Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Bí ẩn miếu Cây Thị hơn nghìn năm tuổi

Nằm trên địa thế "minh đường", "long mạch", miếu Bà bên gốc cây thị hơn nghìn năm tuổi tại làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên - Huế) vẫn còn giữ được nét cổ kính và những bí ẩn chưa lời giải đáp về sự giao lưu hai nền văn hóa Chăm - Việt.


Cây thị rỗng ruột và những câu chuyện ly kỳ
Nếu như làng Việt cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) mang dáng dấp đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc bộ, thì làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) lại còn khá nguyên vẹn những yếu tố gốc của làng cổ vùng văn hóa Huế và miền Trung.
Đây là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Miếu Cây Thị
Trải qua hàng trăm năm, hiện nay, cây thị cổ thụ vẫn um tùm che bóng mát, tỏa hương ngào ngạt. Người dân Phước Tích truyền tai nhau rằng, vào mùa gió Nam (gió phơn mùa hạ - PV), trái thị chín vàng sẽ theo gió rơi xuống sân miếu, ai muốn nhặt đem về nhà thì phải vào miếu xin Bà. Mỗi mùa như vậy trên cây rơi xuống chưa đầy chục trái, vì vậy dân làng rất quý, khi đem quả thị về nhà thì người dân cung kính bỏ lên bàn thờ chứ không nỡ ăn. Người già, trẻ nhỏ trong làng đi ra đi vào hít hà hương quả thị để cầu mong sự chở che, bao bọc của thần miếu, thần cây.
Ông Nguyễn Duy Tùng (78 tuổi), một vị cao niên trong làng cho biết, theo sử sách và gia phả của các họ ghi lại, xứ Cồn Dương lúc đó vẫn còn là nơi rừng rú âm u, các tộc người Mọi, người rừng vẫn còn ẩn nấp rình bắt người Việt. Sau nhiều lần đánh đuổi, các ngài thủy tổ mới lấy được đất để khai canh, lập ấp. Khi vào đến giữa rú thì bắt gặp cây thị khổng lồ, cành nhánh sum suê tỏa bóng, bên cạnh là miếu thờ Ponagar của người bản địa.
Khi đến gần miếu, cả một vùng trời đất âm u bỗng sáng rực, các ngài thủy tổ đã quỳ lạy, thề nguyện rằng dù chiếm được đất, nhưng ở chốn thâm sơn cùng cốc này người Việt vẫn giữ nguyên miếu và chăm nom việc quét dọn, thờ cúng theo đúng tiết lễ. Dựa vào đặc trưng của miếu gắn liền với cây thị nên người Việt gọi là miếu Cây Thị để tỏ lòng thành kính. Miếu Cây Thị nằm ở xóm Trung Hòa (xóm giữa), xoay mặt về hướng đông, các câu đối chữ Hán ghi trước miếu, trên các trụ lâu ngày bị bào mòn, nên thời điểm xây dựng miếu lần đầu không rõ năm nào, chỉ biết miếu được tu sửa lại dưới thời Tự Đức.
Miếu được xây dựng bằng gạch vò xưa, có tường bao quanh, phía trước có bình phong trang trí hình chim phụng gắn mẻ sành, hai bên có cửa vòm cũng xây bằng gạch vồ cuốn tròn dùng làm lối ra vào. Các nhà khoa học cũng nhận định rằng, miếu Cây Thị thờ mẫu Ponagar đã được Việt hóa trong quá trình chung sống và kế thừa dòng tín ngưỡng Chăm. Vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hằng năm, con dân quanh xóm tổ chức cúng tế tại miếu. Tuy lễ cúng không rình rang, nhưng luôn có thủ lợn bọc mỡ chày cùng cau trầu rượu để tỏ lòng thành kính.
Bóng cây thị tỏa rợp ngôi miếu cổ
Dù đã nghìn năm tuổi nhưng cây thị bên miếu cành lá vẫn xanh tốt, sum suê, bộ rễ xù xì nổi lên mặt đất với những hình thù kỳ dị, thân cây to đến bảy tám người ôm không xuể. Tán lá đồ sộ che mát một khuôn viên rộng đến hàng chục mét vuông, dù trưa hè chói chang xung quanh miếu vẫn râm mát lạ thường. Mang trong mình nhiều giai thoại và những câu chuyện kể ly kỳ, cây thị đã trở thành một phần văn hóa gắn với người dân Phước Tích suốt bao đời nay.
Theo dân làng kể lại, bao đời nay người dân Phước Tích khi đi qua miếu đều phải cúi đầu để tỏ lòng thành kính, nếu trong suy nghĩ có ý báng bổ, mạo phạm thì thế nào về đến nhà cũng bị Bà Dàng bắt mất hồn. Dân làng cũng kiêng kị đi ngang miếu vào xế trưa và lúc nhập nhoạng tối, có việc gì cần thiết cũng phải đi vòng đường khác bởi nếu hợp vía thì thể nào cũng bị thần cây bắt giấu vào trong miếu, sau mấy ngày đêm mới thả cho về.
Tuy sống trên đất Cồn Dương suốt mấy trăm năm nay, nhưng cư dân Việt vẫn rất sợ miếu Cây Thị, một cành cây ngọn cỏ xung quanh khu vực đất miếu người dân cũng không dám giẫm đạp. Ông Nguyễn Duy Tùng cho biết, đứa con trai thứ của ông là Nguyễn Duy Cường đã từng bị thần miếu quở phạt. Vốn trước đây con trai của ông rất nghịch, thấy trên cây thị có nhành phong lan đỏ đẹp mắt nên leo lên lấy mang về. Vừa về đến nhà thì cu cậu sốt mê man mấy ngày liền. Ngoài ra trong xóm, có bà Lê Thị Hoa thường hay đi nhặt củi khô về đun bếp. Có lần bà vào miếu nhặt những cành thị rơi đem về đun nấu, không hiểu sao bỗng dưng bà đổ bệnh. Người nhà biết chuyện phải hốt hết tro đem trả lại gốc cây thị thì bà mới khỏe lại.
Có thể những câu chuyện ông Tùng kể chỉ là thời điểm trùng hợp ngẫu nhiên nhưng qua đó cho thấy người dân làng Phước Tích rất có ý thức gìn giữ bảo vệ cây thị quý.
Che chở cho dân làng qua chiến tranh
Ngày nay, dù dân làng có phát quang bụi rậm hay quét dọn xung quanh khu vực miếu thì tất cả cành, lá, rác các loại đều phải tập trung đốt tại miếu chứ không được mang đi nơi  khác. Tuy cây và miếu là của người Chăm, nhưng khi người Việt gặp nguy cấp, với lòng thành kính bao lâu nay, người Việt đã được thần cây, thần miếu bao bọc. Điểm đặc biệt của cây thị nghìn năm tuổi là bị rỗng ruột nhưng cành lá vẫn sum suê và sống khỏe với thời gian. Người dân Phước Tích cũng nhờ lòng bộng của cây để trốn khỏi sự truy đuổi của kẻ thù.
Theo lời kể của ông Hoàng Tấn Minh (Trưởng thôn Phước Phú), vào giai đoạn tiền khởi nghĩa những năm 1940, cư dân các xóm đều về đây cư ngụ để trốn giặc Pháp bắt đi phu, đi lính. Giặc Pháp truy đuổi ráo riết quá nên một số thanh niên trong làng liều mình chui vào ẩn nấp trong lòng bộng cây thị, đợi đến khi giặc đi rồi mới chui ra. Sau này, các tổ chức cơ sở Việt Minh thấy vậy chọn cây thị làm căn cứ hoạt động bí mật. Trong lòng bộng cây thị, các chiến sĩ dùng gỗ để đóng bậc tam cấp trong lòng cây, từ gốc đến ngọn chứa được cả một tiểu đội 12 người. Ban ngày, cả tiểu đội trú ngụ trong lòng cây bàn mưu tính kế đánh đuổi kẻ thù, đêm xuống mới tản đi hoạt động. Nhờ cây thị mà suốt những năm tháng chiến tranh, cả quân dân Phước Tích mới thoát khỏi họng súng của quân thù.
Ái Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét