Ngay từ khi có dấu hiệu mang thai người Tu Dí gọi họ là "tải sân", "tải" có nghĩa là mang, còn "sân" có nghĩa là thai, đây là từ dùng để gọi những người phụ nữ mang thai.
Người Tu Dí là một trong những dân tộc ít người
ở Lào Cai tính đến năm 2009 toàn tỉnh có 1.353 người, tập trung chủ yếu
ở huyện Mường Khương. Tri thức về chăm sóc sức khỏe cho người mang thai
được cộng đồng quan tâm chú trọng, giành nhiều điều tốt đẹp nhất cho
họ. Người Tu Dí rất coi trọng quá trình mang thai đến khi sinh nở mẹ
tròn con vuông. Vì vậy, họ đã chia ra các giai đoạn nhỏ để chăm sóc và
quan tâm đúng mực theo kinh nghiệm của các cụ để lại.
Ngay
từ khi có dấu hiệu mang thai người Tu Dí gọi họ là "tải sân", "tải" có
nghĩa là mang, còn "sân" có nghĩa là thai, đây là từ dùng để gọi những
người phụ nữ mang thai. Ngoài từ "tải sân" trong ngôn ngữ của họ còn có
các từ khác để chỉ những người này với ý nghĩa tương đương như:"sử dế
dân", "sử " có nghĩa là bốn, "dế dân" có nghĩa là người, tức là người
bốn mắt.
Tri thức dân gian thể hiện trong
những tục hèm, kiêng kỵ mà người Tu Dí đã đúc kết và trao truyền qua
nhiều thế hệ. Trong giai đoạn bụng mang dạ chửa việc đi lại trên đường
hay đi nương, rừng; họ phải để ý không được dẫm lên hay bước qua dây
buộc ngựa ở dưới lòng đường.
Theo
cách lý giải của người Tu Dí nếu đàn bà mang thai bước qua dây buộc
ngựa thì họ sẽ bị đẻ non trước tháng hoặc lại sinh con quá tháng, quá
ngày mãi mà không sinh hạ được. Người mang thai không được phép đến dự
đám cưới theo quan niệm của người Tu Dí vì ở bên trong người đó lúc nào
cũng có 4 mắt và hai người nên không được phép vào đám cưới, không được
đến dự đám ma. Người mang thai chú ý không được phép ăn thịt vịt, nếu
không kiêng sau này con đẻ ra đầu con cứ lắc lư như đầu vịt.
Không
được ăn thịt lợn nái hay những loại thịt có màu trắng bởi nó tanh,
không tốt cho sức khoẻ của bà chửa. Không được ăn cá, vì sau này khi
sinh đứa trẻ ra, da của đứa trẻ sẽ lên những cái vảy giống như vảy cá.
Không được ăncon ong, vì họ cho rằng nếu họ ăn những con ong, sau này
khi đẻ con ra trên da của nó sẽ nổi lên những nốt đỏ giống như nốt bị
ong đốt.
Một loại thức ăn bổ dưỡng cho bà mẹ
và thai nhi mang tính chất bắt buộc đối với những người mang thai con
đầu lòng đó là thịt lợn sề. Trong quan niệm của người Tu Dí nếu như
người nào chửa con so mà được các thành viên trong gia đình tìm thịt lợn
sề cho ăn thì rất tốt, chửa lần thứ hai trở đi có thể ăn hay không cũng
được, không quy định bắt buộc.
Lý do khiến
cho món này nhất định phải có trong bữa ăn của người chửa con so bởi vì
nếu như lần chửa đầu được ăn món này thì con sẽ khoẻ mạnh và không bị
bệnh tim "lái vú chu phông", "lái vú" có nghĩa là thịt lợn xề, tránh
được bệnh hay bị ngất, mệng chép chép.
Dù
người mẹ chỉ ăn một bữa xào hay nấu đều được. Còn nếu lần đầu mang thai
mà người mẹ không được ăn thì các lần chửa sau kiêng kỵ tuyệt đối không
được phép ăn thịt lợn xề như đã nói ở trên nếu không thì con sẽ bị bệnh
tim, đứa trẻ bị mang bệnh. Việc ăn được lần đầu sẽ tránh cho bà mẹ những
lần mang thai sau không sợ phải kiêng món ăn này nếu ăn nhầm hoặc mang
lại bệnh tật cho con.
Ngoài các hình thức
kiêng kỵ về đi lại và ăn uống, người Tu Dí còn sử dùng các bài thuốc an
thai: giành cho những người phụ nữ đang mang thai có tác dụng giữ thai,
an thai, tăng sức khoẻ cho bà mẹ, bổ dưỡng thai nhi: Người mới mang thai
hay sắp đến tháng đẻ bị đau bụng thì người Tu Dí có cách sau đây: dùng
nối buộc của cuộn chỉ về thái nhỏ cùng với lông của cây gọi là "chông
xủ".
Loại cây này có dây rất bền dùng để đan
quai của chiếc địu, gùi hoặc làm dây buộc rất tốt. Nối chỉ buộc đó gọi
là "xỉa cà ta", chỉ lấy một tý rất ít, loại chỉ này buộc cũng rất bền.
Ngày xưa loại chỉ này bán từng cuộn giống như cuộn len, họ mới lấy phần
nối buộc các đầu chỉ đó đem về đốt lên hoà với lông của cây "chông xủ"
này đốt cùng nhau thành than.
Tiếp tục lấy
loại than này đánh với lòng trắng của trứng gà, cho vào nồi cơm để hấp.
Lúc ăn không cần cho thêm bất kỳ một nguyên liệu gì khác. Làm như thế
liên tục 1 - 2 lần để ăn, không quy định thời gian ăn là trước bữa ăn
hay sau bữa ăn. Có thể ăn bất kỳ lúc nào cũng được nhưng thông thường họ
ăn ngay sau khi làm xong. Sở dĩ phải lấy lông của cây "chông xủ" vì nó
có tính chất làm dây buộc rất tốt, cùng với nối buộc cả hai kết hợp với
nhau giữ được thai trong bụng mẹ. Đến khi mang thai được 3 tháng thì tổ
chức lễ cầu cúng xin các thần trợ giúp quá trình mang thai và sinh đẻ
được an toàn.
Thầy cúng chọn ngày tốt để làm
lễ cúng cho gia đình. Mâm lễ gồm có ba đĩa xôi, ba ống gạo, ba bắp ngô,
ba bông lúa giống, một con gà luộc, ba chén rượu và một bát nước, đèn.
Mâm lễ được đặt ở trước bàn thờ tổ tiên. Thầy cúng ngồi trên chiếc ghế
cao trước bàn thờ tổ tiên cúng, hai vợ chồng ngồi ở đằng sau và thấp hơn
thầy cúng.
Thầy cúng vừa đọc nội dung bài
khấn vừa truyền phép vào bắp ngô và truyền phép vào lưng của người mang
thai ngồi ở đằng sau. Sau đó thầy cúng trao bắp ngô cho hai vợ chồng,
bắp ngô này phải đặt ở đầu giường ngủ của hai người và gìn giữ cho đến
khi sinh nở. Một bắp để nguyên ở trên bàn thờ, một bắp thầy cúng ném ra
ngoài vườn hàm ý sinh sôi nảy nở, phát triển.
Tìm
hiểu phong tục sinh đẻ của người Tu Dí góp phần vào việc gìn giữ những
giá trị văn hóa cổ truyền của tộc người đang đứng trước nguy cơ bị mai
một hiện nay. Tri thức về chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh của người Tu Dí
không chỉ thiên về kiêng kỵ và những lễ nghi phản ánh tín ngưỡng tộc
người mà còn kết hợp với nhiều bài thuốc dân gian được đúc kết từ ngàn
đời rất độc đáo, riêng biệt phản ánh một hệ thống những tri thức văn hoá
dân gian phong phú, giàu bản sắc tộc.
Theo TTĐT Lào Cai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét