Thư mục: Du lich
Sau 3 năm tiến hành tu bổ, tôn tạo (4/2007 - 9/2010) do Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) triển khai, thực hiện, đình Chu Quyến (còn gọi là đình Chàng) thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội đã hoàn thành. Đặc biệt sau khi hoàn thành, vào đầu tháng 10/2010 dự án tu bổ, tôn tạo đình Chu Quyến đãvinh dự nhận được giải thưởng lớn của Hiệp hội kiến trúc sư quốc tế (UIA) về bảo tồn di sản kiến trúc năm 2010 khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Đình Chu Quyến là một ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỷ 17, thờ thành Hoàng làng là Nhã Lang Vương, con của Hậu Lý Nam Đế Phật tử. Giá trị văn hóa lịch sử của đình Chu Quyến còn được lưu giữ, đáng chú ý nhất là 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn, triều Nguyễn phong phần cho Nhã Lang Vương. Mặt khác đình Chu Quyến còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc sống đối với người dân trong làng cũng như các làng xung quanh, bởi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn là nơi hội họp bàn việc làng, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội của cộng đồng làng xã cùng với các trò chơi dân gian đánh cờ, đấu vật thu hút đông đảo người dân trong vùng cùng tham gia. Với những giá trị độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc và lịch sử văn hóa, từ năm 1962 đình Chu Quyến đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là một trong những di tích lịch sử văn hóa quan trọng của quốc gia.
Tuy nhiên trải qua hơn 400 năm tồn tại, cùng với sự thăng trầm của lịch sử, sự tác động của thiên nhiên và của cả con người, đình Chu Quyến đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Đứng trước thực trạng đó từ năm 2007, Bộ VHTTDL đã phê duyệt dự án: “Thực nghiệm tu bổ, tôn tạo đình Chu Quyến” do Viện Bảo tồn di tích đệ trình, triển khai, thực hiện, với tổng kinh phí dự án được phê duyệt 17 tỷ đồng theo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. KTS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ thực hiện dự án, cán bộ, nhân viên của Viện đã lập hồ sơ, thiết kế một cách bài bản trên cơ sở các kết quả khảo sát, nghiên cứu toàn diện kỹ lưỡng về di tích và ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học để thực hiện bảo tồn, trùng tu một di tích kiến trúc gỗ tiêu biểu để từ đó xây dựng các chuẩn mực về quy trình kỹ thuật, công nghệ trong tu bổ kiến trúc gỗ Việt Nam, dự án được tổ chức thi công theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt. Đình được trùng tu trên cơ sở kỹ thuật công nghệ truyền thống cùng với việc ứng dụng những kết quả nghiên cứu khoa học chuyên ngành với phương châm bảo tồn tối đa những yếu tố gốc và những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, bảo đảm độ bền vững lâu dài của di tích”. Đángchú ý trong quá trình trùng tu, cán bộ của Viện đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, khảo sát di tích một cách toàn diện để hiểu biết di tích một cách đầy đủ nhất và các tác nhân gây hại cho di tích. Kết quả khảo sát cho thấy nổi bật nhất là 48 cột của ngôi đình đều bị tiêu tâm và hư hỏng ở các mức độ khác nhau, tuy nhiên chỉ có hai cột được thay thế do không thể cứu vãn được, số còn lại đã được bảo tồn, tu bổ đảm bảo tính ổn định và vững chắc mà vẫn giữ nguyên được dấu ấn thời gian của nó, trong đó có một cột cái bị mục ruỗng đến 90%, trước đây được đổ bê tông trong lõi nay được gia cố lại bằng lõi gỗ, đảm bảo tính vững chắc lâu dài mà vẫn giữ nguyên trạng phần vỏ bên ngoài. Bên cạnh đó, hiện trạng mái có đến 51 loại ngói khác nhau, những viên ngói còn tốt và phù hợp được giữ lại, ngói thay thế được sản xuất bằng phương pháp truyền thống: đúng chất đất, nung bằng rơm tương đồng với ngói cũ. Ngoài ra kết quả khảo sát cũng phân lập, phát hiện được 17 loài nấm gây hại bề mặt các cấu kiện gỗ, tất cả đã được xử lý loại bỏ để bảo quản kết cấu gỗ. Bên cạnh đó trong quá trình trùng tu đã sử dụng vữa truyền thống: vôi và giấy cùng một số chất liệu mềm mại, diệt nấm mốc bằng công nghệ vi sinh để đảm bảo tính nguyên gốc.
Chính từ việc khảo sát cẩn trọng, quá trình trùng tu trên cơ sở sử dụng kỹ thuật tân tiến nhưng không xa rời yếu tố gốc với phương châm giữ nguyên trạng những thành phần gốc của di tích, sau 3 năm triển khai, toàn bộ việc trùng tu đình Chu Quyến đã hoàn thành và vẫn giữ được nét đẹp của một ngôi đình cổ xưa. Qua thực tế cho thấy với kết quả trong việc trùng tu, tôn tạo đình Chu Quyến do Viện Bảo tồn di tích triển khai, thực hiện là những bài học, kinh nghiệm hết sức có giá trị trong việc xây dựng những chuẩn mực trong công tác bảo tồn, trùng tu các di tích kiến trúc của Việt Nam.
Theo chudu24
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét