Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Về thăm Nghĩa trũng Hòa Vang

Nghĩa trũng Hòa Vang là ngôi mộ lớn của nghĩa sĩ được lập tại Hòa Vang theo sắc tứ vua ban để quy tụ hài cốt các tướng sĩ vì nước quên thân trong cuộc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược năm 1858. Ban đầu, nghĩa trũng được lập ở Trũng Bò làng Nghi An, nay thuộc P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ. Khoảng năm 1920, Pháp mở sân bay Đà Nẵng, phải dời nghĩa trũng về vườn Bá làng Khuê Trung. Đến năm 1962, quân đội Mỹ mở rộng sân bay về phía nam, lại phải dời nghĩa trũng đến chỗ hiện nay, P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ. Hiện nơi đây có 1.056 ngôi mộ liệt sĩ.
nghĩa trũng khuê
Mặt trời trên lá mù u
Tôi về thăm khu di tích lịch sử nghĩa trũng Hòa Vang, nay thuộc P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, trong những ngày mùa thu. Đã 150 năm – ngày Đà Nẵng đánh thắng trận đầu trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp bảo vệ Tổ quốc (1-9-1858 – 1-9-2008), thời gian như những thước phim quay lại từng thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc. Và TP Đà Nẵng hôm nay đã từng trải qua bao thăng trầm dâu bể, đã có biết bao người ngã xuống cho nền độc lập tự do của mảnh đất này. Trong khói hương rưng rưng, tôi cứ hình dung về hào khí của nghĩa quân thời đó. Bao năm qua, cây mù u vẫn đứng hiên ngang trong khu nghĩa trũng (KNT) để chứng kiến bao đổi thay của cuộc sống nơi đây. Những dãy mộ không tên san sát, những bát hương đầy, những khóm hoa, những hàng cây mới được trồng lên xung quanh…, tất cả hòa vào trong tôi cảm giác khó tả. Cái cảm giác vừa thân thương xen lẫn tự hào.
Theo ông Huỳnh Trung, Hội Người cao tuổi P. Khuê Trung, số mộ liệt sĩ ở đây mà hằng ngày ông thường ghé về hương khói là 1.056 ngôi mộ, ngoài ra còn vài chục ngôi mộ không phải là mộ liệt sĩ nhưng trong quá trình di dời, người dân gặp phải nên đưa luôn vào trong khuôn viên nghĩa trũng. Tôi không khỏi ngạc nhiên vì trong khuôn viên nghĩa trũng, có 3 cây có độ tuổi lớn là cây mù u, cây mai bà và cây sung. Ở đây trước kia rất hoang vu, cỏ mọc ngút ngàn. Theo số liệu, ngày xưa toàn bộ KNT diện tích khoảng 4.000m2 nhưng hiện nay chỉ khoảng 3.000m2. Phần còn lại đã được mở rộng thành đường sá dẫn vào khu di tích. Trong quá trình đô thị hóa, đường vào KNT đã được nâng cấp bê-tông hóa và thảm nhựa vào tới cổng. Năm 1999, Bộ Văn hóa – Thông tin đã cấp bằng công nhận nghĩa trũng Hòa Vang là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trên đất nước Việt Nam, cũng chỉ mỗi nơi này được gọi là nghĩa trũng.
Tôi ấn tượng bởi tán lá mù u nhiều năm tuổi đang che rộng cả một khoảng trời đầy gió nơi đây. Trên cao ấy, cây đang trò chuyện và hình như khu vực nghĩa trũng càng thêm linh thiêng khi nghe từng đợt gió về lao xao trên tán lá. Cây mù u này đã chứng kiến bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu công sức và cả những giọt nước mắt của người hôm nay. Cây mù u đã có mặt nơi này như một anh hùng trong chiến trận, bây giờ vẫn vươn cao trong nắng s
ớm, đón những ngọn gió lành về với anh em mộ chí nơi đây. Tôi ngồi lặng dưới gốc mù u và hình dung về chiến trận ngày xưa với gậy gộc, với những tiếng hô hào lấn át tiếng bom đạn. Đó không chỉ là chiến công của người dân Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn là sự hợp lực của hàng vạn chiến sĩ nghĩa binh trên cả nước với các vị tướng như Đài Trí, Châu Phước Minh, Phạm Thế Hiển, Ông Ích Khiêm, Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương. Mỗi gốc cây, mỗi viên gạch, cả cái giếng được xây theo kiến trúc Chăm nơi đây đều để lại trong tôi những ấn tượng. Tôi thấy ấm lòng bởi niềm tự hào và biết ơn sâu sắc khi đứng lặng bên từng hàng mộ.
nghĩa trũng khuê
Những trăn trở
“Người xưa đã xa rồi, nay dựng tượng đài mà vẫn bàn đến đời của họ và nghĩ đến con người thời ấy – Tổ quốc thiêng liêng với những chí sĩ anh hùng thời ấy, noi dấu đời trước để chấp cánh cho đời sau” (Hai câu đối ở nghĩa trũng Hòa Vang, bản dịch của Lê Duy Anh – Lê Hoàng Vinh). Đó là dấu ấn lịch sử và cũng là lời người đi trước để lại răn dạy con cháu hôm nay. Cụ Huỳnh Ngọc Tế, 78 tuổi, Hội Người cao tuổi P. Khuê Trung, nguyên là cơ sở cách mạng, là xã trưởng Khuê Trung những năm đầu 1970 kể rằng, ông biết đến những ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa trang này khi ông 20 tuổi. Hồi đó, ông cùng lực lượng thanh niên làng Khuê Trung đóng quách gỗ để đưa hài cốt các liệt sĩ về đây.
Trong ký ức xa xôi của ông, những năm tháng ấy là khoảng thời gian tuổi trẻ ý nghĩa nhất đời. Ông vui mừng khi kể cho tôi nghe những đổi thay trong khu vực nghĩa trũng. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, KNT hôm nay đã được nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Ông băn khoăn rằng có 3 con đường để đi đến nghĩa trũng, nhưng những con đường này đều ngắn và chật. Mỗi năm đến ngày lễ rước nước vào tế lễ, đi lại rất khó khăn. Mong muốn của ông cũng như của người dân khu vực này là có con đường rộng hơn. Tôi hiểu những băn khoăn đó không chỉ của những người có trách nhiệm mà tôi còn hiểu, trong quá trình đô thị hóa, dân cư ngày càng đông đúc, các chư phái tộc của KNT đã giao lại cho Hội Người cao tuổi của P. Khuê Trung chăm lo, quản lý nơi này. Nhưng hiện nay, cả khu vực này chỉ có một người túc trực quét dọn, hương đèn.
Được biết, hệ thống đèn chiếu sáng trong khuôn viên nghĩa trũng đã bị hư hỏng nặng sau một thời gian đưa vào sử dụng, diện tích đất còn lại phía sau nhà thờ hiện nay có 3 hộ dân đang sử dụng để trồng rau. Cải thiện đời sống cho người dân là một việc cần làm, nhưng nên chăng không sử dụng đất nghĩa trang vào việc này mà khoảng đất trống có thể dùng trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường và làm đẹp cho KNT?
Thời gian gần đây, tình trạng trộm cắp vặt ban ngày tại khu vực Khuê Trung diễn ra nhiều, Hội Người cao tuổi của P. Khuê Trung đã đưa toàn bộ đồ dùng tế lễ về gửi ở UBND phường vì sợ kẻ gian lấy cắp. Chính quyền địa phương cần phối hợp với các ban, ngành liên quan thành lập một Ban quản lý di tích ít nhất 3 người, để có người chăm sóc, quét dọn toàn bộ nghĩa trang, và có kế hoạch sử dụng khoảng đất trống này nhằm phục vụ mục đích chung là tôn tạo cho khu di tích. Đồng thời, khi có khách tới tham quan, tìm hiểu về khu di tích nghĩa trũng, cần có người giải thích, thuyết trình về lịch sử của khu di tích này.
Vẫn còn đó những nỗi lo, không chỉ cho di tích nghĩa trũng Hòa Vang mà còn nhiều di tích khác trên địa bàn TP Đà Nẵng. Hiện nay, quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng ít nhiều đến cảnh quan môi trường, đặc biệt là làm sao gìn giữ và phát huy những khu di tích lịch sử, đó mới là văn hóa tinh thần để cân bằng lại nhân tâm của mỗi người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét