Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

Vượt cung đường ‘ít biết’ tây Trường Sơn

Vượt cung đường ‘ít biết’ tây Trường Sơn
(PL)- Đó là một xứ sở thần tiên và con người hiền hòa. Nơi mà bạn chỉ muốn ôm hết vào lòng mọi khung cảnh hung vĩ và rực rỡ đến nao lòng.
Đó là một xứ sở thần tiên và con người hiền hòa. Nơi mà bạn chỉ muốn ôm hết vào lòng mọi khung cảnh hung vĩ và rực rỡ đến nao lòng.
Đường Hồ Chí Minh tây Trường Sơn như dải lụa xuyên hết núi rừng Kẻ Bàng rồi trườn qua miền tây các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình) để vượt đèo Sa Mù vào với Khe Sanh, Quảng Trị. Nhiều đoàn khách tìm về với con đường này trong khung cảnh tuyệt đẹp và nếm trải món ăn ngon cũng như điệu cười của anh em Vân Kiều, Pa Cô bên mái núi hùng vĩ.
Cung đường ít biết
Những ai xuôi ngược Bắc-Nam bằng đường mòn Hồ Chí Minh đều biết nhiều địa danh nổi tiếng. Nhưng ít ai biết rằng có một cung đường mòn ở tây Trường Sơn với Km số 0 ở ngã ba Khe Gát (Xuân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), rồi chạy sâu vào rừng mưa nhiệt đới, vượt đại ngàn Trường Sơn đi đến điểm cuối là thị trấn Khe Sanh (Quảng Trị).
Trời mùa thu nhiều đám mây kéo đến, chúng tôi hẹn cùng nhau vượt Trường Sơn bằng nhánh đường “bí ẩn” này. Đúng 5 giờ sáng, cả nhóm ai nấy đều đã nai nịt, xe máy gọn gàng, bắt đầu xuất phát vượt hơn ba trăm cây số đồi núi trùng điệp. Con đường xuyên hết dãy núi này đến dãy núi nọ. Có khi đổ xuống khe sâu hun hút, rồi lại lên cao chót vót trên các đỉnh núi. Xe máy cứ cài số một, số hai để tiến lên đỉnh đèo đầy mây trắng vần vũ.
Từ Khe Gát đi đến đường rẽ vào động Thiên Đường đã bắt đầu vắng người. Vượt qua cầu Trà Ang, cắt đường 20-Quyết Thắng là một thế giới hoàn toàn khác. Nhiều người trong đoàn chúng tôi là các “phượt thủ” đi Nam, đi Bắc, đạp hết miền núi phía tây bắc, hay đi cả những ngọn đèo heo hút ở Nepan, Ấn Độ, Bhutan... nhưng tất cả đều chưa biết quang cảnh ở đây. Mỹ Nga ở Hà Nội vào bằng xe máy cùng nhóm bạn hẹn nhập đoàn từ trước, đi hơn tiếng đồng hồ đã bảo phải dừng lại, bởi cảnh rừng, cảnh núi, cảnh đường chưa bao giờ thấy trong ngần ấy năm sống ở đời và đi biết bao nhiêu là danh lam thắng cảnh.
Dân địa phương Quảng Bình vẫn gọi nôm na là đường mòn tây Trường Sơn. Những địa danh như U Bo hay Tăng Ký, Làng Ho, Cha Lỳ, Sa Mù... lần lượt được tôi “phổ cập” kiến thức vỡ lòng một cách hăng say và đầy tự hào cho nhóm bạn ở Hà Nội mới vào. Các bản đồ mà “phượt thủ” mang theo cũng không có tên của con đường thú vị này. Nhưng nó đã hoàn thành cùng với đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn.
Hơn 300 cây số hoàn toàn bê tông. Trải qua vô vàn mưa lũ của xứ nhiệt đới tầm tã biết bao nhiêu năm, cung đường vẫn vững chãi. Mỹ Nga và các bạn trong đoàn cứ mãi xuýt xoa, không quên nán lại chụp vài tấm ảnh, thưởng ngoạn đến mê mệt. Mãi đến khi trời đổ tối mịt mù cả nhóm mới đặt chân lên phố núi Khe Sanh.
Vượt cung đường ‘ít biết’ tây Trường Sơn - ảnh 1
Mái nhà Vân Kiều bên tây Trường Sơn. Ảnh: MINH QUÊ 
Vượt cung đường ‘ít biết’ tây Trường Sơn - ảnh 2
 
Nụ cười ở Làng Ho.
Vượt cung đường ‘ít biết’ tây Trường Sơn - ảnh 3
 
Văn hóa bản địa ở tây Trường Sơn.
Đi giữa cảnh thần tiên
Đúng giữa trưa cả nhóm lên được núi U Bò, trời nắng dịu, không mây, da trời xanh trong vắt. Phóng tầm mắt nhìn về biển Đông lồng lộng, phố thị Đồng Hới cách đó 40 cây số cũng hiện hữu rõ rệt đến nao lòng. Thảm rừng dày đặc màu xanh của cây cối rêu phong. Tiếng chim thiên đường rồi khướu mun đá quý hiếm thi nhau hót. Bất chợt chúng im bặt khi cả bầy linh trưởng khỉ mặt đỏ rượt đuổi nhau, kêu la chí chóe.
Thật ra không phải lên đến đỉnh U Bò cao gần 1.000 m mới gặp muông thú, dọc đường đi những vòm rừng xuyên qua đường đã là chiếc cầu tự nhiên cho voọc Hà Tĩnh, hay chà vá chân nâu chuyền cành. Những lúc như thế, cả đoàn chục người dừng lại chỉ để xem cảnh sống ban phát của Mẹ thiên nhiên.
Con đường bám trên các mái núi, phóng tầm mắt bất tận rừng già phủ kín và treo trên núi đá cao ngất. Các bạn Thanh, Nga, Hòa, Hợp, Thủy... từ miền Bắc vào đều choáng ngợp bởi cảnh sắc của xứ tây Trường Sơn. Đổ xuống núi U Bò là đất của người Vân Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Đi qua đầu xã là một trong 13 ngọn thác thượng nguồn Long Đại. Mưa rừng đang về, dòng thác Tam Lu đỏ quạch, ở xa cả mấy cây số vẫn nghe nước gào thét ì ầm.
Chạm vào bản Cợp là đất Quảng Trị, chạy một mạch lại vượt đèo Sa Mù. Bất luận mùa nào thì đỉnh đèo mấy cây số cũng dày đặc sương mù. Bất luận ngày nào ai đi qua cũng đều chạm mặt với sương mù, thế nên người Pa Cô ở đây mới giải thích lý do có tên đèo Sa Mù.
Ăn giữa đường gió bụi
Đầu tiên là món pồi, một loại thức ăn của người Vân Kiều phía Kim Thủy đãi. Họ không bán, bà con làm sắn luộc, đâm nhuyễn sẵn để đưa đi làm rẫy nhưng gặp khách liền lấy ra mời. Chấm với muối ớt thôi, lạ và ngon vô cùng. Từng vắt pồi đưa lên miệng, thơm mùi sắn rẫy.
Phía bên kia của ngọn 1001 là món giữa đường gió bụi - cơm gà của miền Hướng Lập. Gà tự tay dân bản nuôi, nấu cho người lỡ đường như chúng tôi. Hồ Lập làm hai con gà, một bọc đất sét bên suối rồi nướng. Một con kho bằng lá trơng, một loài lá cây ăn hơi chua nhưng kho gà theo kiểu Pa Cô ăn ngon nhớ mãi. Khi ăn, kèm với thứ ớt bản địa nhỏ tí mà cay xè lại nhớ mãi không phai vị núi rừng.
Trước khi vào đất Quảng Trị, người Vân Kiều Làng Ho ở Kim Thủy còn đãi món bản địa khác lạ lẫm. Ấy là món pà rụt, một thứ ốc chỉ sống trên các đỉnh núi đá. Nó ngon và giá trị chữa bệnh rất cao. Cực hiếm. Chỉ khi nào mát mẻ, chúng mới bò ra khỏi các kẽ nứt của đá. Mỗi con được bán vào mùa thu với giá 2.000 đồng nhưng khi hiếm nó đến 5.000 đồng/con. Người Vân Kiều tiết lộ ốc đá rất hiếm, chữa được bệnh gút và giảm cả tiểu đường. Nhưng nó không dễ lấy bởi ở trên cheo leo núi. Mỗi lần đi lấy lại tốn công sức mấy ngày. Thấy tôi quen mặt, người ở bản Làng Ho coi tôi như anh em trong nhà, mới biếu một dĩa cho cả nhóm cùng ăn. Ai nấy đều khen. Món ngon giữa đường gió bụi qua sự hiếu khách của anh em Vân Kiều thì đường có xa mấy cũng đẹp thần tiên.
Một ngày lại có “bốn mùa”
Một khung cảnh không kém cuốn hút khác trong hành trình của chúng tôi là đỉnh 1001 thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy. Nơi mà nhiều lần chúng tôi ghé thăm, một ngày có đến bốn mùa. Đó là một khu vực buổi sáng se lạnh mùa đông, buổi trưa nắng ấm, buổi chiều bảng lảng như không gian thu và hoàng hôn như mùa xuân xứ Đà Lạt. Mưa rừng vẫn thường xuyên đổ về vài ngày trong tuần và nhóm vượt đường may mắn ngắm được nhiều thác nước từ trên các ngọn rừng cao vút dội xuống bên vệ đường đẹp lạ lùng. Mỹ Nga thường thốt lên: “Kỳ lạ quá. Chưa bao giờ gặp”. Dọc đường, gặp vài người Vân Kiều đi lấy mật ong, họ kể chuyện rừng nghe như cổ tích. Trong khu vực có đôi chim đại bàng, cứ chiều lại chúng xuất hiện săn mồi. Mồi của chúng không phải con gà rừng hay chim rừng nhỏ bé, mà là bọn khỉ mải mê kiếm ăn đến mất cảnh giác.
MINH QUÊ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét