Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Nguồn gốc vua Lý Công Uẩn: Mơ hồ về bà Phạm Thị

(Kiến Thức) - Lịch sử đã chứng minh về 2 bà Phạm Thị, một người là mẹ, một người là bà của Lý Công Uẩn. 

Lịch sử đã chứng minh về 2 bà Phạm Thị, một người là mẹ, một người là bà của Lý Công Uẩn. Tuy nhiên, tư liệu về bà nội Phạm Thị Tiên quá ít nên chúng tôi không thể tường tận. Còn mẹ vua Lý Công Uẩn, bà Phạm Thị Ngà cũng đầy những mơ hồ lẫn sai lệch. 
Và để gửi đến độc giả Báo những tư liệu sát thực, chúng tôi đã cùng một số nhà nghiên cứu và nhà sử học tìm hiểu tỉ mỉ những văn bia lẫn sắc phong đương triều và hậu triều để đưa ra một kết luận được coi là chính xác nhất về bà Phạm Thị Ngà và quê hương Dương Lôi – làng “Sấm”. 
Nơi qua đền xuống ngựa
Nhà nghiên cứu lịch sử Trần Viết Điền có đưa chúng tôi cuốn sách “Việt sử lược”, bên trong có đoạn ghi vỏn vẹn thế này: “Thái Tổ - húy là Uẩn, họ Nguyễn (Lý)... người Cổ Pháp, Bắc Giang... Mẹ là Phạm Thị, ngày 17/2 sinh ra vua”. Chúng tôi có đối chiếu với các sử sách khác cũng không thấy cho biết thêm gì về bà Phạm Thị.
Tuy nhiên, các câu chuyện dã sử lại cho biết một cách phong phú hơn. Bia chùa Tiêu có tên “Lý gia linh thạch” có ghi: “Thiên Tâm tự tự chủ tộc tăng Lý Vạn Hạnh Cổ Pháp nhân giã đặc Đông Ngạn Hoa Lâm nhân Phạm mẫu tiêu giao kỳ tự”. Tạm dịch: Chùa Thiên Tâm  chủ trì tăng viện sư Lý Vạn Hạnh người Cổ Pháp. Đặc biệt phía Đông bờ sông, Hoa Lâm có bà Phạm mẫu khi lên chùa đèn nhang...”.
Nguon goc vua Ly Cong Uan: Mo ho ve ba Pham Thi
Chùa Dận, nơi sư Lý Khánh Văn nằm mộng có Thiên tử đến. 
Với sự chỉ dẫn từ bia “Lý gia linh thạch”, nhiều nhà sử học cho rằng bà Phạm Thị quê ở Thái Đường – Mai Lâm (Đông Anh, Hà Nội). Ở đây có địa danh Hoa Lâm, lại có di tích liên quan đến nhà Lý, nhưng sự nhầm lẫn này lại liên quan đến bà nội vua Lý Công Uẩn – tức bà Phạm Thị Tiên.
Ở Dương Lôi, xã Tân Hồng, thị xã Từ Sơn lại có nhiều di tích liên quan đến nhà Lý. Đầu tiên phải kể đến đình Dương Lôi với cổng ngũ quan thuộc hàng đẹp nhất Việt Nam. Các nhà sử học đồng ý rằng, phải nơi đây là tôn thất nhà Lý thì mới có điều kiện xây dựng như thế.
Hơn nữa, chùa Minh Châu (tức Cha Lư) sau ngôi đình này là nơi mà bà Phạm Thị Ngà đã hạ sinh Lý Công Uẩn với những câu chuyện và cả di vật mang tên: Dao cắt rốn, chậu tắm, ao tắm...
Cách ngôi đình này 300m hướng về phía Đông lại có ngôi đền mang tên Thiên Đài nhìn về hướng Bắc nơi có chùa Tiêu. Nơi đây có con đường cái quan mà tục truyền lại rằng, các vua quan nhà Lý về thăm đều phải xuống ngựa, vào đền thắp hương. Đáng chú ý là cánh rừng bên cạnh là rừng hoa mai vẫn còn địa danh Du Lâm – Hoa Lâm để các vua quan thưởng ngoạn.
Bên trong đền, bức đại tự có ghi, xin tạm dịch: Từ xưa đền Dương Lôi đã linh thiêng/Triều Lý tám đời bắt đầu từ đây.
Vậy, trong ngôi đền này thờ ai? Xin thưa, thờ bà Phạm Thị Ngà, tức mẹ vua Lý Công Uẩn. Qua những văn bia, thần phả, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền khẳng định: “Dương Lôi chính là nơi sinh ra Lý Công Uẩn”.
Nguon goc vua Ly Cong Uan: Mo ho ve ba Pham Thi-Hinh-2
Bà Phạm Thị Ngà từng làm thủ hộ ở chùa Tiêu. 
Bà Phạm Thị và thần nhân
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa ở xóm Long Châu thuộc hương Diên Uẩn châu Cổ Pháp nằm giữa một vùng thắng địa. Một hôm, có ông thầy địa lý đi qua, xem thế đất có hình bông hoa sen tám cánh, mà tâm của nó nằm ở cánh đồng của làng. Gần đó nổi lên gò đất hình rồng ấp.
Với thâm ý, ông thầy cho đào sông và ao ở 19 nơi huyệt địa cho đứt long mạch. Ít lâu sau, có vị cao tăng đi qua phát hiện ra điều đó đã cho dân lấp lại sông và trồng một cây gạo. 
Vào thời đó, trong làng có một gia đình nghèo họ Phạm gồm hai ông bà và cô con gái tên là Ngà, nết na xinh đẹp. Một ngày kia, bệnh tật đã cướp đi người cha, ít lâu sau, hai mẹ con rời bỏ xóm làng ra dựng tạm túp lều trước cổng chùa Minh Châu, bán nước cho người đi qua đường và bán hương, cau cho người vào lễ chùa. 
Minh Châu tự vốn là ngôi chùa nổi tiếng trong vùng, một hôm có 2 vị thiền sư đến chùa Minh Châu giảng kinh Phật, một vị là Lý Vạn Hạnh trụ trì chùa Tiêu, một vị là Lý Khánh Văn trụ trì chùa Cổ Pháp. Thấy hai mẹ con cô gái bán nước ở cổng chùa Minh Châu là người phúc đức nhân hậu, nên 2 vị sư rất quý mến. 
Nguon goc vua Ly Cong Uan: Mo ho ve ba Pham Thi-Hinh-3
Ngay sau chùa Minh Châu là xóm Đường Sau, nơi Lý Công Uẩn ra đời. 
Ít lâu sau, người mẹ không may qua đời, cô gái được sự dẫn mạch của 2 vị sư bèn dời mộ cha và thi hài mẹ an táng cùng mộ chỗ gò đất có hình rồng ấp ven rừng Miễu. Từ đấy, cô gái Phạm Thị Ngà về làm thủ hộ, giúp việc cho sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu. Một đêm, cô gái ngả lưng thiếp đi trước cửa chùa, cô mơ thấy một vị thần nhân bước qua người mình. 
Tỉnh dậy, cô thấy người khác lạ, mang thai từ đấy. Không dám ở lại chùa Tiêu, cô gái lại trở về chùa Minh Châu, sư thương tình cho cô nương náu. Sắp đến ngày mãn nguyệt khai hoa, cô xin phép nhà chùa trở lại xóm cũ Đường Sau nơi có túp lều xiêu vẹo của cha mẹ và sống với cuộc đời thầm lặng. 
Trong một đêm mưa rét đầu xuân vào tháng Hai năm Giáp Tuất (974), những người hàng xóm bỗng thấy sự lạ lùng, túp lều của cô gái bỗng sáng rực hào quang, và tiếng trẻ sơ sinh cất lên lanh lảnh. Trong cơn đau, cô gái mơ màng thấy 3 bà mụ như từ trên trời hiện xuống đỡ đẻ cho cô. Đứa trẻ sinh ra khôi ngô tuấn tú, dưới hai bàn chân đều có chữ “vương”. 
Nguon goc vua Ly Cong Uan: Mo ho ve ba Pham Thi-Hinh-4
Thạch trụ ở miếu thờ bà Phạm Thị Ngà –  xưa các quan qua đây phải xuống ngựa. 
Điềm báo “Tuất Thiên tử”
Trải qua 3 năm vất vả nuôi con, người mẹ Phạm Thị Ngà sinh bệnh nặng. Một tối, người mẹ ôm con đến chùa Cổ Pháp (chùa Dận), ngôi chùa nổi tiếng trong vùng do sư Lý Khánh Văn trụ trì. Trước đó, sư Lý Khánh Văn đã thấy nhiều chuyện lạ: con chó trong chùa đẻ một con chó con lông trắng khoang đen có hình chữ “Tuất Thiên tử”. 
Tối đó, trong giấc ngủ, sư Lý Khánh Văn chiêm bao thấy thần hiện lên báo mộng, cho biết giờ Tý đêm nay có đế vương đến ngự. Vị sư choàng tỉnh dậy, sai tiểu quét dọn chùa, còn ông thắp hương tụng niệm. Đúng giờ Tý, bỗng nhiên con “Tuất Thiên tử” sủa vang và vẫy đuôi mừng rỡ chạy ra cổng chùa. 
Sư bèn chạy ra, thấy một người đàn bà rách rưới, đội chiếc nón mê, tay ôm đứa trẻ. Sư ông nhận ra người đàn bà chính là cô gái ở chùa Minh Châu trước kia, bèn đưa vào hỏi han sự tình. Nhà sư biết đứa trẻ này tuổi Tuất, khôi ngô tuấn tú, dưới chân lại có chữ Đế Vương thì vui mừng khôn xiết. 
Bà Phạm Thị gạt nước mắt, một mình quay về xóm cũ đến gò đất ven rừng thì gục xuống, qua đời trên đường. Tương truyền nơi người mẹ nằm xuống chính là nơi “liên hoa khai bát điệp” - một trong những huyệt mộ đế vương.
“Qua di tích mà truyền thuyết đã kể kết hợp với các văn bản chính sử và dã sử có thể xác định được rằng, làng Dương Lôi xưa thuộc hương Cổ Pháp là quê mẹ vua Lý Công Uẩn”, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền.
Trần Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét