Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

“Du sơn trong mây ngàn” ở suối và chùa Giải Oan

Suối Giải Oan - một trong những di tích, di sản quan trọng trong khu thắng tích Yên Tử. Nằm  trên con đường bộ đi lên núi Yên Tử, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam), nơi đây là điểm đến tâm linh của nhiều du khách trong chuyến hành trình về với đỉnh thiêng Yên Tử.
Truyền thuyết kể rằng, Thượng hoàng Trần Nhân Tông cách đây trên 700 năm, một ngày mùa đông đã từ bỏ kinh thành Thăng Long đi về hướng đông để tìm núi tu luyện, đến vùng đất Yên Tử thì dừng chân. Lúc đi có 300 cung tần mỹ nữ theo hầu. Khi đến Yên Tử, do không được vua cho ở cùng nơi đất Phật, nên các cung tần mỹ nữ lâm vào cảnh khó. Đường về kinh thành xa xôi vạn dặm, quân lính của tân vương phong toả khắp nơi, ở cũng khó mà đi cũng khó. Để giữ trọn đạo quân vương, 300 cung tần mỹ nữ đã trầm mình xuống con suối giữa đại ngàn Yên Tử. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đau xót cho lập đền cúng tế và đặt tên con suối này là suối Giải Oan, hiện nay suối Giải Oan nằm vắt ngang xã Thượng Yên Công, bốn mùa nước trong vắt như những giọt nước của giai nhân.

Nói lại chuyện 300 cung tần mỹ nữ khi trầm mình xuống suối, đúng thời điểm đó có một một tốp chàng người Dao bản địa đi kiếm củi về ngang qua. Cả nhóm ào xuống tìm cách cứu người nhưng không biết tiền định thế nào, chỉ có 5 chàng trai cứu được 5 cô gái. Để tri ân, những cô gái này xin được làm vợ để "nâng khăn sửa túi" cho 5 chàng trai đã cứu mình. Nhờ gene của những giai nhân đến từ kinh thành, con gái của vùng đất này nổi tiếng bởi vẻ đẹp sắc nước hương trời cũng như phong cách lịch lãm. Khi năm bà cung nữ qua đời, dân làng Thượng Yên Công đã lập đền thờ, gọi là đền Năm Mẫu. Ngôi đền này hiện vẫn nằm ở Thượng Yên Công như một dấu tích của những ngày xa xôi ấy. ở Thượng Yên Công, khu vực được tương truyền có 5 cung tần làm dâu, không biết tự lúc nào có tên là thôn Năm Mẫu (thôn năm mẹ).
Đã trải qua bao biến đổi thăng trầm nhưng những hòn đá ở suối Giải Oan vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt và dòng suối ngày đêm vẫn rì rầm tuôn chảy, mặt nước trong vắt và mát lạnh, ai đến đó cũng ngâm mình hoặc rửa mặt với tấm lòng thành kính hướng về nguồn cội.
Bên dòng suối hiện còn một cây đa cổ thụ, nhiều cây rừng, tùng, tre, trúc bạt ngàn, thấp thoáng trên cao là những ngọn tháp và đền chùa cổ kính. Mỗi lần khách hành hương qua đây cũng đều dừng chân đứng lại, lòng man mác với một cảm giác hư hư thực thực.
Có người còn uống nước giải oan để xua tan mọi phiền não vì họ tin rằng linh hồn trong sáng và bất tử của các cung nữ vẫn còn bảng lảng nơi đại ngàn Yên Tử, ngày đêm chứng độ cho những ai có lòng thành.
Nhiều người dân ở địa phương cho biết nước ở suối Giải Oan bốn mùa đều trong nhờ nó hứng nguồn từ suối Vàng và thác Tử có độ cao trên 700 m, cạnh chùa Vân Tiêu, dòng suối chảy quanh co rồi hợp dòng tại một gốc sung già trước khi đổ vào suối Giải Oan.
Từ suối Giải Oan lên chùa Giải Oan chừng trăm mét. Trong điện Mẫu của chùa có gần hai mươi pho tượng Mẫu rất đẹp được đặt nghiêm trang trên bàn thờ. Tương truyền, đó là tượng các cung nữ được giải oan ngày trước. Rời chùa Giải Oan, đi bộ dưới bóng mát của hai hàng tùng, du khách sẽ thấy thật thú vị. Có 3 loại tùng trồng ở đây là : thanh tùng, xích tùng và thủy tùng. Theo thống kê, hiện nay ở Yên Tử còn 274 cây tùng có độ tuổi trên dưới 700 năm.
Men theo dòng suối, đi thêm một đoạn chúng ta sẽ gặp thác Long Khê từ trên cao đổ xuống ì ầm, trắng xoá, mang theo bụi nước mờ mờ càng làm tăng thêm vẻ u tịch và trầm lặng.
Chùa Giải Oan cũng là một di tích và thắng cảnh “Du sơn trong mây ngàn”. Chùa ẩn mình giữa những rừng cây soi bóng và tựa lưng vào núi, phía trước là dòng suối Giải Oan gợi lên bao ký ức và hoài niệm.
Mặc dù được trùng tu nhiều lần nhưng chùa vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, uy nghi nổi bật giữa nền xanh của núi rừng Yên Tử.
Đặc biệt, các pho tượng bên trong chánh điện đều cổ xưa, nét chạm khắc tinh vi và sống động, nhất là các tượng mẫu thờ, giúp cho khách thập phương nhận ra rằng: Mặc dù năm tháng phôi pha, vật đổi sao dời nhưng tình cảm của con người vẫn luôn luôn hướng về cội nguồn và cảnh cũ người xưa.

Khánh Chi (TTVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét