Khá
lâu rồi cứ phải đút chân gầm bàn, múa tay trên bàn phím với những con
chữ và nhìn đời qua lăng kính “Internet”, sau vài lời rủ rê “mật ngọt”,
chúng tôi quyết định làm chuyến “offline” Bắc Hà (Lào Cai) vào ngày cuối
tuần, đúng vào phiên chợ văn hóa vùng cao.
Sau một chặng đường dài,
bỏ lại sau lưng phố xá và khói bụi của xe hơi, của những thanh âm thị
thành, chúng tôi đã chạm ngõ thị trấn và dừng lại nạp năng lượng, trước
khi vào chợ phiên. Sau khi thưởng thức bát phở gà chặt miếng rất ngon và
có nét rất riêng của vùng cao Bắc Hà, chúng tôi cứ thế trôi theo dòng
người đủ váy áo sặc sỡ, đủ thứ hàng hóa lúc nào không hay. Lạc giữa cơ
man nào váy thổ cẩm. Chen giữa dòng người đến chợ, chúng tôi len lỏi để
tìm những khuôn hình cho khoảnh khắc bấm máy... nhưng vẫn thật khó vì
chợ quá đông. Chả là, bà con vừa thu hoạch xong. Thời gian này tha hồ đi
chơi chợ đi mua sắm, nên chợ phiên tuần này mới đông như vậy.
Len lách mãi chúng tôi
cũng vào đến khu ẩm thực. Này là chảo thắng cố trên bếp đang sôi ùng ục,
bốc khói nghi ngút, này là nồi canh thịt lợn đen thơm lựng mùi của gừng
nướng, của thảo quả và lá chanh. Những bát bánh đúc ngô vàng trong như
thạch. Những bát bánh phở tráng và bát rượu ngô cứ nâng lên đặt xuống...
của tình bằng hữu, của những người đàn ông vùng cao “gặp nhau chỉ để
uống rượu”. Những đứa trẻ theo mẹ xuống chợ thì tụm lại một chỗ hào hứng
với chiếc kem mút trông rất mãn nguyện.
Ở Bắc Hà, điều dễ dàng
nhận thấy rằng, khách đến chợ vẫn thu hút hơn cả là cảnh bán mua của
đồng bào vùng cao chứ không phải đến để mua vài cái túi thổ cẩm, vài cái
khăn dệt cách điệu... Tôi dám chắc rằng ai đến chợ cũng đều muốn tìm
mua những sản vật núi rừng như gà đen, thịt lợn bản và những mớ rau tươi
non không có chất hoá học được gùi từ trên những đỉnh núi mù sương
xuống chợ.
Thú vị nhất là khu bán
những con vật nuôi. Nhìn một người đàn ông Mông tay dắt một con lợn đen.
Tôi đánh bạo hỏi mua: Có bán lợn không? Anh trả lời: Bán đấy, mua đi.
Tôi hỏi: Bán bao nhiêu. Anh ta lại trả lời bằng tiếng Kinh vẫn còn chưa
sõi: 700 nghìn con này, 19 cân đấy. Tôi bèn hỏi tiếp: Thế bán bao nhiêu
tiền một cân. Anh ta nói ngay: 45 nghìn một cân... Chúng tôi phá lên
cười rất to: 45 nghìn một cân, chỉ nhẩm nhanh thiếu 45 nghìn nữa là đầy
900 nghìn. Vậy mà bán chỉ có 700 nghìn ? Chị đồng nghiệp ngã giá: 35
nghìn 1 cân có bán không? Anh ta trả lời dõng dạc: Không bán đâu, 45
nghìn mới bán. Con này 19 cân, 700 nghìn đồng đấy!... Chị đồng nghiệp
bảo: cái anh này, chúng tôi hỏi cho vui thôi. Không mua đâu. Và lúc tạm
biệt anh bán lợn cắp nách, chị đồng nghiệp vẫn cứ dặn đi dặn lại rằng:
Nếu bán 45 nghìn 1 cân thì con này anh phải bán 855 nghìn nhé! Câu
chuyện của người bán lợn làm chúng tôi vui suốt dọc đường về...
Rời khu bán vật nuôi,
chúng tôi bị cuốn hút bởi những âm thanh lạ tai phát ra từ một nhóm
người đàn ông đang túm tụm vòng tròn ở một góc chợ. Tiến lại gần chúng
tôi thấy hai người ngồi giữa đám đông ấy đang say sưa trổ tài biểu diễn
với chiếc kèn gỗ. Tôi lân la làm quen với một đàn ông trung niên tên là
Cáo Chúng Lìn, người Mông ở xã Cốc Ly. Thấy chúng tôi có vẻ tò mò về
chiếc kèn gỗ, ông Lìn làm “phiên dịch” cho chúng tôi bằng tiếng Kinh:
Kèn của người Mông dùng để thổi trong những dịp tang ma hay đám cưới đều
được. Kèn làm từ gỗ cây sung đấy! Tôi đánh bạo cầm một chiếc lên thổi.
Chiếc kèn nhẹ bẫng phát ra âm thanh... Trên thân kèn có 7 lỗ được khoan
tròn như cây sáo trúc. Trong lúc chúng tôi đang thỏa trí tìm hiểu về
chiếc kèn, hai người đàn ông vẫn cứ say sưa biểu diễn. Một người khác
trong nhóm giải thích: Họ mua về rồi, bây giờ họ thổi đấy! Thì ra không
phải thổi để chào hàng như chúng tôi nghĩ mà là thổi để “thể hiện”, để
thử kèn vậy thôi... Mãi chúng tôi mới dứt ra khỏi đám người đàn ông thổi
kèn gỗ ấy.
Hai bên hành lang lối lên
xuống là những người bán chổi, gùi, yên ngựa, đồ đan lát từ tre nứa. Rồi
chúng tôi đi qua dãy bán hương - một sản phẩm truyền thống của đồng bào
Mông hoa ở vùng cao Bắc Hà... Phía ngoài cổng chợ, hàng cốm mới thơm
lừng thành dãy dài. Vừa gặt xong vụ mùa nên cốm bán rất nhiều. Đặc biệt,
chợ Bắc Hà còn bán “khẩu rang”- thứ gạo dùng để nấu xôi, hạt gạo to như
hạt bỏng. Người bản địa thì gọi đó là “cốm già”... rất ngon.
Đến trưa, định bụng sẽ vào
chợ làm một chầu thắng cố và thử say với thứ tinh túy mà mọi người vẫn
nói một cách hoa mỹ là “vắt ra từ trời đất” ấy xem thế nào. Nhưng rồi,
không nỡ chối từ lời mời mọc, chúng tôi đã khoanh chân tại một nhà hàng
nổi tiếng món phở chua Bắc Hà. Thứ phở chúng tôi ăn là bánh phở tráng
màu hồng, dẻo quánh. Bát nước chấm được pha chế từ nước chua, dưa cải
muối, rau xà lách thái nhỏ, trộn ít lạc rang giã vụn. Khi ăn mới trộn ít
muối trắng vào. Thoạt nhìn, tôi nghĩ món ăn lạ lùng này, liệu mình có
ăn nổi không. Vì tôi chưa ăn thế bao giờ. Ấy vậy mà, càng ăn, tôi càng
bị cuốn hút bởi món ăn rất đơn giản và độc đáo này. Không chỉ có vậy,
chúng tôi còn được gia chủ đãi món thịt trâu sấy xào, lòng ngựa xào
khế... toàn những món thết khách của người vùng cao. Giữa cái lạnh của
vùng cao mà anh bạn trong đoàn mồ hôi cứ vã ra như tắm. Thì ra, nhìn vào
bát phở chua của anh bạn này đầy những tương ớt, một thứ đặc sản ớt
ngâm của người bản địa. Chúng tôi cứ nâng hết chén này đến chén khác
trong ngây ngất men say của hương rượu Bản Phố chưng cất từ ngô nếp
nương và men lá hồng mi trên núi đá…
Lê Thanh Cường (Làng Việt)
Ngất ngây men rượu hồng mi
(iHay) Ai đã từng đến cao nguyên trắng Bắc Hà thật khó cưỡng với chén rượu ngô Bản Phố say nồng ngây ngất.
Rượu ngô có lẽ là thứ quyến rũ nhất khi đặt chân đến cao nguyên trắng. Gió lạnh, sương giăng, chẳng còn gì hợp hơn để mời nhau một chén rượu đầy.Dù không phải phiên chợ, nhưng dọc con phố nhỏ ở thị trấn Bắc Hà, người ta vẫn bày bán rượu ngô trong những chiếc can 20 lít. Các bà, các chị váy xòe đi ngang qua nếm thử rượu bằng chiếc thìa nhựa nhỏ.
Bà cụ bán hàng lưng còng đã 72 tuổi rót rượu ra chiếc chén xanh cũ kỹ, vui vẻ đưa cho anh bạn đi cùng tôi với câu mời bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Uống thử đi, không lấy tiền đâu”.
Ông Giàng Seo Sẩu rót rượu mời khách |
Mãi đến khi xe dừng trước cổng nhà ông Giàng Seo Sẩu (57 tuổi), một gia đình nấu rượu lâu năm ở thôn Bản Phố 2A, tôi mới ngửi thấy mùi men rượu nồng nồng lan tỏa trong không khí.
Trong gian bếp ấm, nồi nấu rượu to đang bốc hơi nghi ngút. Từ chiếc vòi nhỏ dẫn từ nồi, dòng rượu trong veo tí tách chảy. Rượu ngô Bản Phố thực sự phải nấu bằng men hồng mi, một loại cây cỏ, có bông như bông kê và hạt đen nhỏ như hạt cải mới đúng điệu.
Trước đây, hồng mi mọc hoang rất nhiều, nhưng bây giờ bà con phải tự gieo trồng cùng với lúa nương.
Tháng 8, 9 là mùa thu hoạch hồng mi. Bông hồng mi túm lại thành túm, phơi khô rồi đập lấy hạt. Hạt tán nhuyễn, trộn với nước ấm và rượu để nắm thành bánh men. Ủ bánh khoảng một tuần thì thành men rượu.
Bông hồng mi phơi khô |
Theo ông Sẩu, nếu không vững tay nghề, thì cả mẻ men dễ bỏ đi như chơi.
|
Rượu bản Phố thường chỉ nấu vào cuối tuần. Mỗi nhà nấu chừng 40-50 lít rượu. Trung bình một năm, cả bản Phố nấu ra khoảng 200.000 lít rượu. Rượu chủ yếu đem bán ở phiên chợ, hoặc khách quen đến tìm mua tại nhà.
Rượu ngô ủ bằng men hồng mi say êm ái như nụ cười ngọt lừ của con gái Mông. Trong làn khói lam bay bay quyện với hương rượu thơm nồng khiến mọi giác quan cựa quậy.
Ông Seo Sẩu cười tâm đắc bảo: “Rượu ngô bản Phố ngon ở ngô, ở men hồng mi đã đành, nó còn ngon nhờ nước suối Hang Dể và cái lạnh của bản Phố. Dùng nước khác, nấu ở nơi khác, thì rượu khác ngay”.
Khách đến mua rượu tại nhà |
Bài và ảnh: Tịnh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét