Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Nghi thức mò tiền sau lễ cưới của người Chăm

.

- Tập tục… mò tiền sau khi cưới của những đôi vợ chồng trẻ người Chăm mang ý nghĩa, ai mò được nhiều tiền sẽ… nắm kinh tế trong gia đình.


Không như cộng đồng người Chăm ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi ở vùng biên giới An Phú, Tân Châu, Hồng Ngự…(An Giang) lại có những phong tục tập quán độc đáo, riêng biệt rất khác lạ so với những cư dân trong vùng. Một trong số đó là tập tục… mò tiền sau khi cưới của những đôi vợ chồng trẻ với ý nghĩa, ai mò được nhiều tiền sẽ… nắm kinh tế trong gia đình.

Để tìm hiểu về nghi thức lạ lùng này, chúng tôi may mắn gặp được anh Mohamed, 34 tuổi, một người Chăm ở thôn Hà Bao 2 (xã Châu Phong, huyện An Phú, tỉnh An Giang), người mới lập gia đình được 4 năm, nghe anh kể về chuyện mò tiền của vợ chồng mình. Anh Mohamed bảo, những đôi bạn trẻ người Chăm sau khi làm lễ thành hôn, trước đêm tân hôn phải tiến hành nghi thức mò tiền. Theo đó, những đồng tiền xu đủ nhiều sẽ được đặt vào một xô nước đầy và hai vợ chồng sẽ ngồi bên cạnh xô nước. Trong thời gian đúng một hồi chuông gieo, trước sự chứng kiến của ông Cả (người có uy tín trong thôn, làng) và cha mẹ, họ hàng, cô dâu chú rể sẽ cùng mò tiền trong xô nước. Kết quả rất đơn giản, ai mò được nhiều tiền hơn thì người đó sau này sẽ nắm giữ tiền trong gia đình để chi tiêu mà người kia không bao giờ than phiền bất cứ điều gì. Ngoài việc chi tiêu tiền, ngay cả những tài sản có giá trị trong nhà cũng do “người thắng cuộc” trong lần mò tiền ấy quản lý. Điều đáng nói là, những cặp vợ chồng người Chăm ở đây rất tôn trọng nghi thức này, họ tình nguyện làm theo mà không hề có bất cứ phản ứng nào chứ không chỉ là chuyện hình thức trong hôn nhân. Vì thế, trách nhiệm của người mò được nhiều tiền hơn cũng khá nặng nề, phải biết cách chi tiêu, quản lý tài sản trong gia đình như thế nào để mọi người cùng hạnh phúc chứ tuyệt nhiên không lợi dụng sự tín nhiệm để tư lợi cá nhân.

Nghi thức này sẽ theo họ trong suốt cuộc đời, nếu ai không tuân thủ, sẽ bị ông Cả và những người khác trong cộng đồng nhắc nhở công khai trong những buổi lễ ở Thánh đường, một điều mà không một người Chăm nào muốn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét