Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Độc đáo Lễ hội cầu voi Đào Xá


Đào Xá là miền đất cổ, có nền văn hoá lâu đời cách đây khoảng 1.800 năm thuộc vùng đất Khuất Động Liêu, thuở khai sơ có tên là Làng Dâu, Làng Da, sau này đổi tên thành làng Đào Xá. Theo đó, đình và đền Đào Xá cũng đã có từ rất lâu đời.
Đình Đào Xá được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Đức Nguyên, năm Giáp Dần (1674- 1675) do 12 dòng họ trong làng xây dựng. Đình thờ thần Đức Hải Công - là em họ Hùng Vương. Tương truyền, thời dựng nước, ông được cử về trị nhậm ở vùng này, tích cực tổ chức nhân dân trị thuỷ, chống lũ bảo vệ mùa màng. Từ đó đến nay, nhân dân Đào Xá tôn thờ ông làm Thành Hoàng làng.
voi dat

Đền Đào Xá có tên gọi là đền Tam Công thờ 3 vị Thuỷ thần con của Hùng Hải Công, đó là Đạt Công Long Vương, Mãn Công Long Vương và Uyên Công Long Vương. Bên cạnh đó, đền Đào Xá còn thờ bà Trang Hoa công chúa là vợ của Hùng Hải Công và thờ bà Quế Hoa - người hầu của Trang Hoa công chúa. Tuy là nơi xa kinh đô, nhưng do địa hình bí mật, cảnh vật hữu tình, Đào Xá là nơi luôn được đón tiếp các vị anh hùng của dân tộc. Thời nhà Lý, tướng quân Lý Thường Kiệt đã đưa quân sĩ về đây luyện tập để chống quân xâm lược nhà Tống. Trước cảnh núi non hùng vĩ, trùng điệp, tướng quân đã cảm tác bài thơ "Thần" hiện còn lưu giữ tại đền Tam Công.

Thời nhà Trần, Trần Nghệ Tông đưa quân về đây lánh nạn, chiêu tài hiền sĩ và luyện tập binh mã để đánh Dương Nhật Lễ… Ngày 12-8-1945, tại ngôi đình này, Việt Minh và du kích địa phương bắt và xử lí tri huyện Đào Bá Kỷ khét tiếng gian ác trong vùng. Sau Cách mạng tháng Tám, đình là nơi hội họp của cán bộ Việt Minh, nơi tập trung của một số đơn vị thiếu sinh quân, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích chuẩn bị cho các chiến dịch Tây Bắc, hòa Bình, Điện Biên…. Đặc biệt vinh dự, ngày 26-1-1964, tại ngôi đình này Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đào Xá được đón Bác Hồ về thăm. Năm 1990, đình Đào Xá được Bộ VH&TT cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Còn tục rước voi tương truyền rằng: Thời Hùng Vương, trong một buổi vãn cảnh, du xuân nhằm ngày 28 tháng Giêng từ Thọ Xuyên qua Dị Nậu về Đào Xá, vợ chồng Đức Hải Công ( tức Hùng Hải Vương) đã lập hành cung nghỉ lại tại Đào Xá. Tại đây, bà Trang Hoa công chúa là vợ của Hùng Hải nằm mộng và sau đó mang thai, sinh hạ được ba người con. Khi trưởng thành cả ba vị được phân bổ đi trị nhậm ở 3 nơi là Ngọc Tháp, Thọ Xuyên và Đào Xá. Hùng Hải Công được Vua ban cho 2 thớt voi chiến đi trị nhậm tại sông Nhị thuộc địa phận Hải Dương theo lệnh của Đức Vua.

Do có công với dân, với nước, khi hoá thân các vị đều hiển Thánh và được nhân dân hương khói ngàn đời. Từ đó, nhân dân Đào Xá có lệ Cầu Voi vào ngày 28 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội Cầu Voi là một sinh hoạt văn hoá mang ý nghĩa giáo dục và tính nhân văn sâu sắc. Năm nào cũng vậy, du khách thập phương về trảy hội đông đủ, tấp nập, bán mua nhộn nhịp cùng các trò chơi truyền thống, trò chơi dân gian... Hai ông Voi ngự tại sân đình là tâm điểm chú ý của nhân dân, nhất là các em nhỏ. Ai cũng muốn lại gần để ngắm nghía, để đùa nghịch với các ông Voi.

Bằng tấm lòng hướng về nguồn cội, bà con nhân dân trong vùng và du khách thập phương đã đóng góp nhiều công sức cùng Đào Xá bảo vệ, lưu giữ vốn cổ quý báu của quê hương với khao khát những di sản vật thể và phi vật thể đó sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét