Nhóm
tháp G Mỹ Sơn là một trong 8 nhóm tháp kiến trúc tạo nên diện mạo của
khu di tích Mỹ Sơn. Nhóm tháp G gồm 5 công trình được xây dựng trên ngọn
đồi thấp, mặt bằng không rộng lắm về phía đông khu thung lũng Mỹ Sơn.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là nhóm tháp thuộc phong
cách Bình Định. Do thời gian và chiến tranh tàn phá, nhiều ngôi tháp ở
Mỹ Sơn bị hư hại, trở thành phế tích. Trong nhóm tháp G chỉ còn ngôi
tháp G1 là tương đối nguyên vẹn ở phần thân và chân tháp. Nhờ sự tài trợ
của Chính phủ Italia, các chuyên gia khảo cổ của Trường Đại học Bách
khoa Milan đã dành thời gian lâu dài suốt 16 năm để trùng tu tháp G1.
Vừa qua, tháp G1 đã mở cửa đón khách tham quan.
Trong dịp Festival di sản Quảng Nam lần thứ V năm
2013 vừa qua, các vị chức sắc người Chăm Bà la môn từ Ninh Thuận xa xôi
đã ra Mỹ Sơn để được chứng kiến và làm lễ Mở cửa Tháp Thiêng. Các vị cả
sư tiến hành nghi lễ Tẩy uế đất đai tại tháp G và dâng cúng lễ vật để
xin phép thần linh được mở cửa tháp. Tiếng kèn, điệu trống, âm thanh tù
và làm nhạc nền cho điệu múa dâng lễ của các vũ nữ Chăm làm say đắm lòng
người, bày tỏ niềm vui trước ngôi đền thiêng được phục dựng, trùng tu
hoàn chỉnh, trở về với hình dáng cổ xưa.
Với niềm đam mê di sản kiến trúc Chăm, các chuyên gia
người Italia thuộc Quỹ Lerici đã làm việc không mệt mỏi cho sự nghiệp
cứu nguy, phục hồi di tích, đưa nhóm tháp G từ tình trạng đổ nát trở
thành khang trang bền vững, hội đủ điều kiện phục vụ tham quan du lịch
như hiện nay. Các nhà khoa học Italia đã trùng tu tháp G theo phương
pháp trùng tu khảo cổ học.
Đó là phương pháp phù hợp với phế tích Mỹ Sơn. Họ đã
ứng dụng vào đây tiêu chuẩn trùng tu cao nhất, đó là khi tiến hành trùng
tu, hạn chế tối đa việc đưa vật liệu mới vào để có thể giữ lại nhiều
nhất những gì còn lại của di tích.
Đến thăm Mỹ Sơn và tận mắt chứng kiến kết quả trùng
tu, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO vui mừng phát biểu: “Chúng ta
đã bảo tồn và trùng tu các tháp gần như đã bị sập đổ của nhóm tháp G
theo tiêu chuẩn bảo tồn di sản cao nhất - và hôm nay, quý vị sẽ được
chứng kiến những kết quả đáng kinh ngạc đó”.
Trong quá trình trùng tu, các chuyên gia cũng đã xác
định được những vật liệu xây dựng nên những viên gạch Chăm, và dầu rái
có thể áp dụng để bảo tồn các di tích Chăm và di tích có ảnh hưởng Ấn Độ
giáo khác.
Trong Lễ khai trương Phòng trưng bày hiện vật nhóm
tháp G và mở cửa tháp G1, Đại sứ Italia bày tỏ: “Dự án này là một cách
thể hiện thiết thực nhất sự quan tâm của chúng tôi đối với tỉnh Quảng
Nam xinh đẹp, mong muốn tỉnh sẽ sớm trở thành một trong những đơn vị
chính trong công tác phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Và đương
nhiên, đây cũng là minh chứng cho mong muốn và kỳ vọng của chúng tôi
được thấy Mỹ Sơn được công nhận là một trong những viên ngọc đẹp nhất
của Việt Nam, và một thắng cảnh không thể bỏ qua ở Đông Nam Á đối với du
khách”.
Tuy bị hư hại, sụp đổ nhưng tháp G1 may mắn còn giữ
lại những đường nét kiến trúc và khá nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo ở
nền móng và một phần chân tháp, thể hiện tài năng của người Chăm xưa.
Về kiến trúc, nếu các tháp ở Mỹ Sơn chỉ có một lối
vào duy nhất thì tháp G1 là tháp có 3 lối vào theo kiểu bậc cấp. Bậc
chắn xung quanh tháp được xây bằng đá ong, cũng là điều khác lạ với với
các tháp khác. Về điêu khắc, phải kể đến 4 bức tượng sư tử đứng cao 0,9m
bằng sa thạch được bố trí ở 4 góc chân tháp.
Đặc biệt, phía bên ngoài, phần diềm chân tháp còn
tương đối nguyên vẹn, được gắn khá nhiều mặt Kala (52 bức) đất nung kết
thành dải vây quanh. Mặt Kala có nhiều kích cỡ, thể hiện khá sinh động,
đa dạng, đẹp mắt, mỗi mặt đều thể hiện một lối biểu cảm khác nhau.
Dâng lễ vật trong Lễ mở cửa tháp G1
Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, nghệ nhân xưa rất
kỳ công mới có được những chiếc Kala này. Họ không đổ khuôn chế tác đồng
loạt mà tạo tác từng chiếc khác nhau với “bút pháp” riêng. Chiếc to,
chiếc nhỏ, chiếc mắt lồi, má to, bầu bĩnh, chiếc có sừng, tai, răng
nhọn... tất cả đều rất sinh động.
Theo Ấn Độ giáo, Kala là thần thời gian, là hóa thân
của thần Siva, tượng trưng cho sự hủy diệt của thời gian, lẽ vô thường,
sự vật luôn luôn biến đổi. Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, Kala là hình
tượng con vật hoang đường, kết hợp một số nét riêng của các con vật (như
lân, rồng, sư tử) là con vật thiêng của giới quý tộc, chịu ảnh hưởng
của nghệ thuật Java, “được các nghệ sĩ sáng tác để phục vụ mục đích thờ
cúng thần linh, cầu cho ngôi đền không bị thế lực u ám khác phá hoại,
bền vững với thời gian”.
Bên trái tháp G1 còn có tượng Yoni đặt trên đài thờ
với nhiều núm vú bao quanh tượng trưng cho sự phồn thực. Trước đó, khi
chưa trùng tu, bức tượng này bị nằm lăn lóc trong đống gạch vụn, nay đã
định vị, sắp xếp lại. Đây là tượng sinh thực khí còn nguyên vẹn, có hình
khối lớn nhất ở Mỹ Sơn, làm cho tháp G1 thêm phần đặc sắc.
Tháp G1 đã được phục hồi nét dáng, diện mạo sau thời
gian dài bị hư hại, đổ nát. Qua trùng tu, các nhà khảo cổ trong và ngoài
nước đã mở ra một niềm hy vọng, rút ra nhiều kinh nghiệm, căn cứ khoa
học để tiếp tục phục hồi, tôn tạo, gia cố các ngôi tháp khác vẫn còn
trong tình trạng hư phế tại khu đền tháp Mỹ Sơn.
Tấn Vịnh (Báo Văn Hóa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét