KTĐT
- Nằm ở cuối huyện Phú Xuyên (Hà Nội), làng da giày Phú Yên đang thực
sự đổi thay. Hai bên con đường trục chính chạy vào làng là những dãy nhà
cao tầng, soi mình bên dòng sông quê hiền hòa.
Phú Yên ngày càng được nhiều khách hàng gần xa đến
tìm hiểu, mua bán sản phẩm. Điều ấy không chỉ tạo nên sức sống sôi động
cho làng nghề này trong thời kinh tế thị trường, mà còn giúp thương hiệu
da giày Phú Yên ngày một vươn xa.
Thế mạnh ở một làng nghề
Nằm cách nút giao thông Cầu Giẽ chừng 2 cây số, làng
nghề Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng khắp nước với
nghề da giày. Nghề giày da ở Phú Yên có lịch sử hơn 100 năm và trải qua
nhiều thăng trầm do thời cuộc. Sau những năm tháng khó khăn, đầu thập
kỷ 90 của thế kỷ trước, nghề da giày Phú Yên giờ đã được phục hồi, phát
triển. Hầu hết các nghệ nhân đi làm ăn xa xứ quay về làng mở xưởng, mở
cửa hàng làm ăn. Họ cũng cùng nhau thành lập Hội Da giày Phú Yên.
Anh Nguyễn Thanh Quang, một trong những ông chủ trẻ ở làng nghề da giày Phú Yên.
Vượt qua bao gian nan khó khăn của thương trường, hôm
nay, làng nghề da giày Phú Yên đã có tới gần hai trăm hộ sản xuất, trên
dưới 1.500 lao động ở tất cả các khâu sản xuất, từ cắt may da, thiết
kế, tạo khuôn, đến gò giày… giải quyết việc làm cho người dân địa phương
cùng các xã lân cận. Tuy vậy, những người làm nghề ở Phú Yên ngày nay
luôn xác định phải kỹ lưỡng trong công việc, thường xuyên thiết kế ra
mẫu mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Anh Nguyễn Thanh
Quang, một ông chủ trẻ ở Phú Yên tâm sự: Làm nghề thủ công nào cũng đòi
hỏi tỉ mỉ, nghề da giày cũng vậy. Làm sao để cả đôi cân xứng, không bên
nào nặng hoặc cao hơn bên nào. Bởi nó liên quan đến vấn đề thẩm mỹ, dù
là ở dưới chân, nhưng khách nào cũng thích nó phải đẹp. Có như thế mới
xứng đáng là sản phẩm "nâng niu đôi bàn chân".
Để trở thành một thợ giỏi, trước hết người Phú Yên
phải yêu nghề, có kỹ thuật, có đầu óc thẩm mỹ và sáng tạo. Lớp thợ trẻ
của làng đều mong muốn có được những tố chất đó. Họ mong làng nghề sẽ mở
được những lớp đào tạo về kỹ thuật cho công nhân, phù hợp với công việc
sản xuất tại làng. Thế mạnh của giày da Phú Yên là có độ bền cao, giá
thành phù hợp với túi tiền của đông đảo người tiêu dùng. Một số ông chủ ở
đây đã nhìn thấy hạn chế của mô hình sản xuất của làng, đó là vẫn sản
xuất ở tầm nhỏ lẻ, chưa tập trung, thiếu mặt bằng để xây dựng những
doanh nghiệp tầm cỡ. "Để làng nghề phát triển có tầm vóc, đầu tiên phải
có quy hoạch quỹ đất làm nơi sản xuất tập trung. Có như vậy mới tránh
được ô nhiễm môi trường, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho
người lao động…" - ông Lưu Xuân Chúng, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Phú Yên
nói.
Phát triển thương hiệu
Phú Yên là làng nghề truyền thống trăm năm và từng
trải qua nhiều thăng trầm. Đã có thời gian làng nghề èo uột, tưởng như
không trụ nổi. Với sự kiên định, một số hộ gia đình đã cố giữ nghề. Năm
1993, làng giày Phú Yên bắt đầu hồi sinh khi kinh tế đất nước bắt đầu
phát triển, nhu cầu giày ở các đô thị dội về. Thanh niên trong làng đua
nhau đi học làm giày để thoát nghèo. Nhiều người giỏi nghề chạy ra Hà
Nội, Việt Trì, Hải Phòng mở cơ sở làm ăn. Khi các thương lái đổ về Phú
Yên đặt hàng, mỗi chuyến hàng ngàn sản phẩm, cung không đủ cầu thì những
người này quay về để rồi Phú Yên nhanh chóng trở thành làng công nghiệp
giày hàng đầu miền Bắc và sản phẩm có mặt khắp mọi nơi trong cả nước.
Mỗi năm "trung tâm" này cho ra đời khoảng 5 triệu đôi giày và dép, tương
đương với năng lực của một nhà máy lớn. Lãnh đạo xã Phú Yên cho hay,
chính nhờ thương hiệu nghề sản xuất giày, dép da này mà chủ nhiều cơ sở
sản xuất đóng trên địa bàn xã đã trở thành tỷ phú. Đặc biệt, thôn Giẽ Hạ
và Giẽ Thượng là hai nơi tập trung đông các hộ hoạt động sản xuất hơn
cả.
Một công đoạn sản xuất giày da tại Phú Yên.
Hiện nay tổng thu nhập của nghề da giày chiếm 65%
tổng thu nhập toàn xã, có trên 60% số hộ trong xã có người tham gia sản
xuất, kinh doanh mặt hàng này. Việc sản xuất kinh doanh ổn định, đời
sống của người thợ được nâng lên. Hiện, một thợ lành nghề làm gia công
có thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Chỉ vài năm làm nghề là mỗi cặp vợ
chồng có một số vốn kha khá để đầu tư làm ăn. Không ít thanh niên xác
định sẽ làm giàu trên chính quê hương mình. Đời sống khá lên, nếp sống
văn minh cũng được người dân coi trọng, làm cho trật tự an toàn xã hội
ổn định và làng nghề ngày càng được nhiều khách đến tham quan.
Xác định sống bằng nghề, người làng Phú Yên rất coi
trọng xây dựng thương hiệu. Nghệ nhân Trần Hữu Tiễu là người giữ được
những kỹ năng nghề và truyền dạy cho con cháu, cho các học trò trong
làng. Sự điềm đạm, chân tình, thương người của cụ cũng đã "nuôi" chí cho
một số ông chủ hiện nay trong những bước đường tạo dựng cơ nghiệp. Họ
không chỉ mang sản phẩm của làng đi xa, mà còn mở cả văn phòng đại diện ở
một số tỉnh, thành để quảng bá cho thương hiệu giày Phú Yên. Đồng thời
cũng sẵn sàng nhận gia công cho một số công ty đặt hàng.
Để quảng bá thương hiệu làng nghề Phú Yên, năm 2007
một nhóm tác giả thiết kế chiếc giày dài 2,7m được ghi vào kỷ lục
Guiness Việt Nam. Để chế tạo chiếc giày này các thợ giỏi trong làng đã
làm trong 2 tháng, dùng hết 40m2 da bò, 300m chỉ, 30 kg keo dán và… 3
khối gỗ để làm phom. Sau khi hoàn thành, sản phẩm này đã được tham gia
cuộc thi Thiết kế giày Việt Nam lần thứ 2 năm 2007, do Tạp chí Thời
trang trẻ và Hiệp hội Da giày tổ chức. Ông Nguyễn Xuân Điền, Chủ tịch
UBND xã Phú Yên quả quyết: "Dù kinh tế suy thoái, kinh tế các hộ trong
làng nghề chưa đồng đều, nhưng với sự cố gắng chung, bà con sẽ được
hưởng cuộc sống no ấm từ nghề và là một làng nghề điển hình tiên tiến,
niềm tự hào của huyện Phú Xuyên".
Diên Khánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét