Làng
Phước Yên nghiêng mình bên dòng sông Bồ, cách Kinh thành Huế khoảng 13
km về hướng tây bắc. Nơi đây, xưa kia đã được chúa Nguyễn Phúc Nguyên
(1613-1636) chọn làm nơi xây dựng vương phủ. Chính mối lương duyên này,
mà suốt triều Nguyễn trai tráng làng Phước Yên ưu tiên tuyển dụng vào
đội Thượng thiện và Lý thiện để lo việc ăn uống và yến tiệc cho hoàng
gia. Sau năm 1945 khi chế độ quân chủ chấm dứt,
những người phục vụ trong đội Thượng thiện và Lý thiện trở về làng xưa
để chăm lo ruộng vườn, họ mang theo những món ăn đặc sản của cung vua
phủ chúa xưa và truyền dạy cho con cháu.
Thời
gian như nhịp thoi đưa, công nghiệp hóa dần dà lấn chiếm nông thôn,
những món ăn truyền thống và kỹ thuật nấu nướng bị mai một và đẩy vào
quên lãng. Và thật may mắn, khi chúng tôi có dịp tìm lại được món xôi
đường, một đặc sản của làng Phước Yên còn lưu truyền đến bây giờ tại gia
đình bà Hồ Thị Hoàng Anh (bà là chuyên gia ẩm thực nổi tiếng đất Thần
Kinh, là cháu nội của Đội trưởng Đội Thượng Thiện Hồ Văn Tá). Theo bà
Hoàng Anh, món ăn này có từ thời Vương phi Mạc Thị Giai (phu nhân của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên, con gái của Khiêm Vương Mạc Kính Điển) và chỉ để phục vụ chốn cung đình.
Sau
khi thưởng thức vị ngon của món xôi đường, chúng tôi vô cùng tò mò về
cách chế biến cũng như lịch sử của món xôi này. Và được bà Hoàng Anh
tiếc lộ: xôi đường là một món ăn dân dã của làng Phước Yên, sau đó được
con dân của làng đưa vào cung đình để phục vụ vua chúa. Nguyên liệu cấu
thành nên món ăn cũng hết sức giản đơn, cái làm nên linh hồn của món ăn
chính là bí quyết nấu. Món xôi này được làm từ đậu đen xanh lòng, nếp
thơm dẻo, đường mía, bột đại hồi, tiểu hồi, quế khâu, trần bì, quế
hương.
Sau
khi đã chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết cho món xôi đường xong. Đem
đậu đen ngâm nước qua đêm để hạt đậu no nước. Hôm sau vớt đậu ra vút lại
thật sạch, cho đậu vào nồi nấu, sau khi thấy nước trong nồi sôi khoảng 5
đến 10 phút bắt nồi đậu xuống, chắt lấy một ít nước để dành, cho nồi
đậu lên bếp tiếp tục hầm cho đến khi đậu thật mềm. Khi thấy đậu đã mềm,
nước nấu đậu sánh lại cho đường mía vào rim cho sánh lại.
Trong
khoảng thời gian hầm đậu và chờ đậu sánh bớt nước, vo nếp thật sạch và
cho vào nước nấu đậu vừa mới chắt ra để ngâm trong khoảng 2 giờ cho nếp
ngấm nước đậu mềm hơn, vớt nếp ra vút lại thật sạch, để ráo cho vào xửng
hấp chín. Sau khi nếp đã chín mềm đem ra trộn chung vớt mứt đậu cho đều
và tiếp tục hấp trong 15 phút. Cuối cùng đổ xôi ra rổ, quạt nguội, rắc
hỗn hợp gia vị gồm quế châu, đại hồi, tiểu hồi, trần bì quế hương… vào
xới đều và để nguội. Khi xôi đã nguội, xới ra đĩa để dùng.
Cách
chế biến xôi đường thật đơn giản, không quá cầu kỳ, nhưng hương vị của
món xôi đã làm say lòng bao người. Từ độ dẻo thơm của nếp, vị thanh
thanh ngọt mát của đường mía nguyên chất, quyện hòa mùi thơm của quế
châu, đại hồi, tiểu hồi, trần bì quế hương… đã làm nên một mùi vị tinh
tế, cao sang.
Món
xôi đường có thể để được 10 ngày. Ngày nay, món ăn này hầu như ít được
phổ biến ở Huế nói chung và ở làng Phước Yên nói riêng, bởi lẽ làm được
món ăn rất dễ nhưng để món ăn đạt đến độ tinh tế vốn có thì rất khó. Chỉ
còn gia tộc họ Hồ ở Phước Yên hiện còn lưu truyền cho con cháu công
thức này. Xôi đường góp mặt trên mâm cỗ Huế vào những dịp lễ tết, món
xôi mang một hương vị đặc trưng riêng góp phần làm nên nét tinh tế và
độc đáo của mâm cỗ ở Huế. Không chỉ có xôi đường, hiện làng Phước Yên
còn lưu giữ rất nhiều món ăn phục vụ vua chúa xưa, những món ăn này chủ
yếu còn lưu giữ trong các gia đình truyền thống Huế đang ở Phước Yên
hoặc lưu lạc khắp nơi.
Cô Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét