Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Phong Nha - Kẻ Bàng: tiềm năng đẳng cấp, du lịch bình dân

TTCT - Đã mười năm sở hữu một danh hiệu đáng thèm muốn “di sản thiên nhiên thế giới”, quần thể hang động kỳ vĩ Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn cứ là một nơi mà khách đến một lần ngắn ngủi rồi thôi.
Một mình Quảng Bình hẳn sẽ không thể đảm đương trọng trách đánh thức “mỏ vàng” có một không hai này…
Hồ Khanh nói về giấc mơ làm du lịch “homestay” bên ngôi nhà trông ra sông Son - Ảnh: L.Đ.Dục
Cuối năm 2010, khi National Geographic giới thiệu bộ phim hang động Sơn Đoòng với thời lượng 45 phút dưới cái tựa “Hang động lớn nhất thế giới” khiến dân mê thám hiểm hang động khắp địa cầu “chới với” bởi sự kỳ vĩ của nó, ít ai biết người có công tìm ra nó lại là một thợ sơn tràng tên Hồ Khanh sống ở thôn Phong Nha (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình).
Chứng thực cho công lao đáng ghi vào biên niên sử hang động thế giới ấy không phải là những bằng chứng nhận chi chít con dấu và chữ ký mà là tấm biển gỗ viết chữ bằng sơn trắng treo trước quán cà phê bình dị “MOUNTAIN RIVER CAFÉ, HO KHANH, Discovered  The World’s Biggest Cave!”  do chính vị trưởng đoàn thám hiểm hang động hoàng gia Anh Howard Limbert viết giúp Hồ Khanh, thay cho tấm biển “Cà phê Hồ trên núi” trước đây mà Hồ Khanh đặt cho quán nhỏ trong vườn nhà mình.
Ngôi nhà gỗ và chiếc cột đá
Giờ thì chúng tôi đang ngồi trong quán cà phê đó, trên tường có treo tấm bảng trắng với mấy từ tiếng Anh đơn giản “day, week, month, year” (ngày, tuần, tháng, năm) như được dạy theo kiểu “bình dân học vụ” của thế kỷ trước. Hóa ra đúng là có một lớp “bình dân học vụ” tiếng Anh đang mở tại quán cà phê của Hồ Khanh, người đứng lớp chính là vợ chồng ông Howard Limbert.
Mỗi tuần hai buổi chiều hoặc tối, ông bà đến dạy cho những người dân trong thôn Phong Nha này. Cũng thật lạ, ở ngay cái “rốn” của một di sản thế giới nổi tiếng mà không gian của ngôi làng Phong Nha này chưa có gì để gọi là có chút không khí du lịch “hội nhập”, ngoại trừ những câu từ tiếng Anh của lớp “bình dân học vụ” ở thôn này.
Hôm chúng tôi tới, Hồ Khanh đang loay hoay với nhóm thợ dựng ngôi nhà gỗ ngay cuối vườn, quay mặt xuống dòng sông Son. Từ đây nhìn xuống sông có thể thấy những chiếc thuyền đang chở khách ngược lên tham quan động Phong Nha. Nhìn hắt qua bờ bên kia, phía Sơn Thủy, là những hàng phượng vĩ nở hoa đỏ ối dọc triền sông, tôn thêm vẻ kiêu hãnh của những lèn đá, núi đá ngang tầm mây trắng.
Khanh cho biết anh đang tự mày mò làm một ngôi nhà đúng điệu bản địa, nơi xưa kia hầu hết dân làng đều làm nghề sơn tràng. Đó là ngôi nhà theo mô hình “homestay” đầu tiên của thôn Phong Nha. Du khách sẽ về đây, ngủ trên bộ phản gỗ như cả trăm năm trước dân làng đã ngủ, ăn những món ăn từ rau cỏ vườn nhà, cá sông gà đồi, chiều chiều lội xuống dòng nước trong xanh vẫy vùng tắm mát rồi ngồi trên sàn tre trước sân với cái view đẹp đến mộng mị trông ra sông Son này ngắm hoàng hôn cùng với một chai bia lạnh…
Ngôi nhà cũng gần hoàn thành để cuối năm nay có thể đón khách.
Từ vườn nhà Hồ Khanh, nhìn qua bờ rào lưa thưa cây có thể thấy một cây cột đá “trầu cau” sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt. Đó là chứng tích của một dự án khổng lồ dự định đầu tư vào Phong Nha gần 10 năm trước, khi Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Cây cột đá ấy thật ra là một cây cau với dây trầu quấn quýt dựa theo câu chuyện sự tích trầu cau trong kho tàng cổ tích Việt Nam.
Dự án được coi là “khủng” với mức đầu tư hơn 300 tỉ đồng (thời giá năm 2003), với 50ha được cấp, chủ đầu tư của tác phẩm này là Công ty Phát triển văn minh đô thị (Cividec) đã kịp quảng cáo với khách du lịch rằng đây là khu nghỉ mát phức hợp gồm khu nghỉ mát núi, khu nghỉ mát danh lam thắng cảnh, khu nghỉ mát sông, khu nghỉ mát rừng…
Nhưng cuối cùng sau 10 năm tròn, dự án phá sản, còn lại một ngôi nhà hoang phế gần chân núi và cây cột đá, đúng nghĩa “chết đứng giữa trời”. Ngôi nhà gỗ của Hồ Khanh và cây cột đá chứng tích còn lại của một dự án khổng lồ vừa là hai hình ảnh đầy tính biểu tượng về câu chuyện du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng, vừa mang dáng dấp thâm hậu của một câu chuyện ngụ ngôn.
Tấm biển tên quán của Hồ Khanh - một “bằng chứng nhận” của người tìm thấy hang động lớn nhất thế giới - Ảnh: L.Đ.Dục
Cột đá “sự tích trầu cau”, dấu tích buồn của những dự án vào Phong Nha dang dở - Ảnh: Lam Giang
Đi một lần là đủ?
Đúng 10 năm trước, khi Phong Nha - Kẻ Bàng chuẩn bị đón nhận danh hiệu “di sản thế giới”, chúng tôi cũng lên đây, hi vọng chứng kiến những chuyển động đáng kể cho giấc mơ đổi đời nhờ… hang động của cư dân một vùng đất vốn quanh năm sống nhờ nghề sơn tràng. Và suốt khoảng thời gian 10 năm ấy, chúng tôi vẫn đi đi về về với Phong Nha - Kẻ Bàng, cứ ngậm ngùi nhìn những tiềm năng du lịch mà thiên nhiên ban cho miền đất này chủ yếu trong trạng thái ngái ngủ.
Dù trên sông Son thuyền bè nhiều hơn, khách đến đông hơn, cuộc sống cư dân của miền di sản có khá hơn, nhưng gam màu chủ đạo của bức tranh du lịch nơi đây vẫn quá đỗi “bình dân”: khách đến, theo thuyền lên động và trở về sau khi ngắm thỏa thuê vẻ đẹp của màu nước sông như ngọc bích hay những nhũ đá thiên hình vạn trạng đẹp lộng lẫy. Đi một lần để ngắm nhìn một lần rồi không biết khi nào trở lại, bởi có quay lại cũng vẫn hang động ấy, nhũ đá ấy, con thuyền ấy…
Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ thật sự thay đổi từ ba năm trở lại đây khi động Thiên Đường - một vẻ đẹp đúng nghĩa “thiên đường” - được tìm thấy và đưa vào đầu tư khai thác bởi một tập đoàn du lịch khác. Cách Phong Nha chừng hơn 20 cây số trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây, động Thiên Đường với mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng có lẽ là dự án được đầu tư bài bản nhất ở Quảng Bình.
Môi trường sinh thái cảnh quan được bảo vệ tối đa. Hệ thống cầu gỗ dài gần cây số để du khách dạo bước tham quan hang động được chăm chút kỹ lưỡng, giúp giữ gìn và bảo vệ vẻ đẹp của những tác phẩm được “điêu khắc” bởi bàn tay thiên nhiên: nước và đá qua hàng triệu năm.
Nhưng dù có thêm động Thiên Đường đưa vào khai thác, du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng được biết đến nhiều hơn, song đây vẫn chỉ là chuyện kết nối nhằm tiết kiệm thời gian cho một tuyến du lịch từ động Phong Nha đến động Thiên Đường. Trước đây, khi chưa có động Thiên Đường, thời gian dành cho động Phong Nha cũng chỉ mất gần một ngày.
Nay có Thiên Đường, khách có thể đến Thiên Đường tham quan trong buổi sáng và sau đó vẫn kịp một buổi chiều ở Phong Nha hay ngược lại, sáng Phong Nha - chiều Thiên Đường. Và cũng chỉ có thế, nhìn ngắm vẻ đẹp biến hóa thiên hình vạn trạng mang hình ảnh của ngôi cổ tháp hay mái nhà rông, dáng hình Đức Phật hay lưu ảnh quần tiên tụ hội ẩn sau những nếp lượn của thạch nhũ.
Sau một vòng bậc thang trên cây cầu gỗ từng được đưa vào kỷ lục guinness ấy, khách sẽ ra về, không biết có còn trở lại, dù rằng vẻ đẹp ảo diệu trong hang động thật khó lòng diễn tả được. Đẹp, nhưng có lẽ là cái đẹp chỉ một lần là đủ! Và đấy chính là điều khiến du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn một nỗi niềm gói gọn trong mấy chữ: “Chưa tương xứng với tiềm năng!”.
Một đoàn du khách nước ngoài dạo chơi trên sông Chày - Ảnh: Lam Giang
Tiềm năng
Nhưng  tiềm năng của Phong Nha - Kẻ Bàng thì không ai còn dám nghi ngờ gì. Với một quần thể hang động bậc nhất thế giới như hang Sơn Đoòng, khi được các nhà khoa học của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đo đạc đã đánh đổ “ngôi vương” về hang động rộng nhất thế giới của hang Deer (hang Nai) ở Borneo, Malaysia.
Hang Deer có chiều cao 125m, rộng 169m, dài 4,1km, từng được xem là hang lớn nhất thế giới (*) cho đến thời điểm năm 2009, trong khi hang Sơn Đoòng có chiều rộng 200m, cao hơn 150m, dài ít nhất là 6,5km! Chưa kể những “giếng sụt” tạo nên những khu vườn thượng uyển dưới lòng hang với những sinh vật do quá trình cô lập trong môi trường đặc biệt này đã biến đổi thành những chủng loài đặc hữu.
Có lẽ chỉ riêng Sơn Đoòng và 45 phút phim trên kênh truyền hình nổi tiếng đã đủ cho Phong Nha - Kẻ Bàng cuốn về mình hàng chục vạn du khách luôn mang giấc mơ đến những nơi có danh vị “bậc nhất thế giới”. Vậy nhưng sau ba năm, kể từ khi National Geographic chiếu bộ phim trên, chỉ có thêm vài đoàn làm phim chuyên nghiệp đến được Sơn Đoòng, còn để thành nơi du khách kìn kìn kéo đến chắc phải chờ thêm không biết bao nhiêu năm nữa…
Thì cho là Sơn Đoòng quá xa xôi cách trở đi, nhưng nhìn lại thì ngay cả những điểm đến thuận tiện ở Phong Nha - Kẻ Bàng cũng chưa tạo được hấp lực để du khách thèm được trở lại. Và nếu chưa đủ sức làm cho khách nghĩ đến chuyện quay lại thì ít ra cũng cần thêm những cách để níu du khách lưu trú thêm vài ngày thay vì chỉ một vòng tour ngắn ngủi.
Phong Nha - Kẻ Bàng gợi nhớ về Vangvieng, một thị trấn nhỏ bên những dãy núi đá vôi và dòng Nam Song, trên tuyến đường từ Vientiane đi Luang Prabang (Lào). Tò mò bởi ở đó có một hang động tên là Phu Kham được xếp vào loại “nổi tiếng”, chúng tôi đã mất một buổi leo lên hang động này và kết luận cuối cùng là… cỡ Phu Kham hoàn toàn không thể so sánh với Phong Nha - một hang thường thường bậc trung trong hệ thống hang động của Phong Nha - Kẻ Bàng.
Dòng Nam Song cũng không thể đẹp như sông Son và quần thể núi đá vôi càng không thể sánh được với Kẻ Bàng. Ấy vậy mà cái thị trấn nhỏ này sôi động đến kinh ngạc về số lượng du khách. Những cửa hàng, dịch vụ du lịch sôi động, những biển hiệu nhiều thứ tiếng, những quán xá hiện đại đông nghẹt khiến thị trấn chỉ mấy ngàn dân bên đường thiên lý này thay da đổi thịt từng ngày. Hẳn là bạn Lào có phương cách gì đó để hút khách mà ta phải học.
Mười năm không có gì mới
Đến ngày 5-7 vừa rồi, Phong Nha - Kẻ Bàng đã có chẵn 10 năm là di sản thiên nhiên thế giới - một cơ hội mà UNESCO đã trao để mở rộng cửa cho du lịch hang động, sinh thái, mạo hiểm... ở Quảng Bình phát triển.
Nhưng hoạt động du lịch ở đây vẫn đơn thuần là tham quan hang động Phong Nha, sau là Tiên Sơn, nhưng hết sức mùa vụ. Mỗi năm chỉ đón khách từ tháng 4 đến tháng 9 rồi nghỉ vì mưa lũ. Du khách tới Phong Nha chỉ còn biết... ngắm cảnh rừng núi rồi về xuôi. Thậm chí các dịch vụ bổ trợ như nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng cũng rất ít.
Hiện tại, ngoài “du lịch nhà nước” (Trung tâm Du lịch Phong Nha trực thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng), gần đây mới có thêm một doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác hang động và một vài doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng và đưa đón khách tham quan...
Những con số thống kê suốt 10 năm qua nói lên tất cả: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đầu tư 46 tỉ đồng cho du lịch, đón hơn 3,5 triệu lượt đến hết năm 2012, trong đó  85.316 lượt khách quốc tế.
Năm 2012 được coi là thắng lớn với 260.410 lượt khách (trong đó 10.626 lượt khách quốc tế) đến các điểm du lịch của Trung tâm Du lịch Phong Nha và 255.731 khách (có 4.275 lượt khách quốc tế) đến với động Thiên Đường. Doanh thu từ phí và lệ phí tham quan Phong Nha đạt 115 tỉ đồng.
Hiện ở Phong Nha - Kẻ Bàng có ba đơn vị thực hiện các tour du lịch mạo hiểm gồm Công ty Oxalis (trụ sở ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch), Trung tâm Du lịch Phong Nha (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) và Công ty Việt Hùng (Phong Nha Discovery).
Trung tâm Du lịch Phong Nha có tour thám hiểm sâu vào 2.500m trong động Phong Nha, hiện đón chừng 1.500 khách/tháng, chủ yếu khách trong nước. Còn Oxalis thực hiện các tour du lịch khám phá hang động kết hợp các môn bơi trong hang, leo núi, đi bộ trong rừng, thám hiểm hang động bằng các thiết bị chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Châu Á, người sáng lập Oxalis, cho biết chỉ sau hai năm có tour này, du khách nước ngoài đã rất khen ngợi bởi sự trải nghiệm, học hỏi kiến thức mới từ cách vượt sông, suối chảy xiết, thám hiểm hang động, kỹ năng sống sót trong rừng… Oxalis đang tổ chức các đoàn famtrip cho 60 đối tác lữ hành trong và ngoài nước, các đoàn làm phim, truyền hình quảng bá hệ thống hang động và tour du lịch ở Tú Làn (huyện Minh Hóa).
Hiện có hai tuyến du lịch mạo hiểm Oxalis bán tour là hang Én và Tú Làn. Hang Én thu hút nhóm du khách thích trekking, đi bộ, khám phá  rừng nguyên sinh của Phong Nha - Kẻ Bàng. Tuyến Tú Làn thu hút khách đam mê hang động với nhiều hoạt động khác nhau trong một chuyến đi (leo núi bằng dây, bơi trong hang, xem thạch nhũ của nhiều hang...).
Theo ông Nguyễn Châu Á, du lịch mạo hiểm ở Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ là điểm nhấn bởi đây là loại hình mới, độc đáo nên rất thu hút du khách. Quy hoạch tốt các loại hình du lịch sẽ biến Phong Nha - Kẻ Bàng thành điểm đến không chỉ của VN mà còn là của khu vực và thế giới.   
Hiện ở xã Tân Hóa đã thành lập một đội “porters” (hậu cần, khuân vác) khoảng 30 người để phục vụ khách các tour du lịch mạo hiểm trên địa bàn.
(*): Theo Wikipedia
___________
Chỉ mới bắt đầu
Nhìn nhận Phong Nha - Kẻ Bàng là “trái tim du lịch” của tỉnh mình, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài nói về những cái khó đang cản trở việc khai thác khu vực này.
Vẻ đẹp kỳ diệu của hang động vùng Phong Nha - Kẻ Bàng không thể chỉ dừng ở mức đến ngắm rồi... về - Ảnh: Lam Giang
* Ông nhìn nhận giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng như thế nào trong du lịch của Quảng Bình?
Ông Nguyễn Hữu Hoài - Ảnh: Lam Giang
- Đó thật sự là món quà vô giá, là viên ngọc quý mà thiên nhiên đã ban tặng Quảng Bình. Việc nhìn nhận giá trị của viên ngọc quý này ngày càng được tiếp cận ở nhiều góc độ nhằm đánh giá đúng các giá trị đặc hữu của Phong Nha - Kẻ Bàng.
Hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ có giá trị về phát triển du lịch mà còn là nơi để các nhà khoa học VN và trên thế giới nghiên cứu khoa học, nhất là lĩnh vực địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học, chú ý bởi sự phong phú mà nó có được. Một số hang động còn là những di tích khảo cổ, di tích lịch sử có giá trị.
Chúng tôi coi du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng là trái tim du lịch, là điểm dẫn dắt du lịch Quảng Bình trong chiến lược từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tôi nghĩ viên ngọc quý dù có giá trị đến đâu mà cứ cất giữ trong tủ cũng vô dụng, phải mài giũa và để nhiều người sử dụng nó mới càng quý.
* Vậy 10 năm qua tỉnh đã đầu tư vào du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng ra sao?
- Đầu tư vào du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng là kế hoạch hàng đầu của tỉnh. Đến nay tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Phong Nha - Kẻ Bàng cho nhiều hạng mục, công trình huy động từ nhiều nguồn trên 500 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước trên 200 tỉ đồng. Chưa kể nguồn thu được từ dịch vụ phí và lệ phí ở Trung tâm Du lịch Phong Nha hằng năm tỉnh cũng để lại cho vườn đầu tư trở lại vào du lịch.
“Hiện tại các đơn vị làm du lịch đang làm riêng rẽ. Ví dụ trong khai thác hang động, chúng tôi làm ở Phong Nha (động Phong Nha và Tiên Sơn) thì chỉ biết Phong Nha, Tập đoàn Trường Thịnh làm ở Thiên Đường thì chỉ biết Thiên Đường. Nếu giữa Phong Nha và Thiên Đường có sự liên kết để đưa khách cho nhau, giới thiệu với du khách cho nhau về thế mạnh của từng hang động... thì sẽ rất tốt. Muốn làm vậy thì phải có một “đạo diễn” chung, một chiến lược tổng thể chung để phát triển”.
Ông Lê Thanh Lợi
(giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha)
Nhờ đó nhiều hạng mục lớn được hoàn thiện ở Phong Nha, như đường nối từ đường Hồ Chí Minh (nhánh đông) vào trung tâm khu du lịch Phong Nha và nối với đường 20 lên đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở hang Tám Cô, hệ thống cấp nước, kè chống sạt lở hai bên bờ sông Son, đường lên động Tiên Sơn, kéo đường điện vào động Thiên Đường, có thêm nhiều khách sạn, nhà nghỉ phục vụ du khách nghỉ đêm tại xã Sơn Trạch, Phong Nha...
Tỉnh cũng đầu tư nhiều công của cho hoạt động bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ nguồn nhân lực phục vụ du lịch ở xã Sơn Trạch và khu vực Phong Nha, Chày Lập...
Hằng năm tỉnh và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng xúc tiến nhiều hoạt động đầu tư và tuyên truyền quảng bá du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng tại nước ngoài và ở TP.HCM, Hà Nội cùng các tỉnh thành lớn khác trên cả nước.
Chúng tôi đã hoàn thành quy hoạch phát triển du lịch bền vững khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân địa phương sử dụng bền vững các giá trị của đa dạng sinh học nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo để giảm áp lực người dân vào rừng kiếm sống... 
Phong Nha - Kẻ Bàng về giá trị du lịch mang tầm quốc gia và thế giới, song vì sao vẫn chưa trở thành “mỏ vàng” của du lịch Quảng Bình?
- Quả thật du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Theo cách mà tôi nhìn thấy, một phần là do Quảng Bình ở xa các trung tâm của cả nước như TP.HCM và Hà Nội... Điều kiện khí hậu, thời tiết chưa thuận lợi cho hoạt động du lịch quanh năm đã tạo ra du lịch mang tính thời vụ cho Quảng Bình. Ví dụ, khi mùa mưa bão hằng năm đến, tham quan hang động Phong Nha và các tour sinh thái, mạo hiểm phải nghỉ nhiều ngày vì nước lũ...
Mặt khác, du lịch trong tỉnh vẫn chưa kết nối các tuyến, điểm thành sản phẩm khép kín. Điều này đang đặt ra cho chúng tôi nhiều suy nghĩ. Ngoài tỉnh cũng vậy, chưa kết nối chặt chẽ và hiệu quả với các hãng du lịch lớn trong nước để họ dẫn khách cho Phong Nha - Kẻ Bàng. Hàng lưu niệm còn đơn điệu, thiếu đặc trưng của di sản và con người miền núi Phong Nha. Các dự án về du lịch triển khai chậm, chưa hiệu quả, nguồn nhân lực chưa đáp ứng đầy đủ...
Một vài năm trở lại đây, tỉnh cũng muốn đầu tư thêm cho du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng do tình hình kinh tế - xã hội gặp một số khó khăn nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng việc phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có sự khác biệt so với các điểm du lịch khác.
Đó là du lịch phải gắn với bảo tồn các giá trị của di sản. Do vậy phát triển du lịch tại đây nhất thiết phải có lộ trình và theo quy hoạch, tránh tình trạng nóng vội, đề cao lợi nhuận và giá trị kinh tế mà làm ảnh hưởng đến công tác bảo tồn.
* Sức hút của Phong Nha - Kẻ Bàng khá lớn, nhưng điều gì khiến Phong Nha - Kẻ Bàng vẫn chưa kết nối được với các đơn vị lữ hành lớn, thưa ông?
- Bản chất của du lịch là mang tính kết nối, liên kết nhiều sản phẩm, nhiều vùng và các yếu tố khác. Hiện tại du lịch Phong Nha đã có kết nối với các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước, nhưng chưa mang lại hiệu quả cao vì thiếu sự đồng bộ và liên kết với nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, cơ sở vật chất cho lưu trú tại chỗ ít, không có nhiều dịch vụ phụ trợ cho du khách khi họ muốn ở lại qua đêm tại di sản...
* Quảng Bình là tỉnh nghèo, khó khăn cho đầu tư du lịch là dễ hiểu. Nhưng vẫn có cách như kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến? 
- Đã có rồi và cũng đạt được một số kết quả nhất định. Ngoài các chương trình xúc tiến đầu tư trong nước ở TP.HCM, Hà Nội..., chúng tôi còn có các chương trình xúc tiến đầu tư ở Hàn Quốc, Đức và một số nước có kinh nghiệm đối với lĩnh vực du lịch sinh thái trong các vườn quốc gia.
Chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác có tâm huyết, năng lực, điều kiện, kinh nghiệm để hợp tác đầu tư khai thác hang động hoặc tập trung liên doanh, liên kết và hợp tác đầu tư vào các sản phẩm du lịch mới, đồng thời ưu tiên đầu tư vào các dự án vui chơi, giải trí và các hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường du lịch...
Có lúc tỉnh đã đón nhận cả chục dự án du lịch tại Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng rồi sau đó do kinh tế khó khăn, một số nhà đầu tư không đủ năng lực nên họ bỏ. Hiện chỉ có Tập đoàn Trường Thịnh ở tỉnh đầu tư trên 150 tỉ đồng và khai thác có hiệu quả động Thiên Đường.
Tỉnh vẫn xác định tập trung phát huy thế mạnh độc đáo về hang động để đầu tư các sản phẩm du lịch đặc biệt, mang dấu ấn du lịch Quảng Bình nói riêng, du lịch VN nói chung.
Trước mắt và lâu dài tỉnh có hướng đi như thế nào để khai thác được Phong Nha - Kẻ Bàng cho du lịch?
- Cơ bản là tập trung vào tham quan hang động theo nhiều hình thức gồm: đại trà như hiện có, khám phá và mạo hiểm (nhưng đòi hỏi chất lượng khách du lịch cao và chi trả lớn) và các loại hình du lịch khác như sinh thái, văn hóa - lịch sử - tâm linh, nghỉ dưỡng... Trong đó khám phá hang động phải tạo được đẳng cấp quốc tế để thu hút du khách quốc tế, như mở tour du lịch mới có đẳng cấp quốc tế khám phá hang Sơn Đoòng.
Nhưng tôi cũng nhấn mạnh khai thác Phong Nha - Kẻ Bàng cho du lịch phải gắn liền với bảo tồn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, thông qua chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, giám sát đa dạng sinh học, phát triển kinh tế vùng đệm... 
Cảm ơn ông!
Thực hiện: LÊ ĐỨC DỤC - LAM GIANG
___________
Du lịch khám phá hang động: Nguồn lợi lớn
Một nghiên cứu của tác giả Maria Hautaviita thuộc Đại học Khoa học ứng dụng Phần Lan hồi năm 2010 chỉ ra rằng du lịch dựa vào thiên nhiên và các hình thức liên quan, trong đó có du lịch phiêu lưu và du lịch sinh thái, là xu thế đang lên trên toàn cầu.
Riêng tại khu vực các nước Bắc Âu, tiềm năng của du lịch dựa vào thiên nhiên đã làm dấy lên hi vọng cho người dân ở khu vực vùng sâu vùng xa trong việc phát triển địa phương.
Hang động Sawa-I-Lau ở Fiji - Ảnh: kuvat.fi
Cách kiếm tiền mới
Tác giả Hautaviita dựa trên kế hoạch phát triển vùng của hang Sói (Wolf cave) ở Phần Lan năm 2001 và kế hoạch kinh doanh của Trung tâm Kỷ Băng Hà năm 2003 cho biết kể từ khi hang Sói được phát hiện năm 1996, người ta đã nghĩ ngay đến chuyện biến nơi đây thành một điểm thu hút du lịch. Các khu triển lãm đã được xây dựng, trang web cho hang động được thiết lập, các ý tưởng về phát triển được đưa ra.
Chính quyền địa phương hi vọng hang Sói sẽ trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch lớn nhằm phục hồi ngành công nghiệp du lịch cho nơi này nên đã nghiên cứu các phương án để hiện thực hóa điều này. Viễn cảnh được đặt ra là trong 8-12 năm sẽ có một công viên quốc tế hoặc một trung tâm du lịch ở khu vực này khi hang Sói đã được nhiều người biết tới và trở thành một địa điểm di sản thế giới được UNESCO công nhận.  
Không chỉ tạo điều kiện bảo tồn hang động, phục vụ nghiên cứu và giáo dục, các kế hoạch phát triển hang Sói thành khu du lịch cũng được kỳ vọng giúp vùng thôn quê và người dân ở đây sinh sống tốt hơn.
Hồi năm 2005, Trung Quốc đã lên kế hoạch biến vùng tây nam nước này thành điểm đến chuyên về du lịch hang động tầm cỡ của thế giới. Các hang động ở tây nam Trung Quốc tập trung tại Quý Châu, Quảng Tây và Trùng Khánh.
Tổng thư ký Hiệp hội Nghiên cứu hang động Trung Quốc Trần Vị Hải (Chen Weihai) cho biết các hang động đã đem lại sự thịnh vượng cho khu vực tây nam và bày tỏ kỳ vọng khu vực này sẽ trở thành điểm đến du lịch hang động tầm cỡ thế giới. Từ đầu những năm 1980, Trung Quốc đã mở cửa hơn 400 điểm tham quan hang động cho khách du lịch và vì thế thu được nguồn lợi lớn cả về kinh tế và xã hội.
Luôn cần một kế hoạch phát triển phù hợp
Còn tại quốc gia Fiji nhỏ bé nằm giữa Thái Bình Dương, việc mở cửa một hang động cho khách du lịch vào tháng 8 tới đây đã đem lại hi vọng tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương. Hệ thống hang động Volivoli ở Sigatoka của nước này (được phát hiện năm 1996) sẽ là một địa điểm du lịch sinh thái và chào đón du khách trong và ngoài nước sau nhiều năm được nghiên cứu.
Hang động này có một số hóa thạch động vật độc nhất vô nhị. Từ lâu, hang động Volivoli đã là một nơi để phục vụ giáo dục và nghiên cứu cho Đại học Nam Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những người chủ hang động ở làng Yadua đã đồng ý cho kinh doanh du lịch sinh thái để có thêm nguồn thu nhập cho làng của họ khi hàng triệu du khách trên toàn thế giới sẽ đổ về đây.
Bộ trưởng du lịch Fiji Aiyaz Sayed-Khaiyum đã kêu gọi người dân địa phương có kế hoạch phát triển kinh doanh tốt đối với hang động Volivoli. Ông nhấn mạnh việc thiếu một cơ chế quản lý phù hợp đã dẫn đến việc đóng cửa một số địa điểm du lịch sinh thái thời gian qua.
Báo Fiji Sun dẫn lời ông Sayed-Khaiyum nói: “Có rất nhiều người du lịch khắp nơi trên thế giới để ngắm những nơi như vậy. Ở Fiji, nếu nhìn vào du lịch, trọng tâm vẫn chỉ là các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, bãi biển và lặn. Chúng ta chưa chú trọng nhiều vào mảng du lịch sinh thái như thế này”.
Ông cho rằng nếu có kế hoạch quản lý tốt, người dân địa phương sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ việc mở cửa du lịch ở hang động như có thể bán thêm các đồ thổ cẩm, thủ công của địa phương...
VIỆT PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét