Làng Đăm nay là xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Tây Tựu trước kia thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Đây là một làng cổ có truyền thống văn hóa và sản xuất từ lâu đời . “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy" hay “Làng La canh cửi, làng Đăm đua thuyền"
là những câu ca dao quen thuộc vang đến tận kinh thành Thăng Long xưa.
Cứ 5 năm một lần, hội làng Đăm sẽ diễn ra trong ba ngày, từ mồng 9 đến
11 tháng ba âm lịch, thu hút nhiều du khách với hội thi bơi chải truyền
thống nổi tiếng trên khúc sông Nhuệ cũ, nơi đức thánh Bạch Hạc Tam Giang
Đào Trường đã hóa thân.
Từ
trung tâm Hà Nội theo hướng quận Cầu Giấy, theo đường 32 đến ngã tư
Nhổn, du khách chỉ đi vài cây số là tới làng Đăm. Về làng Đăm, du khách
sẽ có một cảm nhận thật yên bình khi rảo qua những gốc đa, giếng nước,
sân đình và nhiều dãy nhà ngói cổ chạy dài có tuổi đời ngót nghét cả
trăm năm nằm lặng lẽ dưới những tán bàng xanh mát.
Đình
làng Đăm thờ Đào Trường, còn gọi là Phúc thần Bạch Hạc tam giang, người
có công trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm thời Hùng Duệ Vương. Khi
giặc xâm chiếm nước Văn Lang, vua Hùng cho triệu Thổ lệnh Đào Trường để
bàn kế đánh giặc. Thổ lệnh tâu rằng: “Ta nên đón đường thủy mà đánh”.
Vua đồng ý và giao cho Đào Trường thống lĩnh thủy quân. Chỉ đánh một
trận mà đại quân đã dẹp tan quân giặc. Thắng trận trở về, ông được triều
đình giao trấn giữ kinh thành Bạch Hạc. Sau đó, ông tiếp tục chỉ huy
đại quân Văn Lang đánh tan cuộc xâm lược lần thứ hai của giặc phương Bắc
và dẹp yên cuộc nổi loạn ở Hồng Châu. Trên đường từ Hồng Châu trở về,
ông đã giao quyền chỉ huy quân đội cho em là Thạch Khanh rồi theo dòng
sông nhỏ đến trang Tôn Thất và hóa tại đây. Nhà vua phong cho ông là
Thượng đẳng phúc thần: dân làng Đăm lập miếu thờ ông từ đó. Ngoài ra vua
còn cho phép 171 làng khác lập đền thờ Bạch Hạc Tam Giang Đào Trường.
Vào
ngày hội trong đình sẽ đặt ba cỗ ngai. Một cỗ trong hậu cung, lớn và
được "mặc" áo trắng. Ngai thứ hai tiếp theo ngai ở hậu cung, được đặt ở
gian giữa đình, nhưng chỗ đó lại thấp hẳn xuống so với hai bên theo
chiều dọc của đình. Ngai thứ ba được đặt ở ngoài cùng và là ngai để: ước
ra ngự ngoài thuỷ tạ lúc thi bơi thuyền. Cả hai ngai thứ hai và thứ ba
đều được “mặc" áo vàng. Ngay cửa giữa của đình nhìn thẳng ra là liên
tiếp hai nhà thủy đình cách nhau khoảng bảy tám mét, được gọi chính ngự
trong và chính ngự ngoài. Vào những ngày hội, kiệu của đức Thánh rước về
được đặt ở chính ngự ngoài, còn chính ngự trong là nơi diễn ra các cuộc
tế lễ và sau đó là điểm xuất phát để rước ngai Thánh ra ngự xem bơi.
Thủy
tạ được xây dựng trên bờ sông vươn ra mặt nước. Nó chia thành ba phần
rõ rệt. Phần trung tâm là nơi ngự giá của kiệu Thánh, bên trái là chiếu
dành cho các bô lão cao tuổi và trong hội đồng tế lễ, bên phải dành cho
quan khách. Tất cả nhìn ra hướng mặt sông. Đây là một nhánh của sông
Nhuệ mà vốn xưa kia các cụ già nói rằng nó nối sông Hồng từ Gối xuống
với sông Nhuệ, nhưng nay đã bị cắt nên còn gọi là đầm Đăm. Khúc sông dài
khoảng 1000m và cuộc đua thuyền diễn ra tại đó, với vị trí xuất phát là
nhà thủy tạ và điểm cuối cùng là đoạn sông trước cửa miếu thờ đức Thánh
Tam Giang. Gọi là miếu nhưng đây thực chất là một ngôi đền lớn trong đó
còn giữ được khá đầy đủ bia ký và các đồ tế khí cùng hoành phi câu đối.
Mọi
sự chuẩn bị cho ngày hội được tiến hành từ trong năm. Ngày mồng 9 tháng
ba là ngày mở đầu cho lễ hội của làng. Nghi thức quan trọng nhất của
ngày hôm ấy là đám rước Thánh từ miếu xuống đình. Sau khi tế lễ ở đình,
làm lễ cáo yết ở miếu, người ta tiến hành rước ngai của Thánh về đình.
Đám rước long trọng với đủ lệ bộ và nghi trượng cùng những vị có trọng
trách trong ngày hội với đông đảo dân làng. Đám rước đi từ miếu Thượng
theo đường làng đi về đình. Tới đình kiệu rước Ngài được đặt ở chính ngự
ngoài. Sau đó các tay đô cùng bô lão rước Ngai của Ngài vào đình và ngự
tại đó.
Ngoài
sông, các thuyền đua của ba thôn cũng tiến hành bơi dạo. Vừa để chào
mừng ngày hội, chào mừng Thánh đồng thời cũng là để duyệt lại toàn bộ
các bước chuẩn bị của mình xem từ vị trí ngồi của từng trai bơi đã hợp
lý chưa, các tay chèo có điều gì phải sửa sang cho tốt và đều, nhịp bơi
có đồng đều ăn ý với nhau không; người chỉ huy, người chống sào, tát
nước, v.v. . . Tất cả gần như một cuộc duyệt lại từng chi tiết chuẩn bị
cho cuộc đua ngày hôm sau. Đồng thời đây cũng là lúc thăm dò trước luồng
lạch sao cho tiết kiệm được thời gian nhất mà lại đạt hiệu quả cao
nhất. Có thể nói, suốt đêm 9 tháng 3 mọi người đều náo nức chờ đợi. Các
trai bơi hồi hộp chuẩn bị cho cuộc thi đấu ngày mai. Dân làng ra thắp
hương lễ bái ngoài đình miếu. Các cụ trong ban khánh tiết thay nhau túc
trực nhang khói thờ Thánh. Sân đình rộn rã không khí ngày hội làng, đèn
đuốc sáng trưng, kẻ ra người vào tấp nập.
Mồng
10 tháng ba là ngày chính hội. Bảy giờ sáng mọi chuẩn bị cho ngày hội
phải được hoàn tất. Ngày hội bắt đầu bằng cuộc tế lễ long trọng của hội
đồng bô lão trong làng. Mọi nghi thức tế lễ được thực hiện từ chính ngự
trong qua quãng sân trước cửa đình và vào đến trong đình. Các bước tế
của mỗi tuần tế đều bắt đầu từ chính ngự trong vào đình. Đồ chấp kích,
chiêng trống, cờ quạt được xếp ngay ngắn suốt dọc hai bên từ chính ngự
trong vào cửa đình còn ở giữa được trải chiếu.
Khi
cuộc tế kết thúc, chiêng trống nổi lên rộn rã, báo hiệu cuộc rước sắp
bắt đấu, đồng thời là hiệu lệnh để những người có trách nhiệm chuẩn bị.
Nghe hiệu lệnh các trai kiệu chuẩn bị. Nghe hiệu lệnh các trai kiệu và
những người cầm cờ quạt, chấp kích từ khắp các ngả của hội lần lượt kéo
về chung quanh cửa đình. Kiệu rước Thánh được chuyển từ chính ngự ngoài
vào chính ngự trong.
Một
hồi chiêng trống nổi lên một số trai kiệu cùng các cụ rước ngai Thánh
từ trong đình ra chính ngự trong. Theo hiệu lệnh của một cụ già mặc áo
tím, cầm trống khẩu mọi người từ từ đặt ngai Thánh vào kiệu. Các cụ xem
xét lại tỉ mỉ xem việc đặt ngai đã vững chưa, có nghiêng ngả gì không,
lọng che trên ngai đã kín chưa, rồi bắt đầu xếp sắp đội hình. Thứ tự đám
rước như sau: hai thanh niên quần áo xanh, quấn xà cạp, mũ chóp nhọn
xanh, lúc trước đứng ở cửa đình với roi song đỏ trên tay, nay đi đầu làm
nhiệm vụ dẹp đường. Tiếp đến các nam nữ trẻ quần áo trắng, thắt lưng đỏ
và đầu quấn khăn đỏ cầm cờ và đồ chấp kích. Sau đó là hai cụ già mặc
quần áo tế màu xanh đi giật lùi, mặt hướng vào kiệu Thánh. Theo sau hai
cụ là một cụ già khác mặc quần áo tím, tay cầm trống khẩu làm hiệu lệnh
cho đám rước. Rồi đến kiệu Thánh với một cụ già mặc áo đỏ (là cụ từ giữ
đình) đi sát kiệu, để trông nom, sửa sang bước đi cho các đô kiệu, chỉ
bảo người cầm lọng đi sau kiệu che cho đúng ngai Thánh... Hai bên kiệu
là hai thanh niên mặc kiểu võ tướng (đầu đội mũ, thắt đai, đi ghệt. . .)
cầm gươm bảo vệ kiệu. Đi sau kiệu là các cụ già trong ban tế, các bô
lão đến tuổi thượng thọ với áo đỏ, áo vàng theo lớp tuổi cùng dân làng
đi rước Thánh. Hai bên lối kiệu đi người làng, khách thập phương chen
chân đứng xem đám rước với không khí vô cùng phấn chấn.
Trong
khi ngoài đình tiến hành rước kiệu thì ở các thôn những bước kiểm tra
cuối cùng cho cuộc đua thuyền được tiến hành. Từ chi tiết nhỏ được kiểm
tra và thống nhất giữa các trai bơi và người chỉ huy. Từng thôn làm lễ
tiễn đoàn thuyền đua của các thuyền của từng thôn được khiêng ra sông
dạo quanh đợi hiệu lệnh tập trung về thủy tạ.
Ba
thôn Thượng, Trung và Hạ mỗi thôn có hai thuyền đua. Xưa kia có thêm
một thuyền thứ bảy gọi là thuyền Quan. Thuyền Quan không đua mà chỉ làm
nhiệm vụ bơi theo quan sát cuộc đua.
Thuyền
đua dài tới 15m gồm 18 trai bơi và sáu người khác. Sáu người đó là: ông
lái (người lái thuyền), ông dô (là người bắt nhịp, chỉ huy), ông phất
cờ (người cầm cờ phất sang phải sang trái để cổ vũ anh em bơi), ông cầm
lạng (là người cầm sào, một đầu có móc sắt hình chữ U để chống và đẩy
thuyền khi thuyền sát vào thuyền khác một người tát nước (cầm gáo hoặc
thứ gì tiện lợi để hắt nước ra khỏi thuyền) và một trọng tài có nhiệm vụ
chỉ ngồi theo dõi các trai bơi và những người trong thuyền không được
phạm vi các luật lệ quy định. Trai bơi được chọn trong độ tuổi từ 20 đến
35 tuổi có kinh nghiệm và khỏe mạnh.
Đầu
thuyền của mỗi thôn đều gắn đầu của ba loài đỉa, ly, hạc. Riêng con hạc
luôn luôn gắn với hai thuyền của thôn Thượng vì thôn Thượng có miếu của
Bạch Hạc Tam Giang. Còn hai đầu đỉa và ly là của hai thôn dưới. Trong
hai thuyền của mỗi thôn lại chia ra một thuyền đông và một thuyền tây,
còn sáu thuyền được đánh số thứ tự cho dễ nhớ. Cuộc đua thuyền được tiến
hành bơi sáu vòng. Sáng ngày 10- 3 bơi hai vòng, chiều một vòng. Ngày
11- 3 cũng bơi ba vòng như vậy sau đó kết thúc hội .
Điều
thú vị ở đây là các thuyền đua sắp hàng bằng nhau trên một quãng sông
không rộng, thuyền lại to và dài chứ không xuất phát so le như ở hội đua
thuyền ở một vài nơi khác, chẳng hạn như ở Đồng Xâm. Do vậy khi xuất
phát, do sự bật lên khá mạnh của các tay bơi, vì vội vàng muốn bứt lên
khỏi thuyền khác để lấy không gian và đôi khi không tránh khỏi lúng túng
mà các thuyền đã túm tụm vào nhau. Thậm chí lúc đầu chưa chỉnh được tay
bơi nên không tạt nước đều tay, người lái chưa định hướng vì tầm nhìn
chật nên các thuyền có thể bị xiên ngang, quay cuồng ở một điểm. Vì thế
qui định của cuộc đua cho phép các thuyền chen nhau để tìm lối thoát
nhưng không được va chạm. Vai trò của người chống (lạng) lúc này là vô
cùng quan trọng. Anh ta ngồi ở đầu mũi thuyền cầm lạng ngang ra mắt chăm
chăm nhìn hai bên để đẩy và chèn bất cứ thuyền nào áp sát vào thuyền
anh ta. Thuyền đối diện cũng trong tư thế như vậy, do đó đã tạo ra một
cuộc tranh giành quyết liệt để bứt lên. Song người chống chỉ được phép
chen đẩy vào mạn thuyền hoặc mũi thuyền của đối phương chứ không được
phép làm bất cứ điều gì xấu ảnh hưởng đến thuyền bạn. Anh ta phải chèo
chống sao cho thuyền của anh ta có được không gian mà bứt lên. Do đó,
phút hồi hộp nhất chính là lúc này, vì chen chúc nhau nên có thuyền vội
vàng nghiêng ngả làm lật úp, song các trai bơi vẫn không bỏ cuộc mà nhảy
lên dốc nước, chèo thuyền tiếp tục cuộc đua. Tiếng hô hào của chỉ huy,
tiếng trống, tiếng phách cùng tiếng cổ vũ của hàng ngàn người đứng kín
hai bờ đã làm cuộc đua mỗi lúc một náo nức. Người các thôn rầm rập chạy
hai bên bờ sông cổ vũ cho thuyền thôn mình.
Việc
đẩy, chen và chống các thuyền bên cạnh để bứt lên theo dân gian ở đây
gọi là búng. Còn khi đến điểm mốc cuối ở đoạn sông trước cửa miếu Thánh,
các thuyền bơi cũng phải vòng qua một cột cờ (vòng từ trái sang phải),
cả người lái và người lạng (chống sào) phải lướt sao cho khéo đường
"cua" tiết kiệm đường đua và thậm chí vượt lên thuyền phía trước mình.
Cái đó người ra gọi là dóc và vót góc. Dóc và vót góc càng điêu luyện
thuyền đi càng nhẹ và nhanh, còn không khéo sẽ va vào cột mốc hoặc đường
cua quá rộng mà mất thời gian. Ngay cả khi các thuyền đã rãn ra nếu
người lái và lạng không khéo léo, các trai bơi không đều thuyền vẫn bơi
chậm và có trường hợp nước tràn vào thuyền làm đắm hoặc người bơi vội
tạt nước lộn nhào xuống sông. Khi đó cả thuyền bám sâu nếu không nhanh
xử lý tránh thuyền trước mà vượt lên thì cũng đắm nốt, như vậy sẽ cản
trở tốc độ rất nhiều. Người ta tính điểm từng thuyền về đích trước sau
mà xếp hạng cộng điểm cho cả đội. Sau một vòng đua các thuyền bơi được
nghỉ ngơi khoảng mười lăm phút để hồi sức và rút kinh nghiệm. Người các
thôn xô đến thuyền của mình mà nhận xét, nhắc nhở, góp ý cho các trai
bơi. Để rồi lại háo hức chờ vòng đua mới.
Trong
hai ngày đua thuyền, những lúc ngừng cuộc đua dưới sông thì trên mặt
đất sẽ diễn ra những trò chơi dân gian như: đô vật, thả chim, thi cờ bỏi
và nhất là chọi gà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét