Anh bạn thân ngoài Phù Mỹ gọi điện rủ rê: “Cuối tuần thu xếp về hải đăng Hòn Nước chơi một chuyến đi!
Mình sẽ rủ thêm mấy người bạn cùng xóm đi lặn biển. Bạn sẽ thỏa sức tắm
biển, lặn ốc, bủa lưới bắt cá. Đi một chuyến, không chừng, bạn lại
ghiền luôn đó”.
Hấp dẫn bởi lời mời gọi về một chuyến “đi săn” trên biển, ngày cuối tuần trời nắng đẹp, tôi cùng một người bạn chạy xe máy từ Quy Nhơn về hải đăng Hòn Nước.
Từ ngã ba thị trấn Bình Dương đi về hướng đông khoảng 10 km đến ngã ba Xuân Thạnh (Mỹ An), rẽ qua hướng Mỹ Thọ khoảng 4 km thì đến chân núi Gò Dưa. Từ đây, đi theo con đường nhỏ gần 1 km nữa mới đến được ngọn hải đăng nằm trên đỉnh núi.
Hải đăng Hòn Nước nằm trên đỉnh Gà Gô, thuộc dãy Gò Dưa (thôn Tân
Phụng, xã Mỹ Thọ huyện Phù Mỹ). Ngọn hải đăng này được xây dựng từ thời
Pháp thuộc và có tên gọi hải đăng Vũng Mới. Theo nhiều tài liệu, hải
đăng Vũng Mới hoạt động một thời gian, sau đó bị chiến tranh hủy hoại.
Đầu năm 1990 được xây dựng mới và chính thức đưa vào sử dụng vào ngày
26.3.1997. Tên hải đăng Hòn Nước được đặt theo tên một hòn đảo nhỏ gần
đó.
Hải đăng Hòn Nước chỉ là “điểm hẹn”. Thực ra, “điểm đến” của chúng tôi là bãi biển dưới chân núi Gò Dưa nằm phía sau ngọn hải đăng. Theo lời anh bạn, bãi này dân gian gọi bãi Con, có mấy doi cát nằm lọt thỏm giữa những gành đá nhỏ. Từ trên cao nhìn xuống thấy cơ man nào là đá. Đá lớn, đá nhỏ như đang “dàn trận” đón những con sóng ngoài xa xô bờ.
Vô tình, “đội quân đá” tạo nên những hõm nước nhỏ trong xanh, là nơi kiếm mồi và trú ẩn lý tưởng của nhiều loài cá. Theo anh Bùi Tuấn Việt, nhân viên trạm hải đăng, bãi biển này đẹp, thích hợp với các chuyến tham quan, cắm trại. Những bãi đá thiên tạo đã tạo nên những vũng nước êm, câu cá hoặc lặn biển rất lý thú. Những ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ có rất nhiều người từ các nơi về đây tắm biển, vui chơi. Ngọn hải đăng Hòn Nước trở thành một “điểm hẹn” dễ nhận biết nhất.
Từ trạm hải đăng, chúng tôi men theo con đường nhỏ đi xuống biển. Núi Gò Dưa chỉ toàn những bụi cây lúp xúp. Chà là nhiều vô kể. Cây chà là ra trái vào mùa hè. Trái chín đen bóng, ngọt lịm, ăn no mới thôi. Những ai từng lớn lên ở vùng núi hoặc bán sơn địa, hẳn đều có những kỷ niệm về mùa chà là chín. Tiếc là, giờ đã sang đầu thu…
Trời dần về trưa. Nắng gắt. Nhưng là thời điểm lý tưởng để chúng tôi thực hiện “chuyến đi săn” của mình. Theo lời giải thích của anh Định, người địa phương, trời càng nắng, sóng êm và nước biển càng trong. Chỉ cần mang kính lặn, lặn xuống nước có thể nhìn rõ mọi thứ dưới đáy biển.
Như để chứng minh lời mình nói, anh kéo tôi ra hõm nước sâu giữa những gành đá, hướng dẫn cho tôi cách mang kính lặn, sau đó “ùm” một cái. Một không gian trong lòng biển mở ra với những bất ngờ, thú vị. Giữa làn nước trong vắt được ánh nắng soi chiếu, mở mắt nhìn qua kính lặn trông rõ mọi thứ mồn một. Tôi quạt tay, trườn người qua những mỏm đá với thiên hình vạn trạng nằm dưới đáy biển trong cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái. Để mặc tôi vẫy vùng thỏa thích, anh Định tay vịn chiếc thau nhôm, mặt úp vào nước để săn bọn nhum, ốc nằm dưới đáy. Phát hiện được con nào, anh lại lặn xuống nhặt bỏ vào thau. Bắt ốc biển mà cứ nhẹ nhàng như rong chơi vậy!
Phía bên kia gành đá, nhóm anh Tuấn mang kính lặn theo dõi hướng đi
của đàn cá. Khéo léo lùa chúng bơi vào gành, sau đó vây bủa lưới vòng
ngoài và đuổi. Tay lưới dài hơn chục sải, mới mua một triệu rưỡi và bữa
nay là ngày anh Tuấn mang đi “khai trương”. Bị truy đuổi, lũ cá dìa, cá
mú, cá bò da… tháo chạy tán loạn, va vào lưới tung rần rật.
Sau hơn hai giờ săn đuổi, ngụp lặn, vẫy vùng trong làn nước biển xanh, chúng tôi bắt đầu thấm mệt. Thành quả của chuyến đi cũng khá ấn tượng nên chúng tôi quyết định dừng “cuộc săn” để lên bờ thưởng thức. Vừa leo lên mỏm đá, Hoàng- anh chàng trẻ nhất trong nhóm- vội “nhón” con nhum trụi trong thau nhôm, lấy cái rựa mang theo chẻ làm đôi, dùng ngón tay gẩy miếng thịt nhum vàng ươm đưa lên miệng nuốt cái ực! Trong khi tôi “mắt tròn mắt dẹt” kinh ngạc thì anh chàng cười ha hả. Anh Tuấn giải thích: “Nhum trụi thịt ngon, bổ cực kỳ luôn. Dân biển bọn tui thường ăn vậy cho khỏe”. Nói xong, anh chẻ một con nhum làm đôi, mời tôi dùng thử nhưng tôi đành lắc đầu
Lửa được nhóm lên dưới chân núi sát mé biển. Những con cá dìa to bằng bàn tay được xiên vội qua nhánh dương, nướng trên lửa than hồng rực. Mỡ cá chảy xèo xèo, ngút khói.
Trời ngả sang chiều. Nắng hanh hao. Mùi cá nướng thơm lừng, lan tỏa. Trong chếnh choáng hơi men, thấy cuộc đời thú vị trong từng chuyến đi…
Hấp dẫn bởi lời mời gọi về một chuyến “đi săn” trên biển, ngày cuối tuần trời nắng đẹp, tôi cùng một người bạn chạy xe máy từ Quy Nhơn về hải đăng Hòn Nước.
Từ ngã ba thị trấn Bình Dương đi về hướng đông khoảng 10 km đến ngã ba Xuân Thạnh (Mỹ An), rẽ qua hướng Mỹ Thọ khoảng 4 km thì đến chân núi Gò Dưa. Từ đây, đi theo con đường nhỏ gần 1 km nữa mới đến được ngọn hải đăng nằm trên đỉnh núi.
Hải đăng Hòn Nước chỉ là “điểm hẹn”. Thực ra, “điểm đến” của chúng tôi là bãi biển dưới chân núi Gò Dưa nằm phía sau ngọn hải đăng. Theo lời anh bạn, bãi này dân gian gọi bãi Con, có mấy doi cát nằm lọt thỏm giữa những gành đá nhỏ. Từ trên cao nhìn xuống thấy cơ man nào là đá. Đá lớn, đá nhỏ như đang “dàn trận” đón những con sóng ngoài xa xô bờ.
Vô tình, “đội quân đá” tạo nên những hõm nước nhỏ trong xanh, là nơi kiếm mồi và trú ẩn lý tưởng của nhiều loài cá. Theo anh Bùi Tuấn Việt, nhân viên trạm hải đăng, bãi biển này đẹp, thích hợp với các chuyến tham quan, cắm trại. Những bãi đá thiên tạo đã tạo nên những vũng nước êm, câu cá hoặc lặn biển rất lý thú. Những ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ có rất nhiều người từ các nơi về đây tắm biển, vui chơi. Ngọn hải đăng Hòn Nước trở thành một “điểm hẹn” dễ nhận biết nhất.
Từ trạm hải đăng, chúng tôi men theo con đường nhỏ đi xuống biển. Núi Gò Dưa chỉ toàn những bụi cây lúp xúp. Chà là nhiều vô kể. Cây chà là ra trái vào mùa hè. Trái chín đen bóng, ngọt lịm, ăn no mới thôi. Những ai từng lớn lên ở vùng núi hoặc bán sơn địa, hẳn đều có những kỷ niệm về mùa chà là chín. Tiếc là, giờ đã sang đầu thu…
Trời dần về trưa. Nắng gắt. Nhưng là thời điểm lý tưởng để chúng tôi thực hiện “chuyến đi săn” của mình. Theo lời giải thích của anh Định, người địa phương, trời càng nắng, sóng êm và nước biển càng trong. Chỉ cần mang kính lặn, lặn xuống nước có thể nhìn rõ mọi thứ dưới đáy biển.
Như để chứng minh lời mình nói, anh kéo tôi ra hõm nước sâu giữa những gành đá, hướng dẫn cho tôi cách mang kính lặn, sau đó “ùm” một cái. Một không gian trong lòng biển mở ra với những bất ngờ, thú vị. Giữa làn nước trong vắt được ánh nắng soi chiếu, mở mắt nhìn qua kính lặn trông rõ mọi thứ mồn một. Tôi quạt tay, trườn người qua những mỏm đá với thiên hình vạn trạng nằm dưới đáy biển trong cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái. Để mặc tôi vẫy vùng thỏa thích, anh Định tay vịn chiếc thau nhôm, mặt úp vào nước để săn bọn nhum, ốc nằm dưới đáy. Phát hiện được con nào, anh lại lặn xuống nhặt bỏ vào thau. Bắt ốc biển mà cứ nhẹ nhàng như rong chơi vậy!
Sau hơn hai giờ săn đuổi, ngụp lặn, vẫy vùng trong làn nước biển xanh, chúng tôi bắt đầu thấm mệt. Thành quả của chuyến đi cũng khá ấn tượng nên chúng tôi quyết định dừng “cuộc săn” để lên bờ thưởng thức. Vừa leo lên mỏm đá, Hoàng- anh chàng trẻ nhất trong nhóm- vội “nhón” con nhum trụi trong thau nhôm, lấy cái rựa mang theo chẻ làm đôi, dùng ngón tay gẩy miếng thịt nhum vàng ươm đưa lên miệng nuốt cái ực! Trong khi tôi “mắt tròn mắt dẹt” kinh ngạc thì anh chàng cười ha hả. Anh Tuấn giải thích: “Nhum trụi thịt ngon, bổ cực kỳ luôn. Dân biển bọn tui thường ăn vậy cho khỏe”. Nói xong, anh chẻ một con nhum làm đôi, mời tôi dùng thử nhưng tôi đành lắc đầu
Lửa được nhóm lên dưới chân núi sát mé biển. Những con cá dìa to bằng bàn tay được xiên vội qua nhánh dương, nướng trên lửa than hồng rực. Mỡ cá chảy xèo xèo, ngút khói.
Trời ngả sang chiều. Nắng hanh hao. Mùi cá nướng thơm lừng, lan tỏa. Trong chếnh choáng hơi men, thấy cuộc đời thú vị trong từng chuyến đi…
Báo Bình Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét