Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Thắm mãi màu xanh Hà Nội

Trong cuốn “Atlas cây cổ thụ Hà Nội” do Trung tâm Giáo dục Truyền thông và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) thực hiện cách đây chưa lâu nói Hà Nội có 725 cây cổ thụ thuộc 60 loài, 30 họ, nhiều cây có tuổi thọ hàng trăm năm, phân bố rải khắp các quận, huyện nội ngoại thành Hà Nội.

Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã công nhận 9 cây Muỗm 700 năm tuổi ở đền Voi Phục thuộc “Cây Di sản Việt Nam”. “Cụ Muỗm” nhỏ nhất có chu vi thân 2,92m, cao 17m, cây to nhất chu vi thân 5,2m, cao 29m. Ở Hà Nội, cây Muỗm có nhiều ở khu vực đền Quan Thánh, đền Voi Phục và khu vực chùa Láng… Xưa, cứ mỗi độ xuân về, Muỗm lại trổ hoa, hương thơm thanh khiết lan tỏa khắp các làng cổ Hà Nội.

Mảnh đất phường Khán Xuân cũ, nơi bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX) từng sống, có vườn Thảo mộc mà dân gian quen gọi là Bách Thảo, nay là công viên Bách Thảo, có nhiều cây cổ thụ, thuộc hàng trăm loài khác nhau, thân thẳng cao vút, cành lá xum xuê nhiều tầng. Ở đây có nhiều cây Sưa cổ thụ, hoa nở trắng như tuyết mỗi khi xuân về.
Bên bờ hồ Gươm, có cây Lộc Vừng gần trăm tuổi, chu vi 3,2m, cao 13,5m, có 9 thân như 9 con rồng uốn mình vươn ra mép nước. Các bậc cao niên bảo rằng, cây có thế tài lộc theo phong thủy phương Đông. Thu về, hoa nở đỏ rủ bóng mặt nước trong xanh, lúc chiều tà le lói nắng vàng tỏa hương thơm nồng nàn.
Kề hồ Gươm, ở số 71 Hàng Trống, có cây Đa Lông hơn 600 tuổi , chu vi gốc 6m, cao hơn 30m, tán xòe rộng hình ô vươn xa hơn 20m. Xa hơn một chút, Hà Nội còn có nhiều cây di sản kì thú khác như: cây Đa tại Đông Anh có đường kính 4,38m, cao 24,5m. Hay như ở chùa Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm có cụm cây Bồ Đề 6 gốc chụm nhau, tuổi đời gần 700 năm, chu vi trung bình 5,5m, chiều cao vút ngọn 24m…
Bên cạnh việc khảo cứu cây cổ thụ, các nhà khoa học cũng đã tiến hành điều tra được 44.641 cây tại 477 đường phố thuộc 1.002 phường của 9 quận, huyện nội thành Hà Nội. Trong đó, đã số cây lớn tập trung ở các quận trung tâm như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm.
Những quận mới thành lập sau này chủ yếu là lượng cây nhỡ và nhỏ.Cây xanh bóng mát ở Hà Nội có khoảng 172 loài thuộc 55 họ thực vật. Trong đó có 21 loài cây cho hoa, 26 loài cây ăn quả, 14 loài dầu, nhựa, 3 loài cây làm thuốc, 3 loài cho tanin nhuộm, 12 loài cây gỗ quý, có giá trị kinh tế. Diện tích cây xanh công cộng ở Hà Nội nằm rải các vườn hoa, công viên, đường phố.
Đặc biệt, khu thành cổ gồm phố Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Chu Văn An, Trần Phú với những con đường dài và rộng, hai bên đường trồng nhiều cây xanh có giá trị thẩm mĩ cao, tạo vẻ đẹp riêng cho Thủ đô.
Cây xanh đường phố Hà Nội đứng bên dòng đời cuộn chảy, thay lá mỗi mùa. Những con phố dài rợp bóng cây, hồ nước in bóng liễu, những đình, đền, chùa xanh bóng Đa, Muỗm… Tất cả cùng hòa quyện vào nhau, tạo nên một Hà Nội nghìn năm cổ kính và xanh mãi với thời gian.
quehuongonline

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét