(iHay) Tôi không rõ mình phải lòng Đà Nẵng tự bao giờ. Bao lần đưa khách ghé Đà Nẵng mà lần nào cũng vội, chỉ biết có nhiều đổi thay bất ngờ. Vừa rồi dẫn đoàn cán bộ trẻ huyện Bình Chánh, TP.HCM tham quan đảo Lý Sơn và Đà Nẵng, tôi mới có thêm nhiều trải nghiệm thú vị về thành phố đáng yêu này
Đà Nẵng là thành phố được trìu mến gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau: Thành phố 5 không, Thành phố 3 có, Thành phố 10 nhất, Thành phố năng động, Thành phố của những chiếc cầu, Thành phố đáng sống nhất Việt Nam... Còn tôi, thích gọi Đà Nẵng là Thành phố tiên phong. Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp đã nổ súng tấn công thành Đà Nẵng vào ngày 1.9.1858, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam.
Ngày 8.3.1965, người Mỹ lại “chọn” Đà Nẵng để can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. Cả 2 lần, dân Đà Nẵng đều anh dũng đi đầu chống ngoại xâm. Đà Nẵng có vị thế chiến lược, đặc biệt là phòng thủ cực kỳ quan trọng mà kẻ thù luôn dòm ngó. Khi đất nước đổi mới, Đà Nẵng lại tiên phong. Biển Đà Nẵng chưa hẳn đẹp nhất nhưng chắc chắn là an toàn và lịch sự nhất. Ở bãi tắm Mỹ Khê, cứ chừng 200 m lại có một nhân viên cứu hộ trực chiến ngay mép nước. Không thấy cảnh ăn xin và bán hàng rong. Bãi tắm sạch. Thi thoảng lực lượng trật tự bãi biển lại nhắc nhở vài khách vô ý vi phạm nội quy trên bờ. Loa phóng thanh phát nhạc nhẹ êm dịu và nhắc khách vài điều lưu ý. Đà Nẵng có hơn 100 km bờ biển nhưng chỉ mới khai thác 33 km. Thành phố dành 23 km (70%) cho các bãi tắm công cộng và 10 km (30%) cho các doanh nghiệp. Các bãi tắm công cộng đều được tổ chức và phục vụ như vậy từ 5 - 18 giờ mỗi ngày. Ai thích tắm đêm, cứ yên tâm ra bãi Phạm Văn Đồng, vẫn có nhân viên cứu hộ thường trực.
|
Lâu nay Đà Nẵng tự hào về cầu quay sông Hàn duy nhất ở Việt Nam do nhân dân đóng góp. Cầu dài 487,7 m, khánh thành năm 2000. Cứ sau nửa đêm, vào tầm 1 giờ, cầu quay 90 độ để tàu bè qua lại. Năm 2009, có thêm cầu Thuận Phước dài 1.856 m, là cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam. Hệ thống dây cáp treo nhìn từ xa tựa như 2 cánh chim khổng lồ đang khát vọng vươn ra thế giới. Tháng 3.2013, Đà Nẵng có thêm cầu Trần Thị Lý (bên cạnh cầu Nguyễn Văn Trỗi, xây dựng bằng thép vòm của Mỹ từ 1965, nay chỉ dành cho người đi bộ) và cầu Rồng. Cầu Rồng dài 666,565 m.
Thành cầu là con rồng vàng dài 568 m, nặng hơn 9.000 tấn. Con rồng oai phong như đang cố lấy đà bay và đầu rồng có thể khạc lửa. Còn cầu Trần Thị Lý, dài 731 m, là cầu dây văng 1 trụ, nghiêng 12 độ, nom tựa cánh buồm lớn dong thuyền ra biển Đông. Đây là một trong những chiếc cầu có tải trọng lớn nhất thế giới, trên 30.000 tấn! Cũng dịp này, Đà Nẵng khai trương hệ thống cáp treo thứ 3 tại Bà Nà, đạt 4 kỷ lục thế giới: cáp treo 1 dây dài nhất - 5.771,61 m; độ chênh giữa ga đi và đến - 1.318,93 m; chiều dài sợi cáp không nối - 11.587 m; trọng lượng của dây cáp - 141,24 tấn. Mỗi lượt vận chuyển được 860 người và chỉ mất 17 phút để lên tới đỉnh...
Tôi không mặn mà chuyện Đà Nẵng độc quyền lễ hội pháo hoa. Rằng hay thì thật là hay nhưng quá tốn kém và ô nhiễm môi trường sống. Đà Nẵng có thể tổ chức lễ hội thả diều, lướt ván, đua thuyền buồm... ăn đứt thiên hạ. Cứ nhìn “bãi chiến trường” rác của người xem pháo hoa, cả dân địa phương và du khách vô tư xả mà ngao ngán. Mới biết còn lâu lắm mới có được ý thức như các nước phát triển. Lạ là dân mình chỉ xả rác ở nhà. Ra nước ngoài, đố ai dám. Có vẻ như Đà Nẵng đang hụt hơi trong vai trò tiên phong, khi chấp nhận tổ chức lễ hội vào dịp cao điểm lấy thành tích? Thiên hạ chỉ làm lễ hội mùa thấp điểm để kéo khách về, còn mình cứ làm ngược lại?
Nguyễn Văn Mỹ
Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét