Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Dân dã bánh tai vạc

(iHay) Ở hai tỉnh Phú Yên và Bình Định, có một món bánh dân dã từ lâu đời mà ngày nay vẫn còn níu lòng biết bao người, đó chính là bánh tai vạc.


Để có những chiếc bánh ngon, phải qua nhiều công đoạn. Trước hết là chọn loại bột năng chế biến từ củ mì (sắn) có nhiều tinh bột. Cho bột vào nồi hoặc thố rồi cho lượng nước sôi vừa đủ vào, dùng tay nhồi bột thật mịn.
Phủ một lớp bột áo khô lên mặt thớt, dùng dụng cụ cán bột, chia bột ra thành nhiều viên; dùng tay nặn từng viên bột mỏng đều, hình tròn rồi cho nhân vào giữa, gấp hai mí bột thành nửa hình tròn bao nhân lại. Dùng ngón tay ấn nhẹ cho mí bột dính chặt vào nhau.
 Bánh tai vạc
Ảnh: Mỹ Tuyết
Ở hai địa phương nói trên, nhân bánh tai vạc thường làm bằng tôm đất xào với hành tiêu, nước mắm và bột nêm. Cũng có thể làm nhân bánh bằng đậu xanh xào với thịt nạc băm nhuyễn cùng hành tiêu. Nếu ăn chay thì chỉ cần đậu với muối tiêu bột nêm cũng đủ ngon. 
Nặn bánh, làm nhân xong, cho bánh vào nồi nước đang sôi luộc, khi nào thấy màu bánh chuyển sang trong veo, nổi lên mặt nước thì chín. Công đoạn này đòi hỏi người làm phải khéo tay vớt bánh ra, xả lại nước lạnh để ráo. Khi ăn thoa thêm một lớp dầu khử hành hoặc hẹ, vừa để bánh không dính vào nhau, vừa cho hương vị thơm ngon.
Bánh tai vạc thường ăn kèm với nhiều loại mắm. Ngon nhất là nước chấm có pha mắm đường cùng trái thơm chín băm nhỏ lấy nước. Khi ăn, người ăn cho bánh vào trong chén, chan ít nước chấm vào rồi cứ thế mà dùng đũa hoặc thìa gắp.
Mỹ Tuyết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét