Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

“Homestay” ở thôn Nặm Đăm

Những mái nhà lợp ngói âm dương đượm màu thời gian ẩn mình dưới chân núi, những bức tường bằng đất sét cũ kỹ ánh lên vàng óng trong nắng mai hay chiều muộn... Tất cả dệt nên một Nặm Đăm vừa riêng vừa lạ.

Du khách nước ngoài ngồi uống nước tại một gia đình làm dịch vụ “Homestay”.
“Homestay” (kinh doanh dịch vụ du lịch lưu trú tại nhà dân) bắt đầu hình thành và đi vào hoạt động ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ) từ năm 2011. Du khách ăn nghỉ, tham gia các sinh hoạt và cùng gia chủ khám phá về văn hóa bản địa. Cách trung tâm huyện khoảng 2km, cảnh vật và con người nơi đây đậm sắc màu truyền thống. Những mái nhà lợp ngói âm dương đượm màu thời gian ẩn mình dưới chân núi, những bức tường bằng đất sét cũ kỹ ánh lên vàng óng trong nắng mai hay chiều muộn... Tất cả dệt nên một Nặm Đăm vừa riêng vừa lạ.

Trong tổng số 51 hộ dân của cả thôn thì có gần 20 hộ dân làm du lịch theo mô hình “Homestay”. Nhìn từ trên lưng chừng núi, trước khi vào thôn đã thấy những nếp nhà xinh xắn nằm trải dọc theo thung lũng. Chúng tôi chọn nhà ông Lý Đại Duyên, Bí thư chi bộ thôn, trưởng Ban quản lý du lịch thôn Nặm Đăm, để tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân nơi đây. Vừa chia tay với đoàn khách về Hà Nội, gia đình ông lại tất tưởi đón đôi du khách là người Pháp từ đầu ngõ, sau vài câu làm quen, khi khách đã yên vị ngồi uống nước, ông mở cuốn sổ xem lại ý kiến phản hồi của khách du lịch về dịch vụ “Homestay” của gia đình cho chúng tôi xem: “Họ có ưng cái bụng thì mình mới cảm thấy yên lòng, nếu họ chưa ưng thì bà nhà tôi lại trăn trở mấy hôm không ngủ được. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã đón được trên 60 lượt khách quốc tế”, ông bộc bạch tâm sự.
Làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm được du khách biết đến bởi những làn điệu dân ca, dân gian truyền thống như hát đối, hát giao duyên, hát đám cưới... của dân tộc Dao; cũng như các lễ hội tiêu biểu như lễ Cấp sắc, lễ cúng Cơm mới, lễ hội Cầu mùa v.v... Tại đây, du khách sẽ có dịp thưởng thức các món ăn dân tộc địa phương do người dân tự chế biến. Ngoài ra đồng bào ở đây còn có nghề thêu hoa văn trên trang phục dân tộc, tự may những bộ đồ với những nét hoa văn độc đáo được trang trí hài hoà trên trang phục của người phụ nữ, cùng với đồ trang sức bằng bạc như hoa tai, vòng cổ, vòng tay, và khăn quấn đầu đã tạo nên sự duyên dáng khác biệt cho người phụ nữ dân tộc Dao. Thôn đã thành lập một Ban quản lý du lịch cộng đồng, có trách nhiệm quản lý chung hoạt động du lịch của thôn. Mỗi tháng một lần, các hộ làm du lịch lại tập trung để tập huấn kỹ năng giới thiệu, quảng bá văn hóa, ẩm thực của dân tộc, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm du lịch...

Đi sâu vào thôn, đến gia đình nào cũng thấy trong nhà ngoài ngõ sạch sẽ, công trình phụ hiện đại, hộ nào làm du lịch trước mỗi cổng đều có treo biển “Homestay” sẵn sàng đón khách. Trong các ngôi nhà truyền thống trình tường, gia chủ chỉ mua thêm những tấm đệm, chăn màn và ga gối, sửa sang hoặc xây mới khu vệ sinh... vậy là đã mời được du khách tới ăn nghỉ ngay trong nhà mình.
Bên cạnh dịch vụ nghỉ tốt, du khách cũng hài lòng với những bữa cơm được phục vụ khi có nhu cầu. Thức ăn chủ yếu là những món ăn bình dân của bà con: rau ngoài nương, cá dưới ao, gà lợn do nhà tự nuôi cùng với những món ăn truyền thống của đồng bào; rất đơn giản nhưng lại gây ấn tượng sâu sắc với du khách. Qua những bữa cơm như thế, giữa du khách và người dân như gần gũi và hiểu nhau hơn, đồng thời du khách cũng có thể thấy rõ hơn cuộc sống bình dị, chân chất của đồng bào dân tộc bản địa. Có lẽ đã khá quen thuộc với việc khách lạ có thể đến thăm nên mọi sinh hoạt của đồng bào vẫn diễn ra bình thường. Không lời mời chào vồn vã nhưng những bộ bàn ghế được kê sẵn ngay trước hiên như đã thay lời. Chỉ cần hỏi gia chủ dăm ba câu, du khách sẽ nhận được câu trả lời với thái độ lịch sự và mến khách; dù họ biết chắc chúng tôi không có ý định nghỉ trọ hay nhờ nấu ăn gì...
Mô hình “Homestay” đã tạo cơ hội cho văn nghệ dân gian được duy trì, hiện nay thôn có một đội văn nghệ gồm 12 người hoạt động thường xuyên để phục vụ nhu cầu của xã và khách du lịch. Chia sẻ thêm về những thay đổi của thôn từ khi làm du lịch cộng đồng, ông Duyên nói: “Từ khi làm du lịch, vấn đề vệ sinh môi trường tại thôn đã được người dân ý thức hơn. Từ khi có du khách nước ngoài chúng tôi dần dần tự tin, thân thiện và cởi mở hơn trong giao tiếp. Người dân cũng thấy rõ hơn giá trị văn hóa của dân tộc mình và thấy mình cần phải giữ gìn để mãi mãi cho con cháu về sau. Vì văn hóa truyền thống của mình đẹp và khác lạ nên khách mới ghé thăm”.
“Homestay”đã làm cho Nặm Đăm thay da đổi thịt, đồng bào nơi đây đang và sẽ làm du lịch “homestay” tốt để lưu giữ văn hóa truyền thống và cuộc sống khấm khá hơn nhờ các nguồn thu từ du lịch. Hình ảnh đôi du khách người nước ngoài ngồi uống nước, chuyện trò dưới mái hiên nhà ông Duyên là những tín hiệu tốt đẹp về một hướng phát triển du lịch mới, bền vững và hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn, mời gọi du khách!

TRẦN HIỀN/ Báo Hà Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét