Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Những công trình làm Sài Gòn 'ngất ngây' hơn

Hầm vượt sông, đại lộ hiện đại, tòa nhà cao tầng, cầu vượt... là những công trình làm bộ mặt TP.HCM năng động và đẹp hơn.

 

TP.HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, giao dục... hàng đầu của cả nước cũng như khu vực Đông Nam Á. TP.HCM được đầu tư xây dựng nhiều công trình, cơ sở hạ tầng hiện đại.
Đại lộ Võ Văn Kiệt - hầm vượt sông Sài Gòn - Đại lộ Mai Chí Thọ
Toàn tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt - hầm vượt sông Sài Gòn - đại lộ Mai Chí Thọ (trước đây gọi là đại lộ Đông - Tây) với tổng kinh phí hơn 16.000 tỷ đồng - là con đường hiện đại bật nhất TP.HCM và cả nước. Đại lộ có tổng chiều dài gần 22km, từ xa lộ Hà Nội (Q.2) về đến QL1A (H.Bình Chánh), đi qua Q.1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, trong đó có 1,49km là hầm vượt sông Sài Gòn, giúp rút ngắn khoảng cách từ hướng Tây (các tỉnh miền Tây) đi đến hướng Đông (các tỉnh miền Đông, phía Bắc) và ngược lại.
Đoạn đại lộ Đông - Tây từ đầu hầm vượt sông Sài Gòn (phía Q.1) đến QL1A (H.Bình Chánh) được chính thức đặt tên mới là đại lộ Võ Văn Kiệt vào ngày 29/4/2011 với chiều dài 13,4km. Đại lộ này với gần 10 làn đường, nối liền 2 hướng Đông - Tây và giảm áp lực giao thông cho khu trung tâm thành phố.
Hầm vượt sông Sài Gòn (còn gọi là hầm Thủ Thiêm) nối liền Q.1 (đại lộ Võ Văn Kiệt) với Q.2 (đại lộ Mai Chí Thọ) cũng như giúp cho đại lộ Đông - Tây được thông suốt. Hầm vượt sông Sài Gòn chính thức thông xe vào ngày 20/11/2011, được đánh giá là hầm vượt sông dài nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á. Hầm dài gần 1,5km, rộng 33m, cao 9m gồm 6 làn xe.
Đại lộ Mai Chí Thọ (từ xa lộ Hà Nội về đến hầm vượt sông Sài Gòn, phía Q.2) được đầu tư hàng tỉ đồng, là một phần của dự án đại lộ Đông - Tây. Ngoài việc rút ngắn chiều dài từ Đông sang Tây, đoạn đại lộ này còn có những con đường nối dẫn vào cảng Cát Lái, cầu Phú Mỹ... giúp cho giao thông được dễ dàng.
 Những cây cầu vượt bằng thép tiếp nối hoàn thành
Đã có 3 cầu vượt bằng thép được hoàn thành tại TP.HCM là cầu vượt ngã tư Thủ Đức, cầu vượt Hàng Xanh và cầu vượt Lăng Cha Cả góp phần làm giảm tai nạn cũng như giải quyết tình trạng ùn tắt giao thông. Hiện các công nhân, kỹ sư đang ngày đêm thi công thêm 3 cây cầu vượt khác tại nút giao thông Ba Tháng Hai - Nguyễn Tri Phương - Lý Thái Tổ, cầu vượt vòng xoay Cây Gõ và cầu vượt Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám.
Hồi sinh những dòng kênh chết
Trước đây, kênh Tàu Hủ được gọi là dòng kênh chết bởi dòng nước đen đặc, hôi thối và ngập rác. Năm 2001, dự án cải tạo môi trường nước khởi động đã làm "con kênh đen" ngày nào "hồi sinh" trở lại với màu nước trong xanh hơn. Hiện nay, đoạn kênh Tàu Hủ là nơi diễn ra các hoạt động thể thao như đua thuyền, nhạc nước...
Cùng từng trong tình trạng "chết" như kênh Tàu Hủ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè  khiến người dân 2 bờ phải sống trong mùi hôi thối nồng nặc từ rác, chất thải, xác động vật dưới dòng kênh bốc lên mỗi ngày. Con kênh này đang dần hồi sinh, nhiều đàn cá đã sinh sôi trở lại. Hai bờ kênh cũng là nơi người dân đi dạo, tập thể dục mỗi sáng, chiều. Hai bên bờ là đường Hoàng Sa và Trường Sa được nâng cấp, mở rộng khang trang, sạch đẹp (Ảnh: Lê Vi).
Nhiều công trình, khu dân cư hiện đại, văn minh
Ngày càng nhiều khu đô thị, khu dân cư cũng như các công trình phục vụ vui chơi giải trí mọc lên ngày càng nhiều. Tại những khu vực này, mọi người có được không gian thoáng đãng, mát mẻ để đi dạo, ngắm cảnh. Trong ảnh: Khu vực trung tâm Q.1 bên bờ sông Sài Gòn nhìn từ hướng đầu hầm vượt sông Sài Gòn phía Q.2; Khu căn hộ cao cấp Sài Gòn Pearl (Q.Bình Thạnh); Cầu Ánh Sao lung linh về đêm ở khu dân cư Phú Mỹ Hưng (Q.7).
 Những cây cầu hiện đại
Cầu vượt Cát Lái được xây dựng gồm 2 nhánh nối xa lộ Hà Nội với đại lộ Mai Chí Thọ giúp các loại phương tiện lưu thông dễ dàng vào cảng Cát Lái và ngược lại. Từ khi cầu vượt Cát Lái được đưa vào lưu thông ngày 15/8/2010 đã góp phần quan trọng vào việc hạn chế tai nạn giao thông tại khu vực này cũng như giải quyết ách tắc.
Là một trong những cây cầu bắt qua sông Sài Gòn nối Q.Bình Thạnh với khu đô thị mới Thủ Thiêm và đại lộ Mai Chí Thọ, cầu Thủ Thiêm được xây dựng với tổng vốn đầu tư 1.473 tỉ đồng và thông xe chính thức vào ngày 25/12/2010. Công trình này gồm 3 nhánh cầu chính, nhiều đường dẫn và một hầm chui qua gầm cầu trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Khi cây cầu được đưa vào sử dụng giúp việc đi lại của người dân dễ dàng hơn, cũng như tạo động lực cho khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển.
Ngoài những công trình trên, TP.HCM còn những công trình lớn, trọng đểm khác đã hoàn thành như đại lộ Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, khu đô thị Phú Mỹ Hưng góp phần không nhỏ trong việc phát triển mọi mặt của thành phố. Bên cạnh đó, những công trình đang xây dựng như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn 2, các tuyền đường vành đai, cầu Bình Lợi hứa hẹn sẽ là điểm nhấn mới của Sài Gòn.
Trường Nguyên
Theo Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét