KTĐT
- Từ những nan tre, sợi mây mộc mạc, qua bàn tay khéo léo, tài hoa của
người thợ làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ đã trở thành
những chiếc đèn chùm, đèn ngủ, lọ hoa, tranh chân dung... vừa độc đáo
vừa tinh tế.
Sản phẩm mây tre đan chính là một trong những “đặc sản” làm lưu luyến bước chân của du khách mỗi lần đến với mảnh đất Phú Vinh.
Bền bỉ giữ nghề
Đến Phú Vinh vào đầu mùa gặt, con
đường làng trải đầy những cọng rơm còn thơm mùi lúa mới. Trước hiên cửa
nhiều ngôi nhà, những người thợ đủ mọi lứa tuổi cần mẫn đan những chiếc
giỏ, khay bằng mây, tre. Phơi xong mẻ thóc mới gặt, chị Nguyễn Thị Hà,
xóm Gò Đậu, thôn Phú Vinh cùng ba con nhỏ lại tranh thủ mang đồ nghề ra
đan. Chị Hà chia sẻ: "Nghề mây tre đan bây giờ thu nhập không cao nhưng
vẫn là nguồn thu lớn nhất để chi tiêu trong gia đình". Nhà chị Hà có 5
nhân khẩu, thu nhập bình quân của cả gia đình từ mây tre đan đạt khoảng
4,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Gắn bó với nghề mây tre đan mấy chục
năm nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, thôn Phú Vinh không khỏi bùi ngùi
nhớ về "thời vàng son" của làng nghề. Ông kể, giai đoạn 2000 - 2007,
làng nghề Phú Vinh lúc nào cũng nhộn nhịp không khí sản xuất. Lúc đó,
xuất khẩu hàng mây tre đan sang các thị trường Đông Âu, Mỹ, Nhật... rất
chạy hàng nên tất cả các hộ gia đình trong làng đều làm nghề. Thu nhập
bình quân của mỗi lao động vào thời điểm ấy đạt tới 100.000 đồng/ngày.
Những sản phẩm độc đáo của làng nghề mây tre giang đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện
Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, do ảnh
hưởng của suy thoái kinh tế, hàng mây tre đan xuất khẩu đã giảm rõ rệt.
Gia đình ông Tĩnh cũng chuyển hẳn sang sản xuất đồ tiêu dùng nội địa
như giỏ, khay, kệ sách... với giá mỗi sản phẩm từ 200.000 - 1.000.000
đồng.Theo thống kê của UBND xã Phú Nghĩa, toàn xã có 2.400 hộ dân, trong
đó có hơn 80% số hộ hiện vẫn đang làm nghề mây tre đan. Ngoài ra, trên
địa bàn xã còn khoảng 10 công ty TNHH đang hoạt động thu mua, xuất khẩu
mặt hàng này. Mặc dù sản xuất còn gặp nhiều khó khăn nhưng nghề mây tre
đan vẫn mang lại thu nhập thường xuyên và góp phần nâng cao đời sống cho
người dân. Hiện giá công lao động có tay nghề cao khoảng 100.000
đồng/ngày, thợ bình thường 60.000 - 70.000 đồng/ngày. Chính vì vậy, các
hộ dân vẫn bền bỉ giữ nghề mây tre đan có truyền thống hàng trăm năm tại
địa phương.
Đổi mới để phát triển
Ở Phú Vinh hiện nay, bên cạnh những
ngôi nhà mái ngói rêu phong, những hàng tre tươi xanh, không ít nhà cao
tầng khang trang đã mọc lên mang lại diện mạo mới cho làng quê. Và điều
thú vị là dù không còn ồn ào, tấp nập như những năm trước, hoạt động sản
xuất của làng nghề mây tre đan Phú Vinh đang tập trung đi vào chiều sâu
với nhiều bước đột phá trong cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm
CLB Nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề mây tre đan Phú Vinh chia sẻ: Trước
đây sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ chủ yếu dùng làm đồ trang trí, lưu
niệm. Thế nhưng đến nay, người thợ làng Phú Vinh đã mày mò, sáng tạo,
nâng cao tính ứng dụng cho sản phẩm. Trong đó, các sản phẩm như đèn ngủ,
đèn chùm, lọ hoa, bàn ghế, khay đựng hoa quả, khung tranh, khung ảnh...
đã được thị trường đón nhận nồng nhiệt.
Ngoài ra, thời gian gần đây, nghệ nhân
Nguyễn Văn Trung cùng con trai Nguyễn Văn Sơn, cử nhân Đại học Mỹ thuật
công nghiệp còn nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật đan tranh từ mây, tre.
Đến nay, hai bố con ông đã hoàn thành trên 300 bức tranh đủ kích cỡ,
trong đó bức tranh chân dung Bác Hồ khổ 1,6x × 1,4m vừa được một đơn vị
của huyện Chương Mỹ đặt mua với giá 70 triệu đồng hồi đầu tháng 5/2013.
"Tranh bằng mây tre đan hiện nay được thị trường rất ưa chuộng, mỗi sản
phẩm làm ra đều được đặt mua hết, chỉ lo không có sức để làm" - ông
Trung phấn khởi chia sẻ.
Một điều đáng quý là, kỹ thuật xử lý
nguyên liệu theo cách truyền thống vẫn được gìn giữ và đề cao nhằm tăng
tính độc đáo cho sản phẩm. Đó là sử dụng kỹ thuật luộc chín nan tre,
mây, giang để làm giảm lượng đường glucozo, hay kỹ thuật lên màu tự
nhiên cho nan bằng cách ngâm dưới bùn đen tạo màu đen, chế các loại lá
cây tạo màu xanh, hun khói rơm để tạo màu nâu óng ả... Chính vì giữ được
nét văn hóa hồn hậu của làng quê Việt nên sản phẩm mây tre đan Phú Vinh
được rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đến đặt mua để làm quà tặng,
nhất là quà ngoại giao.
Nói về triển vọng của làng nghề, ông
Nguyễn Đình Hoán, cán bộ phụ trách ngành nghề xã Phú Nghĩa tỏ ra rất lạc
quan: "Nghề mây tre đan không lo bị mất đi bởi mặt hàng này được rất
nhiều nước ưa chuộng và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ". Để thúc
đẩy sự phát triển của làng nghề, hiện UBND xã Phú Nghĩa đang tích cực
thực hiện việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và tìm cách thu hút
khách du lịch đến với làng nghề.
Thiên Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét