Quá dốc Cửa Ngăn chừng trăm mét,
du khách hành hương vào Suối Tắm. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi chùa
thấp thoáng dưới vòm cây đại thụ.
Các ngôi chùa khác ở Yên Tử, muốn lên
trên đó phải trèo non. Riêng chùa Suối Tắm lại phải đi xuống vài mươi
bậc đá xếp. Nét riêng độc đáo của Chùa là điểm ấy.
Chùa suối tắm tọa lạc ở thế đất tựa như
đầu Rùa thiêng bên sườn dốc Cửa Ngăn, thuộc dãy núi Kim Cương. Trước
chùa là dòng suối trong mát, dân gian truyền lại rằng: Thuở xưa, mỗi khi
người dân đi vào rừng săn bắn, lấy củi, qua đây thường xuống tắm mát ở
suối này, tục quen gọi là " Suối Tắm". Cửa Ngăn là nơi giáp ranh giữa
núi rừng với vùng đồng bằng ven sông Bạch Đằng. Nơi đây, được gọi là cửa
rừng và truyền tụng trong dân gian là nơi ngăn cách giữa cõi Phật với
trần tục từ khi núi thiêng Yên Tử có Tăng sĩ đến tu hành và lập chùa thờ
Phật.
Tương truyền : Hơn 700 năm trước, khi
đến Yên Tử tu hành có lần Vua Trần Nhân Tông cùng Bảo Sái là đệ tử thân
tín của Ngài đã ghé qua đây. Trưa hè oi ả, tiếng suối mùa mưa réo rắt
hòa với tiếng chim rừng ca lảnh lót. Hoa rừng muôn sắc tỏa hương theo
gió thơm ngào ngạt. Bụi đường trường quyện lẫn mồ hôi khiến cả hai bức
bối. Vua Trần đóng khố, nhoài mình nơi dòng nước trong xanh. Dòng suối
cuốn trôi bụi trần ra sông biển. Kể từ độ ấy, suối được đặt tên là Suối
Vua Tắm.
Để người sau tắm suối dưới bóng cây râm
mát, Vua trồng cây đa bên bờ suối. Cây đa bây giờ chỉ là một nhánh đa
thuở trước còn sót lại, gốc trổ thành năm trạc như bàn tay Đức Phật xòe
chở che.
Hơn 700 năm qua, đã bao nhiên nước chảy xuôi dòng và thế sự đã bao lần thay đổi, nhưng không phôi pha dấu tích của Vua Trần. Bên Suối là Chùa, cảnh Chùa rợp bóng đa, bóng đại.
Hơn 700 năm qua, đã bao nhiên nước chảy xuôi dòng và thế sự đã bao lần thay đổi, nhưng không phôi pha dấu tích của Vua Trần. Bên Suối là Chùa, cảnh Chùa rợp bóng đa, bóng đại.
Xưa kia, nền Chùa chỉ có ngôi miếu nhỏ
thờ Bà Nguyệt Nga công chúa em của Quận He Nguyễn Hữu Cầu, một lãnh tụ
của nông dân khởi nghĩa ở thế kỷ 18. Công chúa Nguyệt Nga mất khi còn
trẻ, lại có công nên nghĩa quân chôn cất Bà ở đây và lập miếu thờ Bà,
tôn Bà như một Phúc đẳng thần trấn giữ cửa rừng này.
Người già kể lại: “Miếu này thiêng lắm.
Có một trẻ mục đồng buộc trâu cửa miếu đi tắm suối. Trâu làm nhơ bẩn cả
nền miếu, về nhà, đứa trẻ bỗng dưng không ăn không nói được. Chân tay co
quắp, nằm đâu ỉa đó, đau vật vã mấy ngày. Thầy lang chịu bó tay. May
nhờ một đứa trẻ cho biết việc thằng bé đã buộc trâu ở miếu, cả nhà ra
miếu quét dọn và làm lễ tạ tội. Cháu bé kia mới được bình thân”.
Đầu thế kỷ trước, nhà tư sản Bạch Thái
Bưởi được sự trợ giúp của tư bản Pháp quốc đã mở lò khai thác than ở khu
vực núi này. Để tạ thần núi, ông cùng vợ ba cho dựng một ngôi miếu to
đẹp hơn, mái uốn vòm cong thờ Mẫu Địa. Đó là phần hậu cung và bái đường
của ngôi Chùa hiện nay. Bức đại tự đề: “Đệ Nhị Địa Tiên” và cửa võng
trạm khắc Mai hóa Rồng cũng được tạc lên vào thời đó.
Thời kỳ chống Pháp, Chùa cầm Thực bị
cháy. Chuông, tượng của Chùa được nhân dân trong vùng chuyển xuống miếu
này. Miếu thờ tượng Phật, mặc nhiên trở thành Chùa. Miếu - chùa Suối
Tắm: Trước thờ thần, sau thờ Phật cũng là ở tích này. Về sau, có một
đoàn làm công đức ở Hải Phòng sang xây mở rộng bái đường. Ngôi chùa rộng
rãi và có quy mô như ngày nay.
Ở vào vị trí khá đặc biệt, ngày hè oi
bức, vào chùa Suối Tắm vẫn mát rượi. Hoa bòng, hoa đại sực nức hương
thơm. Mùa đông giá rét, dưới dòng Suối Tắm sương giăng khói nhưng ở trên
chùa vẫn ấm áp lạ thường. Dải núi quanh chùa như một bức thành chặn
đứng luồng gió bấc tràn về.
Bước xuống Suối Tắm lễ Phật và thắng
cảnh, du khách đừng quên thắp hương tưởng niệm Đức vua Trần, Công chúa
Nguyệt Nga, hồi hướng tâm linh về Bí Thượng - ngôi chùa Trình nơi cửa
ngõ Yên Sơn!
Khánh Chi (TTVN)
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét