Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Làng nghề đan xơ dừa Bình Trung

Xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) không chỉ có thắng cảnh xinh đẹp là Bàn Than - Vũng An Hòa mà còn được nhắc đến với những làng nghề thủ công truyền thống như khai thác rong mơ, nước mắm An Hòa... và đặc biệt nghề đan xơ dừa Bình Trung một thời vang tiếng.
Xã đảo Tam Hải hiện vẫn rợp bóng dừa nhưng nghề đan xơ dừa thì đã dần mai một. Ảnh: M.H.L
Xã đảo Tam Hải hiện vẫn rợp bóng dừa nhưng nghề đan xơ dừa thì đã dần mai một. Ảnh: M.H.L
Cả xã Tam Hải được phủ kín dưới tán rừng dừa xanh ngắt. Đi đến bất kỳ nơi nào ở xã đảo này đều thấy dừa hiện diện ở khắp mọi nơi. Chính nhờ loại cây trồng chắn gió, chắn sóng này mà từ xưa, nơi đây đã hình thành nên làng nghề đan xơ dừa nổi tiếng.
Theo những cụ cao niên hiện vẫn còn theo nghề đan xơ dừa thì làng nghề xơ dừa Bình Trung hình thành xuất phát từ nhu cầu ban đầu của người dân lao động ngư nghiệp phục vụ cho việc đánh bắt thủy hải sản trên, cách đây khoảng 50-60 năm. Thời đó, tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào có sẵn trên đảo, tranh thủ những lúc biển động không ra khơi đánh bắt, người dân thôn Bình Trung tham gia đan xơ dừa. Sản phẩm của làng nghề ban đầu đơn thuần là dây dừa, sau đó phát triển thêm nhiều loại sản phẩm có giá trị xuất khẩu như thảm, nệm...
Nghề đan xơ dừa không khó, không “kén” thợ nên bất kỳ ai cũng có thể làm được. Xưa kia, tranh thủ những lúc rảnh rỗi hay biển động, người dân trên đảo tranh thủ đi thu lượm, tích cóp nguyên liệu - vỏ của những trái dừa. Vì dừa là cây trồng chủ yếu trên xã đảo nên nguồn nguyên liệu tại chỗ rất dồi dào. Công đoạn tiền chế để có nguyên liệu phục vụ cho nghề đan xơ dừa cũng tương đối đơn giản, nhưng để tạo ra những sản phẩm có độ bền cao đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian để xử lý phần nguyên liệu.
Để tạo ra sản phẩm, người ta dùng phần xơ của vỏ trái dừa tươi đem ngâm nước trong khoảng 6 tháng. Sau đó, đập nát để lấy bả và đem phơi cho thật khô rồi dùng tay kẹp từng nhúm bả xe lại với nhau thành những sợi nhỏ, tiếp tục xoắn những sợi nhỏ thành sợi to. Tùy từng sản phẩm, người ta dùng những sợi dây dừa bện thành những sợi dây thừng, đan nệm, đan thảm... Sản phẩm đặc trưng của làng nghề trên đảo này không chỉ hiện diện trên những ghe thuyền đánh bắt thủy hải sản mà còn đi vào đời sống hằng ngày của nhiều gia đình.
Giai đoạn hưng thịnh nhất của làng nghề là từ 1975 đến năm 1986, cả xã có số hộ tham gia lên đến 500, sản lượng bình quân đạt 500 tấn, với nhiều loại sản phẩm khác nhau, trong đó sản phẩm thảm xơ dừa đã xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Giai đoạn này, làng nghề tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận dân cư trong thôn, nhất là những lao động nữ, lao động trẻ em; góp phần vào việc đa dạng ngành nghề và phát triển kinh tế ở địa phương, nâng cao đời sống cho người dân trong thôn... Tuy nhiên, từ khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, sản xuất của làng nghề có xu hướng trì trệ dần do mất thị trường khối Đông Âu.
Thêm vào đó, trên thị trường hiện có nhiều mặt hàng dây thừng, thảm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, giá rẻ lại chất lượng nên người tiêu dùng ưa chuộng. Chính vì thế sản phẩm làm từ xơ dừa không còn chỗ đứng trên thị trường như những năm thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước. Trải qua bao thăng trầm của thời gian với đời sống ngày càng đổi thay, nhiều nghệ nhân của làng đan xơ dừa cũng lần lượt bỏ nghề để tìm nghề khác có thu nhập ổn định hơn.
Có dịp về xã đảo Tam Hải rợp bóng dừa, thi thoảng vẫn có thể bắt gặp các bà, các mẹ lớn tuổi ngồi cặm cụi xe xơ dừa dưới những tán cây dừa già rượi mát. Vì đã lỡ trót gắn bó với nghề, không muốn nghề đan xơ dừa một thời là niềm tự hào của cả vùng bị thất truyền, những người già trong làng vẫn ngày ngày xe những sợi xơ dừa như cố níu lại một chút quá khứ hưng thịnh làng nghề và để nhắc nhở cho con cháu hôm nay về một làng nghề đặc trưng của làng đã từng hiện diện trên những chiếc thuyền trong những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió…
MAI HỒNG LÂM
;

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét