Không bắt mắt, không hùng vĩ, nhưng đó thực sự là một kỳ quan được tạo nên bởi nỗ lực phi thường của bàn tay con người.
Ðúng với tên gọi của nó, suốt cung đường từ TP Hà Giang, đến dốc Bắc
Sum, ngược lên cổng trời Quản Bạ, đèo Cán Tỷ, qua Yên Minh, Mậu Duệ,
Ðồng Văn, qua cung đường tình yêu Mã Pí Lèng để dừng chân nơi Mèo Vạc,
đâu đâu cũng thấy núi là núi. Ðá chồng lên đá, đá đan vào đá chạy sát
theo những cung đường cua tay áo và dốc đứng đến rợn người.
Ðứng trên đỉnh Mã Pí Lèng, một bên là núi đá cao sừng sững, một bên là
vực sâu thăm thẳm, phóng tầm mắt nhìn bao quát một vùng cao nguyên rộng
lớn, mới thấy hết sự hào phóng, kỳ vĩ của đất trời.
Ðiểm nhấn lãng mạn giữa núi non hiểm trở là dòng Nho Quế mềm như vạt eo
con gái, uốn lượn quanh các khe núi hẹp. Mùa này dòng Nho Quế đang cạn
nước nhưng cũng đủ làm say lòng du khách, xua đi cái khô cằn và khắc
nghiệt của bốn bề núi đá bao vây. Ðèo Mã Pí Lèng thuộc huyện Mèo Vạc, có
chiều dài khoảng 20 km. Ðây được coi là nơi hiểm trở nhất của cao
nguyên đá.
Có nhiều câu chuyện kể về việc phá đá mở đường đoạn đèo này, với những
chi tiết hết sức cảm động. Toàn tuyến đường Hà Giang - Ðồng Văn - Mèo
Vạc dài chừng 165 km được làm trong năm năm, nhưng riêng đoạn đèo này
phải thi công tới hai năm mới hoàn thành.
Hơn một nghìn thanh niên xung phong từng treo mình trên vách đá suốt 11
tháng ròng, đục từng lỗ mìn phá đá. Hiện nơi đây còn lưu giữ đài tưởng
niệm ghi danh những con người dũng cảm, ngoan cường làm nên tuyến đường
đèo ấy.
Giờ đây, Mã Pí Lèng được gọi là cung
đường tình yêu. Không ai nhớ xuất xứ của cái tên lãng mạn ấy. Phải chăng
vì nó là con đường đèo nguy hiểm nhất, là thử thách cuối cùng để đến
được chợ tình Khau Vai huyền thoại. Như câu dân ca da diết của người
Mông "Anh như con chim bay nhiều mỏi cánh/Tìm đến cành em mà đậu/Em như
cành khô bấy lâu/Chờ con chim mỏi cánh bay về/Ðợi anh qua mùa lanh/Ðợi
anh qua mùa đào/ Vượt đỉnh Mã Pí Lèng/Ta tìm về với chợ tình Khau Vai".
Nếu như cung đường Hà Giang - Ðồng Văn - Mèo Vạc quyến rũ bởi sự nguy
hiểm, sợ hãi nín thở nhưng đẹp đến ngỡ ngàng thì điều ám ảnh chúng tôi
suốt hành trình lại là sức sống của cao nguyên đá được tạo nên bởi chính
những con người nơi đây.
Giữa điệp trùng núi đá, những mầm ngô
vẫn vươn mình lên xanh tốt. Ngô là loại cây duy nhất có thể sinh trưởng ở
mảnh đất khắc nghiệt này, cũng là loại cây nuôi sống đồng bào bao đời
nay.
Trên đường Ðồng Văn xuôi Lũng Cú, chúng tôi gặp chị Thùa Thị Thoong đang
gùi đất từ vùng thấp để đổ vào từng hốc đá trên cao nguyên trồng ngô.
Giữa những mô đá tai mèo sắc nhọn tưởng
như có thể đâm nát chân người, vẫn thừa ra những khe hở, chị Thoong đã
tận dụng chúng, đổ đất gieo hạt. Chồng mất sớm, nhà chị Thoong giờ có
năm miệng ăn. Lúa không có, chỉ trồng ngô cho nên cơm chỉ là món hy hữu
trong bữa ăn thường ngày.
Bốn đứa trẻ sàn sàn tuổi đến trường nhưng chẳng đứa nào đi học. Chúng
như bao đứa trẻ tôi gặp trên chặng đường đi, nói tiếng Kinh bập bõm, đầu
trần, chân đất, quần áo bạc mầu, cáu bẩn. Ðứa bé lang thang chơi trên
núi đá, đứa lớn hơn theo mẹ gùi đất gieo hạt. Cuộc sống chỉ là mong
thoát đói thì làm sao chúng dám ước đến trường?
Ði sâu vào Cột Cờ Lũng Cú, càng gặp
nhiều hơn khung cảnh bà con cần mẫn lao động, phần lớn vẫn là căn từng
hốc đá để trồng ngô...
Để
có thể trồng ngô, người nông dân nơi đây phải xuống vùng thấp để lấy
đất gùi lên núi, đổ vào từng khoảng trống giữa những khối đá tai mèo sắc
nhọn để gieo hạt.
Cụ Già Giống Na năm nay đã gần 90 tuổi vẫn đang cùng con cháu gieo hạt
trong cái nắng rát những ngày đầu hạ. Cụ nói tiếng Kinh khá rõ. Nhà cụ
chủ yếu trồng ngô, chỉ gieo được ít lúa bên khoảnh đất bằng phẳng trước
nhà. Thế cũng là tốt lắm rồi đấy - cụ nói - Ở những bản sâu trong núi đá
kia còn nhiều hộ nghèo lắm đó. Vì đất trồng lúa hiếm lắm, đến kẽ đá
trồng ngô cũng khó tìm. Bây giờ đang là mùa giáp hạt.
Cũng thời điểm này chừng mười năm về trước, gần như cả bản không có gạo ăn, nhà nào còn ngô là may mắn lắm.
Nhưng mấy năm nay, trồng lúa được mùa hơn và giống ngô tốt cũng cho
nhiều bắp, cho nên bà con dành dụm được cho những ngày giáp hạt. Mùa
này, mỗi ngày chỉ một bữa cơm thôi, còn ăn mèn mén, uống rượu ngô suông-
cụ cười nói như đó là chuyện thường tình ở vùng đất này bao đời nay
rồi.
Xã Lũng
Cú, huyện Ðồng Văn vốn được ví như xã Ðất Mũi của Cà Mau, heo hút và
trắc trở. Từ Ðồng Văn đến trung tâm xã là cung đường 26km, cũng vẫn điệp
khúc dốc cua tay áo, núi cao và vực sâu.
Ðồng bào Mông, Lô Lô trồng lúa, trồng ngô mỗi năm chỉ được một vụ cho
nên đời sống hết sức khó khăn. Cả xã có chín thôn bản, thì có đến tám
thôn giáp biên, đều ở độ cao trung bình từ 1.600 đến 1.800 m so với mực
nước biển.
Chúng tôi gặp anh Vàng Mí Cấu, Bí thư xã còn rất trẻ, người dân tộc
Mông. Giọng nói khê mùi thuốc lào, anh tính, cả xã có hơn 800 hộ dân thì
có đến hơn một nửa là hộ nghèo. Nói là nghèo nhưng thực chất vẫn còn
những hộ đói, mùa giáp hạt vẫn phải chờ vào cứu trợ gạo của Nhà nước và
địa phương.
Ðó là bà con ở những vùng có địa hình quá dốc, chỉ toàn núi đá, không
thể trồng trọt hay chăn nuôi gì được. Giọng anh như sáng hơn khi nói về
chương trình xây dựng nông thôn mới ở ba thôn Lô Lô Chải, Thèn Pả và Xín
Mần với những thành tích được tính bằng bể nước, sân phơi, nhà tắm, nhà
vệ sinh và chuồng gia súc. Nhất là 1,7 km đường bê-tông liên thôn.
Ở vùng núi đá này, con số ấy là nỗ lực
lớn của chính quyền xã và bà con thôn bản. Khi được hỏi về những khó
khăn của bà con trong phát triển sản xuất, giọng anh như chùng xuống:
Nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước đã quan tâm đến đời sống của đồng bào
dân tộc, nhất là với Lũng Cú - một xã biên giới phía bắc huyện Ðồng Văn.
Cuộc sống bà con nhờ thế cũng thay đổi nhiều, nhưng cũng chỉ mới xóa
đói chứ để giảm được nghèo vẫn là vô cùng khó vì sản xuất nông nghiệp ở
vùng núi đá là thách thức lớn. Với 80% địa hình là đồi núi dốc, khí hậu
khắc nghiệt, mùa khô hạn hán, mùa mưa lại đối mặt với lũ quét, mưa đá và
sạt lở, cây lúa khó trồng, cây ngô vùi mình trong hốc đá, thì người dân
thật khó có cơ hội thoát nghèo bền vững.
Chúng tôi chạm đỉnh Mèo Vạc khi chợ phiên đã bắt đầu đông. Tiết trời đầu
hạ, nắng vàng như rót mật. Một cảm giác say mê ngay lập tức len nhẹ
trong lòng khi thấy những em gái Mông má hồng như nỗi nhớ, váy áo hoa
văn sặc sỡ, xập xòe nổi bật giữa khung cảnh ồn ã của chợ phiên. Phía kia
là những phụ nữ Mông đang thử rượu ngô cho chồng - một cảnh mà tôi nghĩ
chẳng nơi nào có được, ngoài những phiên chợ của vùng cao nguyên đá.
Xa xa là hai vợ chồng già dắt nhau xuống
chợ, ngồi thưởng thức một bát thắng cố bên bếp lửa nghi ngút khói. Một
ông già cô độc ngồi giữa chiếc ghế dài cuối chợ rít hơi thuốc lào sảng
khoái.
Nhập vào quán rượu giữa chợ, chàng trai người Mông nom hiền lành nhường
tôi một góc ghế dài. Quán chỉ rặt những rượu suông, thuốc lào, chén,
bát. "Chén để uống rượu, bát cũng để uống rượu, khi đã ưng nhau rồi thì
phải uống bằng bát"- anh người Mông Lò Mí Pố nói với tôi như thế. Anh Pố
không nói được tiếng Kinh nhiều.
|
Hôm nay
là chợ phiên, vợ chồng anh Pố, chị Già lên chơi chợ. Chị Già giải
thích: Ði làm suốt mà, ngày chợ đi chơi thôi. Mình không đi mua gì, nhà
có rau, có mèn mén ăn rồi. Chỉ có hôm thiếu gạo thôi. - Thiếu gạo à, nhà
có trồng lúa không? - Không có đất trồng lúa đâu, chỉ trồng ngô thôi.
Sự xa lạ nhanh chóng trở nên thân mật với những con người vốn hiền hành,
thật thà như đếm. Tôi vui vẻ hỏi: Ở nhà Pố có uống nhiều rượu không,
hay chỉ lên chợ mới uống. - Ở nhà cũng uống chứ- vợ anh nhanh nhảu trả
lời. Còn uống rượu thay nước vào những mùa khát mà. Mùa khát - đó là chị
Già nói đến mùa khô- từ khoảng tháng mười đến hết tháng tư, cao nguyên
đá bắt đầu thiếu nước.
Mặc dù cả bốn huyện vùng cao nguyên đá Ðồng Văn đều có "hồ treo" được
xây dựng ở những vị trí thung lũng để lấy nước từ vách núi đá chung
quanh, nhưng dung tích hồ cùng lượng nước không đủ phục vụ nhu cầu sinh
hoạt của người dân. Khi mùa khô đến, nhiều hồ treo trơ cạn đáy, người
dân phải dành dụm, dè sẻn từng giọt nước để dùng. Ðối mặt với cái ăn,
cái mặc đã nhọc nhằn, đồng bào nơi đây còn phải gồng mình đi qua những
mùa khát cơ cực. Lại nhớ lời Bí thư xã Lũng Cú Vàng Mí Cấu: Ở miền xuôi,
xây dựng nông thôn mới là những con số về thu nhập bình quân đầu người,
mô hình sản xuất kinh tế... Nhưng với đồng bào vùng cao, xây được bể
nước đã là một tiêu chí lớn.
Trở về Hà Nội từ Mèo Vạc, bỗng nhớ quay quắt những con người nơi cao
nguyên đá. Nhớ những cây sa mộc lặng lẽ trong thung vươn mầu xanh tương
phản với sắc xám ngoét của đá, chấp nhận cả hanh khô và nắng lửa, cả cái
rét tái tê, bốn mùa không rụng lá. Có cảm giác người dân cao nguyên này
cũng giống những cây sa mộc, kiên nhẫn và kiên cường đối mặt với thiên
nhiên khắc nghiệt, lặng thầm lèn đất, lèn nước vào đá mà gieo lúa, trồng
ngô. Nhưng dường như trong câu chuyện của họ, không hề nghe thấy lời ca
thán nào...
Lại ước mong thêm một lần đến nơi này,
được quỳ trước núi. Không chỉ để tin "ai trong đời chẳng có một Khau
Vai" như nhà thơ Trần Hòa Bình đã viết... mà còn để thán phục những con
người với sức sống và sự dẻo dai, bền bỉ như còn cao hơn núi đá, ngày
lại ngày lặng lẽ sống, mưu sinh và giữ gìn bờ cõi biên cương Tổ quốc,
giữ gìn di sản cao nguyên đá hùng vĩ bậc nhất đất nước này.
Tổng hợp từ Nhân Dân, Kiến Thức, Người Đưa Tin và nhiều nguồn khác