Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Bí ẩn phía sau "A pó ủ phú" của người Hà Nhì

Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cái tình của con người cộng thêm những câu chuyện đời thực mà kỳ bí đã khiến tôi bao lần muốn ở lại.


Lần công tác mới đây, tôi được người bạn làm giáo viên nhiều "cắm bản" tại Thu Lũm (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) kể câu chuyện về "A pó ủ phú" ở bản Pa Thắng. Tất thảy phiến đá, nhành cây, con suối ở vùng cao này đều chất chứa trong đó những sự lý thú.
Truyền thuyết "A pó ủ phú"
Đối với người Hà Nhì ở Mường Tè (tỉnh Lai Châu), cái thiêng liêng để tôn thờ đôi khi rất đơn giản... một tảng đá! Một tảng đá tưởng bình thường mà chất chứa trong nó bao điều thú vị. Tôi nghe anh bạn nói mà đã thấy mê mẩn.
Hơn một trăm cây số đường rừng, đèo dốc quanh co, tôi theo chân anh vào xã nằm cuối cùng của huyện Mường Tè, Lai Châu. Anh thủ thỉ vào tai tôi: "Đừng ngại biên cương heo hút, nó chứa đựng cả một kho chuyện thần bí đấy".
Người Hà Nhì ở bản Pa Thắng, Thu Lũm, Mường Tè không bao giờ quên truyền thuyết
"A pó ủ phú" của mình
Đi "cắm bản" với giáo viên ở Mường Tè chỉ đơn giản một chiếc ba lô và con "min khờ" (xe máy - PV) làm hành trang. Anh bạn tôi quen quê gốc ở Ninh Bình, nhưng hơn mười năm dạy học ở Mường Tè đã cho anh nhiều kinh nghiệm xương máu. Đi ba giờ đồng hồ leo dốc, chúng tôi đã đến địa bàn xã. Anh bạn "gửi" tôi cho một người dân bản chính gốc và không quên một cái nháy mắt lém lỉnh: "Tha hồ "khám" nhưng đừng có "phá" nhé".
"Hoa tiêu" của tôi là một người đàn ông đã ngoài năm mươi tuổi có cái tên rất Hà Nhì: Chu Ló Sá. Ông Sá hiện làm kế toán cho phòng Y tế nên thông thạo tiếng Kinh và cũng là một trong số những người nắm rõ lịch sử của địa bàn.
Ông Sá kể: "Nhiều nhà báo ngang qua đây nhưng không nhiều người biết về "A pó ủ phú". Ông Sá vừa kể vừa dẫn tôi sang bản Pa Thắng, cội nguồn của truyền thuyết "A pó ủ phú". Ông bảo tôi đợi chừng năm phút sau, một người họ hàng ở bản Pa Thắng là Chu Là Hừ, 59 tuổi cùng đi.
Theo lịch sử ngàn đời truyền miệng lại thì ngày xưa, khắp cả vùng Tây Bắc là rừng già hoang vu không bóng người qua lại, chỉ có thú dữ gầm gào. Một đôi vợ chồng người Hà Nhì từ rất xa khi tới vùng đất Thu Lũm này thì dừng lại. Trong lúc nghỉ ngơi, người vợ sực nhớ mình quên chiếc khăn đội đầu ở nhà cũ, là vật báu của cha ông để lại. Mặc dù đường sá xa xôi nhưng người vợ vẫn quyết tâm về lấy chiếc khăn.
Người chồng ngồi đợi vợ lâu, đói mà hóa thành tảng đá. Nhưng lạ một điều, từ sau khi tảng đá xuất hiện, không còn thú dữ "lộng hành" nữa. Người Hà Nhì từ nơi khác bắt đầu đến đây làm ăn, sinh sống.
Bởi vậy, theo quan niệm của người Hà Nhì thì tảng đá (hình giống một ông già ngồi đợi vợ, gọi là ông già đá trắng - PV) được coi như cận thần của trời (Giàng, theo cách gọi của người Hà Nhì - PV) phái xuống trần gian giúp người Hà Nhì khai mở đất đai. Người Hà Nhì gọi ông già đá trắng là "A pó ủ phú".
"A pó ủ phú", như người bảo vệ biên giới và mang lại may mắn cho người Hà Nhì ở Pa Thắng, Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu
Độc đáo nghi lễ cúng "thánh thạch"
Thánh thạch - ông già đá trắng - "A pó ủ phú" là linh thiêng không ai được xâm phạm, đã ăn sâu trong tiềm thức của người Hà Nhì ở bản Pa Thắng. Thay vào những câu chuyện cổ tích như người Kinh ở dưới xuôi, bố mẹ, ông bà Hà Nhì ở đây thường ru con, dạy cháu bằng truyền thuyết "A pó ủ phú" ngay từ ngày nhỏ. Bởi thế, sau này, dù lớn lên, đi đâu, làm gì thì người bản vẫn ghi tâm khắc cốt và tìm về vào ngày cúng "thánh thạch".
Mỗi năm, trước Tết Nguyên đán, người Hà Nhì ở Mường Tè có tục cúng bản. Mỗi bản sẽ chọn ra một điều đặc biệt có ý nghĩa với riêng mình để cầu mong may mắn, an lành trong cả năm tiếp theo.
Lễ cúng bản, hay còn gọi là cúng "thánh thạch" của người Hà Nhì ở bản Pa Thắng sẽ bắt đầu từ ngày Sửu đầu tiên của tháng. Họ quan niệm, ngày con trâu đi rừng sẽ mang lại may mắn. Trong ba ngày cúng "thánh thạch", người dân bản "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Ngày thứ nhất là ngày cúng "thánh thạch", ngày thứ hai sẽ cúng "ma rừng", ngày thứ ba là ngày cúng tại bản. Ở cả ba ngày cúng, lễ vật sẽ giống nhau, có thể cúng bằng lợn, gà, dê, xôi và các món ăn mặn khác, kèm theo bánh dày.
Tuy nhiên, trong hai ngày cúng đầu tiên chỉ có đàn ông con trai là được tham gia. Đàn bà con gái, phải đóng kín cửa, ở trong nhà. Đây là quy định, nếu gia đình nào làm trái sẽ phải chịu phạt của cả bản. Đến ngày thứ ba, mọi người sẽ được tham gia với nhiều trò chơi và cũng được xem là ngày vui nhất trong lệ cúng "thánh thạch".
Ngày Sửu đầu tiên của tháng 11, bản Pa Thắng sẽ chọn ra một người được coi là chủ cúng để dẫn đoàn lên tảng đá trắng thắp hương tạ Giàng và cầu mong một năm mới làm ăn thuận lợi, no đủ. Người chủ cúng được lựa chọn khá kỹ. Trước ngày cúng thánh, những bậc cao niên trong làng sẽ thịt một con gà, luộc kỹ, róc hết thịt ở phần đùi trên của gà. Sau khi róc hết thịt, phần xương sẽ được cạo nhẹ và nổi ra một số lỗ.
Thầy cúng trong làng sẽ dùng tăm chọc vào các lỗ đó. Căn cứ vào số lỗ chọc được, hình thù mà các lỗ xếp thành, già làng và thầy cúng sẽ phán xem người nào trong bản năm đó hợp tuổi, hợp mệnh để làm chủ cúng. Người chủ cúng trước đây bắt buộc phải là người lớn tuổi, hiện nay, không phân biệt tuổi tác, chỉ cần qua tuổi dậy thì và hợp với các tiêu chuẩn đã định từ trước.
Ngày thứ hai đi cúng "ma rừng". Người trong bản chia ra đi cúng ở những nơi bụi cây rậm rạp được cho là có con ma cư ngụ. Họ cúng "ma rừng" với ý nguyện sẽ không quấy rối cuộc sống. Ngày thứ ba sẽ là ngày được đón đợi nhất vì đây là ngày cúng giữa bản, tất cả mọi người đều được tham gia. Thường lễ vật cúng sẽ là do mọi người trong bản tự nguyện đóng góp, là cơm xôi nhuộm màu.
Sau khi chủ cúng làm xong phần lễ, tất cả mọi người, đặc biệt là nam nữ lấy lại phần xôi của mình mang đến để ăn và vo thành viên nhỏ như viên bi dùng để ném nhau. Họ có thể ném nhau cả đêm sau đó, vui đùa và từ đây nhiều đôi lứa nhờ ném xôi, đuổi nhau, tìm nhau mà nên duyên vợ chồng.
Một điều đặc biệt nữa là tất cả trẻ con ở bản trong ngày này sẽ được bố mẹ chuẩn bị cho những quả trứng luộc nhuộm màu bằng lá cây rừng, buộc dây treo quanh cổ. Đó là ý nguyện cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp cho con cháu mình.
Câu chuyện hấp dẫn với hai người bản địa đã giúp tôi vượt qua hơn hai tiếng đi bộ xuyên rừng để "mục sở thị" "thánh thạch" của người Hà Nhì mà không mệt mỏi. Những nén hương được thắp cẩn thận, gọn gàng xung quanh ông già đá trắng. Thì ra, muốn lên đến tảng đá trắng phải được sự cho phép của người trong bản.
Bây giờ tôi mới hiểu tại sao, mặc dù biết rất rõ về "thánh thạch" nhưng ông Sá vẫn rủ thêm ông Hừ, là người chính gốc bản Pa Thắng đi cùng trong hành trình của chúng tôi.
Giữa cái hoang vu của núi rừng Tây Bắc trời về chiều, một niềm tin linh thiêng vào "thánh thạch" cũng đã ngấm dần trong tôi tự bao giờ.
Dọc đường về, ông Sá còn phiên dịch cho tôi lời của ông Hừ: "Ở địa bàn của người Hà Nhì, có những điều phải tuân thủ như là lời thề ngầm với trời đất. Ví dụ, đi vào khu vực cấm của bản như đường lên với ông già đá trắng thì kể cả những cành cây có khô cong thành củi và mục rũa theo thời gian thì cũng không ai lấy về dùng. Nếu lấy về, sẽ bị "thánh phạt" và gặp những điều không may mắn!".
Biểu tượng của niềm tinÔng Chu Sé Lù (SN 1969), Chủ tịch xã Thu Lũm, cho biết: "Ông già đá trắng, hay còn gọi là "thánh thạch" đã có ở địa bàn từ rất lâu, từ khi xã được hình thành. Người Hà Nhì nơi đây coi đó là biểu tượng của niềm tin để cầu mong những điều may mắn, hạnh phúc cho dân bản. Hàng năm, lễ cũng "thánh thạch" là lễ hội được đón đợi nhất của người Hà Nhì nơi đây. Đây cũng là một nét văn hóa độc đáo của người Hà Nhì".
Theo Nguoiduatin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét