ngọc am trơ dưới lòng suối. Những phần gốc ngọc am này đã bị vùi lấp dưới lòng đất hàng trăm năm trước, giờ mới lộ ra do suối chảy.
Người Cờ Lao cũng kể rằng, vua Hoàng Vần Thùng cực kỳ giàu có, vàng bạc chất đống trong nhà. Trước khi chết, ông ta đã chôn tất cả vàng bạc trong các ngôi mộ và giết luôn cả 4 người con của mình, để không làm lộ chỗ cất kho báu.
Mặc dù vua Hoàng Vần Thùng ác với con cái như vậy, nhưng ông ta lại không hề bóc lột người Cờ Lao. Khai thác ngọc am bán được rất nhiều tiền, ông chia cho người Cờ Lao cùng hưởng. Chính vì lẽ đó, người Cờ Lao tôn ông thành thánh và thờ cúng như ông vua.
Anh Nhân cũng khẳng định: “Người Cờ Lao thờ phụng một người mà họ cho là của dân tộc khác là điều rất kỳ lạ. Người đó phải có công rất lớn với người Cờ Lao, thì họ mới làm thế”.
Một ngôi mộ giả khổng lồ ở bản Lủng Cẩu.
|
Nếu chuyện ông Hoàng Vần Thùng khai thác ngọc am bán sang Trung Quốc và bán cho triều đình là thật, thì thời gian ông sinh sống mới chỉ cách nay vài trăm năm, xa nhất thì từ thời Hậu Lê, cách nay chưa đến 500 năm, bởi tục ướp xác bằng ngọc am mới có từ thời Hậu Lê ở Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với thông tin người La Chí cung cấp.
Theo chân anh Hoàng Chí Nhân, tôi tìm đến xã Bản Máy, nơi có rất nhiều mộ vua Hoàng Vần Thùng. Riêng xã Bản Máy, phải có đến hàng ngàn ngôi mộ giả. Mộ vua nằm trong vườn nhà dân, trên rừng, trên vách đá, thậm chí vô số mộ nằm ngay bên đường đi, hoặc bị con đường mới mở cắt mất một nửa.
Xã Bản Máy có 60% người La Chí, còn lại là người Nùng và người Tày. Người La Chí coi Hoàng Vần Thùng là ông vua, còn người Tày và người Nùng ở đây thì coi là ông tướng nổi loạn, cai quản vùng đất, giống như vua Mèo ở Đồng Văn.
Ngôi mộ giả rất lớn ở Bản Díu.
|
Ông Vương Văn Bình, Phó Chủ tịch xã Bản Máy cho biết, người già ở Bản Máy vẫn nắm rất rõ về ông Hoàng Vần Thùng và kể chuyện cho con cháu nghe trong những dịp lễ, tết, hội hè.
Điều đặc biệt, là người dân ở Bản Máy đều khẳng định, vua Hoàng Vần Thùng chết ở Bản Máy, chứ không phải Bản Díu hoặc Bản Phùng.
Phó chủ tịch Bình dẫn chúng tôi đến một thung lũng nhỏ ở bản Mã Tẻng và bảo rằng nó có tên Ngam Sử Hung. Trong tiếng La Chí, Ngam Sử Hung có nghĩa là thung lũng vua.
Ở thung lũng này có một cái khe rất lạ, rõ ràng là dấu vết đào, nhưng không ai dám đi qua. Người La Chí, Tày, Nùng ở Bản Máy tin rằng, vua Hoàng Vần Thùng ngự ở cái khe đó, nên không ai dám vào.
Cụ già Thèn Đức Lâm kể rằng, mấy trăm năm trước, triều đình cử một vị thủ lĩnh lên cai quản vùng Tây Côn Lĩnh này. Tên ông là Hoàng Vần Thùng. Ngày đó, đường sá khó khăn, đi lại vất vả, triều đình không cai quản được, nên chỉ nắm qua các thổ ti.
Cái khe ở bản Mã Tẻng, nơi không ai dám vào, bởi người La Chí tin đó là nơi vua Hoàng Vần Thùng chết.
|
Các thổ ti có nhiệm vụ nộp thuế cho triều đình, còn họ thu thuế của dân thế nào thì triều đình không can thiệp. Hoàng Vần Thùng quản lý vùng đất rộng lớn, nên rất giàu có, thịnh vượng.
Hoàng Vần Thùng có tư tưởng ly khai, nên đã cắm cờ, tập hợp dân binh, rèn vũ khí, lập vương quốc riêng.
Ngày đó, dưới Thăng Long (một số cụ già lại nói dưới huyện), nhìn thấy đám mây hình lá cờ ở Tây Côn Lĩnh, biết chuyện nổi loạn, nên báo về triều đình. Triều đình đã đem quân lên dẹp loạn.
Đánh không lại quân triều đình, nên Hoàng Vần Thùng trốn trong một cái hầm mà quân của ông đã đào sẵn, ở bản Mã Tẻng, chỗ thung lũng Ngam Sử Hung.
Quân triều đình biết chỗ trốn, đã xẻ núi đào đường vào hầm, nhưng cứ đào được một đoạn núi lại lở, không đào sâu thêm được.
Một đêm, một cặp vợ chồng đi lấy củ nâu nhuộm vải, anh chồng nói với vợ: “Nếu quân lính mà lấy 7 cái đinh đồng, 3 cái đinh sắt, tẩm với kinh nguyệt của phụ nữ, cùng phân gà, phân chó, đóng chỗ cửa hầm thì ông Hoàng Vần Thùng chết ngay”.
Quân lính vô tình nghe trộm được câu chuyện của cặp vợ chồng nọ, đã làm theo. Sau khi đóng đinh, không thấy động tĩnh gì nữa. Sáng hôm sau, hàng ngàn ngôi mộ mọc lên khắp vùng.
Theo cụ Thèn Đức Lâm, dấu vết cái khe, chính là dấu vết đào bới của lính triều đình. Tuy vậy, xác vua Hoàng Vần Thùng không nằm trong hầm, mà đã được người dân đưa ra chôn phía ngoài.
Người dân xã Bản Máy tin rằng đây là ngôi mộ thật của Hoàng Vần Thùng.
|
Cụ Lâm dẫn chúng tôi đến mô đất lùm lùm như nấm mộ cách cái khe khoảng 100m. Ông khẳng định, đây chính là mộ thật của vua Hoàng Vần Thùng. Những người già ở Bản Máy đều biết đây chính là mộ thật của ông, nhưng không ai dám động vào.
Theo Phó chủ tịch Vương Văn Bình, thi thoảng, người Choang bên Trung Quốc cũng trốn sang đây và thắp hương trên ngôi mộ này. Người Choang ở bên kia biên giới cũng nhận Hoàng Vần Thùng là vị vua của mình và họ cũng nói rằng, bên đó toàn là mộ giả.
Theo sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn, Hoàng Vần Thùng (hay còn gọi là Hoàng Văn Đồng; Vần nghĩa là Văn, Thùng tức là Thống hoặc Đồng, nghĩa là đồng nhất, thống nhất) là nhân vật có thật trong lịch sử cuối thời Hậu Lê.
Tại cuốn 2 và cuốn 8 sách Kiến văn tiểu lục có ghi rõ: Hoàng Văn Đồng là phó tướng của Gia quốc công Vũ Văn Mật (bên Lào Cai), hiện đang được thờ ở Bắc Hà, tại đền Trung Đô.
Vào cuối thời Lê, tình hình xã hội loạn lạc, có 2 anh em nhà họ Vũ là Vũ Văn Uyên (còn gọi là Chúa Bầu) và Vũ Văn Mật, gốc người Hải Dương. Hai ông có công thu phục nhân dân và các tù trưởng người dân tộc thiểu số xây dựng căn cứ cả một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, mở rộng đến Lào Cai để trấn giữ biên ải, ngăn giặc bên ngoài tràn vào đất nước.
Trong số các tướng lĩnh của Vũ Văn Mật có Hoàng Văn Đồng, được phiên âm theo tiếng Hán là Hoàng Vần Thùng được giao trấn ải khu vực biên giới từ Bắc Hà (Lào Cai) đến châu Vị Xuyên, dưới thời Vua Lê Trang Tông.
Ngoài việc trấn giữ biên ải, Hoàng Vần Thùng còn dạy dân trồng ngô, cấy lúa, chăn nuôi và diệt trừ cái ác.
Tài liệu ở đền Trung Đô ghi rằng, sau khi ông mất, dân làng chôn ông phía sau đền Trung Đô (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) ngày nay. Hiện tại, tài liệu ghi chép về Hoàng Vần Thùng vẫn đang lưu giữ tại Đền Trung Đô. Một ngôi mộ phía sau đền Trung Đô cũng được cho là của Hoàng Vần Thùng.
|
Giải mã sự thật về ông vua thống lĩnh nóc nhà Đông Bắc
Câu chuyện về ông vua La Chí cùng kho báu khổng lồ chôn giấu bí mật ở một trong số hàng ngàn ngôi mộ lớn trên dãy Tây Côn Lĩnh rất thời sự.
Vào năm 2007, trong chuyến cuốc bộ cả ngày giời vào bản Lủng Cẩu (xã Bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang) cao hơn 2.000 mét trên dãy Tây Côn Lĩnh, tôi đã được bà con dân tộc La Chí ở đây say sưa kể về vị vua của mình với những câu chuyện đượm màu huyền thoại, song cũng không ít những chứng cứ thuyết phục.
Người La Chí, vốn chỉ có hơn 8 ngàn người trên toàn lãnh thổ Việt Nam gọi vị vua trong lòng mình là vua Gia Long. Tôi chột dạ, chẳng lẽ, ông vua thời Nguyễn đã du hành lên đây, và được người La Chí thờ phụng như con trời?
Nhưng qua tìm hiểu, thực tế, ông vua Gia Long của người La Chí tên thật là Hoàng Vần Thùng, chứ không phải vua Nguyễn Ánh.
Ngày đó, tôi đã gặp các cán bộ nghiên cứu văn hóa từ huyện đến tỉnh ở Hà Giang, song không ai biết chuyện về ông vua kỳ lạ của tộc người ít ỏi chỉ có ở hai huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì của Hà Giang này. Sử sách cũng không thấy nhắc đến vị vua của người La Chí.
Bản Lủng Cẩu, nơi có đền thờ vua La Chí, tức Hoàng Vần Thùng
|
Tuy nhiên, câu chuyện về ông vua La Chí cùng kho báu khổng lồ chôn giấu bí mật ở một trong số hàng ngàn ngôi mộ lớn trên dãy Tây Côn Lĩnh lại rất thời sự và ngày càng kích thích sự tò mò của người dân nơi đây.
Mới đây, anh Hoàng Trí Nhân, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hoàng Su Phì đã điện cho tôi với giọng hồ hởi: "Mình đã phát hiện ra gốc tích của ông vua Gia Long, tức Hoàng Vần Thùng rồi. Nhà báo muốn tìm hiểu thì lên ngay Hà Giang nhé".
Vậy là tôi tìm đường lên miền tây đất địa đầu, nơi có dãy Tây Côn Lĩnh, được mệnh danh là nóc nhà Đông Bắc Việt Nam. Thật không ngờ, chỉ từ thông tin về ông vua lạ hoắc chẳng có trong sử sách của người La Chí mà tôi nghe được trong buổi cúng rừng lại kích thích ông giám đốc trung tâm văn hóa huyện như vậy. Anh Nhân bảo, từ khi biết có thông tin về vua Hoàng Vần Thùng mà nhà báo cung cấp, anh đã dày tâm thực địa và nghiên cứu nhiều năm nay.
Vậy là tôi và anh Nhân lên đường, tìm về các bản làng heo hút trên sống dãy Tây Côn Lĩnh, đến những ngôi mộ, nhà thờ để giải mã thân thế và cuộc đời kỳ lạ, cũng như cái chết bí ẩn của một ông vua chưa từng được biết tới ở Việt Nam.
Điểm trường bản Lủng Cẩu
|
Đường vào xã Bản Phùng giờ đã đổ bê tông, đi lại rất thuận tiện. Nguyên chủ tịch xã Vương Đức Sinh kéo chúng tôi ra sườn đồi trước UBND xã chỉ tay về đỉnh núi ẩn hiện trong mây mờ và bảo đó là đỉnh Lủng Cẩu.
Đỉnh Lủng Cẩu thuộc xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) và đỉnh Gia Long thuộc xã Bản Díu (Xín Mần) nằm cánh nhau một thung lũng, cùng nằm trên dãy Tây Côn Lĩnh và cao hơn 2.000m, đều gắn với những câu chuyện kỳ bí về vua Hoàng Vần Thùng.
Cô giáo Hiệp, thầy giáo Lâm ở điểm trường Lủng Cẩu cũng bảo rằng, được nghe rất nhiều chuyện về vua Hoàng Vần Thùng của người La Chí, nhưng đã cất công tìm hiểu, mà không thấy sử sách nào nhắc đến.
Các giáo viên cắm bản ở đây đã nghe người dân kể nhiều về đền thờ của vua La Chí trên đỉnh Lủng Cẩu và dinh thự đổ nát của ông vua trên đỉnh Gia Long, nhưng chưa dám đến xem vì người dân đồn rằng, nếu tự ý tìm vào khu vực đó, sẽ lạc đường, mất mạng như chơi.
Miếu thờ vua Hoàng Vần Thùng
|
Miếu thờ vua Hoàng Vần Thùng nằm trong khu rừng nguyên sinh với biết bao câu chuyện về sự chết chóc của những người xâm phạm. Kể cả người La Chí trong bản, được cho là con cháu của vị vua này cũng không dám vào rừng, tự tiện mở cửa đền, nếu như chưa đến ngày lễ cúng vua, mà ngày lễ đó diễn ra cực ít, 15 năm mới có một lần.
Không có con đường nào lên đỉnh Lủng Cẩu. 15 năm dân bản mới vào rừng, tìm đến nhà thờ và miếu thờ vua La Chí để được dập đầu trước vị vua của mình một lần, nên lối đi sau nhiều năm không có dấu chân người đã bị cỏ cây, dây leo bịt lối chằng chịt. Chúng tôi phải bám dây leo mà đi, bập tay vào vách đá mà trèo.
Đến khu rừng thưa thì gặp nhà thờ vua Hoàng Vần Thùng. Nhà thờ nằm giữa khu đất trống, khá quang đãng. Nói là nhà thờ vua, nhưng thực tế nó rất đơn sơ. Trông giống một ngôi nhà sàn nhỏ, nhưng không có vách, tường gì cả. Sàn rộng 2m, dài 3m, cao 1,5m và từ sàn lên mái cao chừng 2m.
Hoàng Vần Thùng là vị vua thống lĩnh dải đất trên dãy Tây Côn Lĩnh
|
Phía sau ngôi nhà thờ vẫn còn những cây nêu, dấu tích được dùng trong lễ hiến trâu cho vua. Ngôi nhà thờ này được người La Chí gọi là Khu Cù Tê.
Mọi người đến gần xem thì bị ông Vàng Dìu Phù đi ngang qua ngăn lại. Ông bảo, đã có người tự tiện trèo lên nhà thờ bị chết đột ngột, có người bị điên khùng. Chỉ có ngày cúng vua thì 8 ông thầy mo, đại diện cho 4 họ của người La Chí mới được lên nhà thờ để hành lễ.
Trong buổi lễ trọng đại đó, lại tiến hành bói xương gà 3 lần để chọn ra một thầy cúng làm chủ. Thầy cúng đó sẽ thực hiện các nghi lễ cúng vua, hiến tặng trâu. Đại diện các dòng họ và dân làng chỉ được vái lạy từ xa. Những người không có khả năng điều khiển ma quỷ, thần linh như các thầy mo mà xâm phạm vào nhà thờ sẽ bị trừng phạt.
Nghe ông Phù nói thế, ai cũng sợ, không dám lại gần ngôi nhà thờ đó nữa. Tôi liều lĩnh đứng bên mép nhà, chụp vài tấm hình và phát hiện trên nóc nhà thờ gác 8 cái đầu trâu, xếp thành 2 hàng ngay ngắn.
Đầu trâu trong nhà thờ vua Hoàng Vần Thùng
|
Ông Vàng Dìu Phù kể rằng, từ ngày ông bé xíu, được bố mẹ dẫn đi xem hành lễ cúng vua, ông đã thấy trên nóc nhà thờ này có 8 cái đầu trâu. Bố mẹ ông cũng bảo, từ khi còn bé đã thấy 8 cái đầu trâu trên đó. Như vậy, 8 cái đầu trâu đã xuất hiện cả trăm năm trên nóc ngôi nhà thờ này rồi.
Theo các cụ già người La Chí, sau khi vua Hoàng Vần Thùng chết đi, mỗi đời con cháu về sau đều hành lễ cúng bái. Cứ mỗi đời sau lại làm một lễ cúng rất lớn, như ngày hội dành cho tất cả người La Chí. Trâu, lợn được thịt rất nhiều.
Một con to béo nhất được cúng dâng vua, sau đó đám thanh niên khỏe mạnh dùng những thanh vầu chặt vát đâm chết trâu (mang dấu ấn lễ đâm trâu ở Tây Nguyên) rồi xả đầu trâu treo trước nhà thờ. Sau khi thịt da phân hủy hết, chỉ còn trơ ra xương sọ cùng bộ sừng, thì các thầy cúng làm lễ rửa xương bằng rượu rồi gác lên mái nhà thờ.
Như vậy, với 8 đầu trâu gác trên mái nhà thờ, thì đã có 8 đời con cháu của vua Hoàng Vần Thùng tổ chức hành lễ cúng bái. Như vậy, nếu nói về tiểu sử vua Hoàng Vần Thùng thì có thể ông về trời cách đây chưa lâu lắm, chỉ là con số hàng trăm năm. Một vị vua tạ thế chưa lâu lắm mà không có trong sử sách cũng là điều khó hiểu.
(Theo VTC News)Bí ẩn hàng ngàn ngôi mộ khổng lồ trên Tây Côn Lĩnh
Vì sao người La Chí đắp hàng ngàn ngôi mộ giả, là điều chưa giải thích nổi.
Ở xã Bản Díu (Xín Mần, Hà Giang), những câu chuyện về vua Hoàng Vần Thùng được kể rất chi tiết. Ngay gần trung tâm xã cũng có miếu thờ vị vua được cho là của người La Chí này.
Các lãnh đạo xã đã mở cửa miếu vào mà không sợ “thánh vật, thần quở”. Bên trong ngôi miếu khá đơn sơ, gồm 3 bàn thờ bằng đất, một bàn thờ chính, hai bàn thờ phụ.
Bàn thờ chính có 3 bát hương, 18 chiếc chén xếp ngay ngắn 3 hàng. Bàn thờ phụ có cây nến cổ bằng đồng, một số chum, niêu vỡ. Đáng chú ý là giữa nền nhà bằng đất có một phiến đá cổ, vuông vắn, vẫn còn dấu vết đục đẽo.
Theo các lãnh đạo xã Bản Díu, xưa kia, ngôi đền khá khang trang, tường xây bằng gạch nung to rất vững chãi, nền lát đá xanh, nhưng chiến tranh, bom đạn, rồi một số đối tượng tìm vàng bạc, đồ cổ đã xới tung cả khu đền lên.
Sau này, nhân dân làm lại bằng tường trình đất trên nền cũ, nhưng làm bé hơn nhiều.
Bàn thờ đơn sơ trong ngôi đền thờ vua Hoàng Vần Thùng ở Bản Díu.
|
Đền thờ trình đất ở Bản Díu.
|
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 3 âm lịch, chọn ngày đẹp, đại điện các dòng họ, dòng tộc La Chí tập hợp tại miếu thờ, mổ lợn gà, làm lễ cúng vua Hoàng Vần Thùng rồi ăn uống luôn tại miếu.
Mấy năm trước, có một nữ doanh nhân đã vào miếu thắp hương khấn vái vua Hoàng Vần Thùng, rồi ra một mô đất được cho là mộ vua xúc bao đất đem về thị trấn Xín Mần thờ.
Người La Chí sống tập trung ở 4 xã, trong đó, xã Nàn Xỉn (Xín Mần) và Bản Phùng (Hoàng Su Phì) có 100% người La Chí, còn xã Bản Díu (Xín Mần) và xã Bản Máy (Hoàng Su Phì) chỉ có 63% và 50% người La Chí.
Các bản làng La Chí đều nằm trên lưng phần cuối dãy Tây Côn Lĩnh. Họ sống cao hơn cả người Mông. Phần núi non trùng điệp này được người La Chí gọi là dãy Hoàng Vần Thùng.
Trong huyền thoại thì Hoàng Vần Thùng là ông tổ của người La Chí. Ông chết đi, thân thể biến thành một dãy núi đất trùng điệp, trên đó, các bản làng La Chí sinh tụ.
Một ngôi mộ giả khổng lồ ở Bản Phùng.
|
Đầu của ông sinh ra người anh cả ở Bản Díu, người con thứ hai sinh ra từ bụng là Bản Phùng và con út sinh ra từ hai chân là Bản Máy và Bản Pẳng. Câu chuyện này nhằm chứng minh rằng, ông Hoàng Vần Thùng là tổ tiên của người La Chí và người La Chí dù ở các bản làng khác nhau, nhưng đều là anh em ruột thịt.
Dãy núi đất hùng vĩ mà người La Chí đang sống chính là thân thể ông tổ họ. Hàng ngày, những lúc bình minh lên hay hoàng hôn xuống, vào những đêm trăng rằm sáng tỏ, người La Chí đều có thể ngắm nhìn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của tổ tiên mình.
Các thế hệ người La Chí được giáo dục bằng hình ảnh đẹp như thế, nên bao thế kỷ nay, họ yêu quê hương tha thiết và quyết bám đất, bám làng trên miền biên viễn Tổ quốc.
Tôi đã đi dọc các bản làng người La Chí để tìm hiểu về vua Hoàng Vần Thùng và phát hiện ra rằng, trên khắp phần đuôi dãy Tây Côn Lĩnh này đâu đâu cũng có mộ vua.
Rất nhiều mộ giả của vua Hoàng Vần Thùng ở Tây Côn Lĩnh.
|
Ông vua thì chỉ có một, mà mộ thì có đến cả ngàn. Những ngôi mộ là những gò đất tròn, to, nhẵn, khum khum như mai rùa. Ngôi bé có diện tích chục mét vuông, ngôi lớn rộng cả ngàn mét vuông. Phần lớn các ngôi mộ nằm trên bãi đất trống, rộng và thoáng.
Điều khá lạ, là gần các ngôi mộ thường có những cây đa khổng lồ. Trông hình thù ngôi mộ không giống mô đất tự nhiên, mà có dấu hiệu tạo tác của con người.
Điều lạ nữa là phần nhiều những ngôi mộ này nằm trên một đường thẳng kéo dài từ xã Bản Díu, qua Bản Phùng, đến tận Bản Máy, dọc sống núi Tây Côn Lĩnh. Các ngôi mộ phân bố trên một khoảng cánh khá đều đặn.
Có khá nhiều huyền thoại quanh những gò đất như những ngôi mộ. Thầy giáo Vương Ngọc Phúc, người La Chí, hiện đã nghỉ hưu tại bản nắm khá rõ sự tích về những ngôi mộ này.
Một ngôi mộ bị con đường cắt qua.
|
Theo đó, xưa kia, có một gia đình sinh được 12 người con trai. Khi người bố ốm sắp chết, ông dặn các con hai điều. Thứ nhất, lúc ông chết thì đừng đem chôn như mọi người mà chỉ cần đào một hố thật sâu rồi bỏ quan tài xuống là được.
Sau khi bố chết, những người con làm theo lời dặn của bố, nhưng không biết làm thế nào để hạ quan tài xuống được vì hố sâu quá. Bàn tính mãi rồi họ mới nghĩ ra cách tết những sợi dây dài 28 sải tay, buộc vào quan tài rồi thòng xuống huyệt.
Điều thứ hai, ông bố dặn: “Ở nhà có 12 kho thóc, các con cứ ăn hết 12 kho thóc đó rồi hãy đi làm nương, làm ruộng. Nếu kho thóc chưa cạn thì không cần đi làm gì cả”.
Nghe theo lời bố dặn, 12 người con trai chẳng đoái hoài gì đến ruộng nương, suốt ngày chỉ ăn ngủ, chơi bời. Những người vợ thấy chồng mình như vậy mãi thì không chịu được bèn mắng: “Muốn chết đói cả hay sao?”.
Nể vợ, 12 người con mới chịu lên nương làm việc, nhưng khi làm việc thì tay họ luôn cầm ô hoa che nắng. Dân làng thấy vậy, nghĩ rằng đây là điềm báo bố của những người cầm ô hoa này sắp xưng vua.
Dân làng bắt cả 12 người con đó và đem giết đi. Nhưng làm mọi cách mà họ không chết. Đâm, chém vào da thịt vẫn không chảy máu. Đem bỏ vào chõ nấu rượu cũng không bị bỏng.
Ruộng bậc thang của người La Chí ở Bản Phùng.
|
Giết không được, dân bản mới hỏi họ: “Bố của các anh đâu?”. Những người con trai trả lời: “Chết rồi”. “Chết rồi thì chôn ở đâu?”. “Chôn sâu lắm”.
Thế là dân làng kéo nhau đi tìm và đào mộ lên. Khi mở quan tài ra, thấy bố của 12 người con này vẫn sống, lại sắm sửa được rất nhiều đồ đạc, có cả ngai vàng. Thấy vậy, dân bản đem giết đi.
Dân bản muốt triệt hết mầm loạn nên hỏi: “Mộ mẹ các anh ở đâu?”. Họ trả lời: “Mộ mẹ chúng tôi ở trong rừng, trong núi”. Nói rồi một trong 12 người con ấy lấy gậy sắt vừa chỉ vừa chọc vào núi.
Chọc đến chỗ nào thì chỗ ấy nổi lên thành mộ, thành gò đống cao. Thế là dân làng không tìm được mộ mẹ của 12 người con trai đó. Chính vì thế, dãy núi phần cuối Tây Côn Lĩnh có nhiều gò mộ như ngày nay.
Tuy nhiên, sự tích về những gò mộ liên quan đến vua Hoàng Vần Thùng được người dân và các lãnh đạo xã kể nhiều hơn và họ đều khẳng định tính chính xác của nó, dù chỉ là truyền miệng.
Box: Anh Hoàng Chí Nhân, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hoàng Su Phì: “Tôi đã nghiên cứu cả trăm ngôi mộ, không rõ là thật hay giả của vua Hoàng Vần Thùng và tôi xin khẳng định rằng, tất cả những ngôi mộ trên dãy Tây Côn Lĩnh đều là do con người đắp.
Sở dĩ, tôi khẳng định như vậy, là vì khi đào gò đất lên, thì thấy rất rõ hai lớp đất khác nhau. Đất đắt mộ là đất mang từ nơi khác đến. Thậm chí, một số ngôi mộ ở Bản Máy còn nằm chênh vênh trên sườn núi đá. Để đắp được ngôi mộ đó, phải vác đất ở chỗ khác đến là điều hiển nhiên.
Một số ngôi mộ bị xẻ đôi do làm đường, thể hiện rõ có hai lớp đất, dấu vết mộ đất do con người đắp. Vì sao người La Chí đắp hàng ngàn ngôi mộ giả, là điều chưa giải thích nổi”.
(Theo VTC News)Kho báu bí ẩn trên Tây Côn Lĩnh
Đào một ngôi mộ của vua Hoàng Vần Thùng thu được một số cổ vật, trong đó có hai chiếc trống đồng cực đẹp, màu đen tuyền.
Một truyền thuyết khác, cũng của người La Chí ở Bản Phùng (Hoàng Su Phì, Hà Giang) kể rằng, xưa kia, vua Hoàng Vần Thùng cai quản cả một vùng La Chí rộng lớn. Núi đất, ruộng bậc thang nhiều, trâu bò đông đúc, gà vịt chạy khắp ruộng, sông suối, thú hoang đầy trong rừng.
Người La Chí dưới thời trị vì vua Hoàng Vần Thùng rất giàu có, sung túc, no ấm, yên bình. Vua có 5 bà vợ cùng 5 người con trai thông minh, tài giỏi.
Dinh thự của ông được xây dựng bằng đá, có tường thành bảo vệ, nằm trên đỉnh núi Gia Long, là nơi cao nhất, là trung tâm của vương quốc La Chí, nơi ấy là chốn tiên cảnh.
Vua thường vui đùa với các tiên nữ từ trên trời xuống hạ giới chơi. Tuy nhiên, vua vẫn không quên 5 bà vợ của mình.
Ruộng bậc thang của người La Chí ở Bản Díu.
|
Bà vợ cả sống cùng vua ở dinh thự, còn vợ hai sống ở Bản Phùng, vợ ba ở Nàn Xỉn, vợ thứ tư ở Bản Díu, còn vợ thứ năm ở Bản Máy.
5 người con sống với 5 người mẹ và họ được vua giao cho cai quản vùng đất mình sống. Thỉnh thoảng vua lại đi thăm vợ và ngắm cảnh, vui thú. Mỗi bà vợ đều có dinh thự riêng và quản lý dân cư trong vùng.
Vua Hoàng Vần Thùng sống được 100 tuổi thì đổ bệnh. Bao nhiêu thuốc quý ở khắp nơi cúng tiến cũng không chữa được bệnh hiểm nghèo.
Biết mình không thể qua khỏi, vua gọi các con lại và dặn dò: “Ta có rất nhiều vàng bạc, của cải để trong kho. Ta muốn mang về thế giới bên kia tiêu xài, nên khi ta chết đi, các con phải đem kho báu chôn với ta, nhưng phải bí mật, không được để kẻ khác biết”.
Ban thờ vua Hoàng Vần Thùng ở Lủng Cẩu rất đơn sơ.
|
Khi vua Hoàng Vần Thùng tắt thở, 5 người con liền huy động tất cả quân lính đi đào huyệt chôn vua cùng của cải. Mọi việc diễn ra rất bí mật, không người dân nào biết.
Để của cải và thân thể vua an toàn, đám quân lính đã đào đắp hàng ngàn ngôi mộ, trên khắp bản làng La Chí, dọc núi Tây Côn Lĩnh. Như vậy, sẽ không ai biết đâu là mộ thực, đâu là mộ giả để đào trộm tài sản.
Sau khi chôn vua, đắp xong vô số mộ giả, 5 hoàng tử và quân lính kéo về dinh vua ăn nghỉ. Đồ ăn thức uống đã được 2 đầu bếp nấu sẵn, bày thành những bàn tiệc.
Đám quân lính và hoàng tử liền giết 2 người đầu bếp để không lộ thông tin ra ngoài. Tuy nhiên, ăn tiệc xong thì cả 5 hoàng tử và đám quân lính cũng lăn đùng ra chết vì trúng độc.
Câu chuyện này đều được người La Chí ở 4 xã kể như nhau, nhưng phần kết luận thì khác một chút.
Đầu lâu trâu trong nhà thờ vua Hoàng Vần Thùng.
|
Ở Bản Díu (Xín Mần) thì cho rằng, hai người đầu bếp của vua Hoàng Vần Thùng đã bỏ thuốc độc vào thức ăn, nhằm giết chết hoàng tử và đám lính để chiếm đoạt kho báu, vì họ biết nơi chôn giấu.
Còn hoàng tử và đám lính thì giết chết đầu bếp để giữ kín thông tin và sau này sẽ chiếm đoạt kho báu chia nhau.
Còn người La Chí ở Bản Phùng thì cho rằng, đây là âm mưu thâm độc của vua Hoàng Vần Thùng nhằm bảo vệ tài sản và nơi yên nghỉ của mình.
Trước khi chết, ông đã dặn đàn con và đám lính phải giết hết những người biết thông tin về việc chôn giấu kho báu, trong đó phải giết cả hai người đầu bếp. Mặt khác, ông lại dặn hai người đầu bếp phải đầu độc các con ông và lính tráng để thông tin về kho báu được bí mật.
Và như vậy, thông tin về mộ phần cũng như kho báu của ông vua Hoàng Vần Thùng bặt tăm kể từ khi ông mất.
Mộ giả vua Hoàng Vần Thùng có mặt khắp nơi trên sống núi Tây Côn Lĩnh
|
Cũng có ý kiến của các cụ già La Chí cho rằng, không có vàng bạc, kho báu nào cả, chỉ đơn giản là vua không muốn cho con cháu đời sau biết nơi vua nằm để khai quật, nên trước khi chết, ông cho quân lính đắp thật nhiều mộ giả.
Ông chết đi rồi, quân lính đem chôn ở ngôi mộ nào đó thật bí mật, không ai biết đến. Tất cả những địa điểm ông từng ở, hiện tại đều có miếu thờ và vẫn còn vài ngôi mộ giả ở xung quanh.
Các cán bộ xã, các cụ già trong các bản làng của người La Chí đều không thể lý giải được vì sao những mô đất như những ngôi mộ này, qua mấy trăm năm mưa nắng mà không bị mài mòn. Trong khi, những nấm mộ của nhân dân ở cạnh, đắp lên, chỉ qua vài năm mưa nắng đã mòn vẹt, nếu không có những chiếc sọ trâu đánh dấu thì đã mất hút rồi.
Con cháu đời sau của người La Chí cũng bỏ công sức đào bới nhiều ngôi mộ nhưng không tìm thấy xác cũng như kho báu của vua Hoàng Vần Thùng.
Rất nhiều câu chuyện về những cái chết bất đắc kỳ tử khi xâm phạm nơi yên nghỉ của vị vua này.
Dấu tích công trình đền thờ vua Hoàng Vần Thùng bằng vật liệu giống như bê tông ở Bản Díu.
|
Ông Lù Thanh Phong, cán bộ xã Bản Díu kể rằng, năm 1960, có mấy người đào một ngôi mộ của vua Hoàng Vần Thùng thu được một số cổ vật, trong đó có hai chiếc trống đồng cực đẹp, màu đen tuyền, một chiếc trống đực và một chiếc trống cái.
Khi mấy người này đào lên, dân bản bắt được liền tịch thu đôi trống. Ông Phong bảo rằng, ông đã đi xem trống đồng trưng bày ở các bảo tàng dưới Hà Nội và thấy 2 chiếc trống này cũng lớn và đẹp tương tự. Hoa văn cũng có nhiều nét tương đồng, chỉ có điều nó được làm từ đồng đen (?!). Trong ngôi mộ đó không có quan quách hay hài cốt gì.
Người La Chí coi 2 chiếc trống đó như tài sản mà vua Hoàng Vần Thùng để lại. Không ai dám mang về mà đem giấu ở một chỗ bí mật trong khu dinh thự tàn tích của vua trên đỉnh núi Gia Long.
Cứ hàng năm, vào tháng 3 âm lịch, chọn ngày đẹp, dân bản lại khiêng đôi trống về miếu thờ và đánh lên báo hiệu con cháu La Chí tụ tập dự lễ cúng vua.
Tuy nhiên, đến năm 1973, cả nước sôi sục phong trào buôn bán cái gọi là đồng đen, nên bọn trộm đã lên núi lấy trộm đôi trống. Từ bấy, trong lễ hội không có tiếng trống đồng nữa.
Một số ngôi mộ được đồng bào đào lên cũng thu được cổ vật, nhưng chỉ là những thứ vặt vãnh như bát đĩa, bình gốm… Còn ngôi mộ với kho vàng thì vẫn bặt tăm.
Còn rất ít cổ vật trong đền thờ vua Hoàng Vần Thùng.
|
Ông Lù Thanh Phong kể, năm 1997, một đoàn nhà khoa học dưới Hà Nội lên ăn dầm ở dề trong các bản làng La Chí, thu thập thông tin về vị vua Hoàng Vần Thùng, nhưng rồi họ bảo với ông rằng, thông tin về vị vua này ít quá, chưa đủ cứ liệu để xây dựng thành đề tài khoa học.
Thế rồi họ bỏ về mà không thấy viết dòng nào về vị vua đầy ắp huyền thoại của người La Chí. Cũng sau đó hai năm, lại có một đoàn cán bộ trung ương lên khảo sát các địa điểm được coi là có liên quan đến ông vua này. Tuy nhiên, họ cũng phải bỏ về với lý do công tác sưu tầm quá khó khăn, cứ liệu không đủ.
Cho đến hiện nay, tại Thư viện Quốc Gia, mới có một tài liệu chính thức duy nhất nghiên cứu về người La Chí, đó là cuốn “Văn hóa truyền thống của người La Chí”, của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy. Tuy nhiên, tài liệu không nhắc gì đến vị vua Hoàng Vần Thùng, một ông vua không biết có thật hay không, nhưng nó lặn sâu vào tiềm thức của 8.000 người La Chí sống trên mảnh đất biên cương Hà Giang này.
TS. Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Thông tin, cho biết, theo dự đoán của ông thì có thể đây không phải là một ông vua. Theo ông, nhiều khả năng ông chỉ là vị “vua” do nhân dân yêu mến mà tự phong. Còn thực tế, có thể ông ta là một vị quan lại, bị thất thế trong chiến tranh loạn lạc, đã dẫn theo bộ tộc của mình di cư xuống phía Nam khai phá.
Ông này được nhân dân kính trọng, nên khi ông chết họ coi như ông tổ, phong làm vua của bộ tộc mình.
Cũng như người Pu Péo, khi thất thế, một vị quan đã đưa dân Pu Péo di cư xuống phía Nam sinh sống, rồi xây dựng dinh thự hoành tráng, toàn bằng đá xanh tại Củng Chá.
35 năm trước, do nhận thức ấu trĩ, một số người đã phá nát dinh thự, lật cả móng nhà lên để tìm vàng. Tất nhiên, vàng chả thấy đâu, nhưng một di tích tuyệt vời đã biến thành phế tích.
Phần nhiều ý kiến cho rằng, ông vua Hoàng Vần Thùng có thể ông là một “ông quan”, đứng đầu của tộc người La Chí như “Vua Mông” Vương Chí Sình ở Đồng Văn, nhưng ảnh hưởng của ông không lớn, quyền lực chỉ dừng lại ở bộ tộc La Chí, và sự xa xôi cũng như thời gian hàng trăm năm đã khiến ông bị lãng quên.
(Theo VTC News)Ngôi đền bí ẩn và núi nhốt người trên Tây Côn Lĩnh
Ba ngày không thấy bà về, con cháu lên núi tìm thì gặp bà bị “nhốt” trên đỉnh Gia Long.
Như đã nói ở kỳ trước, ngôi đền thờ vua Hoàng Vần Thùng nằm gần đỉnh Lủng Cẩu (Bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang), khá sơ sài, nhưng không ai dám vào.
Người La Chí khẳng định rằng, nơi xây cất ngôi nhà thờ này chính là nơi vua Hoàng Vần Thùng chết. Còn ông chết năm nào thì không ai rõ, bởi người La Chí không có chữ viết, nên không ghi lại được.
Các cụ già cũng chỉ nghe kể lại rằng, thời kỳ trị vì của ông cách ngày nay chừng 400 đến 500 năm (?!).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy, người đã có thời gian nghiên cứu về văn hóa La Chí khẳng định rằng trong một tài liệu nghiên cứu, người La Chí định cư ở vùng đất này rất lâu rồi. Ngay cả người Cờ Lao và người Nùng, di cư đến vùng Hoàng Su Phì cách nay 170 năm đã thấy người La Chí định cư ở vùng đất này.
Bản Lủng Cẩu, nơi có đền thờ, miếu thờ vua La Chí.
|
Thậm chí, một số dòng họ người Nùng khi di cư đến vùng La Chí đã bị văn hóa của người La Chí đồng hóa, giờ họ thành người La Chí, mang họ Vương.
Nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp Anbadie, trong cuốn “Các chủng tộc ở vùng cao Bắc kỳ từ Phong Thổ đến Lạng Sơn”, viết năm 1924, khẳng định: “Người La Chí là cư dân bản địa, thổ dân ở vùng Hoàng Su Phì và Xín Mần đã từ mấy ngàn năm nay…”.
Ngoài ngôi nhà thờ ở gần đỉnh Lủng Cẩu, nơi diễn ra lễ cúng vua Hoàng Vần Thùng 15 năm một lần, thì còn một nơi nữa thờ tự ông, đó là ngôi miếu nằm tít trên đỉnh Lủng Cẩu. Nơi đó, theo truyền thuyết, ông từng có một thời gian dưỡng bệnh, dưới sự chăm sóc của người vợ thứ hai trước khi chết.
Chúng tôi tiếp tục cuốc bộ lên đỉnh Lủng Cẩu. Toàn bộ núi Lủng Cẩu là một khu rừng nguyên sinh rộng mênh mông, mà trong đó, chủ yếu có 2 thứ cây, gồm đa và một loài cây dây leo, mà theo cư dân nơi đây là loại thuốc cường dương cực quý.
Đỉnh Lủng Cẩu.
|
Ông Hoàng Dìu Phù, cụ già người La Chí kể rằng, xưa kia, đỉnh Lủng Cẩu là nơi ở của vua Hoàng Vần Thùng. Ông đã cho quân đốt hết rừng, biến cả ngọn núi này thành vườn cây, mà toàn là đa, cùng với loài dây leo là một vị thuốc quý, để ông bồi bổ sức khỏe, chiều chuộng các bà vợ.
Tôi thực sự ngỡ ngàng khi khu rừng rộng cả trăm héc-ta trên độ cao tới 2.000m này lại lắm đa đến vậy. Những cây đa to dăm bảy người ôm mới xuể, tán lá lòa xòa rộng mênh mông, che kín cả một vạt núi.
Có những cây mà hõm, hốc của nó đủ để vừa một cái ô tô. Thân những cây đa này chằng chịt loài dây leo, mỗi dây của nó to bằng bắp đùi. Có những dây leo dài đến nỗi, chúng tôi bám đi theo đến chồn chân mỏi gối mới thấy ngọn nó quấn quýt trên tán cây đa khổng lồ.
Đồng bào La Chí ở xã Bản Phùng rất sợ những cây đa này. Họ tin rằng, thần linh và vua Hoàng Vần Thùng ngự ở trên các cây đa để bảo hộ cho cuộc sống đồng bào, do đó, phải tôn trọng nơi ở của thần linh.
Rất nhiều cây đa khổng lồ trên núi Lủng Cẩu.
|
Nguyên Chủ tịch xã Bản Phùng, ông Vương Đức Sinh, để chai rượu dưới gốc cây đa, chắp tay khấn vái, nội dung lời khấn là xin vua Hoàng Vần Thùng và các thần linh cho thuốc về chữa bệnh.
Khấn vái xong, ông vác dao chặt một đoạn cây dây leo to bằng bắp chân. Mỗi lần bổ dao vào, “máu” từ thân dây leo lại tứa ra, phụt thành tia. Chặt đứt thân dây, chất dịch đỏ như máu lẫn bọt khí chảy ròng ròng thành vũng dưới đất.
Theo ông Sinh, thứ cây này đem xao vàng, ngâm rượu uống rất bổ máu. Ông biết nó là vì một lần sang Trung Quốc, thấy các thầy thuốc bên đó thu mua để chế thuốc bổ dương, tăng cường sức khỏe.
Cuốc bộ một lát trong rừng đa thì ngôi miếu thờ vua Hoàng Vần Thùng xuất hiện dưới tán một cây đa khổng lồ. Ngôi miếu cực kỳ đơn sơ và trông cảnh quan xung quanh nó thì có lẽ đến cả chục năm nay không có người vào.
Loài dây leo bổ máu rất nhiều ở Lủng Cẩu.
|
Miếu thờ vua Hoàng Vần Thùng trên đỉnh Lủng Cẩu.
|
Ngôi miếu được dựng bởi mấy cái cột gỗ, tường liếp đan bằng vầu và lợp Phibờrô-ximăng. Theo ông Phù, trước đây ngôi miếu lợp bằng gỗ pơmu, nhưng đợt cúng vua cách nay 10 năm, dân bản “hiện đại hóa” cho ngôi miếu bằng cách ra tận trung tâm huyện mua rồi vác mấy tấm Phibờrô-ximăng về lợp.
Ngôi miếu khá nhỏ, giữa rừng hoang, nhưng không ai dám mở cửa vào. Tôi đề xuất được vào miếu, nhưng mọi người đều phản đối.
Theo họ, chỉ có thầy cúng, trong lễ cúng vua Hoàng Vần Thùng, cùng thần rắn, 15 năm tổ chức một lần, dân bản mới dám mở cửa ngôi miếu thiêng huyền bí này.
Theo lời kể của ông Sinh, bên trong ngôi miếu chỉ có một pho tượng vua cùng mấy bát hương. Không vào được miếu, chúng tôi đành chụp vài tấm hình, rồi xuống núi.
Đỉnh Gia Long lúc nào cũng chìm trong mây mù.
|
Đứng trên đỉnh Lủng Cẩu, phóng tầm mắt về phía Tây, trông rõ đỉnh Gia Long lẫn trong mây mù. Đỉnh Gia Long nằm ở vùng giáp ranh giữa 3 xã là Bản Phùng (Hoàng Su Phì), Bán Díu và Nàn Xỉn (Xín Mần). Đây cũng là những xã có nhiều người La Chí nhất.
Theo các thầy cô giáo cắm bản Lủng Cẩu, dù khắp nơi trời quang, nắng đẹp, đỉnh Gia Long vẫn có một đám mây trắng đục quấn lấy. Mây quanh năm phủ kín đỉnh Gia Long cao vòi vọi.
Trên đỉnh núi đó, theo truyền thuyết, từng có dinh thự của vua Hoàng Vần Thùng. Đặc biệt, trên đó, có một ngôi mộ khổng lồ, được tin là chôn xác vua Hoàng Vần Thùng cùng toàn bộ kho báu của ông.
Theo các cán bộ xã, những di tích của dinh thự đó vẫn còn, gồm dấu vết thành quách, nền dinh thự, vườn cây, ao cá.
Hỏi tất cả những người La Chí ở đây, ai cũng khẳng định trên đỉnh núi Gia Long đó có dinh thự của vua. Cũng chính vì thế, người La Chí ở Hoàng Su Phì và Xín Mần đều gọi ngọn núi đó theo tên của vua, tức là núi Gia Long, trong khi sử sách, dư địa chí, kể cả bản đồ hành chính không có tên ngọn núi này.
Trên đỉnh Gia Long, có một khu đất rộng, bằng phẳng. Điều đặc biệt là có một vườn cây cổ thụ, cam quýt quanh năm ra quả trĩu trịt. Nhiều cây chè cổ thụ rêu mốc, tuổi đã vài trăm năm.
Người La Chí ở đây tin rằng, bất kỳ ai cũng có thể vào khu dinh thự của vua Gia Long và có thể ăn hoa quả, sản vật thoải mái, tuy nhiên, nếu ai tham lam mang về thì sẽ không thể về được.
Chuyện lạ này được chính miệng nguyên Chủ tịch xã Vương Đức Sinh kể và sau đó tôi lại được Bí thư xã Bản Díu (Xín Mần) Nông Quang Phong và Chủ tịch xã Lù Thanh Phong xác nhận.
Chuyện rằng, 10 năm trước, bà Lùng Thị Sỏng lên núi Gia Long lấy rễ cây lá đỏ bán cho người Trung Quốc mua về làm thuốc. Rễ của loài cây này rất đắt. Hồi đó có giá 50 ngàn đồng/lạng. Giống cây này lại chỉ có nhiều ở khu dinh thự của vua Gia Long.
Bà Sỏng đã liều lĩnh vào khu vực đó đào loại rễ cây này, rồi hái về rất nhiều hoa quả trong vườn. Tuy nhiên, khi xuống núi, bà Sỏng không thể đi được. Dường như có một lực nào đó cứ kéo bà lại.
3 ngày không thấy bà về, con cháu lên núi tìm thì gặp bà bị “nhốt” trên đỉnh Gia Long. Gia đình phải mổ trâu, lợn, sắm lễ đội lên tận đỉnh Gia Long, rồi thầy cúng làm lễ suốt một ngày, bà Sỏng mới về được. Bà Sỏng ở bản Ngam Lin. Bà đã chết mấy năm trước vì bệnh.
Tôi đã tìm nhiều cách để lên đỉnh núi Gia Long từ hướng xã Bản Díu của huyện Xín Mần, muốn tận mắt phế tích dinh thự vua La Chí, tuy nhiên, các cán bộ xã đều lắc đầu, người bảo không thể đi nổi vào mùa mưa, người bảo sợ lên đó lạc đường như bà Sỏng.
Hơn chục năm nay, sau sự kiện bà Sỏng bị vua “nhốt” trên đỉnh núi, không ai còn dám lên đỉnh núi đó nữa.
(Theo VTC News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét