Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Tục làm vía của người Thái

Làm vía thực chất là việc anh em họ hàng động viên, khích lệ người được làm vía để họ phấn chấn, vui vẻ vượt qua những tai ương trong cuộc sống. Một phần tốt đẹp của phong tục này chính là sự cố kết cộng đồng.

Theo quan niệm của người Thái, từ khi sinh ra đến khi trở về với cát bụi, một người Thái phải ít nhất hai lần được làm vía. Ngoài ra, người ta còn làm vía khi ốm đau bệnh tật, khi đi xa trở về, khi bị tai nạn; làm vía cho phụ nữ khi sinh, làm vía cho cô gái trước khi về nhà chồng, hay ông bà ngoại làm vía cho cháu khi năm hết tết đến, thậm chí là làm vía để cầu sinh được con gái, con trai...


Một phần tốt đẹp của tục làm vía chính là sự cố kết cộng đồng. Ảnh minh họa
Vía trong tiếng Thái là "khoắn" (hồn vía) và "làm vía" hay "gọi vía" (họng khoắn) là gọi hồn vía trở về nhà bố mẹ, vợ con, trở về với thể xác, để vía không đi lang thang nơi đất người, nơi bờ suối, bờ sông, bờ vực hay tránh xa các loài vật nguy hiểm trong rừng... Đây là quan niệm của người Thái khi họ gọi vía cho người đi xa trở về, người bị tai nạn, ngã sông, ngã suối hay ốm đau.
Bên cạnh đó, người ta còn làm vía chúc mừng: một cô gái trước khi lấy chồng sẽ được anh em bên nhà mẹ đẻ làm vía để chúc mừng và tiễn sang nhà chồng; một đứa trẻ sau khi sinh 3 ngày sẽ được làm vía báo với ma nhà; tết đến ông bà ngoại phải chuẩn bị một đôi gà to để làm vía cho các cháu ngoại, cầu mong cháu có được sức khỏe đi hết 5 con suối, 7 quả đồi mà mắt vẫn sáng, chân vẫn vững...
Người ta cho rằng khi đứa trẻ được 3 tháng tuổi là đã "sống được", đã "trở thành con người", đứa trẻ ấy sẽ được đặt tên và chính thức trở thành một thành viên của gia đình. Nhà có điều kiện có thể giết trâu, mổ lợn, đồ xôi và mời tất cả anh em, họ hàng nội ngoại đến chia vui, cùng cầu cho vía đứa trẻ cứng cáp, luôn ở trong cơ thể để nó khỏe mạnh, nhanh lớn, tránh được mọi tai ương, bệnh tật...
Còn khi một người già sắp qua đời, nghĩa là hồn vía họ sẽ vĩnh viễn rời khỏi cơ thể. Đây là lúc người ta cần được làm vía để linh hồn không bị lạc lối mà tìm đúng đường trở về với tổ tiên, ông bà. Làm vía là cách con cháu lần cuối được báo hiếu cha mẹ, làng bản tiễn đưa ông bà để hồn vía ra đi thanh thản.
Trong tục làm vía, vật có ý nghĩa hết sức quan trọng là cái áo của người được làm vía. Người ta cho rằng áo là vật tượng trưng cho con người và hồn vía sẽ theo cái áo đó mà trở về với thể xác của nó. Tục làm vía đã tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc Thái từ rất lâu. Làm vía thực chất là việc anh em họ hàng động viên, khích lệ người được làm vía để họ phấn chấn, vui vẻ vượt qua những tai ương trong cuộc sống, là cách cộng đồng thể hiện sự quan tâm đến một cá nhân nào đó theo tinh thần "mọi người vì một người". Gạt đi những hủ tục còn ít nhiều rơi rớt, phần tốt đẹp của phong tục này chính là sự cố kết cộng đồng, buổi làm vía là nơi mọi người gặp nhau, chuyện trò, thắt chặt hơn tình cảm anh em, tình cảm xóm giềng.
Ngày xưa người ta có thể tổ chức gọi vía cho người chết đến 3 ngày, kèm theo đó là đồ cúng, cỗ mời khách trong chừng ấy thời gian. Vậy nên làm vía vốn dĩ là việc làm tốt đẹp lại trở thành nỗi lo của không ít gia đình nghèo. Ngày nay, những thủ tục trong đám hiếu của bà con đã được đơn giản hóa và giữ lại phần ý nghĩa đẹp của tục làm vía đám ma. Trừ làm vía cho người sắp qua đời, những kiểu làm vía còn lại đều là vía ăn mừng để cầu mong điều tốt lành sẽ đến với người được làm vía.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét