Xứ Lệ (huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình) không đủ rộng để có dòng sông hùng vĩ, nhưng sông Kiến Giang lưu lại với hương hoả quê nhà đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ.
Một cuộc đua mừng tết Độc lập trên quê hương đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sông
Kiến Giang, thượng nguồn của nó nằm phía giáp Lào, là một trong hai chi
lưu của sông Nhật Lệ. Dòng sông này dài 58km, nhưng lại có một gia tài
trù phú cả về vật chất và tinh thần, một gia tài mà ai lớn lên trong lưu
vực của nó cũng phải cúi đầu biết ơn. Trong khi tất cả những dòng sông
nước Việt đều chảy theo hướng đông nam, riêng con sông Kiến Giang lại
chảy theo hướng đông bắc, nên nó còn có tên là nghịch hà. Không ai biết
cây lúa được dòng sông Kiến Giang vun đắp từ lúc nào, nhưng chắc chắn,
khi thế hệ đầu tiên khai hoá lập làng ở lưu vực con sông, họ đã thấy
loài lúa ma mọc tự nhiên ở vùng trũng nước, từ đó họ thuần hoá và tạo ra
dòng lúa nhà cho đến hôm nay với đủ các tên gọi. Ngày nay, 90% nông dân
huyện Lệ Thuỷ đã chủ động được nước tưới nhờ những công trình tích thuỷ
ở đầu nguồn Kiến Giang. Dòng sông ấy đã tưới đủ mát cho những bờ xôi
ruộng mật nằm sát chân bao đồi cát bên phía quốc lộ 1A, tạo ra các sản
vật thuỷ sản nổi tiếng như: cá vược, cá gáy, cá trẻng... ngon lịm người.Sự tích điệu hò quê lúa
Ông Hoàng Đại Hữu, chủ tịch hội Văn học nghệ thuật huyện Lệ Thuỷ đã đưa chúng tôi đi khắp dòng sông Kiến Giang và giới thiệu về điệu hò khoan Lệ Thuỷ. Nói về hò khoan, ông nói nó như máu thịt của ông, là một niềm tự hào và kiêu hãnh như một gia tài vô giá của cư dân địa phương. Với ông, hò khoan là giấc mơ có thật của một kỳ quan dân ca dân vũ địa phương. Hò khoan Lệ Thuỷ, theo ông có chín mái (làn điệu), cơ bản nhất là các điệu mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruỗi, mái nhì và hò nậu xăm, hò khơi (miền biển), hò lỉa trâu (miền đồi núi).
Gốc tích của hò khoan, theo ông Hoàng Đại Hữu, nó xuất phát từ thực tế lao động sản xuất xa xưa, mọi người cần hợp lực để chống chọi lại những khắc nghiệt của tự nhiên, nên đã có những ca từ nhịp nhàng hay khoan thai tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Có những cảnh đầy thuyền, nếu không hò, sẽ không thể có sự nhất trí để đồng lực đẩy thuyền đi giữa vùng đồng chiêm nước trũng. Có những điệu hò nhớ thương da diết quê nhà, hay thương nhớ người yêu xa cách. Người Lệ Thuỷ thông minh trong ruộng đồng, lịch lãm trong đối đáp, nên câu hò của họ chất chứa bóng dáng uyên bác trong mỗi nhịp hò dưới ánh trăng giã gạo đêm khuya. “Hò khoan thể hiện khí khái và cốt cách con người, trong điệu hò tuy dân dã, nhưng đủ đầy trí tuệ con người xứ Lệ với tự nhiên, với tình yêu đôi lứa, với nhân nghĩa gia đình, với trí tín thiên hạ, với trên dưới cấp bậc, đâu vào đó cả, cũng bởi là từ dòng nước Kiến Giang tuần tự phát tích trong mỗi hồn người”, ông Hữu cho biết.
Võ Như May, một người con của huyện Lệ Thuỷ, ngoài việc sưu tầm được hàng ngàn điệu hò khoan cổ, anh còn có gần 40 năm sáng tác các tác phẩm về ca ngợi quê hương, sản xuất, tình yêu và lao động bằng điệu hò khoan. Anh May kể, ngoài anh và ông Hữu, còn có hoạ sĩ Dương Ngọc Liên ở huyện Lệ Thuỷ cũng ra sức sưu tầm bảo tồn những câu hò cổ xưa để đưa đến cho giới trẻ những cảm hứng mới trong cốt cách điệu hò do cha ông để lại.
Theo ông Hữu, một thời hò khoan đã không còn ở trên những cánh đồng, bản quán, nhưng gần mười năm nay, hò khoan ở Lệ Thuỷ đã hồi sinh trở lại. Ông Hữu cho biết cả huyện Lệ Thuỷ từ vùng biển đến đồng bằng, mười mấy xã đều có đội hát hò khoan, chỉ trừ ba xã miền núi là không có diễn xướng vũ khúc dân ca. Năm 2010, phòng giáo dục đào tạo huyện Lệ Thuỷ đã bắt đầu đưa điệu hò khoan vào giảng dạy cho học sinh từ lớp mầm non đến cấp 2. Và huyện Lệ Thuỷ trở thành khúc đồng ca hò khoan mỗi khi các lớp tổ chức học hát và hội thi “Em hát dân ca” về hò khoan, xóm nào cũng ngân nga điệu hò.
Ông Hữu cho rằng, nhờ vậy, nên các điệu hò đã không bị mai một, mà nó đã được tiếp sức để bám sâu vào cội rễ của lòng người. Và cái hay ở quê hương điệu hò này là làng nào cũng có câu lạc bộ hò khoan. Là con em của huyện Lệ Thuỷ, chị Nguyễn Thị Phong Thuỷ, vào Huế làm ở đoàn Nghệ thuật cung đình Huế cũng mang những điệu hát hò khoan đến diễn ở các nước như: Pháp, Bỉ, Hungary... và được khán giả đón nhận nhiệt tình.
Huyền sử về cuộc đua thuyền
Kiến Giang (Quảng Bình) còn là nơi thường xuyên tổ chức lễ hội đua thuyền lớn nhất cả nước vào dịp mùng 2.9, mừng tết Độc lập của dân tộc hàng năm. Ông Hữu cho biết đua thuyền trên sông Kiến Giang có gốc tích từ 600 năm trước, nó vốn là một cuộc chơi mùa xuân của các trai làng. Huyền sử kể rằng, vị quan coi đặt huyện Phong Lộc (Quảng Ninh, Lệ Thuỷ ngày nay) nằm mơ thấy lời truyền rằng, để người dân bình an, mùa vụ tốt tươi, cần tổ chức cầu đảo, bơi thuyền, khuấy động sông nước, từ đó, lễ hội đua thuyền được tổ chức vào mùa xuân mỗi năm.
Theo ông Hữu, khi tổ chức lễ hội đua thuyền, đầu tiên là các thôn tổ chức đua bơi với nhau để xã chọn ra đội đại diện cho xã đi thi giải đua thuyền của huyện. Cuộc đua thuyền ở thôn, ở xã, tuy chưa dậy sóng, nhưng nó là kinh nghiệm để cánh trai tráng, nữ nhi luyện sức, so tài, chuẩn bị cho cuộc đua mừng tết Độc lập của dân tộc.
Những cuộc chơi sông nước ở sông Kiến Giang cũng để lại một huyền sử kể về chuyện khoả thân của một thôn nữ. Chuyện kể, ngày xưa, đò bơi An Xá vào nhịp đua luôn thua, nên đàn ông, con trai muốn bỏ thuyền, gác mái, còn đàn bà, con gái cũng chẳng muốn cổ vũ cho cuộc đua. Một hôm, có một thôn nữ trong làng đến bên nhóm đàn ông, con trai bơi nói, ngày mai khi bơi đò, dù có chuyện gì diễn ra, họ cũng không được dừng tay chèo. Nói vậy, rồi nàng rời bến. Ngày hội diễn ra, các đội trai bơi mạnh tay nhấn chầm trên nước, khi các thuyền gần đến khúc cua của làng An Xá, bỗng nhiên có một cô gái trút bỏ xiêm y, làm cho mọi thuyền khác khựng lại nhìn, và thuyền An Xá do đã được dặn dò từ trước, nên vẫn chắc nhịp tay chèo và đã về nhất. Sau đó, cô thôn nữ ra bến sông trầm mình xuống nước vì bị thị phi thất tiết, và nàng hoá mình vào cây si bên bờ sông như nhắn gửi lời ủng hộ làng An Xá may mắn trong các cuộc đua bơi sau này. Sau này, dân làng biết ơn, đã lập miếu thờ bên bờ sông, nay gọi là miếu bà Lỗ.
Ngày nay, người dân huyện Lệ Thuỷ dù làm ăn ở bất cứ nơi đâu, nhưng đến ngày 2.9, họ đều về trở về quê để đón mừng tết Độc lập của dân tộc, họ nói đó là ngày đoàn viên gia đình. Người ở quê thì chuẩn bị mâm cỗ đãi đằng khách khứa đến từ phương xa, một đức tính hiếu khách của người dân bên dòng Kiến Giang đã tiếp nối từ mấy trăm năm có lẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét