Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Nhớ hoài trò chơi tuổi thơ

NGUYỄN NGỌC TUYẾT 

(Dân Việt) Nhìn bọn trẻ, ngay cả mùa hè cũng túi bụi chuyện học hành dù mới chỉ ở bậc tiểu học mà thấy mệt. Đâu rồi cái cảnh tượng đẹp đẽ “Chín mươi ngày nhảy nhót ở vùng quê” như ngày nào!

   

nho hoai tro choi tuoi tho hinh anh 1
Những trò chơi quê như đánh chuyền đang dần trở nên xa lạ với trẻ em ngày nay. (ảnh IT)
Không còn những trò chơi dân dã như đánh chuyền, chuyền một, chuyền hai, chuyền ba với trái banh quay tít tuổi thơ; không còn trò chơi “cò chẹp” cùng niềm vui mài mỏng một miếng gạch nhỏ làm đồng chàm đi hết vòng để được cất nhà; không còn những sợi dây quay vòng để bạn bè nhảy vào nhảy ra trong tiếng cười giòn, cũng không còn những con thuyền giấy thả lềnh bềnh trong mưa mang theo bao ước mơ tuổi nhỏ. Và ngay cả một cánh diều thả lên trời cao vào những ngày gió lộng sau tết bây giờ cũng nào phải được chắt chiu từ đôi tay vuốt nan, dán giấy, kết đuôi của các bậc cha mẹ như ngày xưa, tất cả đều là sản phẩm công nghiệp đó thôi…
Ngẫm lại, những trò chơi tuổi nhỏ bây giờ hầu như ở trong phòng quạt máy, máy lạnh hơn là tiếp cận với thiên nhiên, với gió mây, sông rạch, đất trời lồng lộng, thênh thang. Thêm vào đó, những món đồ chơi trong tay trẻ thường được mua ở cửa hàng, ở siêu thị với biết bao kiểu dáng phong phú đa dạng chứ không hề là những thứ trẻ cặm cụi, nắn nót làm ra với niềm vui sáng tạo của chính mình.
Sao nhớ quá những con chuồn chuồn tre, những con rít, con cào cào thắt bằng lá dừa cùng chiếc kèn quấn lá thổi te...te... như tiếng dế gáy đêm khuya. Nhớ quá những cọng cỏ đuôi chồn thắt hình con chó, con chuột hay những cọng tim bức trắng nõn tạo hình em bé có đủ chân tay rồi lấy mực đỏ, mực xanh vẽ mặt, vẽ áo để đưa lên trời cất cao lời hát: “Cào cào bay xuống đây chơi/Tao may áo đỏ áo xanh cho mày…”.
Ôi, những trò chơi con nít! Tôi yêu hai chữ “con nít” ấy biết bao! Cái thời con nít ấy của tôi, của mấy đứa con tôi dường như đã khác quá với bây giờ. Cuộc sống vươn lên, bước đi vùn vụt mà sao tôi cứ bâng khuâng về những trò chơi cũ kỹ của một thời, về những không gian rộng rãi thênh thang bạn bè chơi giỡn và tiếc nuối mãi cái không khí ấm cúng của những câu chuyện kể từ miệng người mẹ, người bà với câu mở đầu “Ngày xửa, ngày xưa...”.

Ký ức trò chơi dân gian của tuổi thơ quê

authorBài và ảnh: Hoàng Lê 

(Dân Việt) Ngày ấy, quê tôi còn nghèo lắm, lâu lâu mới được ra chợ huyện một lần. Mặc dù vậy, nhưng tuổi thơ của bọn trẻ chúng tôi luôn đầy ắp tiếng cười với biết bao trò chơi ngộ nghĩnh.

   
Đó là những buổi chiều chạy ra đồng thả diều cùng chúng bạn, những buổi trưa ngồi trên lưng trâu dạo khắp cánh đồng xa; và, tuổi thơ của chúng tôi còn vang mãi tiếng cười với những trò chơi quê mà lũ trẻ “con nhà nghèo” chúng tôi cảm thấy vô cùng thích thú.

Ở đầu làng tôi có một bãi đất trống bỏ hoang, đó là nơi để chúng tôi tụ tập về đây để chơi “tạt lon” (còn gọi là chọi lon). Chỉ cần dăm ba đứa với một cái lon sữa bò là có thể chơi trò chơi này. Nói về luật chơi “tạt lon” đơn giản lắm. Một đứa giữ lon, số còn lại thì cố gắng dùng dép “tạt” cho ngã lon để đứa khác có thời gian mà chạy về đích. Vậy mà, đứa nào đứa nấy cười vang khi có đứa bị bắt giữ lon đến mệt nhoài, phải năn nỉ nhờ đứa khác coi giúp.
ky uc tro choi dan gian cua tuoi tho que hinh anh 1
Chơi trò “tạt lon”vẫn được "lưu truyền" cho đến thời nay (ảnh tác giả)
Có khi, đông đứa chúng tôi không chơi tạt lon mà chơi trò “trốn tìm” (còn gọi là trốn kiếm). Đây là trò chơi không cần phải dùng bất cứ vật dụng gì, càng đông thì trò chơi sẽ càng thêm thú vị. Để tiến hành, chúng tôi chọn một gốc cây thật to và giao cho một đứa giữ (gọi là giữ “tùng”), số còn lại thì chạy trốn xung quanh, không để đứa giữ “tùng” bắt được. Có đứa trốn thật xa gốc cây, chờ đến khi nào người giữ “tùng” chịu thua thì mới chịu ra ngoài “xuất đầu lộ diện”.

Chiều đến, khi lúa gặt xong, nồm nam gió thổi, chúng tôi lại tụ hội ra đồng để chơi thả diều thi, diều của ai bay cao nhất thì sẽ thắng. Có thể nói, thả diều là trò chơi hấp dẫn chúng tôi nhiều nhất. Bởi vì, khi diều no gió lên cao, chúng tôi sẽ được tận hưởng cái không gian khoáng đạt quê nhà, một chút ánh nắng nhạt ban chiều, một chút gió nhẹ miền quê mà trong lòng khoan khoái. Có khi mãi giương mắt theo những cánh diều giấy no gió vi vu mà quên mất không kịp về nhà, để mẹ phải chạy ra đồng gọi vang khi trời nhá nhem tối.
ky uc tro choi dan gian cua tuoi tho que hinh anh 2
Trò chơi quê kéo co đã có mặt trong nhà trường. (ảnh tác giả)
Tuổi ấu thơ của chúng tôi là vậy, không tốn nhiều tiền như nơi chốn thị thành với các trò chơi giải trí thu hút trẻ nhỏ vào những dịp cuối tuần hay nghỉ lễ. Ấy vậy mà, chúng tôi đều cảm thấy hân hoan, trò chơi ấy luôn theo chúng tôi cả khi vào giấc ngủ.

Giờ đây, các trò chơi dân gian ấy đã có mặt trong các nhà trường hay nơi công viên dùng để cho trẻ em thư giãn sau những ngày đi học; mặc dù luật chơi, cách chơi có thay đổi tân tiến hơn nhiều. Mỗi lần nhìn thấy bọn trẻ tiến hành các trò chơi, tôi lại nhớ nhà da diết. Đối với tôi và đối với đám bạn nghèo vẫn luôn mang bên mình những trò chơi ấy trong cuộc sống hôm nay. Để khi nhớ lại quê hương, trong lòng lại cảm thấy nao nao với những tiếng cười nói rôm rả vang động xóm làng cùng với những trò chơi quê quen thuộc.

Những trò chơi dân dã tuổi thơ của 7x, 8x


Khác với trẻ em thời nay thường tới các trung tâm thương mại, hay khư khư trên tay các thiết bị điện tử, tuổi thơ của thế hệ 7x, 8x đã gắn liền với những trò chơi dân dã, khó quên.

   
1. Bịt mắt bắt dê

Bịt mắt bắt dê là trò chơi được nhiều thế hệ trẻ thơ yêu thích. Để chơi được trò này, có một người "bị", phải lấy khăn bịt mắt. Những người còn lại chạy xung quanh, đến khi một người hô bắt đầu thì phải đứng yên thành vòng tròn xung quanh người "bị". Người "bị" sẽ quờ tay tìm kiếm, nếu bắt được "dê" thì phải đoán được tên "dê". Nếu đoán trúng, con "dê" bị bắt trở thành người "bị" tiếp theo.
nhung tro choi dan da tuoi tho cua 7x, 8x hinh anh 1

Ở nhiều nơi, trò chơi này được biến tấu đi, "dê" chạy xung quanh, vỗ tay, gọi tên người "bị". Người "bị" phải nghe theo tiếng, xác định phương hướng xem "dê" ở đâu để đi bắt.

2. Trốn tìm

Có lẽ, không ai ở thế hệ 7x, 8x là chưa chơi trốn tìm năm, mười. Kể cả các bạn trẻ 9x, 10x cũng rất "cuồng" trốn tìm năm, mười mỗi khi có hội cùng chơi.
nhung tro choi dan da tuoi tho cua 7x, 8x hinh anh 2

Người bị sẽ bịt mắt, thường úp mặt vào tường, đếm "năm, mười, mười lăm, hai mươi,...", cho tới một trăm. Trong thời gian đó, những người khác đi trốn. Sau đó, người "bị" đi tìm. Ai bị phát hiện sẽ phải làm người đi tìm trong lượt tiếp theo.

3. Ô ăn quan


Ô ăn quan là trò chơi trí tuệ rất được trẻ em thế hệ xưa yêu thích. Ngày nay, bọn trẻ ít khi chơi trò này, bởi bố mẹ thường thích cho con rèn trí tuệ bằng các trò chơi hiện đại. Ngoài ra, các ông bố bà mẹ cũng không thích con vẽ bẩn ra nhà, ra sân, trong khi trò ô ăn quan cần một bàn cờ, thường được vẽ bằng phấn.
nhung tro choi dan da tuoi tho cua 7x, 8x hinh anh 3
Trò chơi đơn giản mà mê mẩn bao thế hệ

Bàn cờ ô ăn quan là hình chữ nhật lớn chia làm 10 ô nhỏ, hai đầu có hai vòng cung lớn. Ở hai ô to đặt mỗi ô một viên sỏi lớn, tượng trưng cho quan, các ô nhỏ mỗi ô đặt năm viên sỏi nhỏ, tượng trưng cho quân.

Trò chơi ô ăn quan có hai người tham gia. Cách chơi rất đơn giản, chỉ cần lấy sỏi trong một ô để rải. Nhưng để chiến thắng cần phải tính toán đường đi, nước bước khôn ngoan.

4. Trồng nụ trồng hoa

Trồng nụ trồng hoa là trò chơi được các chị em 7x, 8x rất ưa thích khi còn nhỏ. Trong trò này, có hai người "bị" cùng một lúc. Hai người này sẽ ngồi duỗi chân, chạm vào nhau làm mầm, rồi sau đó dần dần đặt bàn chân, bàn tay lên trên để làm thành nụ, thành hoa,... Những người chơi còn lại lần lượt nhảy, qua là thắng, không qua là thua, phải vào làm người "bị".
nhung tro choi dan da tuoi tho cua 7x, 8x hinh anh 4

Trò chơi dân dã này cực kỳ phổ biến với các thế hệ 7x, 8x. Đến tận bây giờ, trong các trường mầm non, trò chơi này vẫn được sử dụng để rèn luyện sức khỏe cho trẻ. Tất nhiên, nụ, hoa chỉ được "trồng" thấp, để không gây nguy hiểm cho các bé.

5. Gọi màu


Chẳng biết trò chơi gọi màu do ai nghĩ ra và phổ biến, chỉ biết, khoảng 10-20 năm về trước, chẳng đứa trẻ nào là không biết đến trò chơi dân dã này. Luật chơi cực kỳ đơn giản, oẳn tù tì, ai thua phải đứng lên trên một quãng xa với những người còn lại.
nhung tro choi dan da tuoi tho cua 7x, 8x hinh anh 5

Người "bị" sẽ gọi tên màu sắc, trên trang phục của ai có màu đó thì bước lên trên một bước. Cho đến khi có người chạm được vào người "bị", tất cả sẽ phải đứng lên gần người "bị". Sau đó, đọc một bài vè, hoặc đếm số. Khi kết thúc, tất cả chạy về vạch xuất phát, người "bị" đuổi theo sau. Nếu bắt được ai, người đó sẽ phải lên đứng "bị" lượt kế tiếp.

Nhớ về tuổi thơ, bất kể ai 7x, 8x cũng đều mỉm cười vì nhớ đến những lúc soi từng milimet trên trang phục để tìm màu chuẩn; những lúc cãi cọ xem logo trên áo màu hồng hay màu tím,...

6. Nhảy dây

Ngày xưa, mỗi khi đến lớp, trong cặp sách của cô học trò nào cũng có một sợi dây nối từ dây nịt (dây chun). Mỗi lần tới giờ ra chơi, mọi người lại cùng nhau đem ra nhảy.
nhung tro choi dan da tuoi tho cua 7x, 8x hinh anh 6

Có hai người "bị" đứng cầm hai đầu dây, nâng từ thấp tới cao theo các bậc: dẫm, gót chân, đầu gối, hông, nách, mang tai, đầu, gang tay, sải tay. Có hai kiểu chơi: dây một, dây hai. Dây một thì chỉ cần nhảy qua là xong, dây hai thì phải nhảy thành bài: nhảy vào giữa, hai chân sang hai bên dây, hai chân vào trong dây, rồi nhảy ra ngoài. Nếu chơi theo đội, có người trong đội không nhảy được, một người khác giỏi hơn sẽ phải cứu bằng cách nhảy thay phần của người kia.

Trò chơi nhảy dây gắn liền với hình ảnh các nữ sinh Việt Nam, từ thế hệ 7x, 8x cho đến bây giờ, nó vẫn là trò chơi phổ biến trong giờ ra chơi ở các trường học.

7. Chơi chuyền

“Cây mốt, cây mai, lá trai, lá hến, con nhện giăng tơ, quả mơ có hạt...” là bài đồng dao mà thế hệ 7x, 8x thuộc nằm lòng. Đây là trò chơi được đọc cùng mỗi lần chơi chuyền.
nhung tro choi dan da tuoi tho cua 7x, 8x hinh anh 7

Để chơi trò này cần 10 que nhỏ (thường là bó đũa) và một vật hình tròn (ngày xưa thường dùng quả cam, quả quýt; sau này sử dụng bóng tennis). Cầm quả cầu ở một tay tung lên, nhặt từng que ở tay còn lại, cho đến hết bài đồng dao là thắng, hoặc làm rơi quả cầu thì mất lượt.

Thời trước, trò chơi này rất được thế hệ 7x, 8x ưa thích. Một vài bạn trẻ đầu 9x còn biết chơi chuyền, còn trẻ nhỏ bây giờ hầu như không biết tới trò chơi này. Quả thật rất khó để tìm được hình ảnh một bé gái ngồi trước cửa nhà, tung bóng, nhặt đũa chơi chuyền ở thời điểm hiện tại, nhất là tại các thành phố lớn.

8. Cướp cờ
Cướp cờ là một trò chơi dân dã khá phổ biến, thậm chí, nó còn được sử dụng trong giờ thể dục ở các trường học để tạo không khí vui tươi.
nhung tro choi dan da tuoi tho cua 7x, 8x hinh anh 8

Cờ được đặt ở giữa (có khi thay bằng dép, ống lon). Hai đội đứng ở hai vạch xuất phát, được đánh số. Trọng tài ở ngoài hô số nào, người mang số ấy đi lên, cố gắng cướp cờ về đội mình. Nếu thấy hai người được gọi quá lâu, trọng tài có thể gọi thêm số khác lên hỗ trợ, hoặc "tổng động viên" cả đội.

9. Bắn bi


Những viên bi đầy màu sắc luôn là vật bất ly thân của các bé trai. Trò chơi này đòi hỏi độ chính xác, sự khéo léo cao. Cách bắn bi khác nhau ở miền Nam và miền Bắc. Ngoài Bắc, có hai cách thường được sử dụng:

Cách thứ nhất, kẹp viên bi giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa, móng của ngón giữa tiếp xúc với đốt ngón tay cái. Nhằm về mục tiêu rồi bật ngón tay trỏ cho viên bi bắn ra.

Cách thứ hai, ngón tay trỏ cuộn viên bi vào giữa, gập ngón tay cái vào phía trong ở phía sau bi. Nhằm về mục tiêu rồi bật ngón tay cái cho bi bắn ra.
nhung tro choi dan da tuoi tho cua 7x, 8x hinh anh 9

Ở miền Nam, bi được bắn bằng hai tay, tay trái ngón cái, trỏ và giữa kẹp viên bi, tay phải ngón cái chấm đất ngón giữa đặt sau viên bi, nhắm mục tiêu rồi bật ra.

Ngày xưa, hầu hết các bé trai đều sử dụng bi ve màu xanh. Nếu ai có viên bi sứ trắng, to gấp đôi bi ve bình thường là thuộc hàng "sang chảnh", là mơ ước của nhiều đứa trẻ khác.

10. Nhảy lò cò


Nhảy lò cò là trò chơi được cả phái nam lẫn phái nữ yêu thích. Trò chơi này còn có tên là nhảy ngục, bởi người chơi nhảy trong một ô được vẽ trên mặt đất.
nhung tro choi dan da tuoi tho cua 7x, 8x hinh anh 10

Người chơi thường dùng phấn vẽ lên nền gạch xi măng ô nhảy lò cò, mỗi nơi lại có một cách vẽ khác nhau, sau đó nhảy lên các ô này theo luật. Trò chơi còn có luật tậu ruộng, bằng cách đứng quay ngược lại ném một mảnh ngói nhỏ, hoặc quả cầu giấy cuộn lại, trúng ô nào là ô đấy thành ruộng của người đó, người khác không được nhảy vào.

Nhảy lò cò là trò đơn giản, dễ chơi, giúp rèn luyện sức khỏe, được đông đảo trẻ em từ nông thôn ra thành phố yêu thích.

11. Chơi đánh khăng

nhung tro choi dan da tuoi tho cua 7x, 8x hinh anh 11
Ảnh minh họa trong bài có nguồn từ Internet.

Đánh khăng (hay Đánh trỏng ở miền Nam), còn gọi là chơi khăng là một trò chơi dân gian của Việt Nam. Đây là trò chơi tập thể ngoài trời chủ yếu dành cho con trai và được thấy ở nhiều nơi trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Theo Tri thức trẻ
Trăng nay nhớ trung thu xưa và trò chơi dân gian

(Dân Việt)- Thời tiết dịu mát, việc nông thư nhàn, ánh trăng sáng đẹp nhất trong năm… Đó là những lý do để trẻ em nông thôn xưa có tối trung thu vô tư, hồn nhiên và sôi động tuyệt vời qua những trò chơi dân gian.

   
Ai trong lứa tuổi thiếu nhi xưa mà không biết một vài trò chơi dân gian trong đêm trăng nơi ven đê, sân đình, sân kho hợp tác xã…? Đêm trăng quê ngày ấy không có ánh điện nên lúc nào cũng thấy sáng trong, kỳ ảo. Và đó chính là nguồn thôi thúc tính hiếu động, ưa hoạt của tuổi đang lớn hòa quyện nơi sân chơi.
Ven đê sông Đáy - nơi có những “sân chơi” tuyệt vời
Những trò chơi dân gian, không biết từ đâu, đã đáp ứng rất tốt nhu cầu nhiều lứa tuổi, nhất là tuổi trẻ. Điều rất dễ nhận thấy là, những show game ngày xưa rất bình dị, chân mộc nhưng luôn có tính “hướng thiện”, hướng mỗi cá nhân vào những hoạt động lành mạnh, tính tập thể…
Nhân dịp Trung thu 2011, Dân Việt xin giới thiệu một vài trò chơi dân gian dưới trăng tuổi thiếu nhi của vùng Xứ Đoài (Sơn Tây) xưa.
1. Chuột nhử Mèo
Số lượng người chơi: 6-7 em trở lên.
Cả nhóm các em cử ra (hoặc “oẳn-tù-tỳ”) 01 em làm chuột. Còn lại là mèo, ngồi bệt thành vòng tròn quay mặt vào tâm, hai tay quơ ra phía sau lưng đón mồi. Em “chuột” cầm chiếc khăn (mồi) chạy quanh ngoài vòng tròn và kín đáo thả khăn sau lưng một “mèo” nào đó, cố gắng đừng để mèo đó biết…
Chạy hết một vòng, nếu chuột phát hiện thấy mèo kia chưa biết có khăn mồi sau lưng, thì chuột có quyền cầm khăn mồi lên mà quất mạnh vào vai, vào lưng của chú mèo mất cảnh giác… Mèo bị thua phải đứng dậy chạy quanh tránh đòn, rồi về ngồi lại chỗ cũ thì thoát.
Nếu mèo ranh ma hơn mà phát hiện khăn mồi sau lưng, thì cầm khăn đứng lên và lao đi đánh đuổi chuột kia quanh vòng tròn. Chuột tránh đòn phải chạy nhanh hết vòng và ngồi vào vị trí của mèo bỏ lại mới thoát.
Trò chơi cứ thế liên tục với “chú chuột” mới chính là… “mèo” thắng cuộc.
2. Nhảy vòng
Số lượng người chơi: 10 em trở lên, chia làm 2 đội chơi.
“Oẳn-tù-tì” chọn ra đội nhảy trước (đội A). Đội còn lại (đội B) cầm tay nhau ngồi xổm, tạo nên một “hàng rào” vòng tròn. Từng cặp “bàn tay liên kết” đặt chùng xuống chạm mặt sân chơi làm “cửa bẫy”, sẵn sàng hất lên khi đối thủ nhảy qua…
Các thành viên đội nhảy A đi lại quanh vòng ngoài, chọn thời điểm mất cảnh giác của một cửa bẫy đội B để bất ngờ nhảy lọt vào trong vòng. Nếu được, đội B phải “mở cửa” đúng vị trí đó cho cả đội A vào. Đội A thắng trận lại tìm cơ hội khác để vượt vòng đội B ra ngoài. Và cứ tiếp tục ra vào như vậy nếu đội nhảy còn thắng…
Trường hợp cửa bẫy của hàng rào đội B kịp thời hất lên tạo chướng ngại vật và chạm được vào chân người nhảy của đội A, thậm chí có thể gây ngã đối thủ, thì đội A coi như bị thua và phải ngồi xuống thay thế tạo vòng nhảy cho đội B xung trận…
Lưu ý, cặp “bàn tay liên kết” khi hất lên gây chướng ngại có thể cao thấp tùy ý, nhưng người chơi của đội tạo vòng nhảy phải luôn ở nguyên tư thế “ngồi xổm”. Nếu cặp nào đó đứng lên để hất là vi phạm nội quy chơi và đội chơi coi như thua trận ấy.
Quán làng Ngái (Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội) nay vẫn là nơi hội tụ của những trò chơi dân gian trong các dịp lễ, tết
3. Cam quýt mít dừa…
Trò chơi này cần 08 người chơi, lứa tuổi khoảng 8-13.
Một người được cử ra làm người “cầm cái” đứng ngoài, 7 người còn lại xếp thành hàng ngang và đựoc đặt tên thứ tự theo 7 loài quả: Cam – Quýt – Mít – Dừa – Dưa – Hồng – Cậy. Mỗi người đứng độc lập với nhau và đưa hai bàn tay ra sau lưng, đan vào nhau tạo thành một cái “bát hứng”. Tất cả đều hướng về một vạch làm “đích” phía trước – cách hàng ngang khoảng 10-15 mét.
Trò chơi bắt đầu khi chủ “cái” đi phía sau hàng ngang, cầm một vật nhỏ làm “cái” (quả bóng bàn hay hòn sỏi cuội chẳng hạn) bí mật bất ngờ đặt vào “bát hứng” của bất kỳ ai trong 7 người chơi kia. Người vừa đựợc đặt “cái”, cũng phải hết sức bí mật bất ngờ, cầm chặt “cái” và chạy vụt lên phía đích, làm sao tránh đựợc cú đá của 2 người đứng sát bên.
Người may mắn này chạy về tới đích và có quyền gọi tên của bất cứ bạn chơi nào (gọi theo tên quả) đứng dưới hàng ngang, lên đích cõng hoặc công kênh mình về hàng, trong tiếng vỗ tay reo hò của cả đội chơi. Sẽ thật vui khi người bị lên cõng cứ loay hoay, ì ạch mãi không cõng được bạn vì sức vóc yếu ớt hơn của mình!
Tất cả các trường hợp, người đựợc đặt “cái” bị cú đá của bạn chơi chạm phải, hoặc lúng túng làm rơi “cái” xuống sân, đều là không thành công. Người đó coi như “mất lộc” và phải trở về vị trí cũ, để trò chơi tiếp tục như bắt đầu…
Nguyễn Bình 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét