Từ bao đời nay, đồng bào Dao đỏ ở các bản làng vùng cao Tây Bắc vốn nổi tiếng là cầu kỳ, kỹ lưỡng khi tiến hành hôn lễ cho con trẻ.
Lễ “dâu nhập gia, rể thêm tên” bao giờ cũng được diễn ra tại nhà trai vào ngày lành đã định sẵn để đón dâu. Chủ lễ là thầy mo uy tín của bản. Đúng giờ lành, thầy mo trong trang phục truyền thống Dao đỏ sẽ trịnh trọng tiến đến thắp hương, vái lạy rồi đọc bài cúng nhắc lại quá trình vất vả đi tìm con dâu của gia đình chú rể...Trong lễ cưới của đồng bào Dao đỏ, cô dâu sẽ được nhập gia, còn chú rể có thêm tên mới (Hà Yên).
Bài cúng kết thúc, thầy mo làm nghi thức trao tập tiền âm cho tổ tiên, đồng thời lấy một tờ giấy đỏ ra ghi tên tuổi cô dâu vào để từ thời điểm đó, các ma nhà chú rể chính thức tiếp nhận thêm một nhân khẩu mới phải bảo vệ. Khi dâu đã được nhập gia cũng là lúc cần phải cấp thêm cho chú rể một cái tên mới (tên mới được đặt trong lễ cưới này của chú rể chỉ dùng khi cúng, khi chết mà không được dùng gọi hàng ngày) và thầy mo sẽ đại diện cho người lớn trong nhà xướng lên thật to 3 lần. Nghe tên gọi mới của mình, chú rể nhanh chóng từ gian phụ đi theo người chủ hôn ra quỳ trước bàn thờ tổ tiên để trình diện trong khi thầy mo tiếp tục khấn vái. Thầy mo hướng dẫn chú rể thực hiện 24 lần khấn lạy trước khi cho phép chàng ta đi đón vợ về nhà mình.
Cô dâu về nhà chồng thì phải nhập khẩu, còn tại sao một chàng trai Dao đỏ khi lấy vợ lại phải được đặt thêm một tên mới? Lý giải về điều này, già Bàn Phúc Châu ở xã Đại Sơn (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) bảo: “Đó là phong tục đã có nghìn năm tuổi của người Dao đỏ ta. Một người đàn ông từ khi sinh ra cho đến khi lấy vợ, sinh con phải có đủ 3 tên gọi gồm tên khi còn trẻ con, tên khi lấy vợ và tên khi làm lễ cấp sắc. Nếu không đủ 3 tên thì coi như người ấy chưa trưởng thành...”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét