Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Sức sống của làng nghề ngàn tuổi

KTĐT - Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức từ lâu đã được biết đến với những sản phẩm đồ thờ, tượng phật được chế tác, sơn son thếp vàng cầu kỳ, tinh xảo.
Dù đã trải qua không ít thăng trầm, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, làng nghề ngàn năm này vẫn trụ vững và có những bước phát triển đáng kể.

Nghề tạc tượng tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức.
Vững vàng qua nhiều biến cố

Nằm cách trung tâm huyện Hoài Đức chỉ vài cây số, lại trên tuyến đường vận chuyển chính của các làng nghề chế biến nông sản xã Đức Giang, Cát Quế... nên làng nghề Sơn Đồng luôn có nhịp sống khá sôi động. Khu vực ngã tư Sơn Đồng từ lâu đã trở thành phố nghề với hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ thờ, tượng phật diễn ra sôi nổi. Hai bên đường, những chiếc tủ thờ, bàn thờ, những pho tượng phật lớn nhỏ được bày biện khá phong phú, đa dạng, từ sản phẩm thô đến những tác phẩm được sơn son thếp vàng tinh tế. Theo lời kể của các bậc cao niên, thuở ban đầu cách đây hàng ngàn năm, với bàn tay tài hoa, khéo léo của mình, những tốp thợ chế tác đồ gỗ của làng nghề Sơn Đồng đã được mời tham gia xây dựng nhiều công trình xây dựng, trang trí đình, chùa, cung điện... ở kinh kỳ. Tiếng lành đồn xa, những sản phẩm độc đáo của Sơn Đồng dần dần có mặt ở khắp mọi miền đất nước và số hộ làm nghề cứ thế tăng dần lên. Thế nhưng, thời chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nghề tạc tượng ở Sơn Đồng đã bị mai một ít nhiều.

 Hòa bình lập lại, chính quyền và nhân dân địa phương đã tích cực khôi phục lại nghề cũ của cha ông. Một lớp dạy nghề tạc tượng cho 30 học viên địa phương do nghệ nhân Nguyễn Đức Dậu và nhiều thợ cao tuổi trong làng truyền dạy. Từ đó đến nay, làng nghề Sơn Đồng từng bước đi vào ổn định và phát triển. Hiện nay, nghề tạc tượng, chế tác đồ gỗ ở Sơn Đồng thu hút gần 4.000 lao động thường xuyên. Riêng trong năm 2011 và 2012, các xưởng tại làng nghề Sơn Đồng đã sản xuất ra hàng ngàn pho tượng, 500 đôi hoành phi, câu đối, án gian, cửa võng và khoảng 1.500 sản phẩm đồ thờ khác. Giá trị thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt hơn 100 tỷ đồng/năm, chiếm trên 90% tỷ trọng kinh tế của toàn xã. Thu nhập bình quân của mỗi lao động đạt từ 1 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Khơi dậy sức trẻ

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, đầu ra cho sản phẩm của nhiều làng nghề gặp không ít trở ngại. Thế nhưng, theo nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, những hộ sản xuất các sản phẩm tượng, đồ thờ truyền thống, đảm bảo chất lượng và làm theo đơn đặt hàng vẫn có đầu ra ổn định. Còn một bộ phận nhỏ những hộ làm thương mại theo kiểu hàng "chợ" thì đầu ra giảm khoảng 20%. Chính vì vậy, Hiệp hội Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng đã tuyên truyền, vận động tất cả các hội viên đoàn kết, sản xuất đảm bảo chất lượng, tránh cạnh tranh không lành mạnh, làm mất thương hiệu làng nghề.
 
 
Ảnh: Quang Thiện

Theo những nghệ nhân trong làng, để làm được một pho tượng hay sản phẩm đồ thờ cần phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự dày công học hỏi, cần mẫn của người thợ. Và để có được một sản phẩm tượng hoàn thiện, có hồn, giữ được cốt cách truyền thống, ngoài sự khéo léo còn yêu cầu cái tâm của người thợ. Bởi thế mà một bộ phận giới trẻ hiện nay vốn quen với nhịp sống công nghệ đã không còn mặn mà với việc cầm đục chế tác.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ở Sơn Đồng vẫn còn những người thợ trẻ miệt mài gắn bó với nghề và tìm hướng đi mới cho sản phẩm như chàng trai trẻ Phan Văn Sinh (1983) ở xóm Gạch. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, Sinh đã về quê cùng người em ruột Phan Văn Minh mở một xưởng tạc tượng riêng. Sinh cho biết, nhờ ứng dụng kiến thức mỹ thuật vào sản xuất, những bức tượng do xưởng anh chế tác có tỷ lệ cân đối và thanh thoát hơn nên sản phẩm rất hút khách. Hiện, xưởng của hai anh em Sinh đang tạo việc làm cho 3 - 4 lao động, doanh thu đạt khoảng 800 triệu đồng/năm. Không những thế, khi được mời tham gia dạy nghề tạc tượng cho các học viên tại xã, Sinh đã cải tiến phương pháp dạy bằng cách cho học viên vẽ thô trên giấy, sau đó nặn bằng gốm rồi mới đi vào đục đẽo trên gỗ. Phương pháp này đã tạo được sự hứng thú cho các học viên trẻ, từ đó thu hút nhiều thanh niên theo học hơn.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng chia sẻ, để duy trì, phát triển làng nghề bền vững, xã đã phối hợp với Hiệp hội làng nghề tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động trên địa bàn, trong đó chủ yếu là lực lượng trẻ. Năm 2012, xã Sơn Đồng tổ chức được hai lớp dạy nghề sơn son và tạc tượng cho 150 học viên. Hy vọng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, những học viên này sẽ tiếp nối truyền thống cha ông, góp phần củng cố vị thế của làng nghề Sơn Đồng ở thị trường trong và ngoài nước.

 
Thiên Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét