Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Ngọt ngào bánh kẹo Cổ Hoàng

KTĐT - Không như nhiều làng nghề khác, đến nay làng bánh kẹo Cổ Hoàng, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đơn sơ, bình dị, thanh bình của một làng quê Bắc Bộ. Sự yên ả đượm trong những con ngõ nhỏ, từng nếp nhà ngăn nắp, sạch sẽ.
 
 
Làm kẹo dồi ở cơ sở bỏng, kẹo Thiệp Xuân.
 
 
Tiếp chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Long Nguyễn Mạnh Hùng tự hào giới thiệu về đặc sản quê hương mình. Bỏng, kẹo Cổ Hoàng có từ lâu, nhiều đời nay, ai cũng giỏi nghề này. Những năm tháng bao cấp khó khăn, có tới 1/3 số hộ trong làng đem nghề của quê hương đi khắp mọi miền đất nước để tìm kế sinh nhai. Đến giờ, con cháu họ vẫn giữ nghề truyền thống của quê hương. Để mỗi khi Tết đến xuân về, họ lại về thăm làng cũ, thăm những con ngõ nhỏ, nhớ về những ngày chưa xa. Rồi mọi người lại thăm hỏi nhau xem dịp Tết này bán được bao nhiêu tấn kẹo, khách hàng khen chê thế nào…Bà Nguyễn Thị Thiệp, người có gần 40 năm làm nghề bỏng, kẹo cho biết: Rất nhiều chủ gánh hàng rong bán bỏng, kẹo trong các dịp lễ, Tết ở các quận trung tâm Hà Nội là người dân Cổ Hoàng. Vào những ngày đó, cả làng đi bán hàng, ở nhà chỉ còn mỗi đàn ông và trẻ nhỏ. Công thức làm các loại kẹo truyền thống cơ bản ở đâu cũng giống nhau, chỉ có điều để đạt độ thơm, ngon phụ thuộc vào nguyên liệu và công thức bí truyền của mỗi gia đình. Bên bếp lửa khi đang canh đường cho mẻ kẹo mới, chị Nguyễn Thị Xuân tâm sự: "Muốn có những mẻ chè lam ngon phải rất công phu. Gạo nếp, một trong những nguyên liệu chính, phải là nếp cái hoa vàng, loại hạt tròn, mẩy, vàng óng. Gạo nếp được nổ bỏng, đem xay nhuyễn...".
 
Chúng tôi đến cơ sở sản xuất bỏng, kẹo truyền thống Thiệp Xuân ở xóm Chùa vào đúng vụ làm hàng chuẩn bị cho dịp Tết Thiếu nhi 1/6. Hơn chục người ai vào việc ấy, người rang lạc, người canh đường… rất tất bật. Cụ Chu Thị Nhật, đã gần 80 tuổi nhưng còn khá minh mẫn, thời con gái bôn ba khắp nơi làm nghề, giờ lại giúp con cháu. Cụ bảo, muốn có các loại kẹo truyền thống ngon, để ai ăn kẹo Cổ Hoàng một lần phải nhớ, ngay từ khâu đầu vào, nguyên liệu phải là những thứ loại một… Lạc mua về phải nhặt bỏ hạt không đạt chất lượng và phân ra ba loại: To, vừa, nhỏ, rồi mới rang. Giờ đây, thay vì làm bằng mật, người làng Cổ Hoàng chuyển sang làm bằng  đường kính. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Có những giai đoạn, làng nghề gặp không ít khó khăn. Nhiều lúc chẳng lấy đâu ra đường, ra mật mà làm kẹo, nhất là thời bao cấp. Khi kinh tế thị trường mở ra, kẹo Trung Quốc tràn vào, làng nghề tiếp tục điêu đứng. Thế nhưng, không người nào trong làng bỏ nghề. Khoảng 3 năm trở lại đây, người tiêu dùng có xu hướng quay lại sử dụng các loại kẹo truyền thống, không có chất bảo quản và sử dụng quanh năm, không chỉ dịp lễ hội hay Tết cổ truyền. Chính vì thế, vào những dịp lễ, Tết, bánh kẹo của Cổ Hoàng tiêu thụ rất thuận lợi, công suất tăng tới cả chục lần. 
 
Một ngày hè đầy nắng, chứng kiến quy trình làm chè lam, kẹo dồi, kẹo lạc hoàn toàn bằng phương pháp thủ công của người dân làng Cổ Hoàng mới thấy hết sự tinh tế, thuần thục và cái tâm của người làm nghề. Nhờ đó, người tiêu dùng vẫn được thưởng thức hương vị bánh kẹo truyền thống, bên cạnh vô số bánh kẹo của nước ngoài tràn ngập trên thị trường.
 
 
Bài, ảnh: Yến Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét