Dù đã hơn 11 giờ khuya nhưng quán đông khách đến ủng hộ.
Nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, Tp.HCM), quán “chè đèn dầu” của ông bà Tư đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân địa phương cũng như những thực khách mê chè, hảo ngọt. Ngót nghét cũng gần 40 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên hai vợ chồng ông tư bày hàng chè trên vỉa hè ngồi bán, từ lúc trời xâm xẩm tối cho đến tận đêm khuya…
“GIA TÀI HÀNG CHÈ” CỦA ĐÔI VỢ CHỒNG 70
TUỔI
Chè là món ăn dân dã có từ lâu đời trong danh sách ẩm thực Việt. Những khi buồn miệng, người ta thường muốn thưởng thức một chén chè nóng giữa không gian lành lạnh, hay nhấp những thìa chè mát lạnh giải nhiệt vào những ngày trời oi bức. Ăn chè dường như đã trở thành sở thích và là thói quen của nhiều người, bất kể người lớn hay trẻ nhỏ, nam hay nữ.
Ở Sài Gòn, mỗi khi nhắc đến chè, người ta có thể đưa ra hàng tá sự lựa chọn với đủ các loại từ chè miền Bắc, miền Nam, cho đến chè Thái, chè Mỹ… Chè nhiều, quán đông, tuy nhiên để tìm ra một quán chè thực sự đặc sắc, mang âm hưởng đúng chất một món ăn vặt truyền thống của người Việt Nam xưa quả không dễ chút nào. Có lẽ vì vậy mà nhiều người cho rằng, quán “chè đèn dầu” nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Kiệm (số 504, đối diện trường Mầm non Sơn Ca 9) là quán chè “có một không hai” khi vẫn giữ trọn vẹn hương vị tự nhiên của từng loại chè nơi đất Sài thành phồn hoa đô thị này.
Ông Tư còn chuẩn bị một ấm trà nóng để thực khách nhâm nhi sau khi ăn chè. |
Quán chè của ông bà Tư đến nay cũng đã gần 40 năm tuổi. So với cái tuổi tròm trèm 70 của ông bà thì tính ra nghề bán chè đã gắn bó cùng hai vợ chồng ông hơn nửa đời người. Gọi là quán cho sang chứ thực ra chỉ là khoảnh sân trước nhà người ta, đêm xuống khi chủ nhà đóng cửa thì ông bà mới dọn hàng ra ngồi bán. “Gia tài hàng chè” cũng không có gì nhiều nhặn, chỉ là một cái bàn thấp vừa đủ để kê 5 nồi chè, cùng với mấy cái ghế nhựa con con cho khách ngồi, một ngọn đèn dầu tù mù thắp sáng.
Hàng ngày, cứ tầm 7 giờ tối là đôi vợ chồng già lại hì hục dọn hàng. Ông giúp bà đẩy từng nồi chè vừa được nấu nóng hổi từ một căn nhà trong hẻm gần đó sang vỉa hè quen thuộc. Công việc chuẩn bị cho 5 nồi chè là do một tay bà Tư đảm trách: sáng bà đi chợ, trưa về ngâm đậu, nhồi bột, đến khoảng 2-3 giờ chiều thì bắt tay vào nấu. Những ngày trời mưa, ông Tư kê bàn sát vào mái hiên và nỗi lo của ông bà lại nhiều hơn vì khách ít, bán chậm, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải ngồi đến 1-2 giờ sáng, bán hết chè mới dọn hàng.
CHÈ BÌNH DÂN, BÁN BẰNG… TÂM
“Chè đèn dầu” của ông bà Tư có tất cả 5 loại, bao gồm: chè hoa cau (táo xọn), chè đậu trắng, chè trôi nước, chè đậu xanh bột báng và chè chuối chưng. Trong đó, chè đậu xanh bột báng và chè trôi nước là hai hương vị được nhiều thực khách yêu thích thưởng thức nhất. Dù chỉ là quán chè nhỏ trên vỉa hè nhưng khách rất đông, từ khách quen đã ăn chè hàng chục năm đến những vị khách vãng lai nghe danh quán tìm đến.
Ông ăn nốt chén chè cuối cùng sau một đêm bán vất vả. |
Đáng nói là, hễ những ai đã từng ăn “chè đèn dầu” rồi thì rất khó để không quay lại lần 2, lần 3 và nhiều lần nữa, bởi cái đặc biệt của chè ở đây là vị nấu rất vừa ăn, không quá ngọt, không làm gắt cổ họng dù khách có ăn bao nhiêu chén đi nữa. Một lần tình cờ ghé quán lúc hơn 10 giờ đêm, gọi một chén chè chuối của ông Tư. Cầm chén chè trên tay, múc từng muỗng nhỏ đưa vào miệng, một mùi vị ngọt thanh, thơm phức lan tỏa trên đầu lưỡi. Đúng là thứ cảm giác vừa khiến con người ta vui thích vì được thỏa mãn cái thú “hảo ngọt”, vừa hài lòng vì có thể thưởng thức một chén chè ngon giữa đêm nơi đất Sài thành với một cái giá khá “bèo”: 5.000 đồng/chén - mấy năm rồi giá vẫn giữ nguyên.
Ông Tư tâm sự: “Mình bán là để mưu sinh kiếm sống thật, nhưng buôn bán cũng phải bằng tâm. Thấy khách ăn khen ngon, lần sau đến ủng hộ nữa là vui rồi. Chè bình dân mà, tăng thêm mấy ngàn mà mất đi một lượng khách thì tăng làm gì!”. Nhìn đôi bàn tay chai sần đầy nếp nhăn chậm rãi múc từng chén chè cho khách mới thấy ông Tư là người cẩn thận thế nào. Mỗi chén chè, sau khi múc xong ông đều kỹ lưỡng dùng chiếc khăn trắng lau sạch xung quanh chén, phòng khi chè hay nước cốt có lỡ dính vào sẽ được lau đi, không làm rít tay khách.
Chè chuối chưng được rắc mè ăn rất thơm. |
Đối với những vị khách ngang đường mua về nhà cũng vậy, và dù khách có đông, có phải chờ lâu một chút nhưng ai nấy đều vui lòng khi thấy sự tỉ mỉ, chu đáo, sạch sẽ của ông. Hỏi vui ông Tư, vì sao ở thời buổi này rồi mà vẫn còn xài đèn dầu, không dùng đèn điện cho khỏe, ông cười hiền: “Chiếc đèn dầu đã gắn bó với quán chè mấy chục năm nay, người ta ai cũng quen gọi “chè đèn dầu Nguyễn Kiệm” rồi, tự nhiên mình đổi thì có phải làm mất cái đặc trưng vốn có của quán không?”.
Dưới ánh đèn dầu chập chờn giữa đêm, ngồi thưởng thức những món chè ở cái quán nhỏ vừa bình dị vừa ấm cúng này, bất giác tôi chợt nhớ đến hai câu hát:
“Đêm xin bình yên nhé, con đường vàng ánh trăng
Đèn dầu khuya quán quen chờ sáng...” của nhạc sĩ Việt Anh trong ca khúc Đêm nằm mơ phố.
Và nhìn sang, thấy vợ chồng ông Tư tóc bạc đang múc chè, cười tươi với khách bên ngọn đèn dầu, tôi lại thấy có cái gì đó ấm áp và hiền hòa lắm, khác hẳn cái ồn ào, náo nhiệt của phố xung quanh.
Hạ Yên / Duyên dáng Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét