Sông Tây Ninh là con sông đào, chảy qua đồng đất một số xã ở huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây và Hà Tây cũ, nay là ngoại thành Hà Nội.
Ngày ấy mỗi tỉnh ở miền Bắc đăng tên kết nghĩa với một hoặc hai tỉnh ở miền Nam. Cả nước ta thành từng cặp tỉnh anh em kết nghĩa như: Sơn Tây-Tây Ninh; Hà Đông-Cần Thơ; Hà Nội-Huế-Sài Gòn; Hải Phòng-Đà Nẵng, Thái Nguyên-Nha Trang; v.v….
Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, có một công trình thủy lợi đào đắp với quy mô liên xã ở vùng Sơn Tây, đã vinh dự được mang tên tỉnh kết nghĩa miền Nam, đó là “Sông Tây Ninh”.
Con sông đào thủy lợi với nhiệm vụ tưới tiêu cho cả đồng đất mấy xã Hương Ngải, Canh-Dị Nậu, Chàng Sơn… bằng sự huy động chính sức người sức của và tinh thần xây dựng Hợp tác hóa nông nghiệp của bà con xã viên trong vùng.
Là công trình mang ý nghĩa chính trị của giai đoạn này nên các tổ chức xã hội và đặc biệt là tuổi trẻ thanh thiếu niên, học sinh địa phương những ngày lễ, chủ nhật, đến tham gia lao động công ích đào sông, đồng thời giăng cờ, biểu ngữ cổ vũ cho ý nghĩa công trình…
Đến nay, thời gian qua đi với nhiều thăng trầm của đất nước, Sông Tây Ninh gắn kỷ niệm ấu thơ của nhiều thế hệ người Làng Ngái xứ Đoài, vẫn êm trôi một dòng, thầm lặng công việc muôn thuở của mình.
Mỗi lần về quê đi trên con đường mới dọc bờ sông mùa bạch đàn trút vỏ, những người con xa quê lại thấy trào dâng một cảm xúc rất riêng, chút hoài niệm êm đềm và thầm hát: “Ơi con sông quê, con sông quê / Sông còn nhớ chăng…”
Bạch đàn mùa trút vỏ bên sông Tây Ninh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét