Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Sò Mồng

Sò mòng
Nhắc đến Khánh Hòa là nhắc đến biển, biển trải rộng từ Năm chí Bắc tỉnh, lại có phong cảnh đẹp, thu hút khách trong ngoài nước ùn ùn kéo đến, đặc biệt vào những mùa hè nắng ấm. Tắm biển, thăm quan cảnh đẹp, lại được thưởng thức nhiều món đặc sản biển quả không còn gì tuyệt vời hơn cho một kỳ nghỉ. Trong các món đặc sản vùng biển thì ngoài cá, tôm, cua, ghẹ ra, không thể không nhắc đến các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như sò, nghêu, tu hài, vẹm, … Riêng sò cũng đã có hàng chục loại như sò huyết, sò lông, sò mồng, sò bung, sò điệp, sò dương … Ấn tượng hơn cả là sò mòng. Nghe tên thôi đã thấy tò mò. Vì sao người ta lại đặt tên như vậy. Có lẽ vì chính hình cơ thể của chúng mà ra. Sò mồng có hai vỏ hình cầu tròn, to bằng hai bàn tay úp nếu đạt đủ kích thước. Mặt sò có một chiếc vòi màu đỏ son như mào gà trống, khi chín chúng thò ra ngoài trông như mòng gà, đây là phần ngon nhất của giống sò này.
Bắt được giống sò này cũng phải lắm công phu, chứ không phải muốn là có. Ở quê biển, cứ đến rằm tháng năm âm lịch, khi nước biển rút ra xa, nhiều rạn san hô đã chết lòi ra, nhiều bãi rộng cả mẫu. Có nơi nổi lên giữa biển phải bơi ghe bơi xuồng mới ra được, có chỗ lại nối liền với bờ bằng những doi cát nước biển chỉ phả qua xâm xấp. Người đi bắt hải sản đông như hội. Già trẻ gái trai đủ cả. Người biết lặn thì có thêm kính lặn, túi lưới. Kẻ không biết lặn thì vác cào, vác cuốc, thuổng, cây xoi rồi kéo theo thúng mủng thau chậu dàn hàng mà đi.
Sò mồng vùi thân sâu dưới lớp san hô mục khoảng một vài gang tay. Giữa một bãi rạn mênh mông như vậy sẽ thật khó biết chúng ở chỗ nào mà tìm. Thật may, người ta cũng biết được mẹo để bắt. Giống này khi giấu mình thường nằm ngữa miệng lên trời, trong thân chứa đầy nước. Chỉ cần nghe tiếng động mạnh là chúng khép vỏ lại, tạo nên áp lực khiến nước trong cơ thể chúng phun ra ngoài qua chiếc mồng, phụt thành tia lên trên mặt đất. Lợi dụng điểm này, người ta lê dụng cụ đi theo bên mình, cứ cầm đầu cuốc thuổng mà dọng nhẹ xuống nền san hô, hoặc lấy chân dậm dậm vài cái, thấy chỗ nào có nước phun lên là y như rằng chỗ đó có sò mồng đang ẩn náu. Tia nước càng lớn, con sò bắt được càng to.
Vào những mùa khác, nước biển không rút cạn thì người ta phải lặn sâu xuống các rặng san hô để tìm bắt loại sò này. Khi đó đòi hỏi người có kinh nghiệm mới bắt được, thợ lặn dùng các dụng cụ chuyên biệt như cuốc chỉa ba răng, cào xuống các lớp san hô sâu dưới biển để tìm bắt. Trước đây, loại sò này khá nhiều, chỉ cần tìm ở bờ biển là đã có, nhưng nay sản lượng và mật độ phân bố của chúng ngày càng ít và mỏng, do nhu cầu của thực khách ngày càng tăng cao, nhất là vào mùa du lịch.
Sò mồng có nhiều cách chế biến, nhưng đơn giản và ngon nhất là hấp sả ớt chấm mắm gừng. Sò bắt được đem về rửa sạch, cho ngâm vào nước mặn để nhả hết bùn đất, sau đó rửa qua nước ngọt rồi đem hấp. Sả tươi cả củ và lá đập dập, lót xuống đáy xoong, đổ sò lên trên, ớt đỏ cắt miếng rắc lên trên, đậy nắp kín rồi cho lên bếp hấp. Không cần đổ thêm nước, sức nóng sẽ làm cho sò tiết ra nước tự nấu chín mình. Khi xoong hấp bốc mùi thơm của sả chín và thấy sò há miệng ra là đã chín và sẵn sàng để thưởng thức. Dùng nước mắm nhỉ, chút đường, ớt, dăm lát gừng tươi, chút tỏi và vài tép chanh, cùng cho vào cối quết nhuyễn keo lại tạo thành thứ nước chấm sánh đặc, vừa chua chua ngọt ngọt, cay hăng mùi gừng. Ăn sò mồng không cần dao nĩa, chỉ dùng tay. Tách mặt sò ra làm đôi, cầm lấy chiếc mồng đỏ kéo ra, chấm vào nước mắm rồi cho vào miệng nhai. Vị ngọt lập tức lan khắp trong vòm họng, càng nhai càng giòn ngọt. Món này có thể ăn no mà không thấy ngán, nhưng để ăn no e là hơi khó, vì chẳng có đâu ra mà nhiều sò để được ăn đến thế. Thức uống đi kèm nên dùng rượu, nhưng chỉ một hai chén nhỏ để làm tăng vị ngon và dễ tiêu món ăn, tuyệt đối không nên dùng bia, vì sò giàu đạm lại thêm bia lạnh, người yếu bụng sẽ rất khó chịu.
Mùa hè đang nồng, nếu có dịp đến các vùng biển của Khánh Hòa như Cam Ranh, Dốc Lết, Đầm Môn, Đại Lãnh, bạn nhớ tìm và thưởng thức món sò độc đáo này, chắc chắn đó sẽ là một trải nghiệm ẩm thực khó quên với bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét