Hàng năm, đúng dịp 28/6 âm lịch đồng bào Vân Kiều lại tổ chức buổi Lễ truyền thống lớn nhất trong năm, Lễ cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu cho bản làng bình yên, dân bản khoẻ mạnh
Theo lời mời của Trưởng bản Hồ Mót, PV tìm lên với bản Nà Lâm, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đúng dịp người dân nơi đây tổ chức ngày Lễ truyền thống lớn nhất trong năm của họ. Bản Nà Lâm nằm trong khu vực biên giới, dù chỉ cách Trung tâm xã hơn 5 km đường rừng nhưng muốn đến với Nà Lâm, phải vượt qua một chặng đường đầy gian nan với những dốc cao dựng đứng, lởm chởm đá. Nếu không phải là tay lái lụa, sẽ chẳng người nào dám chạy xe máy để vào thung lũng Nà Lâm. Trong ảnh: Những ngồi nhà sàn thưa thớt, nằm rải rác, lưng dựa vào vách núi ở Nà Lâm. |
Hàng năm, đúng ngày 28/6 âm lịch, cũng như những bản làng Vân Kiều khác, khi những cơn mưa rừng bắt đầu đổ xuống, đồng bào ở Nà Lâm lại tổ chức "Lễ cầu mùa" sau khi mới vừa gieo xong những hạt giống lúa, ngô, đỗ... Do vụ mùa năm trước thất thu khiến dân bản đói ăn, thiếu uống nên năm nay Già làng cùng với Trưởng bản bàn nhau tổ chức Lễ cúng sớm hơn thường niên. Trong ảnh: Những đứa trẻ Nà Lâm theo mọi người đến khu đất cấm của bản làng để tham dự Lễ cầu mùa |
Nơi tổ chức Lễ cầu mùa là khu đất cấm của người Vân Kiều được gọi Là Pe-nơi thờ cúng các vị thần các bậc tiền nhân hay ma xứ của bản làng, nằm sát vách đá và phải đi qua con đường rậm rạp sát chân núi. Mỗi năm, cả bản làng chỉ đến đây được 2 lần đó là Lễ cầu mùa và Lễ cúng mừng năm mới dịp Tết Nguyên Đán. Những ngày khác trong năm, người dân trong bản xâm phạm Là Pe nếu bị bắt gặp, sẽ bị phạt 1 con lợn 40 cân để tế các vị thần, xin lỗi các bậc tiền bối của bản làng. Trong ảnh: chàng thanh niên Hồ Hải đang chuẩn bị đồ lễ là một cái thủ lợn |
Đồ lễ để cúng Lễ cầu mùa của người Vân Kiều bao gồm rất nhiều thứ như thịt thú rừng, gà, rượu, trầu... Trước đây, dịp Lễ lớn, người Vân Kiều lại vào rừng săn một con thú lớn như hươu, nai hoặc lợn rừng về để làm lễ nhưng do điều kiện thú rừng ngày càng khan hiếm nên được thay bằng lợn nuôi. Do dân bản Nà Lâm có đến 100% hộ nghèo, nhiều người phải đi làm ăn xa nên Già làng quyết định chỉ cúng 1 thủ lợn với một con gà trống choai. Trong ảnh: Hồ Hải và Hồ Xoan, hai thanh niên chưa vợ được nhận nhiệm vụ chuẩn bị đồ lễ |
Đúng ngày tổ chức Lễ cầu mùa, Già làng là người đầu tiên được phép đặt chân vào vùng cấm Là Pe, sau đó mọi người mới được phép vào. Từ sáng sớm, đàn ông, thanh niên trai tráng trong bản đều phải tập trung vào đây để phát cây rừng, dọn dẹp và chuẩn bị mọi thứ. Những thanh niên trai tráng chưa vợ trong bản mới được chọn để chuẩn bị đồ lễ. |
Hồ Xoan trịnh trọng đặt mâm lễ lên Là Pe, nơi thiêng liêng nhất của người Vân Kiều. Ba năm trước, một doanh nghiệp có trụ sở tại TP Đồng Hới đã xây dựng giúp đồng bào ở bản Nà Lâm để khu Là Pe được lát gạch, đá một cách đàng hoàng hơn. |
Mâm lễ gồm một thủ lợn, đuôi lợn cùng 4 khúc vó (chân lợn) tượng trưng cho cả con lợn và một con gà trống choai đã được luộc chín. Trên bàn thờ có đầy đủ rượu, muối, ớt giã |
Việc thờ cúng của người Vân Kiều rất chặt chẽ. Chỉ có những người đàn ông dưới sự điều hành của Già làng mới được phép thực hiện các thủ tục như chuẩn bị đồ lễ, quét dọn bàn thờ...., người Vân Kiều cho rằng "đàn bà có thân thể không sạch sẽ nên nếu để họ đến gần hoặc làm lễ cúng, sẽ bị thần linh, con ma xứ trách phạt cả bản làng" |
Sau khi đồ lễ được đặt lên bàn thờ Là Pe, hương được thắp lên, Già làng là người trực tiếp làm lễ cúng |
Trước sự chứng kiến của toàn thể dân bản, Già làng Hồ Xe (67 tuổi) ngồi trước Là Pe lầm rầm khấn vái, đọc những câu thần chú của riêng người Vân Kiều để trình bày, báo cáo với các vị thần đất đai, sông núi, các bậc tiền bối và cả con ma xứ nơi người Vân Kiều sinh sống. |
Bài khấn kéo dài gần 30 phút với mục đích cầu xin thời tiết thuận lợi, đất đai tươi tốt, vụ mùa mới bội thu, bản làng bình yên và dân bản khoẻ mạnh, ấm no. Bài khấn cúng Lễ cầu mùa gồm 3 đoạn, kết thúc mỗi đoạn, già làng lại bốc một nhúm gạo trước mặt vung vào bàn thờ đồng thời tay cầm 2 thẻ tre tung lên y hệt như các thầy cúng người Kinh xin quẻ. Sau khi bài cúng kết thúc, nếu 2 thẻ tre vẫn chưa "cùng nằm sấp", Già làng sẽ buộc phải tiếp tục gieo xin que tiếp đến khi các thần cho phép mới thôi |
Cúng xong, mâm lễ được bưng xuống để mọi người chuẩn bị bữa cơm chung cho cả bản cùng nhau quây quần ăn uống giữa rừng |
Mâm cơm mừng Lễ cầu mùa được soạn ngay trước Là Pe dành cho những người có địa vị trong bản như già làng, trưởng bản, Bí thư chi bộ, thầy lang và các vị khách dưới xuôi lên... |
Phụ nữ, trẻ em được ngồi ở những mâm riêng |
Bữa cơm cúng cầu mùa, Lễ quan trọng nhất trong năm của người Vân Kiều diễn ra dưới tán khu rừng thiêng với những gốc cây cổ thụ ở vùng cấm địa Là Pe. Những gốc cây ở đây không một ai được phép chặt hạ dù cây gỗ có quý hiếm đến đâu bởi người Vân Kiều quan niệm rằng, chặt cây ở nơi trú ngụ của các vị thần, của ma xứ sẽ bị trách phạt |
Tan cuộc, mọi người lại dắt nhau về với những ngôi nhà sàn ở thung lũng Nà Lâm. Già làng Hồ Xe là người cuối cùng ròi khỏi cấm địa Là Pe, thắp hương báo với các vị thần, hẹn dịp Lễ cuối năm mọi người sẽ lại sum vầy trong bữa cơm đầm ấm của người Vân Kiều |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét