(Dân Việt) - “Vui dự tiệc cưới, hồi môn/ Buồn khi ăn cỗ ly hôn đôi đường/ Gái trai nhớ lệ buôn mường/ Duyên lành đã định phải thương suốt đời” - ngay từ khi biết lên rẫy, biết thêu thùa, biết ngó mặt cười để làm dáng, làm duyên, thanh niên nam nữ người Khơ Mú ở non ngàn Nậm Nhóng, Quế Phong (Nghệ An) đã được “người lớn trong nhà, người già trong buôn” chỉ dạy cho những điều quan trọng ấy.
Ở buôn Khơ Mú, khi một cặp vợ chồng nào đó nảy
sinh mâu thuẫn đến độ muốn chia tay nhau thì buộc cả hai phải cùng tới
báo cáo với trưởng buôn toàn bộ sự tình. Trưởng buôn sẽ tổ chức cuộc họp
để cử ra đội hòa giải kết hợp với tất cả bà con trong buôn luân phiên
đến gặp cặp vợ chồng xảy ra mâu thuẫn để tìm cách hàn gắn. Nếu mọi nỗ
lực hòa giải đều không có kết quả, trưởng buôn mới đồng ý cho chuyển
nguyện vọng (lá đơn) xin ly hôn lên cấp chính quyền cao hơn, đồng thời
đề nghị hai vợ chồng phải ký cam kết bồi thường theo tục lệ, cụ thể nếu
là vợ chủ động đòi ly hôn thì phải trả lại cho họ nhà chồng 6 chỉ vàng
cùng bò, lợn, gạo tẻ + nếp, 2 ché rượu cần và cau, trầu khi làm lễ hỏi.
Còn nếu chồng là người đòi ly hôn thì phải bù cho bên họ vợ toàn bộ chi
phí làm cỗ khi lễ cưới diễn ra tại nhà gái. Ngoài ra, người chủ động ly
hôn sẽ là đối tượng bị động trong việc phân chia tài sản chung và ngay
kể cả việc nhận nuôi con cái.
Tục lệ của buôn
làng quy ước, một ngày sau khi chính thức được chính quyền cho phép ly
hôn, cặp vợ chồng vừa bỏ nhau phải trở về buôn để chuẩn bị làm lễ ly
hôn. Theo nghi thức, lễ ly hôn được tổ chức ở nhà bố mẹ của người vợ
trước. Và cũng như đám cưới, gia đình người vợ phải cho người đi đến các
gia đình trong buôn mời đại diện đến tham dự. Một ngày sau, đến lượt
gia đình người chồng cũng tổ chức nghi lễ tương tự. Cũng cúng bái tổ
tiên, có rạp, loa đài, cũng mổ bò, mổ lợn và sắp cỗ, ăn uống rộn ràng dù
đa phần bà con đều bảo “ăn cỗ ly hôn là không ngon miệng và chán
nhất”...
Kết thúc lễ ly hôn, cặp vợ chồng đã
chia tay sẽ có một đêm cuối cùng sống bên nhau tại căn nhà chung của hai
người. Đêm hôm ấy, thường họ sẽ thức với nhau đến sáng để tâm sự và rồi
ngày sau đó, người vợ và những đứa con (nếu vợ bị chồng bỏ) sẽ soạn đồ
đạc và về nhà ngoại ở, chính thức chia tay nhau.
Bà
con Khơ Mú trong buôn còn kể lại rằng, nhờ những thủ tục dù rườm rà
nhưng cảm động trong lễ ly hôn mà đã có không ít cặp vợ chồng nghĩ lại
để rồi chỉ ít hôm sau lại xin với buôn làng cho tái hợp.
Vinh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét